Trọ ở nhà mình

Jolie

Member
Có khi người ta bao biện việc phải sống như khách trọ trong chính căn nhà mình là bởi tình thế bắt buộc và do họ đang phải dốc lòng dốc sức, vất vả với công việc bận rộn. Tất cả những điều đó cũng chỉ vì gia đình và dành cho gia đình. Tuy nhiên, nếu những nỗ lực, cố gắng của họ không mang lại được cảm giác thấu hiểu, sẻ chia và hạnh phúc cho chính những người thân trong gia đình thì liệu có nên đánh đổi hạnh phúc vì sự bận rộn?
1. Người ta thường nói "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Có lẽ vì thế mà có anh đã ra sức làm việc, kiếm tiền để cho vợ con có được nhà cao, cửa rộng. Anh thường rời khỏi nhà từ sớm vì những cuộc họp giao ban, những buổi khai trương, khai mạc phải có mặt đầy đủ, đúng giờ. Có ngày anh phải tắt điện thoại, tập trung bàn bạc với đối tác về hợp đồng quan trọng. Có buổi tối, khi tất cả nhân viên trong văn phòng đã về, ánh điện ở phòng làm việc của anh ta vẫn sáng. Ngay cả ngày cuối tưởng chừng được dành cho gia đình nhưng anh vẫn không thể. Anh phải tranh thủ đi học để có cái bằng, chuẩn hóa cán bộ. Rồi anh phải đi gặp gỡ, giao lưu, tiếp khách để giữ các mối quan hệ, mở rộng quan hệ trong làm ăn… Tiền kiếm được của anh, bộ phận kế toán chuyển đều đặn hàng tháng vào tài khoản. Vợ anh được toàn quyền chủ động rút ra chi tiêu. Ở bên ngoài, ai cũng hết lời khen anh chăm chỉ, giỏi kiếm tiền, không hề tơ tưởng chuyện bồ bịch. Nhưng trong thực tế, có những lần vợ anh ốm, sốt bì suốt 3 ngày mà anh vẫn không hề nhận ra. Khi có đối tác quan tâm việc gia đình, họ hỏi anh: “Cháu bé đang học ở trường nào?”. Anh tự tin trả lời tên ngôi trường mà trong thực tế con không còn học ở đấy nữa. Sau khi chuyển nhà, vợ anh đã chuyển trường mới cho con cách đấy gần 1 năm! Hầu như mọi việc diễn ra trong gia đình, những tâm tư, tình cảm của vợ… anh đều không có thời gian để “biết”, vì cái nhà chỉ là nơi nửa đêm anh trở về trong trạng thái rất mệt mỏi, căng thẳng. Anh đặt lưng xuống là ngủ ngay.
1295853875-1277688523-aFamilyxa-dep.jpg

Không chỉ có nam giới mới là người xa lạ với mọi việc ở nhà mình. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ đã tham gia vào tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều thành công.
2. Không chỉ có nam giới mới là người xa lạ với mọi việc ở nhà mình. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ đã tham gia vào tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều thành công. Ví dụ có chị đang giữ chức vụ Giám đốc công ty chuyên về kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng may mặc. Chị khá nổi danh vì từng được đề cử, nhận được những giải thưởng danh giá trong giới doanh nhân. Không những thế, chị còn được đánh giá là người có tấm lòng nhân ái, bao dung, rất quan tâm đến các hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhân ái. Trên website của công ty chị, bên cạnh những tin tức liên quan đến hoạt động kinh doanh thì người ta còn thường xuyên thấy hình ảnh chị rất ân cần khi đi thăm các Trại dưỡng lão, Nhà tình thương, Trường nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật hay thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình bị thiên tai, trao học bổng cho học sinh – sinh viên nghèo… Ở các bài báo phỏng vấn chị, bao giờ người ta cũng thấy toát lên hình ảnh người phụ nữ thành đạt trong công việc, với hậu phương là một gia đình hạnh phúc.
Một lần kia, đài truyền hình quyết định chọn chị làm nhân vật điển hình để đưa lên phát sóng trong chương trình Doanh nhân thành đạt. Đến cảnh quay nữ giám đốc “chu toàn” việc nhà thì ê kíp làm phim mới “té ngửa” khi thấy chị lúng túng đến mức không biết tủ quần áo của con trai đang đặt ở đâu. Chị cũng chẳng biết trò chuyện với cô con gái 13 tuổi về chủ đề gì và không rõ con đang quan tâm, thích thú về lĩnh vực gì. Còn trong gian bếp, người giúp việc cứ phải nhắc đi nhắc lại với chị việc mở cánh tủ nào thì thấy dầu ăn, bột nêm; nhìn về hướng nào thì bắt gặp dao và thớt; đập hành ra sao và thái củ cải thì phải theo chiều nào… Lấn cấn cả buổi chiều ở nhà chị, ê kíp làm phim cũng phải ngao ngán ra về vì các hành động của chị diễn ra đều quá “kịch” và giả đến mức không thể chấp nhận được.
Có khi người ta bao biện việc phải sống như khách trọ trong chính căn nhà mình là bởi tình thế bắt buộc và do họ đang phải dốc lòng dốc sức, vất vả với công việc bận rộn. Tất cả những điều đó cũng chỉ vì gia đình và dành cho gia đình. Tuy nhiên, nếu những nỗ lực, cố gắng của họ không mang lại được cảm giác thấu hiểu, sẻ chia và hạnh phúc cho chính những người thân trong gia đình thì liệu có nên đánh đổi hạnh phúc vì sự bận rộn?



Theo PNO
 
Back
Top