Văn chương thiên cổ sự

Jolie

Member
Gần trung tâm thôn Phương Trì có một cái ao lớn, lâu nay làm ao chung của cả thôn. Vào thời khoa học chưa làm ra thuốc kích thích, thức ăn tăng trọng cho gia súc thì cái ao này cung cấp đủ bèo tây cho cả thôn nuôi lợn. Thời này,...người Phương Trì không dùng rau bèo nuôi lợn nữa, dù giá trị có giảm xuống, nhưng cái đám bèo tây khổng lồ trong cái ao này vẫn có tác dụng hút khí độc hại, nhả ôxy, tăng sức khoẻ cho con người. Nhưng những năm gần đây Phương Trì xảy ra nhiều chuyện bê bối đến độ, trưởng thôn Chu Thị Xuyên phải tìm đến thầy phong thuỷ để xin trợ giúp. Thầy phong thuỷ phán:


- Thôn làng của cô có một cái ao cá hay cái đầm gì đó to rộng lắm! Cái ao này ngày xưa có linh khí. Thôn làng thịnh suy là ở cái linh khí, thần khí ấy…


Xuyên đem chuyện này nói với mấy vị chức sắc của thôn. Bàn cãi mãi rồi các vị nhận định: Nếu cái ao có khí thiêng thật thì khí ấy đang ám vào làng theo chiều hướng tiêu cực. Dân Phương Trì nghèo khổ mãi, học hành ngày một suy vi, hư hỏng ngày càng bùng phát… Vậy thì thượng sách là lấp cái ao đó đi.


Xuyên cũng thấy việc lấp ao là hợp lẽ. Xuyên có kiến thức cao đẳng thương mại, từng làm việc ở Công ty thương nghiệp huyện hơn chục năm. Cách đây chưa lâu, Công ty ấy bị tư nhân cạnh tranh, buôn bán tập thể gặp khó khăn, Xuyên xin nghỉ đóng bảo hiểm chờ đủ năm công tác sẽ về hưu. Xuyên về làng với ý định chăm vườn rau ao cá, tiện việc chăm sóc người chồng vốn là kỹ sư thuỷ lợi bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường hàng năm nay; nhưng không ngờ cô về được ít hôm người ta đã ép cô làm trưởng thôn. Với con mắt của nhà thương mại, Xuyên đưa ngay ra một kế hoạch “đô thị hoá” rất khả thi.


Công cuộc biến ao thành chợ, thành thị tứ bắt đầu. Cả làng lội xuống vớt bèo tây đẫy một ngày mới xong. Bèo chất đầy trên các lối đi, trong các khu vườn. Ba chiếc máy bơm Côle chạy xè xè suốt đêm thì cạn. Ao bèo tây không có nhiều cá tôm, nhưng người làng nhào xuống hôi tát rất đông, lũ trẻ choai choai moi lên từ những vũng bùn trằm những chú cá sộp, cá trê đen sì.


Chu Thị Xuyên tuổi bốn mươi. Sức xuân còn đang mạnh. Xuyên xắn quần lội xuống ao. Lũ thanh niên mới lớn cứ nhìn chằm chằm vào đôi bắp chân thần Vệ nữ của cô. Có đứa móc nắm bùn trát vào, nói ỡm ờ: “Bà chị giấu cặp giò đi kẻo chúng em điên mất”. Xuyên cốp vào đầu thằng bé, rồi mượn thơ Hồ Xuân Hương “Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa” đùa lại nó. Bỗng có một đứa trẻ reo lên:


- Đây có một tấm bia mộ!


Xuyên lội ào đến. Từ trong hố bùn lộ ra một tấm bia, dài khoảng 2 mét. Xung quanh tấm bia có những tảng đá lớn trông vuông thành sắc cạnh nằm chồng chéo lên nhau. Xuyên lấy xô nước lau rửa mặt tấm bia thì một dòng chữ nho hiện ra. Xuyên hỏi đám đông: “Có ai đọc được những chữ này không?”. Tất cả đều lắc đầu. Một người mách: “Lên phố huyện mà hỏi ông Dư ấy”.


Nhà ông Vũ Hữu Dư là một ngôi nhà hai tầng nhỏ, xinh xắn, mới xây, còn thơm mùi vôi ve, tọa lạc trong một đường phố nhỏ và sâu nơi thị trấn huyện. Cửa đóng chặt. Nhìn qua khe kính, Xuyên thấy ông Dư mặc bộ pigiama màu gụ đang ngồi thiền trước bàn thờ tượng Quan Thế âm Bồ tát. Xuyên đành đứng chờ. Làm trưởng thôn, hay đi họp hành, giao lưu, Xuyên có nghe người ta nói về cái căn nguyên khiến ông Dư phải lui về phố huyện để sống. Ông Dư sinh ra và lớn lên ở Phương Trì. Ông đi bộ đội vào những năm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hoà bình, ông đi học đại học rồi chuyển ngành về một tỉnh miền trung du. Ông được xem là một cán bộ vừa có năng lực vừa có đức độ. Lãnh đạo một ngành lớn của tỉnh, lắm tiền nhiều của, nhưng ông chưa hề bị điều tiếng gì. Không ít nữ nhân viên có nhan sắc lượn lờ xung quanh, chỉ cần ông khẽ liếc mắt một cái họ sẽ theo ông đến nhà nghỉ, khách sạn. Nhờ thấm nhuần Tứ thư, Ngũ kinh mà ông tự nghiêm khắc với mình, vượt qua hết thảy mọi cám dỗ. Vợ ông là một giảng viên cao đẳng sư phạm, có một vẻ đẹp nền nã, khả ái. Vũ Hữu Dư rất hài lòng về bà. Bà cho rằng, suốt thời gian sống với ông, những gì tốt đẹp nhất ông đều dành cho bà. Nhưng đùng một cái, người ta bắt được ông Vũ Hữu Dư làm tình với một con bé bán vé xổ số, da đen nhẻm, từ gương mặt đến chân tay chẳng có nét gì được xem là duyên dáng. Sự kiện này gây sốc, trấn động toàn phố huyện. Người ta không sao giải thích nổi. Tối hôm ấy, mưa xuân lất phất, ông Dư ở lại cơ quan đọc một tập tài liệu quan trọng. Xong việc, ông ra cổng làm mấy động tác thể dục cho đầu óc thoải mái. Con bé ấy đi qua nhìn thấy ông, nó xán lại mời ông mua cho nó mấy chiếc vé xố. Như có ma quỷ rình rập trong lòng xúi giục, tự dưng ông lại mời nó vào phòng ông. Vừa nói chuyện, ông vừa ngắm nghía nó. Ông thừa biết con bé này chẳng có nét nào duyên dáng, nhưng ông lại thấy cơn thèm khát dâng lên mãnh liệt, hối thúc ông một nhu cầu khám phá. Thế là ông bộc lộ tình cảm với con bé. Con bé cũng chấp nhận ông một cách vừa rụt rè, vừa táo bạo. Khi con bé làm ông thoả mãn, ông mới nhận ra nó có một tấm thân dài đuỗn, khô khỏng và hôi hám như mùi đường phố. Lúc ông tự thấy ghê tởm mình thì dường như đã muộn. Con bé khăng khăng đòi ông một khoản tiền để gọi là “bồi thường nhân phẩm” thì nó mới chịu mặc quần áo. Mấy lần ông dúi tiền vào tay mà nó vẫn chưa chịu, tiếp tục đòi thêm. Nó còn làm bộ làm tịch khóc thút thít. Tiếng khóc cứ to dần lên. Cái sự dùng dằng quái quỷ ấy đã đánh động cho người bảo vệ cơ quan và người công an khu vực ập vào. Chuyện vỡ lở. Bé xé thành to. Người ta buộc phải cho ông Vũ Hữu Dư về hưu sớm hai năm. Vợ con ông khinh miệt đến độ không thèm nhìn mặt ông, buộc ông phải ký vào đơn ly dị, nhận một khoản tiền chia tài sản, lủi thủi lui về phố huyện mua đất xây nhà, sống độc thân. Mỗi lần nghĩ lại cái chuyện với con bé bán vé xố, ông Dư lại kinh tởm mình đến nỗi có lúc toan quyên sinh. Ông cố gắng tránh thảm hoạ này bằng việc hàng ngày nếu không ngồi thiền trước Phật thì ông lại nghiền ngẫm Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử. Ông tránh những cuộc tiếp xúc ồn ào. Ông ít đi ra ngoài, nếu có thì chỉ tới đền, chùa hoặc thăm nom những người bạn thực sự thân thiết.


Chờ ông Vũ Hữu Dư thiền xong, đứng dậy, Chu Thị Xuyên mới gõ cửa. Cánh cửa mở từ từ. Ông Dư nhìn Xuyên thăm dò, ngờ ngợ. Xuyên lên tiếng trước:


- Thưa chú, cháu là Xuyên, trưởng thôn Phương Trì. Nghe tin chú biết chữ nho, cháu đến nhờ chú dịch hộ dòng chữ này…


Ông Dư nhận tờ giấy từ tay Xuyên. Nhìn dòng chữ nho, ông có vẻ đăm chiêu một lát, rồi ngước lên nói:


- Ai chép cho cháu mấy chữ này, mà chép ở đâu ?


- Cháu tự mô phỏng lấy ở một tấm bia đá chìm dưới lòng ao làng ta…


- Văn chương thiên cổ sự - Ông Dư đọc chậm chạp – ý nói rằng văn chương là chuyện của ngàn năm; không phải chuyện của một chốc một nhát, không như thứ mì ăn liền. Tấm bia có dòng chữ này là dựng trong miếu Hưng Văn của dòng họ Phan…


- Cháu nghe nói chú biết rõ về miếu này, phải không ạ ?


Thấy Xuyên có vẻ thành thật cầu thị, ông Vũ Hữu Dư mời cô ngồi xuống tràng kỷ, ông pha nước mời cô, rồi kể:


Thôn Phương Trì được vượt lập từ năm 1855, triều vua Tự Đức. Một thi nhân họ Phan đang làm quan trong triều thì xảy ra vụ Cao Bá Quát và một số thi nhân bị giết hại; thi nhân họ Phan lo mình không bảo toàn được tính mạng, cáo quan lui về một vùng quê ven sông Hồng khai hoang, lập làng. Cụ tìm đến một cánh đồng bãi hoang vu, lăn lác, lau sậy mọc cao hơn đầu người. Viên quan văn họ Phan xem phong thuỷ biết thế đất phong đăng hoà cốc; lật bụng con cua rốc thấy vàng như bôi nghệ, chân con tôm rảo đỏ như máu; biết điền trạch nơi đây màu mỡ phì nhiêu; cụ quyết định chọn làm nơi định cư. Cụ cho xây cất ngôi nhà gỗ lim, chạm trổ rồng phượng, sắm sập gụ tủ chè, hoanh phi câu đối… đúng nếp của một nhà nho phong lưu. Bấy giờ văn chương bị coi như rơm rác, mầm loạn, khoét sâu nỗi đau thế sự, cho nên thi sĩ họ Phan dù đã lui về nơi ẩn dật vẫn đau đáu ôm mộng chấn hưng, ít nhất là cho chính mình và con cháu mình. Cụ cho đào một cái ao lớn trước ngôi nhà, giữa ao để một hòn đảo, trên đảo xây một ngôi miếu, nền và cột bằng đá, mái lợp ngói lam, bên trong dựng tấm bia có 5 chữ Văn chương thiên cổ sự. Một cây cầu đá điệu đàng nối từ vườn ra miếu. Cụ đặt tên ngôi miếu là Hưng Văn. Tương truyền, khi ngôi miếu hoàn thành thì từ những bông súng dưới ao đến những khóm cỏ ven bờ đều toả một mùi thơm rất lạ, nên cụ tổ họ Phan đặt tên cho vùng đất này là Phương Trì (ao thơm). Miếu Hưng Văn trở thành nơi thờ văn chương, cũng là nơi thầy Phan dạy học trò. Trước giờ học văn, bao giờ thầy Phan cũng bắt học trò thắp một nén nhang trước bia, cầu mong cho buổi học trở thành những giờ khắc thiêng liêng. Thỉnh thoảng, có tao nhân mặc khách đến chơi, thầy Phan cũng mời họ thắp nén hương trầm trước khi đàm đạo văn chương. Sau khi cụ khuất bóng, hậu duệ cụ đời nào cũng có người phát tiết văn nhân, dù người đó sống bằng nghề thầy hay nghệ thợ. Miếu Hưng Văn thời nào cũng thơm nhang đỏ đèn, cũng có khách văn, trò văn dập dìu. Con cháu họ cũng làm ăn phương trưởng, học hành hiển đạt.


Ông trưởng tộc đời thứ 6 của họ Phan sống ở thời kỳ cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lần thứ nhất diễn ra trên miền Bắc. Khi ấy, mới ngoài 20 tuổi, ông trưởng tộc họ Phan đã làm thầy giáo cấp hai, đã viết được khá nhiều bài thơ in trên các báo ở Thủ đô. Thời kỳ này không còn trường tư thục, nhưng ông giáo họ Phan vẫn giữ gia phong của tổ tiên; thỉnh thoảng ông lại vời lũ học trò đến miếu Hưng Văn thắp nhang nghe ông giảng ngoại khoá những tác phẩm văn học mà ông tâm đắc. Ngày tết, ngày lễ; trò đến thăm ông, họ không bao giờ quên việc thắp nhang tông miếu. Thỉnh thoảng thầy giáo-thi sĩ họ Phan lại có những bạn văn từ Hà Nội về chơi; họ thắp nhang trầm đàm đạo văn chương thâu đêm.


Tất cả những cảnh tượng đó mang lại cảm giác yên hàn, vững tâm, như một điểm tựa tinh thần cho người dân Phương Trì trong thời buổi bom rơi đạn lạc; nhưng lại gây sự khó chịu, nhức buốt trong con người ông Văn Tằng. Ông này làm trưởng ban văn hoá kiêm trưởng đài truyền thanh xã. Văn Tằng cũng có máu thơ văn. Trong làng ngoài xã diễn ra sự kiện gì là Văn Tằng có thơ ngay về sự kiện đó. Cứ làm xong mỗi bài là Văn Tằng lại chỉ dẫn cho cô phát thanh viên đọc véo von trên đài truyền thanh. Nhiều lần Văn Tằng gửi bài cho các báo ở Hà Nội, nhưng y chỉ đọc thấy tên mình trong mục Thư cộng tác viên mà chẳng bao giờ được đăng. Vậy nên, mỗi lần nhìn thấy thơ của ông thầy giáo trưởng tộc họ Phan, đầu Văn Tằng bốc hoả ngùn ngụt, y xé luôn tờ báo đó. Để có thêm đồng minh tranh giành ảnh hưởng, Văn Tằng tập hợp một nhóm lấy tên là Nhóm bút Đêm trăng. Hồi ấy chiến tranh đã đến độ ác liệt, trai thanh nữ tú ra trận vãn thôn. Văn Tằng dòm dỏ cả xã cũng chỉ chiêu tuyết được dăm bảy người. Một ông làm hàng kẹo mạch nha, có đôi mắt lươn gian giảo. Một ông thạo nghề câu cá chuối, có đôi tai chuột, người quắt queo như bộ xương khô. Một ông công nhân xây dựng bị đuổi việc về tội trộm cắp xi măng, có cái mặt lồ lộ như con cào cào ngô, đôi mắt màu chì láo liêng bệnh hoạn. Một ông làm nghề ăn mày cao cấp, miệng rộng quá tai, nói mười chỉ tin được một. Ngoài ra, còn một bà làm nghề nấu canh bánh đa rau rút ở chợ huyện, tên là Hoàng Thị Thu Nhỡ. Phom người đẫy dày, mình cá trắm chắc lẳn, đã qua một đời chồng, có một đứa con, nhưng trông Nhỡ còn bắt mắt lắm. Trời phú cho Nhỡ một khả năng giao hoan với đàn ông vô cùng bền bỉ. Nhưng chồng Nhỡ thì lại nhỏ thó, tay chân ống đồng, khi làm tình quều quào như con chão chàng đậu trên lá tang. Thế mới biết ông trời không ban phát cho đôi lứa nào sự hoàn hảo, trọn vẹn mọi đường. Lấy nhau hàng chục năm mà chưa khi nào chồng Nhỡ mang lại cảm giác hạnh phúc cho Nhỡ. Một đêm nọ, Nhỡ ép chồng uống hết nửa chai rượu nút lá chuối, rồi yêu cầu y làm tròn bổn phận đàn ông suốt đêm; gần sáng thì y ngủ luôn giấc ngàn thu, hôm sau phải khiêng ra nghĩa địa.


Chồng chết một thời gian, nỗi buồn qua đi như gió thoảng, còn lại là niềm khao khát huê tình ngày càng cháy bỏng. Hàng canh bánh đa rau rút của Nhỡ thỉnh thoảng vẫn có những tang nam nhi đáng mặt đến ăn. Nhỡ ra hiệu sách phố huyện mua một số cuốn tục ngữ ca dao, thơ phú mang về nghiền ngẫm, tìm những câu hay nhất để khi Nhỡ đọc lên làm rung động cánh đàn ông. Thế rồi, nhờ sự ảnh hưởng từ những cuốn sách, Nhỡ cầm bút làm thơ từ lúc nào chẳng hay. Khi được Văn Tằng mời tham gia Nhóm bút Đêm trăng, Nhỡ soi mói quan sát từ đầu đến chân Văn Tằng để đo lường chất lượng. Nhận thấy Văn Tằng có nhiều nét dở: cặp môi mỏng, môi dưới vêu ra khiến cái miệng trông rất điêu. Vầng trán hẹp và thấp. Cái mũi có những nét gấp khúc khó coi, phản ánh rằng, chủ nhân của nó là kẻ phàm phu tục tử, dòng giống quân Giu đa. Nhưng bù lại, Văn Tằng có bộ mông nhún nhẩy, chắc nịch, nó chứng tỏ một năng lực truyền giống rất tiềm tàng. Không thể bỏ lỡ cơ hội, Nhỡ nhận lời tham gia Nhóm bút Đêm trăng. Nhỡ còn đề nghị cả nhóm, kể từ nay không được gọi thị là Hoàng Thị Thu Nhỡ nữa mà phải gọi tên bút danh là Miền Nhớ.


Từ ngày có Nhóm bút Đêm trăng, thôn Phương Trì như sôi động hẳn lên. Cuộc họp nào, trước giờ khai mạc, ông trưởng ban văn hoá kiêm trưởng đài truyền thanh xã, kiêm trưởng Nhóm bút Đêm trăng cũng kéo cả nhóm đến trình diễn một chương trình thơ và họ đều được Văn Tằng giới thiệu là nhà thơ. Khi dẫn dắt chương trình, bao giờ Văn Tằng cũng tìm cơ hội “đá hậu” ông giáo – thi sĩ trưởng tộc học Phan vài ba câu thật độc. Miếu Hưng Văn ư ? Chướng mắt lắm! Văn chương thiên cổ sự ư ? Xổ toẹt nhé. Thứ đó là sản phẩm của bọn phong kiến thối nát, ăn trên ngồi trốc. Ông trưởng tộc họ Phan có thơ in báo chẳng qua là nhờ các mối quan hệ thôi…


Trong đám chúng sinh hội đủ sắc màu tham, sân, si… không phải không có những người bị Văn Tằng làm rối loạn thẩm mĩ. Thầy giáo trưởng tộc họ Phan dành một gian buồng nhà mình cho các đồng nghiệp, là những giáo viên nữ mới ra trường ở nhờ thì bị tung tin nghĩa cử ấy giống như con chó sói nuôi đàn thỏ con, chờ lớn để thịt. Thầy giáo họ Phan vừa chơi ghi ta vừa dạy học trò bài “Con ếch xanh”, “Trở về Surianto” thì bị la lên là truyền bá thứ âm nhạc uỷ mị, làm suy yếu tinh thần dân tộc. Có bận thầy giáo họ Phan suýt bị đuổi việc về tội dẫn lũ học trò ra một cái gò hoa tầm xuân giữa cánh đồng nghe ông đọc truyện ngắn Những vì sao của Anphông Đôđê, để đến nỗi có đứa bị cái truyện ngắn làm cho mắc chứng hoang tưởng, tối nào cũng ra gò tầm xuân chờ đếm sao…


Vào một đêm cuối thu, gió hưu hưu se lạnh. Văn Tằng khoác nách Miền Nhớ đi qua khu nhà ông trưởng tộc họ Phan, nhận thấy có mùi nhang trầm từ trong Miếu Hưng Văn bay ra, Văn Tằng biết rằng Miếu Hưng Văn lại vừa có khách từ xa đến thăm. Sự đố kị khiến y nghẹn cổ; y chợt nghĩ ra một ngón đòn hiểm nhằm hạ gục dòng giống họ Phan. Văn Tằng kéo Miền Nhớ ra quán ăn. Họ ép nhau đi hết một chai rượu trắng và một phần đùi thịt chó luộc. Ngà ngà hơi men, họ dắt nhau trở về chui vào Miếu Hưng Văn. Bát nhang bị ném xuống ao. Khán thờ biến thành giường. Họ giao cấu. Họ gầm gừ, rên rẩm. Khi cảm hứng dâng trào tột đỉnh, miệng Văn Tằng thốt ra những lời chì chiết: “Hưng Văn này ! Thiên cổ sự này ! Hãy chìm xuống ao cho chúng tao thở này …”


Tất cả những cử chỉ và âm thanh đó đã không qua được đôi tai thính nhậy và đôi mắt kính cận của ông trưởng tộc họ Phan. Ông đứng nép vào khóm hoa ngâu bên bờ ao nhìn ra ngôi miếu. Cảnh dâm tặc lúc đầu còn khiến ông ngờ ngợ, không muốn tin vào mắt mình. Đến khi ông hiểu rằng cảnh đó hoàn toàn là sự thật thì vầng trán ông toát mồ hôi hột, tay chân ông rã rời, miệng ông thốt ra những âm thanh giọng trầm đục của kẻ đang có nỗi đau xé lòng:


- Các người đưa nhau đến chốn văn thiêng mà làm chuyện dâm loạn, rồi cả làng này sẽ biến thành dê thành chó mất thôi…


Chỉ nói thế rồi trưởng tộc họ Phan lặng lẽ quay vào nhà. Không ngờ câu nói đó đã trở thành một lời nguyền. Chỉ ít ngày sau Miếu Hưng Văn có những vết nứt nơi mạch vữa. Những vết nứt mỗi ngày một rộng ra. Ngôi miếu cứ lún dần, lún dần xuống ao. Cho đến một buổi sáng thức dậy, người thôn Phương Trì không còn nhìn thấy ngôi miếu, y như có phép màu nhiệm.


Ông thầy giáo – thi sĩ trưởng tộc họ Phan cho dỡ toàn bộ nếp nhà gỗ lim chất lên xe tải chở về một ngôi làng ngoại ô Hà Nội – quê gốc họ Phan từ thời cụ tổ làm quan văn dưới thời vua Tự Đức - để xây cất, làm lại tất cả. Các ngành thứ của họ Phan cũng lần lượt bỏ Phương Trì đi tìm miền đất mới. Về quê gốc một thời gian, ông trưởng tộc họ Phan được động viên nhập ngũ. Năm ấy là năm tổng tấn công Mậu Thân, hao người tốn của. Ai cũng có thể được động viên lên đường cầm súng. Ông trưởng tộc họ Phan bị cận thị nên người ta xếp cho làm chân quản lý thư viện của sư đoàn. Dịp hành quân vào Trường Sơn, có một đêm cơ quan sư đoàn bộ bị thám báo đối phương phục kích. Trong lúc chạy, nhà thơ họ Phan đánh rơi kính; một lính thám báo giáp mặt mà ông cứ tưởng đồng chí mình. Đến lúc nó cắm phập lưỡi dao găm vào bụng, ông mới cảm nhận thế nào là cái chết, cái chết đến với ông một cách nhẹ nhàng, từ tốn…


Sau khi Miếu Hưng Văn biến mất, dòng họ Phan đi sạch khỏi làng Phương Trì thì Nhóm bút Đêm trăng hoạt động ngày càng khởi sắc. Vài người trong số đó đã in thơ ở báo cấp tỉnh. Riêng ông nhóm trưởng Văn Tằng còn ẵm một giải thưởng thơ về đề tài trồng cây mùa xuân do một cơ quan ở tỉnh phát động.


Nhưng, sự đời thật trớ trêu, vào cái đận Nhóm bút Đêm trăng đang lên như diều gặp gió thì lại xảy ra vài ba sự cố: Ông chủ hàng kẹo mạch nha mách cho ông thợ câu cá chuối rằng, ở cuối cánh đồng trũng, ven chân đê quai nước có một cái đầm nhiều rong rêu, lăn lác nên cũng lắm cá chuối sộp cư ngụ, chúng đớp mồi tũng toẵng ngày đêm. Ông thợ câu nghe theo, vừa vác cần, đeo giỏ ra khỏi nhà thì ông chủ kẹo mạch nha chui ngay vào buồng bồng bế bà vợ ông thợ câu lên giường tìm cảm hứng sáng tác. Sau đó đến vụ ông ăn mày cao cấp sang nhà ông thợ xây bị đuổi vì uống rượu. Chẳng hiểu ông ta say thật hay giả mà đêm đó ông chui vào buồng cô con gái ông thợ xây, bị ông thợ xây phát hiện cầm điếu cày phang cho mấy cái vào mặt, phải đưa đến bệnh viện cầm máu…


Thế là Nhóm bút Đêm trăng tan đàn xẻ nghé. Chỉ còn cặp Văn Tằng - Miền Nhớ thì vẫn ngấm ngầm bám chặt lấy nhau như đôi sam. Một thời gian sau thì cả hai đều mắc bệnh hư hỏng tuỷ sống. Văn Tằng mất năm trước, Miền nhớ mất năm sau.


Kể từ đó, trẻ con thôn Phương Trì đi học cũng nhiều, nhưng thành đạt chẳng được mấy người. Nhà nào âm đức dày, có người làm nên ông nọ bà kia thì không gẫy cánh giữa đường cũng gặp oan khiên, ngang trái, tật này bệnh nọ; mà toàn những chuyện liên quan tới sự quan hệ luyến ái đàn ông với đàn bà rất chi là kỳ cục, ngộ nghĩnh, như ma như mãnh.


- Đau cho thôn ta quá, phải không – ông Dư chuyển giọng – Như chú chẳng hạn. Trong đời công tác bao nhiêu phen con gái đẹp nó chài, không đổ; cuối cùng lại chết vì một đứa con gái bán vé số, gày gò như que củi, xấu như ma. Thật không hiểu nối !


Trong lúc ông Vũ Hữu Dư nói về những mối quan hệ trai gái ở Phương Trì, Xuyên cứ thấy nhồn nhột khiến cô không thể không nhớ về mối quan hệ của mình. Cách đây mấy tháng, Xuyên lên huyện học cách nuôi cá chim trắng. Xuyên muốn nuôi thí điểm một lứa tại ao nhà, nếu thành công, cô mới cho nhân rộng ra toàn thôn. Người về tận nhà Xuyên hướng dẫn kĩ thuật là một chàng kỹ sư thuỷ sản có gương mặt thư sinh non choẹt, chàng phải để ria mép cho có vẻ đàn ông, kém Xuyên tới 12 tuổi. Ngay hôm đầu tiên gặp chàng, lúc Xuyên xắn quần lội xuống bờ ao, chàng kĩ sư đã nhìn như dán cặp mắt vào đôi bắp chân cô. Sau đó chàng lại nhìn lướt từ chân lên mặt cô, rồi nói mà như reo lên: “Ôi, em chưa thấy ai có đôi chân và làn da đẹp như chị”. Từ hôm đó, ngày nào chàng kĩ sư cũng xuống nhà Xuyên. Cho đến một tối, chờ cho người chồng bệnh tật và hai đứa con đã ngủ say, chàng kỹ sư mới ôm lấy Xuyên, đòi ngủ với cô qua đêm. “Chồng tôi đang bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường kia mà cậu đã đòi làm chuyện này, thất đức lắm”. Xuyên vừa nói vừa gỡ tay chàng kỹ sư. Nhưng càng gỡ, đôi tay dài và mềm của chàng càng siết chặt. “Chị hãy gác khái niệm đạo đức sang một bên. Chị biết không, chị chính là một mũi tên bắn em bị trọng thương, chị phải băng bó thì vết thương ấy mới lành được”. Vừa nói chàng vừa ép Xuyên vào một gốc cây bên bờ ao. Xuyên quỳ xuống, chắp tay vái chàng: “Chị van em. Rồi chị sẽ cho em. Nhưng không phải là hôm nay…”. Chàng kỹ sư phủ lên mặt Xuyên những cái hôn nồng nàn, rồi bảo: “Chị hứa rồi đấy nhé. Kể từ nay chị thuộc về em…” Chàng kĩ sư ra về, Xuyên có cảm giác vừa sợ hãi vừa nôn nao thích thú. Từ hôm ấy đến nay đêm nào Xuyên cũng hồi hộp, xao xuyến như tình yêu ban đầu mỗi khi nhớ đến chàng..


- Nhìn mắt cháu, chú đoán hình như cháu cũng đang bị giăng mắc một mối tình ngang trái, đúng không ? – Ông Dư nói – Này cháu, hay là chú cháu ta xúm vào khôi phục lại Miếu Hưng Văn đi !


Chu Thị Xuyên tránh câu trả lời có tính riêng tư, cô nói:


- Nhưng mà cháu nghĩ thôn ta có những chuyện quan hệ kì cục, không hẳn là do Miếu Hưng Văn bị chìm đâu. Các thôn làng khác hiện naycũng có vô khối những chuyện kỳ cục.


- Chú cũng có cảm giác ấy. Nhưng nếu khôi phục Miếu Hưng Văn thì ít nhất cũng làm cho người dân Phương Trì quan niệm đúng đắn về văn chương. Ngôi miếu thiêng ấy sẽ trở thành nơi nâng giấc tinh thần cho người thôn ta…


Xuyên thấy không còn lý do gì để không đồng ý với ông Vũ Hữu Dư. Nếu như thế sẽ phải dừng việc lấp ao. Mình ăn nói với mọi người như thế nào đây ?


Tiễn Xuyên ra cửa, như đoán được nỗi băn khoăn của cô, ông Vũ Hữu Dư đặt một bàn tay lên vai cô, nói:


- Hiện nay chú sống độc thân, cũng còn một chút của nả tích góp được trong đời công tác. Cháu cứ phát động dân thôn tham gia khôi phục tông miếu. Gặp khó khăn, khả năng của chú đến đâu chú sẽ giúp đến đó…


Liễu Đề, cuối tháng 3 năm 2009
Tác giả: Lê Hoài Nam
Quanvan
 
Back
Top