Người kể chuyện dân gian

Jolie

Member
Tầm vóc anh trung bình, mặt giống như biển hiệu giao thông được phép rẽ phải khi có đèn đỏ, có cũng như không. Cái mặt ấy luôn hòa tan và mờ nhạt trong đám đông.

Ở thời buổi hiện nay, khi mà nỗi mong mỏi được nổi trội, được trở thành “người của công chúng”, “người VIP” đã trở thành một động lực, một khát vọng mang tính phổ biến thì cái cách lẩn vào đám đông của anh xem ra là một thứ lập dị. Anh cười, bảo: – Mặt người ta cũng như rừng núi, sông suối. Phải tôn trọng bản sắc, chớ can thiệp sâu quá.
Một cái cười vui vẻ mang tính phổ biến quốc tế, chẳng có gì đặc biệt. Nói thêm, anh đâu phải loại người làng nhàng bèo dạt mây trôi ở chốn nhân gian. Anh là con người của thời hội nhập toàn cầu, từ Bắc Mỹ, châu Âu, đến Trung Đông, Nam Phi… đâu đâu cũng có mặt. Anh là một chuyên gia có uy tín về đàm phán thương mại. Kỹ năng đàm phán và giải quyết các vấn đề phát sinh của anh được giới kinh doanh đánh giá là “độc nhất vô nhị”, “chuyên gia hàng đầu về tháo ngòi nổ và chữa cháy”. Tôi thấy anh có mặt ở nhiều lễ ký kết hợp đồng trị giá lớn. Anh luôn đứng ở phía sau, ở vòng ngoài các sếp lớn, các bàn ký với vẻ mặt tư lự, xa xăm như mặt của “ông già đau khổ” Lôbanốpxky – huấn luyện viên bóng đá của Liên Xô trước đây, cũng giống như một ông nông dân thời con trâu đi trước cái cày theo sau ngắm nhìn mây gió, dự báo nắng mưa cho ngày mai… Nói tóm lại, cái mặt anh ở chỗ sang trọng trông nhợt nhạt cũ kỹ, không biểu cảm hay nói lên cái gì cả.
Năm nào tôi cũng gặp anh một lần. Lần nào, cái mặt “đại chúng” ấy cũng cười cười, bảo: “Có cái mới cho ông đây!”. “Ngụ ngôn hay truyền thuyết?”. Tôi làm bộ hững hờ. Dẫu sao tôi cũng là một người viết có thể đẻ ra 1.001 thứ người và việc.
“Này, ở Nam Mỹ có chuyện ngụ ngôn con gấu và con cáo, đáng để biết và suy ngẫm lắm!” – Một chất giọng đã chuyển hệ về già, hàm chứa sự bất bình vì sự lạnh nhạt vô tình của thời gian. “Cáo rủ gấu đi bắt cá. Cáo bảo gấu: – Anh có sức khỏe hơn người, lại biết cách lội nước. Anh xuống suối xua đuổi cá nhảy lên bờ để tôi bắt. Gấu nghe theo, ra sức quẫy đạp, đầu tóc bốc khói, nước như sôi lên. Cáo nhặt hết cá trên bờ bỏ vô bao. Lúc gấu lên, mệt nhoài, thở hổn hển hỏi cá chia cho mình. Cáo cho gấu ba con, bảo đấy là công lao động một giờ. Gấu không chịu đòi chia đôi số cá thu được. Cãi cọ om xòm, không ai chịu ai. Vụ việc phải ra tòa.
Tòa phán: – Công nghệ bắt cá là do cáo làm chủ. Gấu chỉ là người làm công. Cáo trả công cho gấu 3 con cá trong một giờ lao động giản đơn là hợp lý rồi.
Gấu thua kiện tức lắm, không biết làm gì hơn, chỉ tự trách mình ngu muội”.
Lại xuất hiện một nụ cười bạc phếch như chiếc áo cũ của một ông giáo nghèo ở quê. “Còn có một kết thúc khác, do mấy người thổ dân vùng châu thổ Amazon kể lại. Gấu tức lắm, hỏi tòa án xử theo luật nào. Tòa bảo, xử theo luật thời kinh tế tri thức, khoa học kỹ thuật số. Gấu yêu cầu xử theo luật công bằng. Tòa bảo không có luật công bằng, chỉ có tính công bằng trong luật thôi. Gấu đòi thực thi tính công bằng bằng cách thực hiện lại công việc, bắt cáo xuống nước xua đuổi cá nhảy lên bờ. Cáo đâu có sức mạnh bằng gấu, quẫy đạp lung tung suốt nửa ngày mà không có một con tép riu nào nhảy lên bờ hết.
Gấu nói: “Không thực hiện tốt thì sáng kiến hay đến mấy cũng vô ích, vậy phải xử sao?”.
Tôi bảo: “Ý tứ sâu sắc, có thể đăng báo được”. Anh nói: “Nên đăng kèm với bài phiếm luận về vợ do tôi mới sưu tầm được trong cuộc họp với các giám đốc doanh nghiệp phía Nam”. Rồi anh đọc cho tôi nghe một lèo 53 câu thành ngữ về vợ, trong đó có chữ “bất”. Dĩ nhiên, tôi không thể nhớ hết được 53 câu đó, chỉ nhớ được 10 câu thôi: “Bị vợ đánh liên tục là bất lực. Vì vợ mà bỏ bạn là bất tín. Vì vợ mà mắng chửi cha mẹ là bất hiếu. Vì cha mẹ mà phụ bạc vợ là bất nghĩa. Khen gái đẹp trước mặt vợ là bất tiện. Vợ được người ta khen nhiều là bất ổn. Ý của vợ là bất di bất dịch. Áo vợ mặc là bất luận bàn. Cơm vợ nấu là bất kiến. Tiền lương phải nộp cho vợ là luật bất thành văn…”. Một cái nhìn theo đồ thị hình sin, uốn lượn nhấp nhô trước mắt tôi.
“Sao?”. “Sao là sao?”, “Tầm vóc của phiếm luận về vợ ở Việt Nam ta?”.
Nhớ lại hơn 30 năm về trước. Lúc đó, tôi và anh đều là loại tân binh C vừa trải qua những trận sốt rét thập tử nhất sinh, đầu như hột vịt, ốm nhom chỉ còn da bọc xương chạy lông nhông ở rừng miền Đông đi tìm đơn vị.
Chúng tôi cùng trang lứa. Anh thuộc đoàn đi B trước tôi một tháng, được bổ sung về đơn vị trinh sát của Công trường 5 (Sư đoàn 5). Tôi được bổ sung về một đơn vị hậu cần vùng sâu ở Thanh An – Bến Cát – Bình Dương. Trước đó, chúng tôi từ “lán điểm” (lán dành cho thương bệnh binh nặng) sống lại, đi qua hai trạm xá và điểm tập kết thu dung. Biết nhau sơ sài ở chặng đường đầu tiên, gọi nhau là đồng chí. Lúc đó, tôi ở tuổi 20, lần đầu tiên gặp hiểm nguy cận kề cái chết trong rậm bít bùng. Mồ hôi lạnh tháo ra như tắm. Đầu óc mụ mẫm, tay chân bủn rủn, run rẩy. Anh từ dưới đáy hố bom chui lên, thì thào: “Tao cũng thế!”.
Anh là hiện thân của sự bất ngờ. Không bất ngờ theo kiểu tấu hài gây ngạc nhiên thích thú. Loại bất ngờ khiến người ta phải suy nghĩ. Anh nói “Tao cũng thế!” nhưng nét mặt vẫn tỉnh khô, giọng nói vẫn tròn vành rõ tiếng theo kiểu cấp dưới báo cáo trên ở câu cuối cùng: “Báo cáo thủ trưởng, hết!”.
Nhiều năm qua đi, cho dù tóc đã bạc, da đã nhăn, đã là ông ngoại nhưng nét mặt của anh vẫn như ngày đầu tiên tôi gặp. Không có gì đặc biệt ở khuôn mặt ấy; không thể nói là đẹp trai cũng chẳng thể nói là xấu. Mờ nhạt, mông lung, xìu xìu, ển ển. Không nóng cũng chẳng lạnh. Một sự siêu trầm tĩnh đến mức không nhận ra.
“Lần đầu tiên tao ra thị xã, thấy ô tô, đèn điện. Lạ nhất là ở cửa hàng có bán sữa trẻ em. Tao có năm hào, tò tò đến bên quầy hàng, khẽ khàng nói: – Chị cho em mua 5 hào! Cô mậu dịch viên hỏi: – Năm hào gì?”. Tao nói: “Năm hào sữa trẻ em. Em bế em nhiều năm, thấy chúng chỉ có nước mắt nước mũi và nước đái thôi, không thấy sữa chảy ra ở đâu cả!”. Cô mậu dịch viên nắm lấy chổi lông gà đánh túi bụi vào đầu tao, la hét om sòm: – Ranh con! Cút xéo! Trẻ em làm gì có sữa để bán cho mày. Tao cãi lại: “Ở cửa có biển đề rõ: Hôm nay có bán sữa trẻ em là gì”. (Hồi bao cấp ở miền Bắc, các cửa hàng mậu dịch bán sữa theo tem phiếu. Trẻ em mới sinh đều được cấp phiếu mua sữa – tác giả). Mọi người cười, còn tao không cười nổi. Đau thấy mẹ, cười cái nỗi gì.
Đêm chúng tôi ngủ trên cành cao của cây cầy đồ sộ cành lá rườm rà. Anh kể chuyện “hai người gặp hổ”. Chuyện kể, có hai người đi trong rừng. Đang đi, gặp hổ chầu chẫu trước mặt. Cả hai hãi, đái ra quần. Người có kinh nghiệm hơn nói: Đừng có chạy! Khí phách của người sẽ áp đảo được hổ. Cứ đứng yên, nhìn thẳng vào mắt nó. Nó sẽ bỏ đi. Nếu bỏ chạy, nó vồ ngay.
Người và hổ đối mặt với nhau một hồi. Cả hai phía nhìn ngắm nhau. Con hổ tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm. Người yếu bóng vía căng thẳng tột độ. Khi con hổ mệt mỏi mở rộng miệng ngáp duỗi lưng uốn vai chuẩn bị bỏ đi, anh ta hốt hoảng ù té bỏ chạy. Nhanh như cắt, con hổ nhào tới xé xác anh ta.
“Chuyện chỉ có thế, hãi không?” – Anh nằm ở dưới tôi, trên cái chạc cây có hai nhánh. Thật kỳ lạ, câu chuyện hổ xé xác người bỏ chạy chẳng làm tôi hãi, lại thấy yên tâm. Lúc sau, anh chọc ngón tay vào lưng tôi nhắc: “Này, đừng có đái bậy lên đầu tao đấy!”.
Rồi lên giọng hát xẩm một bài thơ truyền miệng trong đám lính điều trị ở bệnh xá: “Sống ở rừng có nhiều cái khoái. Giúp cho ta đi đái rất gần. Đái đằng đầu, đái đằng chân. Đứng đâu đái đấy đếch cần đi xa. Không như khi sống ở nhà. Muốn đái một bãi phải ra tận vườn”.
Tôi bật cười! Có lẽ đấy là lần duy nhất tôi cười vì những câu chuyện của anh.
“Này!”. Tôi đột ngột hỏi. Cái mặt “đại chúng” càng đại chúng hơn. Không còn biết trên đó có những đường nét gam màu gì nữa.
“Gì vậy?”.
“Gặp ông, không ai nghĩ rằng ông đã từng là lính chiến sống chết ở chiến trường, càng không thể ngờ rằng ông là chuyên gia cự phách về kinh tế. Là cớ sao vậy?”. “Làm sao phải biết làm sao…” – câu nói ỡm ờ mang âm điệu buồn của gió cuối thu.
Anh đi rồi! Đi nước ngoài đàm phán về thương mại. Tôi nhìn ông thợ sửa xe ở góc phố thấy giống anh. Lại nhìn một quan chức từ cơ quan công sở lớn của nhà nước đi ra, leo lên xe con đời mới, cũng giống anh. Lại phải nghĩ ngợi, lại phải triết lý lung tung về cái chung, cái riêng, cái ổn định, cái thay đổi của con người và những chuyện dân gian anh sưu tầm được trên các nẻo đường xuôi ngược đó đây…
(Theo SGGPO)
 
Back
Top