"Quất mù ơ, quất mù ơ..."

G

Guest

Guest
Có những người không được nhìn thấy ánh sáng, vẫn cần mẫn phục vụ xã hội bằng một nghề có tên: Tẩm quất. Nhìn những tấm biển ghi: "Tẩm quất người mù", nhiều người mới yên tâm bước vào.

Tiếng rao trong đêm

Đó là tiếng rao của ông lão mù làm nghề tẩm quất. Không ai biết chính xác tên ông lão, người ta đều gọi ông bằng cái tên: Quất mù.
Lúc còn bé, nhà tôi ở phố Triệu Việt Vương, Hà Nội. Trước cửa nhà có cây bàng to, ông Quất mù hay hành nghề dưới gốc bàng ấy.
Ông đi từ nhà ông, ở Bạch Mai. Vừa đi vừa làm cho khách, có hôm lên tới phố nhà tôi, là 9h, có hôm muộn hơn một chút. Đi đến ngã tư Triệu Việt Vương, Tuệ Tĩnh, thế nào ông cũng rao lên một tiếng: "Quất mù ơơơ...". Vào đến giữa phố, ông lại: "Quất mù ơơơ..." lên một tiếng nữa.



View attachment 6638 Giá của quất mù bao giờ cũng rẻ hơn, chỉ có 40.000đ/giờ
Tiếng ơơơ... vang vang, dài dài, từ đầu phố tới cuối phố cũng nghe thấy. Đến cây bàng trước cửa nhà tôi, kiểu gì cũng đã có người cởi trần, vắt cái áo sơ mi trên vai vừa đi vừa rối rít: "Quất mù, quất mù, cho vài "nhát" đi nào".
Thế là ông mù ngả cái chiếu một vắt trên vai xuống vỉa hè, khách hàng tự trải áo của mình lên cái chiếu, rồi bộp bộp, tách tách, rắc rắc.
Người ở phố thì mời ông vào nhà, người phố bên cạnh thì đi đến gốc bàng nhà tôi chờ ông đến. Quất xong thì cuộn cuộn tiền nhét vào cái túi vải ông đeo trên cổ. Ai muốn quất thì phải chuẩn bị tiền lẻ trước, không có chuyện trả lại tiền thừa.
Khoảng 11h đêm, ông Quất mù rời khỏi gốc bàng, tiếp tục đi bộ, lên đến đường Nam Bộ (đường Lê Duẩn, Hà Nội), mới lại tiếp tục rao: "Quất mù ơơơ...". Đội quân tẩm quất ở gần chắn tàu, đoạn Bách hóa Nam Bộ có tinh mắt, nhưng cũng không bao giờ "lại" được với ông Quất mù.

Rẻ như tẩm quất mù

Chúng tôi đến nhà anh Hưng mù, ở ngõ Cổng Giếng cũng ở phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội). Căn nhà có chục mét vuông, vừa đủ kê hai cái giường chuyên dụng cho khách nằm tẩm quất.
Tôi kể lại câu chuyện vừa bị cấu véo một trận, còn được thêm cả khuyến mãi, anh Hưng cười: Từ phố Quán Thánh về hết phố Thụy Khuê có nhiều cơ sở treo biển tẩm quất lắm. Nhưng thực sự lành mạnh, kiếm sống bằng sức lao động chân chính của mình thì không nhiều.
View attachment 6637
Hợp chú ý phần lưng dưới và vùng thắt lưng là vùng khách hàng hay kêu mỏi nhất.
Nhà anh Hưng có 8 anh chị em, thì 4 người bị mù. Không phải mù bẩm sinh, mà cứ đến tầm 20, 22 tuổi mới bắt đầu giảm thị lực rồi không nhìn thấy gì nữa.
Năm Hưng 22 tuổi, đang làm nghề lái xe, bỗng dưng mắt cứ mờ đi: "Lúc đầu, mình ngồi ở cái ghế chờ khám ở bệnh viện mắt, còn nhìn thấy cái biển số xe ô tô ở ngoài sân. Một tuần sau, chỉ còn nhìn thấy mờ mờ, mình phải dịch chuyển lại gần 5 - 7m nữa mới nhìn thấy.
Căn bệnh như sợi dây, cứ siết dần dần. Mình hoảng loạn, sợ hãi. Đêm không thể ngủ được, chỉ sợ mình nhắm vào, khi mở ra thì không còn nhìn thấy gì nữa. Rồi cũng phải chấp nhận sự thật. Lúc mới bị mù, lên xe buýt, mình tưởng có ghế trống, thế là ngồi vào. Không ngờ ngồi ngay lên lòng một bà, suýt nữa thì bị cho một trận.
Sau này, mình đi học bài bản ở trường Tuệ Tĩnh trong Hà Đông, rồi đi làm ở Móng Cái (Quảng Ninh). Sau rồi về nhà mở hàng tẩm quất. Khách hàng cũng có nhiều người yêu cầu đến tận nhà làm cho người ta".
Cơ sở của anh Hưng cũng thu nạp toàn những người không sáng mắt để làm nghề tẩm quất. Anh Hưng bảo, tẩm quất ngày xưa mọi người hay thích bẻ, khục, còn bây giờ chủ yếu là day, ấn, xoa bóp. Khách hàng cũng có người tốt, cũng có người thì đúng kiểu mất tiền mua mâm... mà giá của quất mù bao giờ cũng rẻ hơn, chỉ có 40.000đ/giờ.
Câu chuyện với một người mù quả thật rất khó khăn. Chúng tôi cứ sợ động chạm vào nỗi đau, sự bất hạnh, thiếu may mắn của anh. Nhưng may quá, anh Hưng rất cởi mở và phải nói rằng rất tinh tế. Trò chuyện một lúc thì chính chúng tôi cũng quên phéng anh là người mù, còn được anh cho đi cùng đến nhà khách hàng ở ngõ bên cạnh chụp ảnh.
Đi đường anh Hưng không dùng gậy, lại cứ đi xuống lòng đường nườm nượp người khiến chúng tôi thót hết cả tim, nhưng anh bảo cứ yên tâm, đi trên vỉa hè lổn nhổn dễ ngã lắm, anh đi dưới lòng đường không ngã bao giờ.

Cô gái mù tẩm quất

Tôi gọi điện thoại mời cô gái mù Nguyễn Thị Hợp đến nhà tẩm quất cho mình. Khi cô gái đứng trước cửa, tôi có chút sững sờ. Em nhỏ nhắn, mảnh mai, khuôn mặt thanh tú, sống mũi rất cao, ưa nhìn.
Vừa bước chân vào nhà tôi, em đã nghiêng nghiêng tai rồi bảo: Nước sôi chị ơi. Thì ra, em nghe được tiếng nồi nước trên bếp nhà tôi sôi. Khi tôi thử đưa cho em rổ rau thì em lại nghiêng nghiêng cái đầu nghe nghe một chút, dùng tay thử hơi nóng bốc lên rồi bỏ rau vào nồi rất chính xác.
Em bắt đầu tẩm quất cho tôi, từ đầu, xuống đến gáy, vai, lưng, chân... Vừa làm em vừa giải thích vị trí các điểm, huyệt, kinh... Dọc theo sống lưng là Hoa đà giắc tích, cách đốt sống 1,5 thốn là kinh bàng quang, rồi dọc theo hai tay là các đường kinh thủ thái âm phế...
Năm Hợp lên 2 tuổi, em bị ngã xuống hố vôi. Vậy là từ năm 2 tuổi, em không được nhìn thấy ánh sáng. Năm 17 tuổi, thì Hội Người mù ở địa phương giới thiệu Hợp đi học nghề. Bây giờ, thì với tay nghề của mình, em cũng tự nuôi sống được bản thân dù cũng không mấy dư dả.
Hợp chào tôi ra về. Trong ngõ nhỏ nhà tôi, buổi chiều mùa đông ảm đạm, bóng cô gái mù tuổi 20 dật dờ, lặng lẽ. Ngoài kia, xe cộ đi lại nườm nượp, còi xe inh ỏi. Tôi dặn với theo cô gái mù rằng đi cẩn thận, em cười, tiếng trả lời trong veo: "Chị đừng lo, em quen rồi". Ừ, quen. Ừ thì phải quen mình là một người mù, là cô gái mù làm nghề tẩm quất. Em nhỉ!
Anh Trần Hưng, chủ cơ sở tẩm quất người mù Trần Hưng: "Nhiều khi người ta bo cho mình thêm tiền mình cũng không sướng bằng người ta nói với mình một lời cảm ơn. Có những người nói lời cảm ơn chân thành làm mình thấy hạnh phúc lắm. Công sức lao động của những người tàn tật như bọn mình đã được đánh giá đúng. Bọn mình vẫn là những người lao động có ích cho xã hội"
Theo Việt Nga
 

Attachments

  • 1..jpg
    1..jpg
    45.8 KB · Views: 0
  • 2..jpg
    2..jpg
    11 KB · Views: 0
Back
Top