Thức ăn nhanh dễ gây béo phì. Ảnh: AFP
Người ta gọi béo phì, đề kháng insulin, đái tháo đường và vữa xơ động mạch là bốn "sát thủ” thầm lặng."Sát thủ” đầu tiên là béo phì. Thừa cân béo phì được xem như nhân tố nghiễm nhiên dẫn tới đái tháo đường type 2. Béo phì do đâu mà có? Khó có câu trả lời hoàn chỉnh, càng khó thấy hết những hậu quả sau 5, 10 năm.
Theo IOTF (International Obesity Task Force), thế giới có khoảng 1,7 tỉ người thừa cân béo phì. Cuộc điều tra tại Mỹ trên người lớn cho thấy sau 20 năm, tỉ lệ thừa cân béo phì tăng đến mức chóng mặt. Đặc biệt tại Nhật Bản, đất nước "rong tảo", tức là chế độ ăn rất chặt chẽ giúp kiểm soát cân nặng, tỉ lệ thừa cân béo phì năm 1970 ở trẻ trai 9 tuổi là 2%, năm 1997 là 9,7%.
Nguyên nhân hàng đầu của thừa cân béo phì là lối sống với một bộ tứ khác gọi là 4M, gồm viễn thông di động, giàu có, xe hơi, thức ăn nhanh (Mobile phone, Money, Mercedes, McDonalds).
Các nguyên nhân khác bao gồm độc thân, thiếu ngủ, cai thuốc, mang thai khi đã lớn tuổi... Gen (tạm hiểu là yếu tố di truyền): 69% người béo phì có bố hoặc mẹ béo phì. Gen ảnh hưởng đến sự ngon miệng, sự chuyển hóa. Yếu tố gen phải kết hợp với các yếu tố khác. Bệnh lý: bao gồm suy giáp, bệnh Cushing, rối loạn trung tâm no, các thuốc chống trầm cảm, thuốc ngừa thai, chống viêm.
Hai "sát thủ” giấu mặt
Bộ ba giảm cân
Có một bộ ba đủ mạnh để giúp bạn giảm cân hiệu quả. Người thân đóng vai trò động viên khuyến khích chia sẻ và kiểm soát. Thầy thuốc đóng vai trò tư vấn hướng dẫn. Nhưng quan trọng hơn hết, chính bạn phải phấn đấu khôn cùng.
Gọi là giấu mặt vì chỉ được phát hiện khi có biến chứng.
Béo phì không đơn giản là tình trạng tích tụ mỡ trong cơ thể. Thứ nhất, người béo phì thiếu chất leptin làm họ thèm ăn, rồi rơi vào tình trạng luẩn quẩn càng mập càng thèm. Thứ hai, người béo phì bị giảm adiponectin là một chất tăng hiệu quả của insulin. Thứ ba, lượng axít béo (mỡ) tới mức "ngộ độc", gây giảm thu nhận chất đường và đề kháng insulin. Đây chính là "sát thủ” thứ hai.
Chất insulin như một chiếc chìa khóa vạn năng mở cổng cho chất đường đi vào tế bào. Chiếc chìa khóa này đôi khi bị trục trặc, không mở được cổng vì chìa mòn, gỉ, cong... hay ổ khóa bị thay đổi. Khi insulin thiếu hoặc hoạt động không hiệu quả, cơ thể mất cân bằng theo kiểu máu thừa đường mà tế bào thì đói đường làm ta thèm ăn dữ dội, nhất là chất đường. Vì vậy, xuất hiện căn bệnh đái tháo đường type 2. Nói cách khác, béo phì chính là con đường dẫn đến đái tháo đường type 2, "sát thủ” thứ ba.
"Sát thủ” cuối cùng
Là vữa xơ động mạch. Ta cứ nghĩ đê vỡ chính là do lượng nước tràn qua quá lớn, nhưng căn cơ lại chính là bờ đê. Hệ thống mạch máu của người béo phì, đề kháng insulin và đái tháo đường trở nên yếu ớt như bờ đê mỏng manh ấy. Chính tích tụ mỡ và bất thường chuyển hóa các chất gây viêm thành mạch, đóng những mảng vữa xơ, làm lòng mạch yếu đi, chít hẹp và tắc nghẽn, tức là bờ đê có vấn đề. Tăng huyết áp chính là tăng lượng nước trong lòng đê.
Có mối liên quan chặt chẽ giữa béo phì và huyết áp, khi chỉ số BMI > 25 ở người châu Âu và >23 ở người châu Á, tỉ lệ tăng huyết áp tăng cao hơn bình thường. Mạch máu vỡ, tai ương ập đến như đê vỡ: nhồi máu cơ tim, bán thân bất toại, mù..., nghĩa là tàn tật, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Vòng eo bánh mì
Từ chuyên môn gọi bộ tứ trên là hội chứng chuyển hóa hay "hội chứng X" bao gồm nhiều tiêu chuẩn. Đường huyết tăng, mỡ máu rối loạn, huyết áp tăng và béo trung tâm, tức là bạn có "vòng eo bánh mì”. Lúc đó, tình trạng thừa cân rất dễ dàng phát hiện bằng cách tính chỉ số khối cơ thể BMI = cân nặng (kg)/bình phương chiều cao (m). Khi BMI > 23, kiểm tra, tư vấn ngay để giảm "vòng eo bánh mì” của bạn, đừng để mình có "vòng eo bánh bao".
Tiến hành ngay việc điều trị giảm cân, đừng chờ tới khi đê vỡ. Giảm cân nặng sẽ giảm mức mỡ máu, giảm huyết áp và tình trạng đề kháng insulin, điều hòa đường máu. Việc giảm cân ở người béo phì cực kỳ gay go, vì những quyến rũ không cưỡng được của thức ăn, những đòi hỏi của cơ thể do các phản xạ hình thành từ các cám dỗ và các chu kỳ bài tiết của dạ dày, ruột làm bạn luôn cảm thấy đói khi thật ra bạn đã quá no... Kiểm tra ngay khi có chỉ số BMI cao và điều chỉnh tích cực các thông số đường, mỡ, huyết áp, cân nặng.
Quan trọng hơn hết là tăng cường chế độ tập luyện và ăn uống khoa học. Ngưng ngay các thức ăn quá béo và quá ngọt, các loại thức ăn nhanh và nhiều năng lượng, cũng như bia rượu, tăng cường lượng rau xanh và trái cây. Bạn nhớ rằng mình cần ít nhất ba tháng để làm quen với một chế độ sinh hoạt ăn uống mới, việc giảm cân chỉ đến vào tháng thứ tư, đừng vội nản lòng!
Theo BS Vành Khuyên