Rượu ngâm “thần dược”

G

Guest

Guest
Trong bình bằng nhựa là rượu ngâm với rễ cây và ít củ có hình tròn. Biết bao người đang săn tìm loại rượu này để trở nên mạnh khỏe, cường tráng như… thần.




Nhân chuyến công tác Yên Bái, tôi vui mừng khi gặp Trần Ngọc Dũng, một người bạn thời sinh viên. Khi đã “trà dư, tửu hậu”, Dũng ngoắc tay bảo: “Ông có uống rượu ngâm thuốc phiện không? Đảm bảo cái khoản “đàn ông” chỉ có… hết ý trở lên”. Dũng giơ ngón tay tỏ vẻ đắc ý.
Bây giờ không phải mùa nhưng Dũng bảo vẫn có thể mua được loại rượu “đặc sản núi rừng” đang được coi là “thần dược” ấy.
Sau khi hỏi một số mối quen tại thành phố Yên Bái không được, Dũng lái xe máy đưa tôi lên tận Trạm Tấu. Đây là đầu mối lớn và duy nhất có loại rượu này.
Mua rượu không phải dễ
Con đường dẫn chúng tôi đến Trạm Tấu gập ghềnh với những khúc cua ngoắt ngoéo và vài con dốc dựng đứng. Cảnh đẹp của những thửa ruộng bậc thang xanh mướt khiến người ta có thể quên mọi mệt nhọc.
Sau ba giờ đồng hồ, bỏ lại đằng sau những ngôi nhà sàn, nhà đất, thị trấn Trạm Tấu hiện ra như một phố thị sầm uất với những ngôi nhà cao tầng kiên cố, xe cộ đi lại nườm nượp, hoạt động buôn bán nhộn nhịp.
“Đến nơi rồi”, Dũng nói và phanh xe lại.
Trước khi xuống xe, Dũng còn thì thầm vào tai tôi: “Mọi việc ông cứ để tôi. Công an bây giờ làm gắt quá nên họ không bán công khai như tước nữa, chỉ có người quen mới mua được”.


View attachment 6647
Những bình rượu ngâm thuốc phiện được lén lút bán với giá cao
Chúng tôi bước vào một cửa hàng tạp hóa nhỏ bày bán nhiều bánh kẹo, rượu bia. Nhìn bề ngoài nó, cũng giống như bao cửa hàng tạp hóa khác trong chợ. Tuy nhiên, theo Dũng cho biết, đây là một trong số ít cửa hàng dám bán loại rượu ngâm thứ “biệt dược bị cấm” nhiều công hiệu kia. Khách vào ra nhộn nhịp, phía sau tủ kính, một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi với gương mặt dữ dằn dang nhanh tay đếm tiền. Bên cạnh ông ta, một người đàn bà béo tròn không ngưng đưa hàng cho khác.
“Mua gì?”, người đàn ông gằn giọng hỏi.
“Mua rượu”, Dũng nhanh nhảu trả lời.
“Rượu ngô, rượu gạo hay rượu Mù Cang Chải? Cần mua bao nhiêu? Nhanh đi để tôi bán cho người khác”, người đàn ông nói nhỏ câu gì đó. Dũng vừa dứt lời cũng là lúc người đàn ông quay sang anh với thái độ thăm dò rồi trả lời: “Không có”.
Nói xong, ông ta quay ngoắt, đi thẳng vào bên trong. Đang ngây người thì Dũng nháy mắt, kéo tay tôi cùng đi theo.
Uống ba cốc một ngày thành… thần
Chúng tôi loay hoay, dò dẫm bước vào căn buồng tối om. Đột nhiên nghe tiếng ông chủ cửa hàng: “Ai bảo cho bọn mày biết? Này, có là công an tao cũng chẳng sợ, tao không có bắt thế nào được”.
“Tháng Tư vừa rồi cháu qua đây mua còn gì? Cháu của chú Tiên, ngoài thị trấn đây ạ…”, Dũng nói.
“Thế mà chả bảo ngay từ đầu. Lần này định lấy bao nhiêu? Nhưng tao nói trước, giờ không phải mùa, vả lại công an đang làm gắt quá nên giá sẽ cao hơn nhiều đấy”, ông chủ đổi thái độ.
“Cháu dẫn thằng bạn này lên để mua một ít về biếu các sếp dưới Hà Nội”, Dũng chỉ tôi và nói.
“Giá cả cao thấp thế nào là tùy thuộc vào lượng rễ, thân và đặc biệt là quả. Tuy nhiên, giá thấp nhất cũng không dưới một triệu đồng một bình”.
Tôi xen vào, vờ như rất cần hàng: “Giá cả không quan trọng, nhưng chú cho cháu xem hàng trước đã”.
“Hàng tao không để ở nhà, công an mà khám thì đi đứt, bọn mày cứ chờ ở đây một lát. Nhanh lắm”, ông nói rồi đi ra ngoài.
Khoảng năm phút sau, người đàn ông mang vào phòng một bao tải đựng ba chiếc bình bằng nhựa. Bên trong bình là rượu ngâm với những loại rễ cây gì đó.
Vừa lấy bình rượu ra khỏi bao tải, người đàn ông hồ hởi quảng cáo: “Đây là rượu “đặc sản” đấy! Hai năm trước tao quanh năm ốm yếu, khổ nhất là bệnh đau lưng và yếu “khoản kia”. Con vợ nó cứ chê ỏng eo. Nhục ơi là nhục! Còn bây giờ khỏi phải nghĩ… Tao mạnh như thần. Tất cả là nhờ cái này”, vừa nói người đàn ông vừa vỗ vỗ vào bình rượu.
Nheo mắt nhìn vào những bình rượu, tôi thấy thành phần chủ yếu trong bình rượu là rễ cây và quả thuốc phiện.
Tôi gạn hỏi: “Trong bình này ngoài rễ, thân và quả thuốc phiện có thêm thuốc Bắc hay thành phần gì nữa không hả chú?”.
“Chẳng có gì ngoài thuốc phiện cả. Cây thuốc phiện có công dụng hơn tất cả những loại cây khác, cần gì phải cho thêm. Bấy nhiêu đủ… bổ dưỡng rồi. Uống ba cốc mỗi ngày là đủ sức chiều vợ, chiều luôn cả vài ba con bồ nhí cũng còn được…”, ông nhếch mép nói.
Sau một hồi liên tục quảng cáo sản phẩm, ông cao hứng mời chúng tôi mỗi người một cốc. Vừa đưa cốc rượu lên miệng, tôi đã cảm nhận thấy mùi hắc hắc, hớp một ngụm nhỏ thấy chan chát xen lẫn vị cay của rượu.
Tôi vờ khoái chí bảo: “Sắp Tết rồi, cháu không biết mua quà gì cho các sếp, nếu có loại rượu vừa tốt, vừa “độc” này chắc chắn các ông ấy thích lắm”.
Ông ta vỗ vai, bảo: “Yên tâm, các sếp sẽ phải mê tít lên… tao có mấy ông khách quen ở Hà Nội năm nào cũng lên đây mua”.
“Cháu muốn đặt mười bình, mỗi bình có một cân rễ, 300g thân và năm quả thuốc phiện hết bao nhiêu? Mười lăm ngày nữa lấy được không?”, tôi đặt vấn đề.
“Giờ có lẽ khó, nhưng là khách quen, mười lăm ngày nữa mới lấy cũng được. Tôi nói trước, mỗi bình năm lít giá hai triệu đồng. Chú muốn chắc đặt tiền trước, nếu không hôm nào đến lấy hàng đưa tiền cũng được”.
“Lạ vậy, chú bảo không phải mùa nhưng sao vẫn có?”, tôi nói vẻ hồ nghi. Bực bội, người đàn ông nói tiếp: “Tao kinh doanh, tao phải có cách chứ. Tất nhiên là không phải mùa nhưng tao có thể thu gom được của những người dân trong bản thông qua các mối quen. Vả lại rượu ngâm thuốc phiện cũng như rượu ngâm thuốc, ngâm động vật khác… tất cả cũng phải có thời gian mới uống được. Đối với rượu ngâm loại này, tuy không cầu kỳ như các loại rượu khác nhưng cũng phải chờ ba tháng đúng mới dùng được. Mày hiểu chưa?”.
Vẫn ngoan cố trồng và uống
Anh bạn tôi rời cửa hàng với bình rượu trên tay đầy hồ hởi. Khi được hỏi công hiệu của rượu thế nào. Dũng, anh bạn tôi gãi đầu bảo: “Cũng như các loại rượu khác, nhưng uống nhiều là nghiện đấy”.
“Biết nghiện sao còn uống?”, tôi hỏi.
“Một tí đâu có sao, chắc như nghiện thuốc lá, rượu bia là cùng. Khỏe người là tốt rồi”, Dũng đáp.
Khác với những suy nghĩ của Dũng, bà Đặng Thị Như Hoa, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Yên Bái cho biết: “Cây thuốc phiện nằm trong danh mục những cây thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, phải có chuyên môn mới bào chế được, không nên sử dụng cây tươi chưa qua tinh chế. Đối với loại rượu ngâm cây thuốc phiện, nếu dùng nhiều sẽ ảnh hưởng đến thần kinh khi người sử dụng không quen. Trong trường hợp sử dụng nhiều cũng sẽ gây nghiện”.
Cũng theo bà Hoa, trước đây Bệnh viên Đa khoa tỉnh Yên Bái đã từng cấp cứu sáu trường hợp ở Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, bị ngộ độc do uống rượu ngâm thuốc phiện. Vậy tại sao loại rượu này vẫn xuất hiện trên thị trường?
Được biệt, khoảng hai năm gần dây, loại rượu ngâm thuốc phiện này được bán kín đáo ở Trạm Tấu với tên gọi phổ biến là rượu 138.
Họ đặt tên là 138 theo kế hoạch 138 mà lãnh đạo tỉnh đã giao cho hai cơ quan ban ngành: Sở nông nghiệp và Công an tỉnh cùng với các huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải về việc kiểm tra rà soát, xử phạt những người trồng cây thuốc phiện.
Anh Sa Huy Hoàng, thành viên ban triệt phá tái trồng cây thuốc phiện tỉnh Yên Bái, cho biết: “Mùa cây thuốc phiện thường kéo dài từ tháng Ba đến tháng Tư. Hiện tượng người dân trồng cây thuốc phiện chủ yếu diễn ra ở xã Tà Si Láng, huyện Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu. Sở dĩ nơi đây trồng cây thuốc phiện là do địa hình xa, nhiều núi vực hiểm trở, đi lại khó khăn. Mỗi lần triệt phá, người trong ban phải huy động gần 20 người, mất ít nhất một tuần, có khi cả tháng để băng rừng, rà soát, tiếp cận với dân. Tuy nhiên, người dân thường không cộng tác với tổ triệt phá, còn những đối tượng trồng cây thuốc phiện lại có nhiều mánh khóe để đối phó với các cơ quan chức năng”.
Trước đây, khi triệt phá, đoàn công tác chỉ phát bỏ, chặt nhỏ rồi bỏ khô cây thuốc phiện. Khi đội triệt phá đi khỏi, họ lại hò nhau đem rễ, thân, quả cây thuốc phiện về nhà. Đầu tiên họ chọn những cây còn tươi để chiết xuất lấy nhựa, hoặc cuốn lại hút như hút thuốc lào. Loại khô, họ đem ngâm rượu uống và bán cho lái buôn hoặc những người có nhu cầu.
Làm sao để loại bỏ dứt điểm
Ông Đặng Trần Chiêu, Đại tá, Giám đốc công an tỉnh Yên Bái, cho biết: “Nhờ làm gắt gao nên tình trạng người dân trồng thuốc phiện đã giảm nhiều. Năm 2009, qua hai đợt rà soát, công an tỉnh đã triệt phá được 2,15 ha cây thuốc phiện. Tuy nhiên người dân vẫn lén lút trồng trong các ruộng ngô, tán cây to, trong khe núi và những vùng giáp ranh với tỉnh Sơn La nên công an gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý dứt điểm”.
Các đối tượng trồng cây thuốc phiện thường nghĩ ra nhiều kế để đối phó với các cơ quan chức năng. Họ không trồng đại trà nữa mà chỉ trồng trong các giỏ. Khi bị kiểm tra, họ lại chuyển đi nơi khác hoặc đem giấu xuống hầm.
Để triệt bỏ tận gốc loại rượu độc hại này, cần sự hợp tác của ngời dân và chính quyền. Trước tiên, chúng ta cần thực hiện ba không. Không trồng, không mua, không uống.
Thông tin thêm
Trước diễn biến phức tạp, tỉnh Yên Bái đã giao cho công an tỉnh phải kiểm tra, thu giữ những trường hợp dùng thuốc phiện để ngâm rượu, xử lý nghiêm những trường hợp mua bán và sử dùng loại rượu này. Mặc dù biết một số trường hợp ở Nghĩa Lộ và Trạm Tấu có buôn bán, nhưng việc bắt giữ hết sức khó khăn. Hầu hết họ biếu, sử dụng chung và bán cho người quen nên không thể bắt quả tang.
Theo ông chiêu, khi cho những người uống rượu ngâm thuốc phiện đi kiểm tra bằng thanh thử đều có kết quả dương tính.


Theo SGTT
 

Attachments

  • 1..jpg
    1..jpg
    43.8 KB · Views: 0
Back
Top