Ranh giới mong manh!

Jolie

Member
Tất cả những đồng tiền được vứt, những “thuyền tiền” được thả ấy, đơn giản chỉ là… cầu may! Tại sao phải cầu may bằng cách đó trong khi với đồng tiền ấy có thể quyên góp ủng hộ người nghèo khổ...​
spacer.gif
Hoa súng nở rực rỡ trong những chiếc hồ ở Văn Miếu - Quốc tử Giám như tô điểm thêm cho vẻ đẹp của mùa xuân đất trời đang chín, song giữa ngày mồng hai tết, cái màu đỏ phớt hồng ấy đã bị che lấp bởi cơ man màu sắc của “hoa đồng tiền”. Cả mặt hồ bị phủ bởi hỗn hợp màu trắng, đỏ, xanh, vàng của vô số tờ tiền mới với nhiều mệnh giá. Từ hai trăm đồng tiền giấy cho tới mười nghìn polyme cứ lác đác thả xuống. Thỉnh thoảng tiếng “chủm” vang lên, mặt hồ gợi thành vòng tròn, nước bắn lên ở giữa, đó là khi những đồng xu kim loại đang thi nhau lặn xuống đáy hồ mỗi khi cánh tay ai đó trong dòng người chơi xuân ở đây vung lên.


zoomin.gif
View attachment 8092



Đền Ngọc Sơn thâm nghiêm, cổ kính, nơi tiêu bản cụ rùa đang yên bình trong giấc ngủ bình yên, cụ đã có cả chiếc lồng kính rất to để bảo vệ, vậy mà ai kia vẫn điềm nhiên đánh thức cụ. Qua khe nhỏ của chiếc lồng, họ thản nhiên hay cố tình nhét vào những đồng tiền mới như trẻ con vẫn thường… đút lợn. Bên cầu thê húc soi bóng trên mặt nước hồ Gươm xanh ngắt, cụ rùa ngàn năm tuổi vẫn thường ngoi lên rồi lặn xuống, song có lẽ cụ sẽ chẳng nổi lâu bằng cái tờ tiền mà những người đang chiêm ngưỡng cụ tự cho mình cái quyền được thả xuống.
Suối Yến, mùa lễ hội lại mở lòng cho hàng nghìn con thuyền khua mái, đưa hàng vạn lượt khách đến với đất Hương Sơn. Hoà trong vô vàn các con thuyền gỗ, thuyền sắt là những con thuyền … giấy được gấp bằng tiền. “Thuyền tiền” ngược xuôi, lúc giữa dòng, lúc dập dềnh tấp bờ. Vô tư như chính những người thả xuống. Đó có lẽ là một việc phải làm trong hành trang mà rất nhiều phật tử mang về đất phật.

Tất cả những đồng tiền được vứt, những “thuyền tiền” được thả ấy, đơn giản chỉ là …cầu may!
Chợt nghĩ tới ngày thơ bé, con nít mong tết nhiều lắm, ngày xuân sum họp gia đình, được ông bà, cha mẹ lì xì. Những đồng tiền mới may mắn dù không nhiều giá trị song vẫn theo suốt tuổi thơ như một thanh âm trong trẻo trong bản nhạc cuộc đời vốn lắm âm điệu thăng trầm. Cảm xúc ấy chợt trở lại vẹn nguyên khi gặp gỡ các em bé khuyết tật. Nhận bao lì xì từ những người hảo tâm, xúc động chả nói nên lời, muốn dùng ánh mắt biểu cảm song ở cái nơi mà bóng tối đã bao phủ từ lúc sinh ra, đó là điều quá khó. Đối với các em, chỉ cần sờ thấy, ngửi cái mùi thơm nguyên mới in của đồng tiền mừng tuổi cũng thoả mãn, hạnh phúc lắm rồi. Nó không làm cho đôi mắt các em sáng lại được nhưng nó là món quà đầy ý nghĩa thấm đượm tình người.
Mười tuổi đầu, cái tuổi đáng lẽ được học, được chơi, được hưởng đầy đủ các quyền về trẻ em… Thế mà Hồng, cô bé ở miền tây Nghệ An, phải cáng đáng cả gia đình với năm miệng ăn trên vai. Ước mơ của em là đồng tiền kiếm được sau mỗi ngày cấy thuê, chặt mía, đốn củi… có thể chữa bệnh cho bố, nuôi bà mù loà và hai đứa em ăn học. Suy nghĩ của một em bé mười tuổi đó ư?
Mười lăm ngày sau thảm hoạ sông Giang, xã Quảng Hải vẫn chìm trong tang tóc. Đau thương đeo đẳng người dân nơi này, từ nỗi đau cha mẹ mất con, chồng mất vợ và xót xa hơn cả là bao đứa trẻ còn đỏ hỏn đã mồ côi mẹ. Tấm khăn trắng trên đầu, sự thẫn thờ, ngơ ngác cho đến những giọt nước mắt bi thương lăn dài trên má, nỗi buồn toát lên trong ánh mắt thơ ngây mà chính chúng còn chưa hiểu hết…
Cái chết tức tưởi của các em bé bị mẹ bắt tự tử cùng ở Quảng Nam đã gióng lên hồi chuông về cái đói, cái nghèo vẫn liên tục đe doạ sự sống của bao nhiêu con người trên mảnh đất hình chữa S này?
Chứng kiến những đứa trẻ ở trên, ai trong chúng ta chẳng xúc động, cảm thương. Với chúng, tết hình như là cái gì quá xa lạ. Tiền mừng tuổi ư? Chắc chỉ có trong …chuyện cổ tích.

Bao tấm lòng hảo tâm đã được báo chí ghi nhận, bao món quà sẻ chia khó khăn vẫn được chuyển đi. Cộng đồng mạng gửi cho nhau từng tin nhắn để quyên góp từng đồng tiền nhỏ nhất cho những mảnh đời bất hạnh để phần nào giảm bớt nỗi đau họ phải chịu đựng.

Phật vẫn dạy chúng ta rằng sống từ bi, bác ái, làm người phải có tâm!

Thế thì sao phải cầu may bằng việc vứt, thả tiền xuống nước, trong khi với đồng tiền ấy hãy công đức cho nhà chùa để họ làm việc thiện hay quyên góp ủng hộ người nghèo khổ. Phật ở trên cao, chắc ngài cũng vui mừng với nghĩa cử cao đẹp đó.

Chẳng nhẽ, cầu may và làm việc thiện, ranh giới ấy quá mong manh?
Dương Như Ý
 

Attachments

  • 1..jpg
    1..jpg
    77.7 KB · Views: 0
Back
Top