Ngại về thăm "ông bà nhạc"

tuyet_loan08

Junior Member
Thăm nom nhạc phụ nhạc mẫu là bổn phận, trách nhiệm của chàng rể. Thế nhưng, nhiều đấng mày râu lại sợ về nhà vợ hoặc thoái thác bằng những lý do của riêng mình.

Không hoà nhập được với nhà vợ

Đến thăm hỏi sức khoẻ họ hàng, gia đình nhà vợ, chàng rể muốn thể hiện lòng hiếu thảo, sự thân tình của bậc làm con làm cháu. Bởi lạ lẫm và chưa thể tự nhiên như người nhà nên thái độ và cách cư xử của mọi người đằng ngoại có tác động rất lớn đến con rể, nhất là những chàng rể mới.

Nếu lần đầu về thăm bố mẹ vợ mà đã có điều khúc mắc, gặp nhiều rào cản thì ấn tượng để lại cho chàng rể sẽ vô cùng lớn.

Về nhà vợ trong buổi lại mặt lúc mới kết hôn, Thắng hơi ngại ngùng nhưng cũng tỏ ra phấn chấn khi được trở thành con cái trong gia đình. Anh ngỡ tưởng mình sẽ được ưu ái nhưng nhà vợ ai cũng đều là những người ít nói nên rất khó gần.
Đã đến nhà nàng nhiều lần lúc hai người trong giai đoạn tìm hiểu, nhưng anh vẫn không quen được với cung cách sống và sinh hoạt ấy. Ngồi cả buổi với nhạc phụ nhưng bố vợ ít nói đến nỗi anh có thể đếm được trong tối ấy ông nói bao nhiêu câu. Mạnh bạo khơi chuyện cho không khí giữa hai bố con đỡ tẻ nhạt nhưng bố vợ cũng chỉ trả lời ậm ờ vài câu cho qua chuyện rồi lại ngồi im lìm xem tivi.

Chuyển qua bắt chuyện với mấy dì và mẹ vợ, anh cũng được nhận thái độ đăm chiêu và không mấy hào hứng. Được vài lần như vậy, Thắng dần dần dị ứng với những buổi về thăm gia đình vợ. Giờ đây về nhà vợ đối với anh như là chuyện bắt buộc.

Còn trường hợp của anh Tú lại khá nan giải. Cánh đàn ông của gia đình vợ (bố và hai cậu em) rất thích bàn bạc tranh luận về chuyện nhà cửa đất cát. Mỗi lần gia đình họp mặt là y rằng chủ đề chính lại chỉ có vậy. Bố và các em trai đều sẵn tính hay “nổ”, nói chuyện đều cố ra vẻ sành sỏi và biết nhiều điều, thậm chí còn nói “bốc” lên vài lần so với thực tế nên Tú không thể chịu đựng nổi.

Vốn làm việc trong nghề xây dựng nên anh còn lạ gì với những điều người nhà vợ đang bàn bạc. Nghe bố và các em nói sai ngay cả những điều cơ bản nên Tú luôn miệng góp ý. Ấy vậy mà bố và các em nào đâu có biết xấu hổ, biết sửa sai. Cứ mỗi lần Tú về thăm lại được nghe chủ đề cũ, lại vẫn “nổ tung trời” khiến anh cũng chán, đành mặc kệ để họ ba hoa cho sướng miệng.

Những cuộc viếng thăm nhàm chán, không có gì mới mẻ, thậm chí còn bị ức chế về tâm lý, nên nhiều đức lang quân đã bày tỏ thái độ chán nản mỗi khí nhắc đến chuyện về quê vợ, về thăm gia đình bên ngoại.

42-19832564.jpg


Rể cũng là con

Đối với nhiều gia đình, các chàng rể còn được bố mẹ, họ hàng đằng vợ yêu thương hơn cả những người con khác trong nhà. Điều đó cho thấy các bậc cha mẹ luôn có sự quan tâm, gần gũi đúng mực với chồng của con gái mình - người sẽ cùng với con “chia ngọt sẻ bùi” trong cuộc sống.

Ngược lại, cũng có không ít các chàng rể khôn khéo biết cách lấy lòng, làm đẹp mặt cho bố mẹ vợ đối với họ hàng, láng giềng. Trong trường hợp này, người con rể càng được nhạc phụ nhạc mẫu yêu thương hơn gấp bội.

Nhiều đấng mày râu phàn nàn về việc không thoải mái khi đến nhà vợ nhưng tất cả đều do cách suy nghĩ của họ. Theo các nhà tâm lý, để nhanh chóng hoà nhập được với gia đình vợ, các chàng rể cần yêu thương, gần gũi với bố mẹ nàng nhiều hơn, tạo được lòng tin đối với họ bằng cách chứng tỏ mình là một người chồng, người cha có trách nhiệm đối với gia đình. Bên cạnh đó, đừng bỏ lỡ cơ hội chia sẻ cho mọi người, dù chỉ là một câu chuyện chung trong bữa cơm hàng ngày, dù đó là những chuyện nhỏ và bình dị nhất của cuộc sống hàng ngày.

Phe mày râu cũng nên tránh tư tưởng e dè, lạ lẫm với cuộc sống hàng ngày của gia đình nàng, góp ý thẳng thắn với vợ, nhờ vợ làm nhịp cầu nối để mình thật sự là thành viên của gia đình. Hãy để niềm vui được về nhà vợ thay thế cho những ám ảnh có thể ảnh hưởng đến chính hạnh phúc gia đình mình.



(Theo XinhXinh)
 
Back
Top