KỲ II: PHÁP THUẬT NẤU CAO HỔ VÀ SỰ THẬT VỀ ĐƯỜNG DÂY BUÔN HỔ
Bí mật của những bộ xương

Nhát búa rìu oan nghiệt bổ phập vào cổ hổ.
Không biết đã có bao nhiêu nhát rìu tàn khốc như thế này rồi?
Ông thầy nấu cao cự phách mà tôi được may mắn ngồi hầu chuyện trong đêm đầu tiên canh chừng nồi cao hổ ấy là lang y Lương Văn B. Năm nay 75 tuổi, da thịt săn chắc, đỏ au như đồng, tóc búi củ hành, râu quai nón rậm rì, mắt phượng tinh anh, lang y B. mang dáng dấp của một cao thủ võ lâm đang hành tẩu trên giang hồ hơn là một thầy thuốc. Tổ tiên ông vốn là người Quảng Đông (Trung Quốc) phiêu dạt sang Việt Nam từ mấy trăm năm trước. Dòng họ Lương vốn nổi tiếng bao đời về tài bốc thuốc trị bệnh cứu người. Riêng lang y B. tiếng tăm lừng lẫy cả vùng về khả năng chữa trị các bệnh về xương bằng cây thuốc Nam, đặc biệt là tài thẩm định xương hổ. Chỉ một cái liếc mắt, ông có thể xác định đây là xương hổ thật hay giả, xương của hổ nuôi trong chuồng hay hổ hoang dại trong rừng sâu đại ngàn. Thậm chí, có thể biết được đấy là xương cốt của hổ xám hay hổ vằn, hổ chết vì dính bẫy hay trúng ngọn tên mũi đạn… Nhiều chuyên gia nấu cao ở Hà Nội đã không tiếc lời ca tụng, tôn sùng lang y B. là “chúa tể” của nghề. Và không ít đại gia sẵn sàng bỏ ra 2 – 3 triệu đồng chỉ để nhận một cái “gật” hay “lắc” của vị chúa tể này khi săn lùng được bộ xương hổ.
“Vậy làm thế nào để phân biệt được xương hổ thật và giả?”. Tôi dặt dè hỏi lang B. “Vị chúa tể” của nghề nấu cao bật cười khành khạch, rung đùi vuốt râu rồi lia cái nhìn tinh quái, kiêu bạc vào mắt tôi: “Một câu hỏi quá dễ. Tiến sĩ Sinh hay luật sư Thuỷ cũng có thể kể vanh vách cho chú nghe những tiêu chuẩn ISO. Nào là xương cọp đanh như gỗ lim, dằn xuống đất người tinh nghe biết ngay. Nào là việc đầu tiên thẩm định xương hổ là phải xem thông cân và xương bả. Thông cân là cái lỗ nhỏ ở chân trước, chỉ có gấu, hổ và báo mới có. Song thông cân của gấu thì tròn còn của hổ thì cong cong như mắt phượng nên gọi là phượng nhãn. Xương bả cọp có hình cánh buồm, xương bả các loài khác có hình vuông. Hổ chết trong rừng lâu ngày xương trắng bợt, ngâm nước một lát thì bị ải ngay. Hổ săn bắn thì xương dính liền nhau, có màu trắng ngà. Rồi thì muốn thẩm định chính xác nhất phải kiểm tra trọng lượng của xương sọ. Toàn bộ xương cốt cọp nặng bảy phần thì xương đầu chiếm đúng một phần, không xê xích lạng nào…. Đấy, tiêu chuẩn ISO của xương hổ xịn đấy. Thiên hạ ai chẳng nói nhai nhải như vậy”. Ngừng lời, lại ném một cái nhìn kiêu bạc, lang B. đứng dậy, bước về phía nồi cao nghi ngút khói, mở ào nắp vung. Mùi gây gây, hoi hoi, nong nóng… phả ùa vào mặt tôi. Tôi rùng mình, bịt chặt mũi, miệng ậm oẹ muốn nôn nhưng vẫn cố rướn mắt về phía lang B. Ông vẫn khom lưng, ghé mặt sát nồi cao rồi chậm rãi với chiếc gáo dừa, múc thêm 5 gáo nước mưa đổ vào nồi. Thân hình ông chìm trong khói.

Kiểm tra xương lần cuối cùng trước khi bắc lên bếp đun
Lang B. chậm rãi quay lại phía tôi, cười khành khạch: “Nói vậy chứ nhiều tay nấu cao lõi đời rồi lơ là một tý vẫn mua phải xương đểu như chơi. Xương hổ bây giờ hiếm nên chúng nó làm giả nhiều lắm. Mà công nghệ chế tác xương hổ giả thì ngày càng tinh vi. Những khúc xương trâu, xương chó, xương béc-giê cụ…, qua hàng loạt thao tác tinh xảo, tỉ mẩn: đục, mài, cạo, giũa…, bọn lái xương sẽ phục dựng nguyên hình một bộ xương hổ với đầy đủ nhãn phượng, xương bả hình cánh buồm, răng không thiếu một chiếc cho khách chấm, khiến không ít những tay trùm sò trong đường dây buôn hổ nhiều phen phải điêu đứng. Chẳng phải ai xa lạ, chính Bác Lực nhà ta đây khôn như cáo mà năm ngoái còn bị một phen chết đứng như Từ Hải nữa là. Chẳng là có một tay lái xương trong Thanh Hoá, một hôm hớt hải tìm gặp bác Lực, chào bán bộ xương cọp nặng 7kg với giá bèo bọt 40 triệu đồng. Hắn khóc lóc kể lể rằng: cha hắn vừa bị tóm vì tội buôn xương cọp từ Lào vào nên cần bán gấp để lấy tiền chạy chọt. Đã được tôi chỉ bảo nhiều lần nên bác Lực yên chí trao tiền. Ngày hôm sau tôi lên thẩm định lại, chỉ rõ trò xảo thuật của tay lái xương, bác Lực mới ngã ngửa người. Ngay cả vết đạn ở sát gáy con hổ cũng được làm y như thật. Bác Lực nhà ta uất quá, định kéo người đi phục thù nhưng bắt nạt lái xương đâu có dễ. Từ bấy, bác Lực cạch không dám mua xương hổ, chuyển hẳn sang buôn hổ nguyên con trong tủ cho chắc ăn”.
Hổ nằm trong xe đông lạnh… nhập biên. 800 triệu cho mỗi chuyến hàng.
“Mấy năm qua, Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Cục kiểm lâm Việt Nam (FPD)tiến hành thử nghiệm một chương trình giám sát hổ và con mồi. Kết quả ban đầu cho thấy: miền Trung dãy Trường Sơn là vùng rộng lớn gồm nhiều khu rừng nhiệt đới ẩm có thể còn hổ. Ước tính, hổ ở Việt Nam hiện còn khoảng 100 con”. Tẩn mẩn giở sổ ghi chép, tôi rành rọt đọc từng câu từng chữ mẩu tin trên cho lang B. nghe rồi mạnh dạn chất vấn: “Hổ nguyên con đào đâu ra mà nhiều thế?” và tỏ vẻ nghi ngờ: “Hay đó cũng là sản phẩm tinh xảo của công nghệ chế tác hổ rởm”. Lang B. ngẫm ngợi một hồi lâu rồi gật đầu xác nhận: “Đúng là hổ ở Việt Nam ngày càng khan hiếm do nạn săn bắn ngày một tăng. Sinh cảnh sống của hổ ngày càng bị thu hẹp do mất rừng. Nhưng tôi thề với chú, chưa một tay buôn hổ nào đủ khả năng chế tác nguyên cả con hổ với lớp lông vằn vện, với nanh vuốt, thịt xương và nhất là cái mùi gây gây rất đặc trưng của chúa sơn lâm. Ngoại trừ trường hợp đánh lận con đen giữa báo hoa mai với hổ. Song cũng không dễ dàng lừa bịp được con mồi bởi báo hoa mai nhỏ hơn hổ. Con to nhất cũng chỉ nặng 60 – 70 kg (trong khi hổ nặng khoảng 100 – 250 kg), lông không có vằn vện (sọc ngang) mà là những đốm màu đen hình hoa mai”. Đưa mắt đảo quanh một lượt quan sát, lang B. ghé sát tai tôi thì thầm: “Tất cả những con hổ này đều từ Lào, ấn Độ, Srilanka, Nga, Thái Lan, Indonesia… nhập biên sang đấy. Có cả một đường dây buôn hổ xuyên quốc gia mà bác Lực nhà ta chỉ là một mắt xích nhỏ thôi. Phía sau bác ấy có những bàn tay đầy thế lực che chở, bảo kê”.

Cạo lông hổ như cạo lông… chó
Theo tiết lộ của lang B., Lực mới tham gia đường dây buôn hổ và thịt hổ này chừng 3 năm. Trước đây, Lực bị bệnh viêm đa khớp. Cứ chớm rét là các khớp xương chân, xương tay sưng vù lên, leo lên cầu thang tầng hai nhiều lúc phải nghiến răng đến tứa máu. Thuốc đông, thuốc Tây từ Bắc chí Nam mà nhức vẫn hoàn nhức. Lực lại mắc chứng yếu sinh lý, chưa xung trận súng đã cướp cò, trong khi cô vợ đang tuổi hồi xuân lúc nào cũng hừng hực như bó đuốc cháy. Có tay bạn buôn đồ cổ, mách Lực dùng thử cao hổ cốt. Ai ngờ, dùng đến lạng thứ 3, bệnh bay đâu mất. Súng đạn lúc nào cũng hung hăng xung trận. Lực sướng quá, đâm ra mê tín cao hổ. Rồi lao vào buôn bán lúc nào chẳng hay.
Nguồn hàng lúc đầu, chủ yếu quất từ Lào. Sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền sở tại cùng nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã tràn lan khiến Lào trở thành một “cối xay thịt” động vật hoang dã khổng lồ. ở Phôn Xa Vẳn, Bô Ly Khăm Xay, hổ được rao bán một cách công khai. Bỏ ra chừng 4.000 – 5.000 USD, người ta có thể mua được một bộ hổ cốt xịn nặng từ 10 – 13 kg. Sau này, khi nhiều động vật quý hiếm của Lào đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, hổ cũng cạn kiệt dần, Cục kiểm lâm trung ương Lào mới xiết chặt quản lý. Song Lào vẫn là trạm trung chuyển quan trọng để đường dây buôn hổ tuồn hổ từ Miến Điện, Thái Lan, Srilanka… vào Việt Nam qua hai cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) và cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An). Hành trình đưa hổ vượt qua nhiều biên giới quốc gia dường như không gặp bất kỳ trở ngại nào, trừ việc qua cửa khẩu. Song với hàng ngàn mưu mô chước quỷ, bọn lái hổ vẫn đưa hổ lọt qua cửa khẩu ngon lành. Cứ như lời lang B. nói thì hổ từ Lào vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Với hổ nguyên con, chúng phải mổ bụng vứt bỏ hết ruột gan để tránh xác hổ mau thối rữa và bốc mùi khi vận chuyển. Sau đó, một là thuê người dân tộc khiêng vượt suối, băng rừng. Hai là chở bằng xe đông lạnh. Cách vận chuyển thứ hai khó khăn hơn song “nếu có bảo kê thì chẳng thấy gì trở ngại cả” – lang B. khẳng định.
Đem được nguyên con từ rừng về tận nhà là tuyệt nhất. Trường hợp nếu cảm thấy không an toàn thì hoặc là chặt hổ làm 5 phần gồm đầu và tứ chi để vận chuyển cho dễ nhưng phải giữ được da. Khi có đủ các bộ phận nơi tập kết mới ráp lại. Hoặc là xẻ thịt róc xương, vừa làm vừa quay video, chụp ảnh cho khách mua xương xem để làm tin. Dĩ nhiên, giá rẻ hơn nguyên con rất nhiều.
Theo điều tra riêng của chúng tôi, đường dây buôn hổ của Lực hầu hết bán hàng độc. Bán nguyên con theo trọng lượng 2,5 – 3 triệu đồng/kg. Cần mua bao nhiêu con cũng có. Cứ đặt tiền tươi, cho địa chỉ, Lực sẽ cho ô tô chở đến tận nhà. Chậm nhất không quá một tuần lễ. Tất nhiên, để có được hàng độc nguyên con như thế, chi phí lót chân lót tay cho các bảo kê không phải là ít. Nếu đúng như thú nhận của Lực thì một chuyến hàng trị giá 3 tỷ, tiền chi cho bảo kê sẽ không dưới 800 triệu đồng?
Bữa tiệc tráng chảo

Cao hổ thành phẩm sau bảy ngày bảy đêm cô trong chảo lửa.
Vị thuốc người đời tôn sùng là “chúa tể trên giường chiếu” và kỳ công săn lùng là đây.
Cuối cùng, ngày chia cao cũng đến. Đám chung cao chúng tôi mặt mày ai cũng hớn hở sau bảy ngày bảy đêm đỏ mắt ngóng chờ. Nhìn lớp cao nâu đen bóng được láng mịn trên chiếc mâm đồng, mắt kẻ nào cũng rực lên. Lang B. sau suốt một tuần gần như thức trắng sì sụp săn sóc nồi cao, lạ kỳ thay, sắc diện vẫn hồng hào, mắt vẫn tinh anh, tiếng nói vẫn sang sảng. Chẳng hề thấy ở lão một chút mệt mỏi nào. Lão cười hề hề: “Nhằm nhò gì. Tháng tôi vần vò được 3 nồi như thế này. Tối còn đủ sức đi chơi gái, các em 18 cứ mà rên ầm ầm. Có đứa không chịu nổi vì sức dai của lão, chắp tay mà lạy sống: Con lạy bố. Bố tha cho con. Con xin hoàn lại tiền. Sức trai như các chú, theo được lão già này còn mệt nhé”. Nói đoạn, lão cười khơ khớ, đung đưa mắt về phía mấy mợ mỡ màng đang ngồi túm năm tụm ba trên sập gụ thi nhau kể tội các đức ông chồng.
Giờ chia cao bắt đầu. Vợ Lực, tay phải cầm dao, tay trái cầm thước, mắt nheo nheo ngắm nghía rồi khẽ khàng rạch một đường dao. Lớp cao hổ tách đôi thành hai phần đều chằn chặn trên mâm đồng. Rồi bất ngờ hứng khởi, bàn tay thị dẻo quẹo cắt ngang cắt dọc. 54 miếng cao hình vuông sắc cạnh như bao thuốc không vênh nhau một ly. Lực ngồi chồm hổm, giở sổ đọc, giọng vỏng vót, con mắt lươn hấp hánh: “Tiến sĩ Sinh, 6 lạng. Luật sư Thuỷ, 9 lạng. Giám đốc Định, 5 lạng… Vợ Lực miệng cười đon đả, những ngón tay nõn nần của thị thoăn thoắt gói từng miếng cao vào túi ni lông giao cho từng khách. Thỉnh thoảng thị lại thẽ thọt: “Gớm! Các bác mà dùng hết số cao này, cứ gọi là khoẻ phải biết. Bác gái nhà em cứ là lên tiên”.

Bữa tiệc tráng chảo với rượu cao hổ uống tẹt ga
Miếng cao cuối cùng được trao tay cũng là lúc bữa tiệc tráng chảo bắt đầu. Bữa tiệc hôm nay tuy không có thịt hổ, nhưng bù lại, rượu mạnh pha cao hổ uống tẹt ga. Mắt ai cũng vằn lên. Thứ rượu trăng trắng, đùng đục ấy uống một ly đã thấy máu trong huyết quản rần rật chảy. Ly thứ hai thấy mặt phừng phừng như hơ lửa. Ly thứ 3 thấy đất trời nghiêng ngả. Ly thứ 4 thấy chân tay thừa thãi, ngứa ngáy rồi. Thảo nào mấy quý bà, quý cô hồi sáng còn đoan trang, thuỳ mỵ lắm mà giờ cũng nốc rượu như điên. Có cô còn bưng mặt khóc tu tu, thở than “cả đời em chưa một lần biết cực khoái là gì. Phen này, em quyết bắt chồng em đưa em vào giây phút thần tiên bằng cao hổ”. Và thật bất ngờ, giữa không khí ồn ã của những tiếng ly cốc va chạm, tiếng nói cười, tiếng nôn oẹ, tôi đã thấy mâm bên, Lực đang hì hụi ghi ghi, chép chép tên tuổi, số suất của những người đăng ký chung mua mẻ cao tới. Tôi giật mình. Thế là chỉ mươi ngày nữa thôi, một con hổ nữa sẽ tiếp tục phải vùi thây trong vạc lửa…
H.A.S
- Trước những bằng chứng xác thực của PV TGM (Băng hình, ảnh), một lnh đạo của Cục kiểm lâm Việt Nam thừa nhận: Tình trạng vận chuyển, buôn bán hổ trái phép đang diễn ra ở Việt Nam là có thật và đặc biệt sôi động ở Hà Nội. Với những hình thức che dấu tinh vi và có sự bảo kê thì kiểm lầm gần như bị đẩy ra ngoài cuộc.
- Ông Nguyễn Công Đức, chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Nội cho biết: Tháng 9 năm 2003, chi cục truy quét toàn thành phố, thu giữ được 7 bộ da hổ nhồi và đưa về Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn. Nhưng do không xác định được những con hổ này chết từ bao giờ nên chủ nhân của nó đã đòi về gần hết vì họ bảo đó là đồ gia bảo để lại.
- Theo National Geographic Magazine tháng 11 năm 2007, trong khoảng 2 thập kỷ qua, số hổ trên thế giới đã giảm xuống nhanh chóng. ở châu Phi, châu Mỹ, hổ gần như bị xoá sổ. ở Đông Dương, số hổ còn sót lại khoảng 200 – 300 con.
Hiện nay, hổ là động vật quý hiếm được cả thế giới bảo vệ. Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đ xếp hổ vào phụ lục 1, cấm không được buôn bán (ngoại trừ trường hợp nhập khẩu không mang tính thương mại). Để bảo vệ hổ và các động, thực vật quý hiếm khác, nước ta cũng đã tham gia công ước CITES và thành lập cơ quan CITES tại Việt Nam. Đặc biệt, lần đầu tiên, Bộ luật hình sự năm 1999 đưa ra một điều khoản (Điều 190) xử lý các vi phạm trong quản lý, bảo vệ ĐVHD. Từ bấy đến nay, năm nào cũng có văn bản pháp lý mới xiết chặt hơn hoạt động liên quan.

Phóng sự điều tra của Hoàng Anh Sướng