Chiếc ghế

Jolie

Member

Tôi hiện diện ở cái thị trấn không lớn không nhỏ ấy vào đầu năm cuối của thế kỷ 20. Đó là một thị trấn dường như chỉ có chiều dài, chạy dọc theo Quốc lộ 1. Bấy giờ, công ty chế biến nông sản duy nhất của tỉnh đóng tại đây đang sống dở chết dở vì giá nông sản tụt xuống quá thấp, nhiều nông dân bỏ đất ruộng vào Nam kiếm sống.


Với lớp nệm tốt bọc đến tận nơi tựa đầu, cái trục một cột xoay được và dòng chữ ’’Made in Japan’’ trên thân, tôi đã thành một hiện tượng lạ ở công ty và cả thị trấn nói chung. Bởi lẽ, ở vùng nông thôn cách thị trấn chưa đầy mươi cây số về phía Tây, người ta chỉ được biết đến tôi qua phim truyện Hàn Quốc. Còn ở dưới phố cách đó hơn mươi cây số về phía Đông, hình như chỉ mới có đâu chừng dăm bảy người bạn cùng quốc tịch với tôi đến cư ngụ.

Khi tôi vừa xuống xe đã có lắm người đổ đến xem, như đón một vị khách quý về làng. Người ta trầm trồ khen: ’’Ồ, đẹp quá!’’. Có người thích thú nhảy lên mình tôi, ấn chân xoay tròn: ’’Trời, êm quá, giống như ngồi trên máy bay vậy!’’. Tôi càng thấy mình nổi trội, có giá hơn khi nhìn quanh hội trường, nhà ăn…, đâu đâu cũng toàn là những bạn cùng họ “ghế” được làm bằng gỗ nội địa đã quá cũ kỹ. Có bạn được tháp chỗ này, chắp vá chỗ kia gọi là tận dụng. Ở vào thời kỳ mà mốt ngoại đang được sùng bái, tôi chẳng khác nào một quý tử của sếp, của công ty.

Tôi được đặt đúng vào một nơi “oách’’ nhất, trong một căn phòng đẹp nhất, sang nhất. Chỉ thiếu chiếc máy lạnh là đủ bộ chơi hiện đại nhất. Chủ tôi là một người đàn ông to béo, râu nhiều nhưng siêng cạo. Ở vào tuổi chưa tri thiên mệnh của sếp, có lẽ cái bụng đã to lên quá sớm. Làm gì hay nói chuyện với ai, chốc chốc sếp lại đưa tay kéo chiếc dây nịt đã được nới thêm ba lỗ. Đó là kéo theo thói quen vậy thôi, sau đó chiếc nịt lại nhanh chóng trở về vị trí cũ. Chung quanh cái bụng của sếp đã sinh lắm chuyện phức tạp. Người khen rằng ’’như thế mới sang’’, người chê cho rằng sếp ’’lười tập thể dục mới nên nỗi’’. Có người còn ác khẩu hơn: ’’To bụng thì nhỏ đầu’’. Không biết người ta đã rút từ đâu ra quy luật tương phản như một triết lý nghiệt ngã ấy và không biết sếp tôi có nghe được những lời đàm tiếu ấy không. Nếu nghe, ông sẽ phản ứng thế nào nhỉ?

Mà tôi cần gì phải biết những điều ấy. Đời tôi còn mong gì hơn khi được làm vua một cõi và được gởi thân đầy hãnh diện vào cái bóng mát rượi, ngát hương của sếp. Cho nên ai đó có trề môi vì sự quá cỡ giữa thân hình vừa phải của tôi với số lượng gần tám chục ký lô phải gánh trên lưng sáng chiều mỗi ngày, tôi vẫn không oán trách. Ai bước vào phòng sếp trước hoặc sau khi quan hệ công tác xong cũng tặc lưỡi: “Chà, sếp bữa nay có chiếc ghế ngon quá!”. Mỗi lần như thế, tôi thấy sếp lại cố ưỡn người ra, tì tay hơi mạnh lên tôi và ra lệnh: “Xoay nhẹ!”. Sếp cười thật tươi khi thấy tôi ngoan ngoãn vâng lời. Còn gì vui hơn khi với tôi sự phân công xã hội chỉ có thế. Tôi chỉ hơi bực là vào những lúc vắng, cô thư ký trẻ của sếp cứ ưa chơi trò đúp bô” (double: gấp đôi). Cô ngồi lên đùi sếp rồi đẩy cho tôi xoay một vòng rõ mạnh và ngặt nghẽo cười. Tôi đã từng quen với nhiều nụ cười thật giả khác nhau nhưng sao vẫn cứ thấy ghét giọng cười của cô ta. Trò chơi thì quỷ quái mà giọng cười lại ma mãnh. Thật lòng là thế nhưng có bao giờ tôi được nói ra những điều mình nghĩ.

Có thể khái quát những bước khởi đầu của đời tôi thật tuyệt vời. Từ cửa tiệm có vẻ hào nhoáng nhưng buồn tẻ: tôi được về đây sống với sếp những ngày tháng sôi động khá lý

tưởng. Nhiều bạn ghế khác cả đời ước mơ dễ gì được sống một giây như tôi. Chỉ tiếc, buồn vui chưa kịp ngấm thì sếp đã vội chia tay tôi. Tôi có nghe phong thanh rằng sếp sẽ thuyên chuyển công tác đi đâu đó, nhưng tôi vẫn thấy cuộc chia tay này là quá đột ngột, đột ngột đến nỗi có người đã chưa chuẩn bị kịp tâm thế tống cựu nghinh tân. Việc sếp đi khỏi công ty là đề tài bàn tán còn lớn hơn cả việc tôi về công ty nhiều. Nó âm ỉ, mãnh liệt trôi dài theo buổi giao thời giữa hai thế kỷ. Có người đã kể câu chuyện tiếu lâm hiện đại khi biết chắc rằng nay mai sếp sẽ ra đi: ’’Tao có người thân, nó làm trưởng phòng tổ chức một chi nhánh của tổng công ty vận tải sông biển. Ai cũng biết đó là cái ghế số hai sau giám đốc nhưng rất khó tranh vì nó là con ông cháu cha mà. Nhưng rồi nó mải vui chơi không lo giữ ghế nên cuối cùng cũng bị mất về tay người khác. Mất êm đẹp theo cách nó được thăng chức phó giám đốc. Hôm nhậm chức mới, nó cười gượng gạo, trong bữa tiệc rửa chức, bia đắng như ngải. Về nhà nằm gác tay lên trán, nó mới thấy buồn đến chảy nước mắt. Cả nhà nó sau lần thăng quan ấy như thể đang có tang…’’.

Rõ ràng miệng người đời tung ra câu chuyện ấy là để chửi khéo sếp, gọi là thừa cơ nước đục để buông câu, giậu đổ thì bìm leo ấy mà! Tôi chỉ biết lắng nghe thiên hạ tranh luận. ’’Việc thăng quan tiến chức cũng có năm bảy đường. Có thể bị ’’đá bổng” đồng nghĩa với cách chức hoặc để chờ hưu. Nhưng trường hợp của sếp lại khác. Sếp có thế lực, lại giỏi ngoại giao, biết đâu việc sếp về liên đoàn lao động tỉnh chỉ là bước trung chuyển đến ủy ban tỉnh…?’’. ’’Ôi chao, công ty ta liên tục làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản, trách nhiệm thuộc về ai? Có phải sếp không? Lẽ ra phải tự giác từ chức mới đáng…’’. ’’Đó là chuyện bên Tây chứ ở nước mình làm gì có thói quen ấy mấy cha!’’.

Những cuộc tranh luận kiểu đó bao giờ cũng như đùa mà thật, thật mà như đùa. Lúc đầu nghe cũng thấy thích, nghe riết lại chán. Thiên hạ hình như hơi nhiều chuyện. Có điều, chuyện sếp cũ là chuyện quá khứ nên cũng nhanh chóng tạm lắng xuống. Chuyện sếp mới, chuyện của tương lai, mới là chuyện sinh mệnh nên được nhiều người quan tâm kỹ hơn. Chung quy dù có bàn Đông – Tây, trời – đất, cuối cùng vẫn qui về một mối: Ai sẽ là chủ mới của tôi, thay cho sếp cũ?

Ai? Câu hỏi ấy kèm theo sự điểm danh hàng loạt những tên tuổi sáng giá. Nào là phó giám đốc, trưởng phòng hành chánh quản trị, trưởng phòng tổ chức, tổ trưởng tổ chế biến số 1… Cuối cùng, với phương pháp loại suy có cơ sở, người ta đã lọc ra được hai hạt gạo trên sàng. Đó là phó giám đốc và trưởng phòng tổ chức. Phe của phó giám đốc được gọi là phe già nhiều thế lực nhưng ít tiềm năng, còn phe của trưởng phòng tổ chức thì ngược lại. Mỗi phe đều có những người ủng hộ ra mặt. Tất nhiên trong đơn vị nào cũng có một lực lượng thứ ba lặng lẽ thăm dò. Có thể nói công ty những ngày cuối năm đã tống cựu mà chưa kịp nghinh tân là đoạn đời sống nhiều kỷ niệm buồn vui nhất của tôi. Buồn vì ngày nào không khí trong công ty cũng nặng nề như có một ma lực nào đó kéo chùng xuống. Trong cái quạnh vắng của căn phòng tôi đang sống dường như vách tường cũng sinh tai mắt để nghe ngóng, nhòm ngó. Những người từng sống và làm việc thân thiện với nhau trong cơ quan bỗng dưng lại đâm ra dè dặt, thủ thế lẫn nhau. Trong khi đó công

việc bị ngưng trệ thì ít ai để ý tới. Còn nói vui là vì chưa bao giờ tôi được tai nghe mắt thấy những chuyện lạ trong công ty như lúc này. Xin kể ra đây vài chuyện minh chứng.

Một hôm sau giờ nghỉ cuối ngày, mọi người đã về cả, xếp phó lò dò đến phòng tôi. Ông không bật đèn. Trong ánh sáng lờ mờ của buổi hoàng hôn từ bên ngoài cánh cửa hắt vào, ông đến đặt một tay lên đầu tôi, vỗ vỗ. Rồi ông ngồi lên người tôi, tựa đầu vào nệm êm, ưỡn người xoay qua xoay lại với cảm giác thích thú của người chơi đu. Lát sau, ông bỗng phá lên cười to. Tiếng cười lớn một mình trong bóng hoàng hôn có cái gì lạ lùng, bí hiểm lắm. Nó làm tôi phải rợn da gà dù không giống với tiếng cười của cô thư ký trẻ chút nào, khiến tôi nghĩ đến một trại bệnh tâm thần nào đó. Một chuyện khác có liên quan đến thế lực trẻ của trưởng phòng tổ chức. Một buổi trưa nọ, sau giờ chủ trì một cuộc họp về nhân sự ở các tổ sản xuất, trưởng phòng tổ chức lấy cớ quá mỏi mệt đã đến nghỉ trưa tại phòng sếp cũ của tôi vì ở đây vừa được gắn máy lạnh. Nhưng tôi thấy trưởng phòng có nghỉ ngơi gì đâu, ông cứ dạo qua lại với vẻ mặt đăm chiều. Một bản nhạc tươi vui vọng vào từ loa phóng thanh của thị trấn, tức thì trưởng phòng nhún nhẩy đôi chân lúc nhanh lúc chậm theo đúng điệu nhạc như một vũ sư sành điệu. Đôi tay trưởng phòng dang rộng như muốn ôm cả căn phòng vào lòng.

Rõ là mỗi người một vẻ… chơi.

Cũng may cho công ty là những ngày tháng u ám với lắm chuyện tầm phào xoay quanh chiếc ghế trống kéo dài không lâu (mà theo tôi, như thế đã quá nhiều. Nếu còn kéo dài nữa, công ty sẽ ngã quỵ xuống như một cái xác vô hồn). Một ngày đẹp trời hiếm thấy, toàn công ty có cuộc họp khẩn để nghe công bố quyết định về vị tân giám đốc. Vậy là bầu trời oi bức trước cơn dông sắp được tẩy rửa bằng cơn mưa rào mát mẻ. Mọi người đều ngóng chờ giây phút ấy. ’’Chắc quyền giám đốc sẽ lên thay!’’. ’’Chưa hẳn, vì thế kỷ 21 rồi, nhân sự phải trẻ trung, chiến lược chứ’’. ’’Vậy thì ai sẽ ngồi vào chiếc ghế đã bỏ trống gần một năm?’’. Tổ chức kín quá!

Cơ quan không vắng một người nào trong buổi họp quan trọng ấy. Người ta muốn được biết ngài tân giám đốc như được biết chính số phận của mình. Nhưng té ra vị tân giám đốc ấy không phải là phe của quyền giám đốc, cũng chẳng phải phe trẻ của trưởng phòng tổ chức. Đó là một cán bộ được tỉnh tăng cường về, mới toanh, gọi là để vực dậy công ty đang thời buổi khó khăn. Mọi người ngớ ra, nhiều người thở phào nhẹ nhõm.

Hôm ấy, tôi còn nhớ chỉ ba lăm ngày nữa là tròn hai năm tôi có mặt như một chứng nhân tại công ty chế biến nông sản của tỉnh X.

Theo NLĐ​
 
Back
Top