Sông nước mênh mông

Jolie

Member
Vừa kịp xúc sơ miệng, quơ ngón tay lia qua lia lại chân răng mấy cái thì nghe xíp lê hú, báo đò tới. Trời còn tối khe, mặt sông còn một màu đem òm, nhưng đèn trên ghe thì chiếu thẳng một đường sáng quắc. Cô vội chạy ào ra bờ sông, cung tay vô miệng kêu : ghé vô !



Con tàu xịch xịch dạt tới, lao nhao trên ghe nhiều bạn hàng. Lủng củng nào những khối, những sọt đen ngòm ngòm. Phụ ghe nhớn nhác hỏi : chở gì, cô lợt lạt đáp : thì chở hàng chớ còn gì khác mà hỏi. Lại nghe phụ ghe lỏng chỏng : mấy giỏ.



Cô lia tay một vòng chỉ những giỏ đồ và lửng khửng đáp : nhiêu đó. Phụ ghe bữa nay mắc mỏ vặn thêm : còn nữa hôn. Cô hơi gắt : còn thì đem hết ra một lượt, hổng lẽ để trỏng cho lâu lắc, trễ giờ.


53.jpg





Tiếng giỏ nan kéo lẹt xẹt gai óc. Miết rồi cũng leo được lên sàn đò. Cô bước theo và phụ ghe ngoắc ngoắc kêu : lui. Tiếng xíp lê kéo dài buồn thảm và tách bến. Cô lên ghe, ngồi vật luôn ra muốn ngủ.



Xập xình tiếng đò xé sóng băng băng, nước lạt xạt kêu hai bên mạn ghe lách chách. Cô ngả đầu dựa lên một giỏ hàng, ngáp nho nhỏ rồi thiu thiu. Gió từ sông ào lên lạnh ngắt. Cô độ chừng lúc này là bốn giờ sáng.



Năm tháng nào cũng vậy, lo gom được dăm ba giỏ hàng là cô lại cất đi bán một chuyến. Bởi ít đi thường xuyên nên phải kêu đò mới ghé vô. Giá như bạn hàng đi hà rầm thì chủ ghe tự động tấp, có khi ngủ quên, phụ đò cũng gọi. Còn cô, nếu lỡ, lại phải chờ tới bữa sau.



Cô thường cằn nhằn : ghe trên sông không thiếu mà sao đò chỉ một chiếc mình ên. Không dưng cô đâm bực bội : đất nước làm ăn lết bết, hèn chi khó khấm khá lên nổi. Cơn buồn ngủ vùi cô vào sâu dần, trôi đi xa tắp, khiến cô thả lời than trôi theo tiếng nước lạt xạt dưới be.


zylap1238648707.jpg





Gần cuối tuổi ba mươi mà cô chẳng có ai làm bạn. Nào phải cô hèn kém, xấu xí gì cho cam, nhưng tại chờ hoài không có ai lui tới. Thét rồi cô bỏ quên nhan sắc, coi như số một mình. Dăm khi mười họa, có người thấy cô lếch thếch một mình buông lời trêu ghẹo : ưng tui đi, dzìa tui sửa túi nâng khăn cho.

Cô cười lạch bạch, rũ đến rũ đi cái áo bà ba không túi trả treo : có túi đâu mà sửa, hẳn nhiên khăn đội đầu cũng không. Và cô lỏn lẻn nói : thôi, tía ơi đừng dụ khị mà ! Riết rồi mấy tay cà tửng cũng hết đường xí lô xí la với cô nữa.



Cô ôn lại những thời xa lơ xa lắc. Có một người từng thề non hẹn biển với cô, một hai hẹn hò nhau chờ chờ đợi đợi. Năm đó, phong trào đua nhau vô núi, người ấy đi giữa một đêm không trăng. Cô tiễn chân ngập ngừng như muốn khóc. Anh cầm tay nhắn nhủ, bắt cô cười lên cho anh yên chí ra đi.



Đường thênh thang rộng dài xa tít tắp, anh đi rồi, chờ mãi thiết tha. Không một lá thư về, không một lời thăm hỏi, cô nhiều lần nhìn vạt mây hửng đỏ cuối trời lầm thầm câu : anh bây giờ ở đâu.



Chiến tranh còn xa xôi diệu vợi. Cô chôn sâu nỗi nhớ vào lòng. Cho đến một ngày tiếng đại bác đã gần với phố thị, cô nóng lòng ngong ngóng tin anh. Giữa khi bao người đang lo bàn nhau một đường bỏ chạy thì cô dửng dưng đợi ngày anh về.



Hòa bình đến. Ngơ ngác, nhưng lòng cô rộn rã. Chỗ này chỗ kia báo có người về. Cô sốt ruột và mơ màng bất chợt một hôm sẽ có người hù cô sau lưng mà nói “ anh nè ! “, chắc cô mừng khấp khởi.



Người càng về càng đông, anh vẫn âm thầm vắng bóng. Cô nại ra đủ điều, đủ chuyện, chắc là anh bận thế này, chắc là anh bận thế nọ để nguôi khuây. Lắm gia đình có người đi bưng cũng nao nức như cô không kém. Và đã hơn một lần, cô nghe tiếng thân nhân réo khóc vì nhận được tin con cái, anh em họ đã ra đi.



Cô khấn thầm ước mong loại tin xấu đó đừng rơi vào trường hợp của mình. Cô vẫn nép mình nơi chéo nhà tuềnh toàng, sắt son kiên nhẫn. Thoắt đã mấy năm dài, mọi sự dần yên ổn đâu vào đấy. Cô nhủ lòng : giá ai về được, chắc đã về rồi. Bằng không… cô không dám hình dung tiếp.


1.jpg





Cô lớn lên như một bụi lau sậy hoang, dẫu có anh theo đi làm việc nước, nhưng nào có ai làm chứng cho cô, nên cô vẫn chỉ là một dân quèn vùng tạm chiếm. Mọi việc cô vẫn phải thi hành theo thủ tục bình thường, nghĩa là đi đâu, làm gì đều phải có sự ưng thuận của địa phương mới được.



Hồi còn bao cấp, người ta cực lực lên án cô vào loại con phe đứng đường, đứng chợ. Đến thời mở cửa, người ta vẫn trì chiết cô vào hàng buôn bán lăng nhăng, cô nghĩ nếu không làm liệu các ông, các bà có chịu nuôi cô sống còn với xã hội. Nhưng cô xét có nói cũng chẳng ích gì, có khi còn gây thù gây oán.



Cô dửng dưng trước các quyến tũ vây quanh. Trong xóm có vài tay cũng lừng khừng đến đi vờn quanh chòi cô mà ve vãn. Này là chú hộ tịch ủy ban, này là ông công an xã. Ai cũng hứa hẹn nếu cô ưng sẽ được tế độ, chẳng còn lo bị chèn ép hay bức hiếp.



Khốn nỗi, những năm tháng vò võ đã làm tim cô khô lại, đến nụ cười của cô cũng trông thảm hại làm sao. Cho nên cô không đáp lại một lời xun xoe nào hết. Thời buổi người dân đen sống thực tình rất khó. Dễ cũng chết mà khó càng không yên, người ta hành, người ta vây hãm, khốn lên khổ xuống. Cô muốn sống phận hèn với sông nước mà cũng không xong. Người ta trách cô lơ là phong trào, bỏ không dự họp, đôi khi người ta còn dọa sẽ kiểm điểm, phê phán cô



Cô đến bù đầu bù óc vì những cái vạ không biết từ đâu đưa tới. Cái tiếng xíp lê của con đò như xé toạc ruột gan cô. Sông nước mênh mông như lúc nào cũng nhận chìm cô cho tiêu đời.



Nhớ thời hai má con còn sống bên nhau, chẳng năm nào bà già không hối cô lấy chồng. Bà nói : mày kiếm đại kiếm đến đi, cho tao yên lòng nhắm mắt. Thế nhưng cô tìm mọi cách chối từ. Cô dấu bà má chuyện người yêu đi vô núi, bất đắc dĩ bị vây quá thì cô nói cho xuôi : bộ má hổng sợ người ta cưới rồi bắt con gái má đi mất sao, chừng đó lấy ai săn sóc má.



Tội nghiệp bà già cười cười mà miệng méo xệch. Năm này sang tháng khác, hai bóng người, một già một trẻ cứ vào ra nơi cái chòi bệ rạc ở bến sông. Con đường từ nhà ra con nước chỉ chừng dăm chục bước mà chiều nào dạ hai người đàn bà cũng thấy dài ghê.



Những bữa trưa, nghe tiếng con trẻ thi nhau giỡn chạy nhảy ùm xuống sông tắm mát, cô nhớ hồi nhỏ của mình cũng vậy. Bây giờ lớn rồi hết còn ngang nhiên và vô tư đùa nghịch như thế nữa, nhưng ngày mưa nghe tiếng giọt nước nhỏ từ mái tranh, cô thấy nỗi buồn lênh láng.



Đêm nào trời nổi gió bất chợt, cô thường tự hỏi lòng hiện tại anh ra sao. Cuộc sống nhen nhúm lãng mạn của cô vô cùng day dứt. Hồi anh bỏ đi, thanh niên nào cũng đeo trong đầu hình ảnh một thời cách mạng lãng mạn, với tâm trạng một người chiều chiều đứng nơi triền núi nhìn về xa xăm phía “ Hà Nội dáng kiều thơm “ (QD), không biết trải chin mười năm liệu cái lãng mạn đó có còn lưu giữ lại.



Người chon chân ở lại hậu cứ như dạng cô cũng chẳng thoát khỏi cảnh mơ mộng huyền hoặc này. Có lần cô đã nghĩ giá gì đan được một cái áo len để gửi ra ủ ấm lòng anh giữa mùa đông rét mướt. Vậy rồi, bao ước mơ đều trơn tuột, một phần vì cô không biết đan len, một phần vì cô lo trăm điều, ngàn việc nên không còn thì giờ đâu làm việc lãng mạn đó.



Đùng cái má nằm xuống, cô lỡ một thì nên để nó qua luôn. Cô thường nại số phận để lấp lửng quên đi thân lẻ loi cô quạnh, vả chăng loáng thoáng còn hi vọng anh về. Ăn có thuở, ở có thì, một khi tuổi xuân đã lặng lẽ vẫy tay thì con người càng trở nên khô quắt.



Tiếng là gần cạnh bến sông mà chẳng bao giờ cô thấy có con thuyền nào ghé lại. Độc chỉ lẻ tẻ con đò ngày đón ngày đưa và bằn bặt hẩm hiu. Đêm nghe tiếng oạp oạp của những con sóng dập dềnh dưới chân cột đước dùng chống giữ căn nhà, cô nghe từng mảng lòng cũng rữa lần theo những dấu hà bám chân cột.



Tại sao anh chưa về và liệu anh có còn để đột ngột về lại với cô chăng ? Những câu hỏi vứt lên không trung thành mảng lưới vung rộng mà chẳng được con cá nào hết, dù chỉ là con tép riu hay con lòng tong khô đét.



Bao năm rồi, tầm mắt cô chẳng nhìn xa nơi rẻo sông cuồn cuộn nước. Thả tâm hồn vào những chuyến ghe nhỏ ngược xuôi để cố hòa mình vào cái chợ nổi lênh khênh ngoài con nước. Hôm nào những tam bản lặng lẽ lướt qua, nhìn những thân bẹo chỏng trơ đưa lên trời như bàn tay khẳng khiu muốn víu lấy bầu không gian cao tít, cô thấy mình cũng không hơn gì.



Cô ví như món hàng trên tam bản đã bán sạch, giờ chỉ còn cây bẹo trống hoác ghi dấu một lần thịnh vượng đã qua. Cô biếng nhác không soi gương mặt mình xuống nước vì đẹp gì đâu để kẻ ngắm, người nhìn. Cô âm thầm cắn chặt răng chịu trận, nghe tiếng đời chê trách, mỉa mai, chịu bao lời đắng cay, xỉa xói.



Trời bỗng sáng dần, cái tối âm u soạt cái trở nên nhờ nhờ màu xám. Tiếng xíp lê nghe dằng dặc lê thê. Trên sàn đò tiếng di chuyển sọt, bao, khối hàng nghe rạt rạt. Cô tình dậy, mặt sông sóng sánh màu thâm thẫm. Cô vừa chợp mắt qua một giấc mơ dài. Cô sửa soạn kéo lại vạt áo, đưa những ngón xương xẩu lên cào mớ tóc rễ tre, cô nghe bàn tay bị xóc vì những sợi khô cứng và ráp ráp.



Tự nhiên cô nói một mình : ta già rồi. Nhìn ra, sông nước mênh mông kéo dài vô tận.



Kỷ niệm chuyến đi Cà Mau 2009


Đỗ Thành





 
Back
Top