Vài thắc mắc thường gặp về di trú, bảo lãnh thân nhân

T

T$

Guest
Câu hỏi: Tôi được nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện “K-1 Fiance.” Khi đến Hoa Kỳ tôi lập hôn thú với người bảo lãnh và làm đơn xin thẻ xanh. Trong khi chờ đợi đi phỏng vấn, chồng tôi đổi ý và làm đơn ly dị. Khi nhận được hẹn đi phỏng vấn thẻ xanh, tôi không đi vì chồng không tiếp tục bảo lãnh nữa. Một thời gian sau khi ly dị, tôi quen một người khác và anh ấy chấp nhận quá khứ của tôi. Chúng tôi có ý định lập gia đình với nhau và anh ấy sẽ làm đơn xin thẻ xanh cho tôi. Tôi đã đi tham khảo với những văn phòng dịch vụ di trú và luật sư về vấn đề người chồng mới làm đơn bảo lãnh và giúp tôi làm thẻ xanh, nhưng không phải trở về Việt Nam. Nhiều văn phòng nói làm được nhưng giải thích không được rõ ràng. Xin luật sư cho biết tôi có thể làm đơn xin thẻ xanh tại Hoa Kỳ mà không phải trở về Việt Nam hay không?

Trả lời: Dưới điều luật 245(d) của Bộ Luật Di Trú, bộ trưởng Bộ Tư Pháp (nay là bộ trưởng Bộ An Ninh Nội Chính) không được “thay đổi tình trạng di trú” (tức là Adjustment of Status) của đương sự dưới điều luật 245 khi đương sự được nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện “K-1 Fiance” ngoại trừ đương sự “thay đổi tình trạng di trú” theo diện vợ chồng với chính người làm đơn bảo lãnh cho đương sự dưới diện “K-1 Fiance.” Vì điều luật 245(d), lập hôn thú với một người công dân Hoa Kỳ khác sẽ không giúp cho cô trong việc xin thẻ xanh. Nhưng nếu cô hội đủ điều kiện để “thay đổi tình trạng di trú” dưới điều luật khác (không phải điều luật 245) thì cô có thể “thay đổi tình trạng di trú” thành thường trú nhân mà không bị điều luật 245 ngăn chặn.

Câu hỏi: Tôi đã làm đơn bảo lãnh cho hai người con khi tôi có thẻ xanh, năm năm sau tôi được vào quốc tịch Hoa Kỳ. Vậy tôi có thể bổ túc hồ sơ cho người con thứ nhất còn độc thân hay không? Người con thứ hai, lúc tôi làm đơn bảo lãnh, vẫn còn độc thân nhưng bây giờ đã có vợ, vậy thôi có thể bổ túc hồ sơ để người con và con dâu được đoàn tụ hay không?

Trả lời: Ông nên bổ túc bằng quốc tịch để nâng ưu tiên hồ sơ bảo lãnh cho người con thứ nhất còn độc thân từ ưu tiên 2B sang diện ưu tiên 1 (nếu người con trên 21 tuổi) hoặc từ ưu tiên 2A sang diện Immediate Relative (nếu con dưới 21 tuổi). Sau khi hồ sơ được bổ túc, hồ sơ sẽ được chuyển cho lãnh sự Hoa Kỳ để được phỏng vấn cấp visa vì hồ sơ bảo lãnh con độc thân trên 21 tuổi của công dân Hoa Kỳ chỉ chờ đợi khoảng 3 năm rưỡi và ông đã làm hồ sơ được năm năm rồi.

Còn người con thứ hai vừa lấy vợ, ông có thể bổ túc hồ sơ để người con dâu được đi theo cùng hồ sơ với người con thứ hai. Một điều quan trọng cần để ý đến, là nếu người con lập gia đình trước khi ông trở thành công dân Hoa Kỳ, thì hồ sơ bảo lãnh cho người con đó sẽ bị hủy bỏ. Luật di trú không cho phép cha mẹ là thường trú nhân bảo lãnh cho con có gia đình.

Câu hỏi:
Tôi là thường trú nhân có thẻ xanh được một năm, vậy chừng nào tôi có thể bảo lãnh cho hai người con gái, có chồng và đứa cháu sang Hoa Kỳ được?

Trả lời: Luật di trú không cho phép cha mẹ là thường trú nhân bảo lãnh cho con có gia đình cho nên bà không thể nào bảo lãnh cho hai người con gái đó. Bà phải đợi khi nào bà trở thành công dân Hoa Kỳ mới được làm đơn bảo lãnh cho con có gia đình.

Câu hỏi: Tôi là công dân Hoa Kỳ về Việt Nam lập hôn thú với người bạn gái và bảo lãnh cô ấy sang Hoa Kỳ. Sau khi chúng tôi chung sống với nhau một thời gian ngắn, khoảng 5 tháng. Cô ấy đòi làm đơn ly dị. Tôi là người bảo lãnh có ký đơn bảo trợ tài chánh (mẫu đơn I-864), nếu chúng tôi ly dị, tôi còn phải tiếp tục trách nhiệm những điều kiện trong đơn bảo trợ tài chánh hay không?

Trả lời: Trách nhiệm của “người bảo trợ” tài chánh chỉ chấm dứt khi: 1) “người được bảo trợ” trở thành công dân Hoa Kỳ; 2) “người được bảo trợ” hội đủ 40 Quarters (tam cá nguyệt) dưới luật Social Security (An Ninh Xã Hội); 3) “người được bảo trợ” qua đời; 4) người bảo trợ qua đời; hoặc 5) “người được bảo trợ” mất hoặc bỏ rơi quyền lợi thường trú và họ đã rời khỏi Hoa Kỳ. Cho nên sự ly dị sẽ không chấm dứt trách nhiệm của “người bảo trợ.” “Người bảo trợ” sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm tới khi một trong năm điều kiện nêu trên xảy ra. Nhưng, vì đây là trách nhiệm tài chánh phát ra từ một hợp đồng (mẫu đơn I-864), sự khai phá sản có thể chấm dứt trách nhiệm của “người bảo trợ.” Theo luật phá sản, tất cả nợ sẽ được giải trừ dưới sự khai phá sản ngoại trừ bị cấm và luật phá sản hiện nay không cấm giải trừ nợ do mẫu đơn I-864 lập ra.

Nguoi-viet
 
Back
Top