"Uốn nắn" vợ thành người có văn hóa?

tuyet_loan08

Junior Member
"Giàu vì bạn, sang vì vợ", nên hơn ai hết, vợ phải là người có văn hoá để giữ thể diện cho chồng.
Một lần đến nhà anh bạn chơi, đi ngang qua một ngôi biệt thự kín cổng cao tường, anh bạn chỉ: “Nhà của ca sĩ B. đó”. Biết được nơi chốn đi về đời thường của một người nổi tiếng cũng là một điều thú vị.

Anh bạn cười: “Ở gần, nghe vợ chồng bả cãi nhau con này thằng nọ, lại còn chửi hàng xóm như điên, nên hết muốn nghe bả hát luôn!”.

À ra thế. Cái sự yêu cầu của anh bạn tôi, rằng cô ca sĩ hát những lời hoa gấm trên sân khấu thì không được phép thô lỗ hay chửi nhau ở nhà, xem ra cũng là một yêu cầu về văn hóa. Người đàn bà trên sân khấu đẹp và tài năng thì giữa đời thường cũng cần phải tương xứng. Khắt khe quá chăng?

Một lần khác, dẫn đoàn khách du lịch nhà mình vào một đại siêu thị ở Singapore, camera phát hiện một cô gái trong đoàn ăn cắp hàng một món mỹ phẩm nhỏ nhưng đắt tiền. Đều là những người có học, nên mọi người trong đoàn không ai lớn tiếng. Nhưng ánh mắt khinh bỉ của nhân viên quản lý siêu thị, đã làm đoàn người đi cùng cảm thấy nhục nhã. Trở về khách sạn, không ai nói một lời. Văn hóa là chuyện của cô gái ấy (đã tốt nghiệp đại học) hay là chuyện của tất cả mọi người không may đi cùng cô hôm đó?

Đối trọng với nhan sắc - là thứ vũ khí trời cho phụ nữ, văn hóa được xem như “cửa ải” để đánh giá vẻ đẹp của người phụ nữ. Những cuộc thi người đẹp đặt mục tiêu tìm cho được một nhan sắc có văn hóa đã làm đau lòng cả người xem lẫn thí sinh, với bao nhiêu dẫn chứng ngô nghê do việc nhồi nhét văn hóa như một khóa học thuộc lòng, gồm những câu trả lời về lịch sử, địa lý và cả chính trị. Để rồi ngay cả khi may mắn vượt qua vòng thi khổ ải ấy và đăng quang, người đẹp vẫn có thể làm xã hội thất vọng vì lối hành xử hoàn toàn thiếu văn hóa.

Văn hóa có thực đáng “sợ”, đáng ngại ngần đến thế? Đến nỗi khi đặt ra câu hỏi về văn hóa, cánh đàn bà cảm thấy đó là một khó khăn, một áp lực, trong khi cánh đàn ông mỉm cười rộng lượng coi đó là điều có thể bỏ qua, nên thông cảm - chỉ cần em nhan sắc, ấy cũng là một thứ “văn hóa đàn bà”?

42-20733679.jpg


Văn hóa - sự chọn lựa cá nhân


Cũng như khi chọn quần áo, sao cho phù hợp với vóc dáng, tuổi tác và hoàn cảnh của mình, văn hóa cũng là một sự chọn lựa. Người phụ nữ nào cũng biết rằng, chỉ có thể chọn lựa tốt khi có nhiều thứ để chọn. Thế nhưng, thực tế là phái nữ thường thiên về việc làm giàu cho tủ quần áo, làm phong phú cho bộ sưu tập nước hoa và mỹ phẩm mà quên đi mất việc tích lũy tài sản văn hóa cho mình.

Không chỉ là chuyện của một gia đình hay một khu phố, cơ bản và gần gũi hơn nhiều, văn hóa là chuyện của một con người, cụ thể hơn là của người phụ nữ. “Phụ nhân nan hóa” các cụ bảo thế, đàn bà khó dạy, một phần vì các cụ cổ lỗ, nhưng một phần cũng vì cái thế giới của người đàn bà vốn quá phức tạp và tỉ mỉ, nên khó có quy tắc chuẩn mực nào cho phù hợp, chính xác. Có phần thiên về cảm tính, ít khi tỉnh táo lạnh lùng, lý trí như cánh đàn ông, phụ nữ đôi khi để cho mình bị cảm xúc cuốn đi xa, so với những chuẩn mực mà mình đã xác lập.

Về mặt bản chất, văn hóa là giá trị tự thân của mỗi người, gắn liền với hành xử của mỗi người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Giàu có hay sa cơ lỡ vận, bần hàn hay phất lên quá nhanh, êm ấm hạnh phúc hay dối lừa đổ vỡ... là những khi mà người ta phải cố gắng để giữ bằng được cái chuẩn mực mà mình lựa chọn, để không bị cuốn trôi và đánh mất bản thân mình.

Phát hiện chồng ngoại tình, có người vật vã gào thét, đánh ghen ầm ĩ, có người tỉnh táo tìm cách giữ chồng, giữ gia đình yên ổn. Cũng là ly hôn, nhưng có người chấp nhận và đàng hoàng xây dựng lại cuộc sống, có người quyết liệt chia chác tranh giành, biến con cái, quãng đời tiếp theo của mình thành một cuộc trả thù cá nhân. Yếu tố tính cách ở đây chiếm một phần, phần còn lại, quan trọng hơn, là văn hóa.

Không ai muốn hình ảnh cá nhân của mình bị bóp méo, bị biến dạng, nhưng không phải ai trong các chị em cũng có ý thức xây dựng, gìn giữ văn hóa cá nhân, như một phần của con người mình. Nhan sắc còn có khi cần dao kéo thẩm mỹ để sửa sang, để cắt bớt những phần dư thừa xấu xí, vậy nhưng mấy ai đã chịu đựng được cái đau của dao kéo để thẳng tay “giải phẫu” những gì thời gian chồng đống tích tụ vô thức, làm xấu đi nền tảng văn hóa của cá nhân mình?

Và văn hóa đàn bà...

Thiếu nữ đôi khi trở thành đàn bà một cách lặng lẽ, không ai hay biết. Nhưng trong quy ước xã hội, thiếu nữ được công nhận là người đàn bà của một gia đình, chỉ sau khi thông qua một nghi thức truyền thống: lễ cưới. Kể từ agiờ phút nhận chiếc nhẫn cưới, cô gái mang thêm những giá trị mới, những trách nhiệm mới. Các nghi lễ không chỉ đơn thuần là hình thức, mà sâu xa hơn, nó chở theo những niềm tin vững bền của cha mẹ, họ hàng, bạn bè, như một phần của những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa mà đôi vợ chồng trẻ sẽ nâng niu gìn giữ cả cuộc đời.

Có những phụ nữ khiến ta ngạc nhiên vì không hiểu họ lấy đâu ra nghị lực để tồn tại, để nhường nhịn, để bao dung đến thế. Trước người phụ nữ ấy, một cô gái trẻ có thể đặt ngay câu hỏi bất bình: tại sao phải chịu đựng, tại sao phải hy sinh? Câu trả lời đôi khi đơn giản thôi: bởi vì đó là một sự chọn lựa, cũng như cô chọn lựa sống cho mình hoặc sống đơn thân, vậy thôi! Đó là sự chọn lựa trong những suy nghĩ nghiêm túc, có trách nhiệm, và hoàn toàn cá nhân.

Trong một xã hội có truyền thống chấp nhận và thực hành văn hóa cá nhân, để nhận ra điều trên không quá khó. Nhưng với xã hội của ta, vốn đề cao vai trò cộng đồng và những chuẩn mực chung, những khái niệm như “cá nhân”, như “tính cách”, như “văn hóa” có khi bị ngộ nhận gắn liền với đời sống mới, với đường nét hiện đại trẻ trung, váy ngắn, giày cao gót, điện thoại đời mới, máy tính xách tay...

Phải quen thuộc lắm với đời sống hào nhoáng và năng động của người phụ nữ “hiện đại”, tôi mới nhận ra rằng, thực chất chị em giống nhau, cũng lại đề cao một vài tiêu chuẩn chung nào đó, và ngộ nhận đó là văn hóa. Không phải rũ bỏ bộ bà ba và tròng vô cái quần jean vậy là đã bước sang trang văn hóa mới, đôi khi linh hồn của cá nhân đã nằm lại trong manh áo bà ba bị rũ bỏ mà không hay.

Các chuẩn mực, các giá trị chính thống, triết lý sống của mỗi cá nhân sẽ tạo ra phong cách của cá nhân đó và bầu không khí chung của gia đình. Người phụ nữ Việt Nam tảo tần và trung hậu, mỉm cười trong thương đau, sẻ chia khi hạnh phúc, cho dù ở thời đại nào đi nữa, cái cốt cách ấy phải được bảo toàn như một giá trị văn hóa cá nhân, như nền tảng của văn hóa gia đình.

“Gia đình văn hóa” được tạo thành từ những cá nhân, có thể gồm “người đàn ông văn hóa”, “người đàn bà văn hóa” cộng với “con cái văn hóa”.

Kết quả của phép cộng này không bất biến, chỉ tăng hoặc giảm tùy theo hàm lượng văn hóa của từng cá nhân, trong đó vai trò của người đàn bà góp phần quan trọng. Bởi người xây tổ ấm cũng chính là người định hình phong cách cho tổ ấm của mình.

Vậy nên, một cụm từ gây nhiều ngại ngần như “văn hóa đàn bà”, nghĩ cho cùng, cũng có cái lý riêng của nó.



(Theo XinhXinh)
 
Back
Top