Trẻ lùn, có thể chữa cho cao!

thanhlinh

Junior Member
Những người lùn cân đối, mặt bầu bĩnh, cằm nhỏ... là dấu hiệu dễ thấy của bệnh lùn yên. Căn bệnh có thể chữa khỏi...

Thiếu hormone tăng trưởng
Lùn yên là bệnh lý ở tuyến yên làm chậm sự phát triển về thể chất của trẻ em.


Báo cáo của nhóm bác sĩ thuộc khoa Nội tiết (Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội) tại hội nghị Nhi khoa Việt - Úc diễn ra từ 7-9.11 vừa qua ở TP.HCM cho biết: lùn yên là tình trạng bệnh lý của tuyến yên gây thiếu hụt hormone tăng trưởng GH trong máu, làm cho trẻ chậm phát triển về thể chất. Bệnh xảy ra có thể là do bẩm sinh, hoặc do mắc phải - như do bệnh u tuyến yên, chấn thương, nhiễm khuẩn (viêm não, màng não), nhiễm xạ trong não...
Trên thế giới lùn yên được chẩn đoán hồi cuối thế kỷ thứ 18, nhưng mãi đến năm 1985 người ta mới bắt đầu chữa trị bằng hormone tăng trưởng. Hiện nay Bệnh viện Nhi Trung ương đang theo dõi, điều trị ngoại trú cho 120 trẻ mắc bệnh lùn yên. Trong số đó có những trường hợp điển hình như: bệnh nhi nữ N.C.L, 8 tuổi, năm lên 7 tuổi L. không tăng trưởng chiều cao, người nhà đưa em đi khám ở nhiều nơi, nhưng không phát hiện ra bệnh, 1 năm sau mới đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lúc này L. nặng 16 kg, chỉ cao 104 cm. Còn bệnh nhi nam P.T.L, 9 tuổi, chiều cao cũng chỉ 109 cm. Bệnh nhi N.H.D, nam, 13 tuổi cũng được đưa đi khám, do người nhà thấy em lùn hơn so với các bạn đồng trang lứa - em chỉ cao 113 cm. Trường hợp thứ 4 được báo cáo là bệnh nhi Tr.T.T, 15 tuổi, em chỉ cao 139 cm.

Đặc điểm ở những trẻ mắc bệnh lùn yên đó là: lùn cân đối, mặt bầu bĩnh, cằm nhỏ. Trước đây một phần vì cuộc sống khó khăn, người ta ít quan tâm đến trẻ trong việc phát triển chiều cao, nên thường "có sao để vậy" và không biết đó là bệnh có thể chữa được. Nhưng nay đã khác...



Chữa lùn yên ra sao?
Theo báo cáo nói trên của nhóm bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, không phải trường hợp lùn yên nào cũng có thể chữa khỏi. Bởi có bệnh nhân đến khám muộn, lúc này tuổi xương đã đóng kín (xương đã phát triển); số bệnh nhân khác thì không có điều kiện chữa trị, vì thuốc trị rất đắt tiền. Chẳng hạn trong số 11 trường hợp trẻ lùn yên đến chữa trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong thời gian gần đây, thì sau đó đến 2/3 bệnh nhân đã "bỏ cuộc", vì gia đình bệnh nhi không kham nổi chi phí.

Chiều cao bình quân của trẻ như sau:
Trẻ sơ sinh cao bình quân khoảng 50 cm; 3 tháng tuổi cao 60 cm; 9 tháng cao 70 cm; 12 tháng 75 cm; 24 tháng cao 85 cm; 3 tuổi cao 95 cm; 4 tuổi cao 100 cm. Bình quân trong năm đầu sau sanh trẻ sẽ tăng thêm chiều cao từ 20-25 cm, năm thứ hai tăng thêm 12 cm, năm thứ ba cao tăng thêm 9 cm, năm thứ tư tăng 7 cm. Thường trẻ 4 tuổi cao 1 mét (gấp đôi chiều cao lúc mới sanh). Sau 4 tuổi, trung bình mỗi năm trẻ cao thêm 5 cm nữa.


Trên thế giới người ta dùng GH có nguồn gốc từ tuyến yên của người để chữa trị cho bệnh nhân lùn yên do thiếu hụt hormone tăng trưởng GH, giúp người bệnh lùn yên tăng thêm chiều cao. Ước tính hiện nay trên thế giới có khoảng 60 ngàn trường hợp lùn yên đã và đang được điều trị bằng GH có nguồn gốc từ người. Riêng tại Việt Nam, đến nay chưa có một báo cáo hay công bố nào về việc điều trị GH cho bệnh nhân lùn yên. Duy chỉ có Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) bước đầu thực hiện nghiên cứu, khảo sát trên 4 trường hợp bệnh nhi lùn yên nói trên từ năm 2006 đến nay.
Bước đầu qua nghiên cứu chữa trị trên 4 bệnh nhi lùn yên của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, chiều cao của cả 4 trẻ đều tăng lên sau một thời gian chữa trị. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là nghiên cứu bước đầu, vì số lượng bệnh tham gia nghiên cứu còn quá ít, do vậy, chưa thể chính thức xác định hết được mặt ưu, cũng như những mặt bất lợi của việc điều trị.


Theo Khánh Vy
 
Back
Top