Vắt Cơm Đổ Bỏ

Jolie

Member
Chiến tranh ngưng bất chợt. Mọi người nhốn nháo tìm đường chạy. Chỉ có mẹ bình chân như vại. Hằng ngày, nào thấy mẹ tắm rửa, vậy mà liên tục lúc này mẹ ra hồ nước chứa, xối ào ào, có khi ngày hai lượt. Nắng hè soi rực lên bả vai trần, mẹ đã cố kéo cao cạp quần che phía trước ngực, vậy mà những tia lấp lóa màu vàng vẫn nhảy múa linh tinh trên người mẹ.


Tôi đem nỗi băn khoăn trình bày với mẹ : người ta chạy đôn chạy đáo, sao mẹ chẳng có vẻ gì lo. Mẹ nói lảng đi : chờ mãi mới có ngày hòa bình, chẳng lẽ lại bỏ quê hương mà ra đi. Nhưng tôi vẫn áy náy về chuyện ân đến oán trả nên sợ.


Trái lại, bà có vẻ kín tiếng, thờ ơ trước thời cuộc bên ngoài. Buổi tối cả nhà ngồi, mỗi người nghĩ một phách. Bà thỉnh thoảng thở dài. Căn nhà rộng mênh mông, đom đóm bay lập lòe nơi bóng tối phủ kín những bụi cây trong vườn. Tiếng sóng rất nhẹ từ ngoài hồ mơn trớn bực gạch, nghe róc rách, róc rách.


Tôi âm thầm bỏ mọi người, lẳng lặng trèo lên căn gác, ngồi nhìn mông lung ra hồ. Hà Nội ở rất xa, lóa trong màu vàng những ngọn điện lẻ loi của một thành phố sắp thay đổi. Tôi dấu kín nỗi lo vào hồn, một chút le lói nào đó chợt đến chợt đi.


Hôm kia, tôi đã đạp xe một vòng khắp Hà Nội. Kinh kỳ vắng hẳn đi, uể oải, lười biếng. Những khuôn mắt thẫn thờ ráo hoảnh nháo nhào nhìn lơ đãng. Những mái ngói đổ ụp xuống, nặng nề như muốn sụm vì chịu đựng. Xe điện vẫn leng keng chạy, nhưng chậm chạp và rất vắng khách. Gió hồ Gươm xao xuyến, bâng khuâng.


Chừng một tuần thì bộ đội kéo về. Tiếng hát oang oang bài năm cửa ô đón mùng đoàn quân trở về thi nhau vọng lanh lảnh. Mẹ tất bật chạy ra ngõ, nhìn khắp lượt, rồi lại quay vào, ngong ngóng chẳng yên.


Mãi đến một tuần sau thì nhà có khách. Người đàn ông đeo cái xà cột, vai co, đầu đội nón cối, lững thững bước vào nhà. Mẹ đưa tay che miệng ngăn tiếng ồ ngạc nhiên, đến nỗi không bật ra lời. Bà cũng chỉ kịp kêu “ ơ kìa “ rồi mở tròn mắt ra xem.


Người đàn ông rón rén ngồi xuống phản, một tay thu dấu dưới xà cột. Mẹ bẽn lẽn đến cạnh bên, nhìn chăm chăm vào ông ta rồi thưa : ông đã về. Người khách gật gù cái đầu, không trả lời. Tôi bước vô vừa đúng lúc, mẹ đùn tôi về phía khách, nói với ông : đây là con. Ông khách nhìn lên hững hờ, không chớp mắt.


Lâu lắm mới nghe ông nói : nó chóng lớn nhỉ. Và ông nhìn ra xa. Tôi nắm lấy tay mẹ hỏi vặn : con là con ông ấy à. Mẹ gật đầu. Nỗi im ắng ngập tràn khắp chốn. Tôi không nhịn, hỏi giật giọng thì mẹ nói sẵng : phải. Tôi bâng khuâng đứng ì ra đó, không biết phải làm gì.


Thì ra mẹ nhất quyết không đi là vì cố chờ người này. Tôi bùi ngùi, nhưng chả lẽ mãi vô tình trước người sinh ra mình, nên tôi cố thưa : con chào bố. Tôi thấy một giọt nước mắt lăn nhanh nơi đuôi mắt ông và người khách quay mặt đi vì xúc động.


Hai bố con ngỡ ngàng vì sự đối mặt nhau bất chợt. Một tình huống khó xử gây gánh nặng nơi cả hai. Chợt khách dang tay đón tôi, vẻ lúng túng làm tôi khựng. Rồi tình cảm tràn ập lôi cuốn tôi vào vòng xoáy, tôi đổ nhào vào tay ông. Nỗi thút thít khiến tôi chỉ kịp kêu : bố, và tôi khóc. Bà và mẹ cũng thi nhau kéo vạt áo giặm vết lệ hoen vừa đổ ra.


Tôi trân trân nhìn bố, còn ông ngồi chết lặng ở phản. Vai tôi rung rung không ngớt, một lúc chợt tôi vục vào người ông. Tôi có cảm tưởng vừa va vào một cội cây khô khốc và kiệt nhựa. Người khách cũng chỉ thốt được một câu “ con “ rồi thôi. Mẹ lăng xăng giữa bố và tôi, hớn hở ra mặt : mãi đến 9 năm bố con mới gặp nhận ra nhau. Mẹ nói mà hai mắt đỏ hoe.


Bố rút bàn tay ở dưới xà cột định xoa lên tóc tôi, nhưng đột ngột nhận ra là chỉ còn trơ một cái cùi với vết sẹo khâu nhăn nhúm. Bố thở dài ảo não, tôi xót xa cho bố. Cuộc gặp đầy bi kịch éo le và rách mướp rồi cũng phải chấm dứt.


Bà giục mẹ đi lo chỗ ngủ cho bố. Mẹ đon đả chạy đi, ôm cái chiếu xồng xộc chạy lên căn gác. Chân mẹ dận trên sàn gỗ nghe rào rào như chim. Một lát, mẹ xuống gọi bố đi nghỉ, bố kéo tôi theo.


Tôi đỡ bố bước lên những bậc thềm xây bằng gạch và bước vào căn buồng. Tầng trên trống trơn, chỉ là một mặt bằng thênh thang. Cửa nẻo không có, gió thông thốc từ hồ thổi vào. Bố bước ra nhìn xuống con đường nhỏ nhưng không thấy gì lại quay vào ngay. Bố mở lời nói với tôi : đêm nay hai bố con ngủ chung.


Tôi nằm xuống cạnh bố, trời êm ắng bằn bặt. Trên trính gỗ, tiếng con thạch sùng chép miệng thật ảo não. Tôi thấy bố nằm ngửa nhìn lên trần nhà. Không nói gì. Đêm rơi loãng tênh hênh. Tôi tôn trọng sự im lặng của bố nên giữ im lặng.


Bố dùng bàn tay lành lặn vuốt tóc tôi, rẽ đi rẽ lại, chia thành hai mái rồi buột miệng nói : con chóng lớn, bố không nghĩ ra. Rồi bố thở dài, quay mặt sang một bên. Tôi có ý muốn hỏi vết thương của bố, nhưng khó mở lời, vậy mà bố đoán ra ngay. Bố chìa cao bàn tay bị mất, nhìn xăm xoi, rồi nói cho tôi nghe : bố bị thương nát và đứt hết gân, may còn tháo khớp kịp, chứ không chắc bố không còn về hôm nay.


Tôi ôm chặt lấy bố, không hiểu vô tình hay cố ý, tôi thưa : con hiểu tại sao mẹ ở lại. Chắc bố biết mẹ đã chờ bố lâu rồi. Bố gật nhẹ đầu. Đêm rung rinh lập lòe trong tiếng nấc. Mắt tôi cay xè và ướt sũng nước long lanh. Bố bảo tôi : con ngủ đi, khuya rồi. Tôi kịp nghe róc rách tiếng sóng vỗ nhẹ vào chân cầu, nơi hằng ngày mẹ vẫn ra vo gạo, rồi thiếp dần đi.


Một lúc nào đó, tôi loáng thoáng thấy đang nằm lọt giữa bố và mẹ. Tôi nghe tiếng thút thít khóc, nhưng tôi cố giả vờ ngủ say, để tránh cảnh ngượng nghịu của hai đấng sinh thành. Mẹ cầm chặt bàn tay còn trơ lại cái cùi cụt ngủn xoa lên khắp mặt và nấc lên. Bố phải khuyên can : anh về được là may, em còn tủi thân khóc làm gì.


Bố từ giã đời binh đội, nhẫn nhục sống ở quê. Địa phương dốc lòng mời bố ra làm việc xã hội, bố mượn cớ vừa về cần nghỉ ngơi ít lâu, thực ra bố chán ngán không muốn làm gì cả. Suốt ngày bố quanh quẩn bên mẹ, đòi giúp mẹ chuyện này chuyện khác, nhưng mẹ không cho. Thỉnh thoảng, bà ra vào nhìn thoáng bố rồi lại bỏ đi.


Bố chăm sóc tôi, dạy cho tôi học và tập viết. Bố thường chê bai chữ tôi như cua bò và chỉ cho tôi lối cầm bút đúng cách. Bố nói bố tiếc cùi tay hỏng lại nằm bên phải nên bố không thể cầm tay tôi tập viết, nhưng bố cố tìm cách giảng giải cho tôi hiểu. Mẹ thường xen vào ngồi cạnh hai cha con, âu yếm dùng cái quạt mo cau đập phạch phạch để bố mát.


Có lúc tôi bắt gặp bố đăm đăm nhìn lên giậu mồng tơi, dáng ngẩn ngơ, nghĩ ngợi. Tôi rón rén đến cạnh bên, bố lảng đi hỏi lung tung. Vạt nắng vàng hoe lẩn khuất trên đầu hàng cây làm bố mụ người. Tôi hỏi bố nghĩ gì, bố lấp liếm kể những trận đánh liên miên ngày trước. Xí xóa những thắc mắc đang dấy lên bóp nghẹt tim tôi.


Một hôm bố dẫn tôi ra cầu ao. Bố ngồi xuống bậc thềm gạch kể cho tôi nghe chuyện thuở xa nào. Giọng bố khề khà kéo dài, mắt nhìn sâu hút vào dĩ vãng. Tôi nghe tiếng bọt nước vỡ dưới ao như nghe từng sợi lòng của bố rách toạc ra. Tôi xiết cánh tay bố thật lâu, bố để yên. Ngoài kia, hồ lung linh bóng nắng, tiếng chuông chùa từ xa vọng lan nghe thoang thoảng. Bố luôn lẩm nhẩm câu : chín năm và thôi không nói nữa.


Tình yêu của mẹ không giúp bố nguôi ngoai được nỗi lẻ loi. Mẹ càng săn sóc thì bố càng tỏ ra cay đắng. Có lúc bố chợt vui chợt buồn, có lúc lại choàng giận lên vô cớ. Bà nhìn bố lo sợ, mẹ thì nhiều ngỡ ngàng.


Chỉ duy nhất một lần tôi nghe bố than : mình giờ ví như vắt cơm đổ bỏ. Tôi dấu tiệt không nói cho ai biết. Âm thầm chôn dấu vào trong lòng để chỉ đêm đến ứa vào giọt lệ cạnh bố.


Từ đó thỉnh thoảng tôi gặp mẹ khóc một mình. Thấy tôi, mẹ vội kéo vạt áo lên lau và kêu bụi quá.


Đỗ Thành





 
Back
Top