Người Việt ở Nga: Có tiền thì… làm gì?

Jolie

Member
Nhà thơ cộng đồng Nguyễn Huy Hoàng đã lột tả rất chính xác cảnh sinh hoạt đời thường của một bộ phận người Việt ở Nga trong vài chục năm nay: “Ngày ốp chợ, giống đèn cù, chong chóng. Tối chơi bài, đàn đúm tận đêm khuya”...


ngViet2.JPG


Người Việt bán hàng ở Nga.


Lâu lắm rồi, tôi còn nhớ nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn từng có bài viết “Người dân mình có tiền thì làm gì?”. Bài báo phê phán thói ham mê cờ bạc của người Việt mình. Tôi mượn ý của ông để nói về căn bệnh đó trong cộng đồng người Việt tại Nga. Ở xứ người tiền kiếm nhiều khi cũng được, tuy vất vả, tủi nhục. Mà cuộc sống thì tẻ nhạt, tù túng, chẳng có nhiều niềm vui. Bởi thế cờ bạc là thú xả stress của không ít bà con ta. Nhà thơ cộng đồng Nguyễn Huy Hoàng đã lột tả rất chính xác cảnh sinh hoạt đời thường của một bộ phận người Việt ở Nga trong vài chục năm nay: “Ngày ốp chợ, giống đèn cù, chong chóng. Tối chơi bài, đàn đúm tận đêm khuya”.

Đọc truyện của Nam Cao thì thấy cách tiêu tiền của người Việt đầu thế kỷ XX chẳng khác gì một số bà con mình tại Nga thời nay - cũng chỉ xoay quanh việc lo ăn và cờ bạc. Cái thói vung tiền vào trò đỏ đen thoạt nhìn là vô thưởng vô phạt hoặc một phút bốc đồng có thể cảm thông. Song nó tố cáo một sự thực là nhiều người chúng ta không làm chủ được đời mình. Cái nghèo đeo đuổi lâu quá đến mức trong tiềm thức ta tin không bao giờ thoát khỏi nó. Còn sự giàu có thực sự xa lạ với ta đến mức khi có tiền cũng chẳng biết làm gì đành tiêu bậy tiêu bạ cho xong. Đằng sau thói vung tay quá trán ấy là một thái độ bi quan tuyệt đối trước cuộc sống.

Trong truyện ngắn “Thôi, đi về…” câu chuyện xoay quanh việc một anh đi vác củi thuê được một đồng bạc. Đầu tiên là lo cái gì đổ vào mồm và ngay lập tức tìm ra “công thức” bún thịt chó. Tiếp đó là… đánh bạc, đánh để thua luôn đồng bạc vừa nhọc nhằn kiếm được.

Nếu ở “Thôi, đi về…” nhân vật chỉ dám đùa bỡn với một đồng bạc thì trong “Mua nhà” nhân vật của Nam Cao còn cả gan gọi bán ngôi nhà đang ở lấy vài trăm bạc ném vào canh xóc đĩa. Sau đó thì con cái ra đường. Con người đó sống như mơ ngủ, tự mình lừa mình rằng chỉ vì không trường vốn mà không gỡ được bạc, con người vô trách nhiệm với gia đình, vợ con, con người lao đầu vào chỗ chết. Trong đoạn cuối câu chuyện của kẻ bán nhà để gỡ bạc, Nam Cao để cho bà mẹ vợ của gã khát bạc than thở với các cháu: “Bố chúng mày không ra giống người…”. Câu nói này của bà cụ nhà quê có ý nghĩa triết lý sâu sắc.

Nhưng những con bạc cũng có “lẽ sống” của mình, họ tìm ra một thứ triết lý chống chế, yếm thế. Nhân vật của Nam Cao nói: “Con người ta giàu tự số, nếu làm mà giàu được thì tôi đã giàu ức triệu. Mấy năm về trước tôi cố khiếp lắm, ban ngày đi làm thuê cho người ta, tối có trăng lại cuốc vườn nhà ấy thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo”. Một khi cờ bạc được vũ trang bằng lý luận kiểu ấy thì nó còn có cơ sở để tồn tại dài dài.

Cộng đồng người Việt ở Nga, người sang trước, kẻ sang sau. Giàu, nghèo khác nhau nhưng thói đam mê đỏ đen thì nhiều người giống nhau. Thu nhập thấp thì đánh tá lả. Thu nhập cao hơn thì vào casino. Cao hơn nữa thì cá độ bóng đá quốc tế. Anh L. sang Mátxcơva được 8 năm, mỗi tháng kiếm được 800 USD, bằng lao động phổ thông nhọc nhằn. Tối nào anh cũng vào chiếu “xòe quạt”. Làm đựơc đồng nào bị những người cùng “xới” lột sạch. Ăn chẳng đủ, nói gì gửi về “xây dựng quê hương”. Bố mẹ, vợ con chẳng nhờ vả được gì. Anh S.thì cá độ bóng đá hết sạch vốn liếng mấy trăm nghìn USD, từ một ông chủ trở thành người làm thuê. Bây giờ thì sợ cá độ lắm rồi. Sợ đến mức không dám mở tờ báo thể thao ra xem. Bởi xem thì thấy người ta đăng tỷ lệ cá cược, rồi “máu” nổi lên, không chịu được, rồi có khi bộ quần áo mặc trên người cũng cởi ra mà trả nợ.

Ở thương xá Xalút 3 trước đây có anh T. rất nổi tiếng vì tính chịu khó, căn cơ. Và nhờ căn cơ mà gây dựng được quầy hàng khô lớn lắm. Có người trả đến mười mấy “cục” (mỗi “cục” là 10.000 USD) mà không bán. Giờ anh T. cũng nổi tiếng, nhưng là nổi tiếng về sự khát bạc. Trong một đêm “ngồi thiền”, từ chỗ chỉ đánh cò con, cỡ mấy ký mực khô, thế mà đến sáng đã “bay” luôn cả quầy hàng, tính ra tiền Việt là bạc tỷ. Trắng tay, T. đi bán nước rong ở chợ Vòm, mỗi lần đi qua các quầy hàng khô, mắt cụp xuống, không dám nhìn. Rồi chợ Vòm tan, chẳng rõ anh T. dạt đi chợ nào, thành phố nào. Nhưng tôi dám chắc anh không về nước. Vì trót mang tiếng là “đại gia ở Nga” mà bây giờ về làng đến thanh sôcôla cũng chẳng mua được cho con, à không, bây giờ thì là cho cháu, bởi các con anh cũng đã trưởng thành rồi.

Trong cộng đồng mỗi mùa World Cup hay Euro Cup cũng là mùa cá độ. Người ta khiêng về căn hộ thuê những chiếc tivi màn hình phẳng cực lớn. Yêu bóng đá, hẳn rồi. Nhưng người ta đâu có yêu bóng đá “suông”. Túm năm, tụm ba vào là kích nhau độ. Hăng đến nỗi chẳng quan tâm đến diễn biến trên sân, chỉ cần biết tỷ số. Biết rồi thì kẻ khóc người cười. Mà khóc nhiều hơn cười. Ngay sau trận khai mạc một mùa bóng đá chính mắt tôi đã chứng kiến một vụ xù nợ ngoạn mục. Anh V buổi sáng vẫn nói với mọi người ở chung phòng là sẽ đi ra chợ bán hàng như thường lệ. Nhưng đến trưa vẫn không thấy kiốt của anh mở cửa. Đến tối thì nghe tin anh đã trốn về nước rồi vì thua độ quá nhiều. Các chủ nợ điên cuồng họp nhau lại, cử người về tận quê tróc nã. Trong cộng đồng từ trước tới nay có bao trường hợp như vậy? Không thống kê được…




Trần Quang Vinh
(theo TN)​
 
Back
Top