Ánh Hỏa Châu (Phần 2)

Jolie

Member

Lê Xuân Sơn

Ánh Hỏa Châu (Phần 2)





Đám cưới chị tôi buồn như một đám cưới chạy tang.

Buổi sáng ngày hôm ấy, tôi đang đứng trên lan can thì có một cái xe jeep trờ tới. Tôi thấy một chú lính quen quen đang ngơ ngác tìm số nhà. Tôi chạy vội xuống.

- Chú kiếm chị Diễm tôi phải không. Có chuyện gì không chú?

- Tôi là Phận, Trung tá bị thương nặng lắm, tôi đến báo cho cô Diễm. Đây là số phòng của ổng.

Tôi lặng người, rồi vội cầm vội tờ giấy, rồi chạy nhanh lên lầu. Chị Diễm đang ngồi thẩn thờ trên chiếc ghế nhìn ra ngoài cửa sổ ( Vẫn vị trí mà từ ngày anh Hinh ra trận, chị vẫn ngồi đấy để dõi theo những bóng hòa châu chập chờn, leo loét, lắc lư trên vòm trời tối đen của vùng Hố Bò Bời lời. Có những trái thả lạc, rất gần, hắt vào phòng những tia sáng chập chờn, đầm đìa trên gối)

Tôi đứng lặng thinh nhìn chị một lúc rồi vội vã thay đồ, chạy xuống nhà. Mẹ tôi nói, hỏi gì tôi cũng không nghe thấy nữa! Tôi phóng xe thẳng tới Bệnh viện Cộng Hòa.

Tôi vừa đi vừa chạy trên những hành lang đầy thương binh. Mùi máu, mùi ê-te, cùng những tiếng rên xiết cứ như muốn níu chân tôi lại. Chiến tranh! Lần đầu tiên tôi mới thấy tận mắt chiến tranh khốc liệt là chừng nào! Lần đầu tiên tôi mới thấy sự hi sinh và lòng dũng cảm của người lính trận thật là vô bờ vô bến.

Chị Diễm ơi! Chị đã không lầm khi trao trái tim của chị cho một người người anh hùng...

Hinh thiêm thiếp trong phòng hồi sức. Vầng trán cao cao của anh còn vương lại những giòng máu đen sậm. Cả phần dưới cặp lông mày chữ mác của anh được băng kín. Chân phải anh cũng bị thương, máu đỏ còn thấm đậm trên những dải băng. Tôi đang đứng lau những vết máu, vết đất trên thân thể anh thì Phận dẫn một cụ già bước vào...

Bà cụ đứng trân trân nhìn Hinh. Hai hàng nước mắt chảy trên hai gò má nhăn nheo. Tôi bước vội ra ngoài hành lang. Một thiếu phụ, từ phòng giải phẫu chạy vụt ra, tay ôm con, vừa chạy vừa gào khóc, vừa gọi tên thảm thiết một người. Tiếng gào khản đặc làm lòng tôi quăn đau. Tôi bước nhanh đến chiếc ghế đá dưới gốc cây trứng cá, ngửa mặt nhìn bầu trời cao vời vợi, có những giải mây trắng vắt ngang. Tôi nhắm mắt lại như muốn được chắp cánh cùng mây lên cao, lên cao mãi...Tôi đã nhìn thấy các anh rồi! Các anh rực rỡ như muôn ngàn ánh hào quang! Các anh đẹp hơn cả thiên thần, hào hùng hơn cả những tráng sĩ trong chuyện cổ tích!

Lại có tiếng gào thét của một bà già kêu tên một người con nào đó. Tôi mím môi, tôi lại thấy buốt nhói trong lồng ngực. Tôi nuốt những giọt nước mắt mằn mặn...

Bây giờ thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng: Cuộc chiến khốc liệt này đã gây ra biết bao nhiêu nỗi thương đau, mà không có ai có thể chia xẻ cho ai được cả!

Những hình ảnh và âm thanh ấy cứ chập chờn, bám riết lấy tôi, theo tôi về tận đến đầu đường Nguyễn Thiện Thuật. Cả một góc phố đang bị kẹt xe, đang ngập tràn khói pháo! Nhà trai đã đến rước dâu rồi! Tôi nghĩ ngay đến khuôn mặt hí hửng của Quân. Rồi lại nghĩ đến cái đầu băng kín của anh Hinh. Cái đầu có quấn băng trắng ấy, y như một dải khăn tang. Anh đang để tang cho một cuộc tình dang dở...

Đêm hôm ấy, trong lúc cô dâu chú rể đang đi chào bàn...Bỗng có một người đàn bà, dắt theo một đứa bé trai. Người đàn bà đi thẳng đến chỗ chị Diễm, còn đứa bé, trông giống Quân như đúc, chạy tung tăng đuổi bắt những trái bong bóng đang bay lơ lửng giữa tiếng cười, tiếng nói, tiếng bật của nút chai rượu...

Mẹ tôi là người ân hận nhất. Bà lao tới, bao nhiêu tức giận của bà đồn vào một ly nước đầy, hắt mạnh vào mặt Quân. Bà lôi xềnh xệch chị Diễm tôi ra khỏi cửa.

Đêm ấy, mẹ tôi uống thuốc độc quyên sinh...

Bố tôi trước sau vẫn bậm chặt đôi môi, không nói một lời. Hôm đưa ma mẹ tôi, bố tôi chỉ nói vỏn vẹn :

- Bà đi bình an. Gia đình và con Diễm đã tha thứ cho bà.



LỜI KỂ CỦA TUẤN.

Cả tiểu đoàn râm ran khi nghe tin Trung tá Nhung, Tiểu đoàn trưởng sắp bị thay thế. Tin ấy, có lẽ bắt nguồn từ sau ngày đoàn thanh tra của Sư đoàn (không báo trước) đã đến Tiểu đoàn để thanh tra về quân số...Rồi lại xẩy ra chuyện bắn lộn tại bến phà Neak-Luông giữa toán biệt kích của Tiểu đoàn với một toán quân của chính quyền Lon-Nol.

Nhưng chuyện Thiếu tá Hinh, một sĩ quan rất trẻ đến thế "Ông già" Nhung, làm tất cả bàng hoàng mọi người nhất là đám sĩ quan chứng tôi. Riêng tôi phấn chấn hơn. Tôi dù về ngay Sài Gòn để khoe với chị Diễm. Chị Kim Anh xía vào:

- Chị Diễm nói thế là không đúng! Vui cái gì cho thằng Tuấn kia chứ! Chỉ làm cho anh ấy khó xử mà thôi! Tôi chúa ghét cái thứ con ông cháu cha!

Tôi xin nói thêm: Tôi có hai người chị. Chị Diễm tôi tính tình dịu dàng, nhân hậu nhưng đa sầu đa cảm, còn chị Kim Anh đã đẹp sắc sảo, lại có rất nhiều nam tính...Hàng đêm, hai chị ngủ chung một chiếc giường đôi sát cạnh cửa sổ. Bên ngoài là tàng lá của cây vú sữa thật to của nhà ông Tích. Trong khi chị Kim Anh ngủ khò, thì từ ngày anh Hinh đi lính, chị Diễm tôi thường tựa hai tay vào thành cửa sổ...Cùng với bầu trời mùa hè chan hòa ánh trăng, bầu trời mùa đông xám xịt, để hết mùa này đến mùa khác, mòn mỏi nhìn về khoảng trời có những bóng hỏa châu chao qua nghiêng lại, cùng với tiếng đại bác từ vùng "Anh ấy chắc đang đụng địch" vọng về. Chị say nhìn những chiếc C47 lập lòe trên không trung, vừa thả hỏa châu, vừa ném vào vòm trời đêm vô vàn tia đạn, vô vàn hạt sáng, giống như những dải sao ở trên trời! Những âm thanh từ mặt trận vọng về ấy, có lẫn với tiếng rơi khô khốc, não lòng của những chiếc lá vú sữa khua ròn trên mái tôn...

Cũng may trong Tiểu đoàn không ai biết việc tôi và "Cậu giáo" có dính dáng với nhau, chứ nếu họ biết thì còn quê cho tôi biết là chừng nào! Vì từ ngày về cả tháng trời đến giờ, mà cái ông tướng nhà trời này không thèm hỏi thăm tôi đến một tiếng!

Phải nói cho ngay, tức thì tức thật! Nhưng từ khi có ông sếp mới, không khí trong Tiểu đoàn tôi có nhiều lột xác: Lính tráng được luân phiên đi phép. Quân số đào ngũ giảm đi rất nhiều. Khu gia binh của Tiểu đoàn được anh cho mấy thợ mộc về tu sửa. Chỉ có những anh chàng ở hậu cứ là bắt đầu từ nay, không còn được lè phè nữa rồi...

Tháng Năm năm ấy, thời gian khi anh Hinh về Tiểu đoàn được hơn hai tháng. Tiểu đoàn tôi trở lại chiến trường Căm Bốt lần thứ hai. Lần này, không phải lén lút như lần trước nữa, Chiến đoàn 333 của chúng tôi đã công khai giao chiến với những đám tàn quân của Việt Cộng còn đang lẩn quất, dưỡng quân, tái trang bị võ khí...

Biết được bên phía Quốc gia sót từng tính mạng người lính một, lại rất sợ phi pháo và không yểm, Việt Cộng đã đổi chiến thuật, chúng đào hầm, chờ những toán tiền sát của quân ta tới sát gần mới nổ súng. Thế là kẹt rồi! Gần quá làm sao đánh bom, làm sao dùng pháo tầm xa đây?

Tôi nằng nặc xin với Đại úy Khương, Đại đội trưởng:

- Tôi không thể đứng nhìn mấy "thằng nhỏ" của tôi nằm chết như thế được! Đại úy cho trung đội tôi xung phong, lấy xác ra bằng được!

- Không được, Thiếu úy Tuấn giải quyết như vậy là không ổn rồi ! Phải rút ra xa, cho pháo dập mới tiến vào được. Chúng ta không có quyền phung phí thêm nhân mạng được đâu!

Chúng tôi quay nhìn lại: Tiểu đoàn trưởng Hinh tay cầm bản đồ, địa bàn đứng ngay sau lưng chúng tôi lúc nào không biết! Tôi vốn là đứa ít tự chủ, vội vàng đứng nghiêm, hai chân rập vào nhau:

- Chào cậu giáo!

Thế là từ bữa đó, cả Tiểu đoàn biết được sự quan hệ giữa tôi và Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng.

Cũng tại mặt trận ấy, tôi bị thương, vết thương này làm tôi phải vĩnh biệt trận mạc. Trong lúc chờ trực thăng tản thương. Anh Hinh đến ngồi sát bên tôi, lần đầu tiên, tôi mới thấy anh cười đùa, anh vỗ vỗ vào vai tôi:

- Nhà có một cậu con trai, xuất ngũ làm thừa tự là phải lắm rồi!

Tôi còn gặp anh Hinh hai lần nữa, một lần hôm đưa ma mẹ tôi. Một lần nữa, anh Hinh về gặp bố tôi để xin hỏi chị Diễm, nhưng bị chị tôi cự tuyệt.

Cho đến cái ngày cả miền Nam tan vỡ...



LỜI KỂ CỦA CÔ Ý TÁ PHÒNG MẠCH BÁC SĨ QUÂN.

Ngay sau khi chiếm trọn miền Nam, tôi được bố đem tôi vào Sài Gòn. Sau này tôi mới biết, sở dĩ mẹ tôi cho tôi đi kèm bố tôi vào đây, vì nghe nói, thời chia cắt đất nước, lúc chưa lấy mẹ tôi, bố tôi có chia tay với một mối tình lớn, mà người ấy bây giờ đang ở trong Nam! Hèn gì, ngay khi đặt chân vào "Vùng vừa giải phóng". Người ta từ cán bộ đến thường dân, chạy đôn chạy đáo mua gom những thứ mà, mới vài tháng trước đây thôi, họ nghĩ, chỉ có thiên đường mới có. Còn bố tôi thì cứ cầm một mảnh giấy, đi hết đường này đến phố khác để kiếm tìm cái gì mà tôi không thể biết được!

Bố tôi làm trong Ủy ban An ninh Nội chính, nên ông đã không ngần ngại cho tôi thâm nhập vào ngành y ( Vì tôi đang học y khoa ở Hà Nội) để theo dõi các y, bác sĩ của chính quyền Sài gòn đang phục vụ cho cách mạng.

...Đó là những thời điểm mà dân chúng miền Nam, với không ít là những người dân thân Cộng, những người đã từng, mặt này hay mặt khác, đã giúp đỡ cho Cộng sản tiến chiếm miền Nam, thì bây giờ đã hoàn toàn vỡ mộng. Nhưng vẫn còn vô số những người mà trong muôn vàn thống khổ của người dân, họ đã ăn nên làm ra. Trong đó có bác sĩ Quân...

Thế là tôi được vào làm việc tại đây. Tôi có một chút nhan sắc, lại được biết bà vợ của ông bác sĩ có máu cả ghen. Đối với ông bác sĩ, đó là một nỗi khổ, nhưng đối với tôi. Nó là cái khiên che chắn cho tôi khỏi bị sự tấn công liên tiếp của ông chủ háo sắc.

Tôi cũng nói thêm, như rất nhiều trí thức bỏ ý niệm Quốc gia chạy theo Cộng sản, ông Quân đã làm tới Phó giám đốc của một bệnh viện lớn. Ông đã được kết nạp vào đảng, và đã được mời chữa bệnh cho các đảng viên cao cấp...

Một buổi chiều cuối năm 1978, có một người phụ nữ hình dung tiều tụy nhưng rất đẹp, trong một bộ đồ bà ba đen sờn vai.

- Có lẽ chị khám bệnh lần đầu. Cho tôi xin chứng minh nhân dân để tôi làm hồ sơ bệnh án!

Người phụ nữ:

- Tôi chỉ muốn gặp Bác sĩ có chút việc riêng, xin chị cứ nói... Tôi là Diễm...

Bác sĩ Quân chạy ra, như một con hổ đói lâu ngày thiếu mồi, như không hề biết việc có mặt của tôi, bác sĩ Quân kéo tay người phụ nữ vào phòng. Vừa đi vừa thở hỗn hển.

- Anh đã nhắn em! Vào đây, vào đây anh giúp cho!

Người phụ nữ vừa khóc vừa phân bua:

- Xin anh hiểu cho: Không còn cách nào khác, tôi mới đến đây tìm anh!

Một tấm ván ép nhỏ ngăn cách phòng khám bệnh và căn phòng nhận bệnh, nơi tôi ngồi. Đủ để cho tôi, lần đầu tiên thấy người ta làm chuyện giới tính. Bác sĩ Quân bế thốc người phụ nữ đặt lên cạnh bàn... Tôi tròn mắt nhìn, mặt nóng bừng. Tôi run rẩy như đang có một ngọn lửa thiêu đốt ở trong người. Cho đến khi, người phụ nữ ấy vừa gạt nước mắt, vừa nhét một nắm tiền vào cạp quần, ống thấp ống cao, đi như chạy ra khỏi cửa...



LỜI KỂ THÊM CỦA TUẤN.

Sau ngày đội quân tinh nhuệ bị bức tử! Hai ông Trung tá, một trong ngành Cảnh sát, một Trung đoàn phó, thuộc Sư đoàn 5 BB... Là hai người thân nhất của gia đình tôi bị đưa đi cải tạo bằng chuyến tầu Sông Hương đầu tiên để ra Bắc. Gia

đình tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác, tan nát, khốn khổ vô cùng tận...

Cứ vài tháng một lần chị Diễm phải tìm người đến để bán những đồ đạc trong nhà, để lấy tiền ra Bắc thăm nuôi bố tôi và anh Hinh. Cách đây khoảng nửa tháng, gia đình lại nhận được tin ba tôi bệnh nặng, rồi lại được tin anh Hinh trốn trại, bị bắt lại, bị đánh đập, bị đem đi bệnh viện. Cái gì bán được thì gia đình đã bán rồi! Sau cùng, tôi phải đến mượn tiền anh Quân. Anh ấy không thèm nhìn tôi, lạnh lùng nói:

- Cậu bảo cô Diễm đến đây gặp tôi!

Đồng tiền lúc này đã vượt lên trên cả lòng tự trọng, trên mọi giá trị đạo đức và nhân cách! Lẽ dĩ nhiên chị tôi phải tới... Rồi một hôm, vợ ông ấy, đem hai cô em gái đến tận nhà tôi... Chị Diễm đã phải quỳ xuống khóc lóc van xin. Tôi ở trên lầu chạy xuống, nhào tới. Ba người đàn bà kia không dám làm dữ nữa, đứng trước cửa nhà tôi tru tréo cả tiếng...

Vào những lúc ấy...Càng thương bố tôi, thương anh Hinh, thương chị Diễm, tôi lại càng thấm thía, càng hiểu vì sao bao nhiêu chiến sĩ quốc gia( trong đó có tôi), bao nhiêu chàng trai dũng cảm như anh Hinh đã phải nằm xương gối đất, xông pha trước làn tên mũi đạn để bảo vệ cho miền Nam không lọt vào tay Cộng sản. Để hàng triệu người vô tội không phải sống lầm than như bây giờ.

Đang lúc gia đình tôi đi vào ngõ cụt không lối ra, thì nhận được tin của chị Kim Anh từ một trại tỵ nạn! Ngay tháng sau, chị đã mượn tiền người quen để gửi về cho gia đình. Chị Diễm thoát ngay cơn bĩ cực. Thỉnh thoảng, trên đôi mắt bồ câu lúc nào cũng như muốn khóc ấy. Đã có le lói những tia sinh khí. Chị đem tiền lên biếu mẹ anh Hinh, nhưng cụ bà không nhận. Khi chị kể chuyện chị Kim Anh đã đi thoát và gửi tiền về. Cụ quẹt nước mắt:

- Rồi ra, những người làm phải cũng sẽ được trời đất phù hộ độ trì...

Chị em tôi đang định chào cụ xin về, thì bằng một cữ chỉ như muốn ngăn lại. Cụ đi vào trong nhà. Một lúc sau đi ra, cụ vẫy chị Diễm đến gần:

- Con ơi! Đến đây mẹ bảo!

Cụ lấy ra một sợi dây chuyền, có tượng Phật màu xanh lá mạ, đeo vào cổ chị tôi:

- Thằng Hinh cứ tù biền biệt, mẹ biết sức mẹ không còn chờ nó được nữa rồi.

Từ nay, con là con của mẹ...

Cụ lau nước mắt. hai chị em tôi đều khóc.



LỜI KỂ CỦA NGƯỜI...KỂ CHUYỆN.

Tôi bị bạn bè cũng như độc giả, nhất là nữ độc giả thường chì chiết tôi về những câu chuyện không đầu không đuôi, lại không có hậu tôi thường viết đăng trên báo, có người còn nghi ngờ những tình tiết tôi dẫn chuyện... Và chính tôi cũng chẳng dựng nên truyện này, khi buổi sáng ngày hôm ấy :

...Tôi bị tù chung với Hinh ở Yên Bái ( nằm ngay bên cạnh). Tôi và Hinh thân nhau có lẽ vì nỗi bất hạnh của chúng tôi na ná như nhau... Anh rất kín tiếng, nhưng khi đã thân rồi, anh đã kể cho tôi nghe về người cha đã chết trận, về một bà mẹ già đang bị thấp khớp, về một cô người yêu đang chịu những đắng cay ngoài đời. Tôi chỉ biết có thế. Cho đến một hôm. Tôi và Hinh cùng được gọi ra thăm nuôi một lúc. Tôi ngạc nhiên vì tôi vốn là một "đứa mồ côi" Mồ côi có nghĩa là trong thời gian ở tù không được thư từ, thăm nuôi gì cả.

... Có hai cánh áo bà ba đen vẫy chúng tôi từ đằng xa...Hinh ghé tai tôi nói nhỏ : " Có đứa em của Diễm đi theo, cậu nhớ nhận nó là thân nhân như đã ghi trong giấy thăm nuôi."

Diễm được chỉ định ngồi trước mặt Hinh. Tôi và " người em " ngồi ngượng nghịu nhìn nhau. Người quản giáo ra lệnh :

- Các anh các chị bắt đầu " quan hệ " đi.

"Người em" dúi cho tên quản giáo bao thuốc. Nó cầm ngay lấy, rồi đi đến cuối phòng, nơi có một khung cửa sổ trông ra vườn rau xanh, như một dấu hiệu cho phép chúng tôi tự do.

- Em là Kim Anh, em của chị Diễm.

Tôi đỏ mặt lúng búng...

...Cho đến bây giờ, khi vợ hỏi tôi:

- Sao bữa hổm, lần đầu gặp mặt, mặt anh cứ đỏ nhừ, ấp a ấp úng như thày vụng mất kim vậy?

- Em đừng có cười, tính từ ngày anh bắt đầu vào tù, cho đến ngày gặp em hôm ấy, gần ba năm trời. Anh mới được nói chuyện với người khác phái!

- Thế chị Thư...?

Bỗng vợ tôi ngừng bặt, nàng biết ngay rằng, nàng đang chạm vào nỗi đau tận cùng của tôi...Đó là lần duy nhất, vợ tôi nhắc đến tên một người đã bỏ tôi đi...

Vợ tôi hỏi tiếp:

- Thế lần đầu tiên gặp em, anh thấy em thế nào?

Tôi trâng tráo:

- Thì như anh đã nói, lúc ấy, ai cũng là tiên nữ cả thôi!



Sau này, tôi đã kể cho vợ tôi nghe về Thư, Thư đã rẽ sang đường khác, ngay sau khi tôi bước chân vào trại cải tạo, để bỏ lại mình tôi bơ vơ trong nỗi nhục nhằn của một người ngã ngựa... Mẹ tôi đã già, các anh em tôi thì kiến giả nhất phận. Những ngày trại có cho thăm nuôi, là niềm vui to lớn của những người có thân nhân đến thăm, nhưng cũng là nỗi tủi thân khôn cùng của những người không được người thân đoái hoài đến. Thường thường, vào những ngày đó, tôi cùng những anh em trong cảnh ngộ ấy, lủi thủi mang bàn cờ tướng ra những tảng đá vắng. Tiếng là đánh cờ, chứ thực ra để chạy trốn những tiếng lao xao, những tiếng cười ròn rã, những mùi thơm ngào ngạt của đồ ăn, của mùi khói thuốc đê mê...

Các bà! Xin tha lỗi! Trước kia, tôi cứ nghĩ chỉ có phụ nữ mới có thói hợm mình, khoe của, khoe hạnh phúc, nhưng đàn ông chúng tôi, đã ở chung với nhau trong hoàn cảnh như thế này, tôi mới thấy, những ý nghĩ trên là có chút khắt khe.

Họ cũng đem đồ ăn chia cho chúng tôi, đem bánh kẹo ép chúng tôi ăn, nhưng trong cái nhìn xót xa đo,ù cũng có lấp ló những niềm tự hào, là mình có được bà vợ tần tảo, chính chuyên.

Những trường hợp ấy, dù cho cái bao tử xúi bẩy, tôi khéo léo từ chối, chỉ xin mấy điếu thuốc lào, cầm về chỗ nằm, rít vài hơi cho trời đất quay cuồng rồi ngã lăn ra ngủ.

Cho đến khi Kim Anh ra thăm tôi lần thứ hai, lần này, nàng cho biết, là lần cuối cùng trước khi nàng vượt biên.

(..Nếu các bạn còn được đọc những dòng chữ trên, ấy là do tính tham lam của người viết. Tôi đã tính bỏ chúng đi nhiều lần, viết quá nhiều chi tiết về một nhân vật phụ như thế là người viết đã vô tình lộ ra cái vụng về của mình rồi) Vì thế, tôi xin trở về với những nhân vật chính:

Khi Kim Anh xem xong bản thảo, nàng băn khoăn:

- Chi tiết nào của anh cũng đều xác thực cả, chỉ có phần kể của cô ý tá, hình như không đúng! Anh đào ở đâu mà ra vậy?

- May quá, em đã giúp cho anh hoàn thành truyện ngắn này mà không sợ bị xúc phạm đến chị ấy!

Tôi lại cười giả lả với vợ tôi:

- Viết toàn chuyện thật, thì khác nào như viết nhật ký, câu chuyện sẽ nhạt lắm!

Đoạn của cô y tá, cũng là chuyện thật đấy! Lẽ ra, anh phải để ở trên mới phải! Thể hiện một sự thật, cho gần giống như hư cấu mới là việc khó, mà chỉ nhà văn bậc thày mới làm nổi! Anh thì vốn không có cái tài phân cảnh như thế...

( Cho nên những đoạn sau, lẽ ra phải thêm một mục: "Lời kể thêm của cô y tá phòng mạch bác sĩ Quân"):

. "..Sau khi người thiếu nữ ấy bỏ đi, tôi như người bị lên cơn sốt. Tai tôi chỉ nghe thấy những tiếng ú ù như gió thổi, hai má tôi nóng bừng như đang ngồi bên cạnh bếp lửa. Toàn thân tôi căng cứng, tất cả tế bào trong như muốn bật văng ra khỏi cái cơ thể đầm đìa mồ hôi.

Bác sĩ Quân bước ra, trên gương mặt ông lộ ra vẻ thỏa mãn. Ông nhìn tôi như nhìn một con mồi đã bị mắc bẩy. Ông lấy xe, phóng nhanh ra cửa.

Gần tối ông ta mới về, mặt đỏ bừng, toàn thân bốc ra mùi rượu.

Tôi nói:

- Tưởng bác sĩ không về. Tôi đã không nhận bệnh nữa!

Quân nheo mắt nhìn tôi, có lẽ ông ấy đã đọc được nỗi khao khát đang bừng bừng trong tôi!

Quân quàng tay qua vai tôi, kéo tôi vào phòng trong...Lần này, tôi không chống cự nữa. Đến giờ này, tôi không còn nhớ được cái cảm giác đầu đời ấy ra sao nữa, nhưng tôi nhớ... Tôi đã khóc khi nghe Quân nói:

- Ủa, hóa ra em vẫn còn trinh cơ à?

Tôi nghe tiếng xe của Quân bỏ đi... Tôi nhìn xuống dưới gầm bàn...Có một lá thư của một cải tạo viên từ miền Bắc gửi cho một người tên Diễm, chắc là tên người con gái buổi chiều đánh rơi...

Đêm hôm đó, toàn thân tôi đau nhừ, phần vì lần đầu tiên chung đụng xác thịt, phần nữa là vì một nỗi tủi nhục cứ như những đợt sóng ma, đập liên hồi vào thể xác và tâm hồn tôi. Tôi không ngủ được, rồi đem lá thư tôi lượm được ra đọc.

Tôi bật khóc khi xem xong lá thư ấy, rồi lại đọc lần nữa. Lời lẽ của một người tù gởi cho cô Diễm y như một dòng nước đổ xuống những ghềnh thác, có những hạt sỏi là những nỗi khổ đau triền miên của cả người viết lẫn người nhận! Họ còn chính khí lắm! Một đạo quân, gồm những sĩ quan như người tù này, làm sao lại thua trận được nhỉ? Một người tình hi sinh cho người mình yêu như cô Diễm, tôi đã thấy rất nhiều như thế ( Từ ngày tôi đặt chân đến miền đất, mà trước khi lên đường, tôi chỉ nghe những lời tuyên truyền xấu về họ)ï. Sao lại bảo đó là một xã hội đồi trụy được nhỉ?

Bác sĩ Quân bị mất chức Phó giám đốc bệnh viện. Trước đó, bà vợ ông đã bỏ ông ta, đem hai con đi vượt biên. Tôi nghiễm nhiên trở thành bà bác sĩ hờ.

Sau đó một năm, thấy không thể làm ăn ở chế độ mới được nữa. Quân dẫn tôi vượt biên. Trước khi đi, tôi đã lần theo địa chỉ của bức thư để tìm đến nhà cô Diễm, lúc ấy, cô Diễm đã ra ngoài Bắc thăm nuôi. Tôi gửi lại anh Tuấn cuốn nhật ký của tôi. Tôi là đàn bà, tôi biết, những ý nghĩ và nỗi nhục nhằn tôi ghi lại những ngày đầu khi thất thân với người mình không yêu, của cả tôi và của cô Diễm chắc phải giống nhau. Tôi nghĩ, khi đọc lại những dòng tâm sự ấy, cô Diễm sẽ nhẹ đi sự dằn vặt, khổ đau"



LỜI KỂ CỦA BÀ MẸ.

Cậu là người Công giáo, chắc cậu không tin vào thuyết nhân quả đâu nhỉ? Tựu chung, cả một lý thuyết cao siêu vời vợi như thế, chỉ tom gọm vào có một câu cửa miệng của dân gian: Gieo nhân, gặt quả!

Ngay từ khi nó còn đi học, già đã cấm thằng Hinh chơi với cái thằng Quân ấy rồi ! Thế nhưng, thằng Hinh cứ như bị bỏ bùa! Mợ Thận vẫn áy náy, về việc giới thiệu Hinh đến dậy kèm tại nhà ông Đức Thịnh, để dẫn tới việc thằng Quân lọt vào cái nhà ấy, nó làm cho gia đình nhà người ta tan nát. Nhưng, trời cũng có mắt cậu ạ, rồi người ác cũng bị đoản hậu mà thôi! Nghe nói sau này, vợ bỏ, mang cô y tá Bắc kỳ bẩy-mươi-lăm vượt biên, mất cả tăm cả tích...

...Mãi cho đến năm 1986, thì thằng Hinh được tha, cái hôm cậu lên báo cho già, già cứ tưởng nằm mơ kia đấy! Nhưng thật tội nghiệp, sau khi ở tù ra. Đó lại là cả một thời kỳ xáo trộn về tâm lý. Cả ngày, nó cứ lầm lì như chó ăn vụng bột. Con Diễm ở bên thì không sao, nhưng con bé mới về Nguyễn Thiện Thuật là cu cậu đã bồn chồn, đã cáu gắt rồi! Ngày xưa, nó đâu có như thế?

Một hôm, già bảo nó:

- Phải tính làm sao đi chớ! Người ta hi sinh cả một đời cho mình...

Hinh bứt đầu bứt tai:

- Mẹ bảo, con phải làm sao bây giờ? Cổ không chịu... Cô ấy bảo, không còn xứng đáng với con nữa! Chiều nay cô ấy lên, mẹ nói giúp con một tiếng. Cổ rất thương mẹ.

Buổi chiều hôm ấy, già đã dự tính những câu để nói với con Diễm, thì thằng Tuấn chạy xe lên báo tin con Diễm bị xe tông, đang nằm nhà thương. Thằng Hinh đến nơi, chỉ để nghe Diễm nói được có mấy tiếng:

- Em bằng lòng lấy anh rồi... Nhưng,...

Rồi con Diễm mê đi, rồi cả hơn tuần sau mới được chuyển qua phòng hồi sức...

( Ghi chú của người viết: Hinh đi HO 30, trước đó một tháng, bà cụ qua đời)



KẾT.

Ngày nào cũng vậy! Đúng vào lúc chuông nhà thờ Tin lành ở góc đường Texas và Louisiana đổ, có một người đàn ông, tóc hoa dâm đẩy một chiếc xe lăn, trên xe là một thiếu phụ rất đẹp về hướng công viên Balboa... Thỉnh thoảng, người chồng dừng xe lại, cúi xuống âu yếm sửa cho vợ cái khăn quàng cổ, đó là một chiếc vải dù màu trắng của loại đạn 80 ly chiếu sáng.

Khi đến công viên, người đàn ông lấy ra một chiếc ghế xếp bằng vải, rồi hai người chụm đầu vào nhau nói chuyện, rúc rích như một cặp tình nhân...

Công viên có những hàng cây cao, nhìn về phía tây, những hôm trời lãng đãng sương chiều, chiếc cầu Colonado ngoằn ngoèo, cao tít, có những đốm đèn xe màu đỏ, nối đuôi nhau, như một con rồng lửa... Diễm thường chỉ cho chồng:

- Anh xem kìa, giống như những tia đạn lửa... đuổi nhau trên vòm trời đêm ngày xưa...

Hinh cũng thường âu yếm chỉ cho Diễm:

- Em có thấy, những ánh đèn lù mù chập chờn trong sương kia, y như những bóng hỏa châu! Như bóng thiên chương tỏa sáng qua những tháng năm chiến tranh, những thân phận lận đận ngày nào...

Hinh thường xoay cái xe cho đối mặt với anh, rồi anh dùng hai bàn tay xoa bóp đôi chân cho Diễm. Diễm xúc động nhìn chồng:

- Tội cho anh quá, biết bao giờ em mới khỏi được đây...

- Bác sĩ châm cứu bảo rằng, cứ cái đà này, thế nào em cũng đi lại được, nhưng mình đừng giận...Ngày xưa, anh chỉ có một ước ao, khi nào chinh chiến tàn, sẽ bắt chước anh chàng Trương Vô Kỵ gác kiếm quy ẩn, cùng Triệu Minh lãng du quan ngoại, thả ngựa, nuôi cừu, vẽ lông mày cho người mình yêu!

- Thương thay cho Triệu cô nương bây giờ đã bị phế bỏ võ công rồi! Còn anh chàng Trương thì cả ngày phải quần quật đi cầy, tối về còn phải lo cho vợ...

- Với võ công như thế này, thế nào chàng ta chẳng tìm được thuốc giải cho vợ cơ chứ! Yên tâm đi muội muội!

Hai người cùng cười vang.

Bóng thiên chương của một thời xa vắng, từ vùng sương lạnh, lóe ra những hạt nhỏ li ti, như những chiếc đèn cù bé tí, đang như muốn kéo cả những cơn dông gió cùng với hai người về nơi chân trời cũ của những ngày trận mạc, có tiếng súng nổ tứ phía, có tiếng hô sát Cộng, có tiếng phành phạch của trực thăng tản thương... Về căn nhà ở đường Nguyễn Thiện Thuật, nơi đã lưu giữ của họ tất cả những ước mơ cùng nỗi niềm bất hạnh, căn nhà có khung cửa nhỏ, có bóng hỏa châu như những ánh trăng huyền hoặc, vật vờ khắc khoải...


(Báo Con Ong Việt tháng 7)


 
Back
Top