Tháng ba này, khi ngoại đã đi xa

Jolie

Member
Mới ba tháng xa bà mà cảnh vật dường như thay đổi, tôi luẩn quẩn trong bài thơ “Nhớ ngoại”, chợt thấy những gì mình hình dung giờ đã thành sự thật, sự thật đến nao lòng.​
spacer.gif

Thơ ấu trong tôi là mỗi lần về thăm bà ngoại, phải nhăn mặt vì xóc, trên con đường chẳng phải là đường. Ôi! Thời bao cấp, chiếc xe đạp cà tàng, kẽo kẹt gánh đủ ba người. Cứ vặn vẹo, oặt ẽo tránh từng cái ổ gà. Chồm lên, hụp xuống, chiếc ba ga sau lắc lư theo từng nhịp của người ngồi trên.
Thơ ấu trong tôi là căn nhà bà ngoại. Ngôi nhà kèo gỗ lợp ngói giữa mảnh vườn rộng lắm. Cơ man là chuối, chi chít buồng, xanh ngắt lá, trắng đục hoa, quả vàng chín đầy hương. Chiếc giếng sâu, nước trong vắt, mát rượi, có cây bưởi rôn rốt ngon tuyệt che bóng. Búi tre cuối vườn xì xào cùng cây sấu già. Trước nhà là hồng bì, na, mít,… Mùa nào thức ấy.
nha1.jpg
Thơ ấu trong tôi là mỗi lần đổ dế trong vườn. Tiếng cười đùa, sự hồi hộp rồi hả hê của mấy anh em con dì, con bác khi chú dế no nước bò lên. Bà cười hiền hậu trước niềm vui con trẻ.
Thơ ấu trong tôi là bà ngoại ngoài sáu mươi vẫn thoăn thoắt bên ruộng mía đương thời con gái. Bà lựa những cây mía ngon nhất, ngọt nhất, có vị mát mát thơm thơm để tiện cho cháu mỗi khi tôi về.
Tuổi thơ cứ thế qua đi và tôi vào đại học.
Bao đứa cháu của bà lần lượt lập gia đình. Chỉ còn em Huyền, em Hà và tôi là chưa. Bà luôn tự hào về tôi là đứa chăm học nhất, là đứa cháu ngoan của bà.
Lên đại học cũng là lúc tôi ít về thăm bà hơn. Thỉnh thoảng, một tháng, có khi ba tháng mới về một lần.
Căn nhà và khu vườn vẫn tươm tất, sạch sẽ dưới tay bà. Có chăng chỉ một vài cây già đã chết hoặc bị sâu nên chặt bỏ. Cảnh vật gần như không đổi, chỉ có một thứ đã bị thời gian thay đổi rất nhiều, nhiều lắm…
Đó là bà tôi!
Có những trưa hè, dưới cái nắng chói trang, bỏng rát. Chiếc xe của tôi vừa chạm cổng ngõ, mùi lá chuối khô cháy đượm, khói từ mấy ô cửa bếp cuộn lên. Bà bước ra nhễ nhại mồ hôi, khói bếp làm mắt bà chảy nước nhưng từ đó vẫn ánh lên sự mừng rỡ, mong mỏi dành cho tôi. Bà tời đống thóc khô trên sân cho tôi đỗ xe, nụ cười bà dành cho đứa cháu chứa chan tình cảm. Bà bảo tôi vào nhà khỏi nắng, bà tất tả pha nước, hì hụi bật quạt rồi phe phẩy quạt nan. Bà xót đứa cháu đi nắng xa về. Ở bên bà tôi trở nên yếu đuối, bà cười móm mém, răng bà đã rụng hết. Lưng bà còng hơn nên mỗi lần đi lại, bà phải cúi gập người cùng chiếc gậy. Mắt bà mờ, da khô và nhăn nheo nhiều hơn. Bà đã sang tuổi tám mươi!
Cây hồng bì đầu ngõ, quả chín vàng đậm, sai lúc lỉu. Thời cháu học cấp ba, bà thường trẩy rồi gửi người mang ra cho cháu. Bây giờ bà yếu, không trèo được nữa rồi.
Lại bao ngày đông rét mướt, bà khoác chiếc áo bông to sụ mà vẫn run cầm cập, tôi cầm tay bà, lạnh ngắt. Vậy mà bà vẫn đòi ra vườn bẻ ngô cho tôi. Lòng bà bao la là thế.
Mỗi lần về rồi lại đi, tôi thấy thương bà lắm. Bà vui khi đứa cháu về bao nhiêu thì buồn bấy nhiêu khi đến giờ tôi đi. Bà chỉ có bốn cô con gái nên lúc về già cứ lủi thủi một mình.
Ngày phụ nữ năm ngoái, tôi kéo lũ bạn thân về chơi thăm bà, chúng tôi tặng bà cái áo len và chiếc khăn ấm. Bà mắng yêu “cha chúng mày, còn đi học, lấy đâu tiền mua quà cho bà”. Cả đời bà làm lụng vất vả, biết ngày phụ nữ nhưng mấy khi được tặng quà.
Cánh đồng sau nhà vàng rực màu hoa cải, lũ bạn thi nhau bấm máy ảnh. Bà chợt hỏi tôi “Không biết bà có chờ được đến ngày cháu bà lấy vợ không nữa?”. Tôi giật mình “Sao lại không, bà còn phải bế chắt nữa chứ!”
Nhưng… điều ấy đã không thành sự thật.
Bà ốm, tuổi già khẽ lấy đi sức khỏe của bà. Như chiếc lá vàng sớm muộn cũng rụng về cội. Bà ra đi thanh thản sau khi đã gặp được tất cả con cái cháu chắt vào một ngày cuối tháng 12 năm ngoái.
….
Tháng ba này, khi ngoại đã đi xa.
Tôi lại về thắp hương cho bà trong căn nhà kỷ niệm, cánh đồng hoa cải vẫn vàng rực trong cái rét xuân muộn. Không còn sự ồn ào của lũ bạn như hồi tháng ba năm ngoái, thay vào đó là sự im ắng, buồn tênh. Tôi nhìn khu vườn mêng mông vắng lặng, tìm hình bóng thân thuộc của bà tôi ngày nào. Mới ba tháng xa bà mà cảnh vật dường như thay đổi, tôi luẩn quẩn trong bài thơ “Nhớ ngoại”, chợt thấy những gì mình hình dung giờ đã thành sự thật, sự thật đến nao lòng:

Ngoại đi, chuối không còn xanh ngắt
Dế trong vườn im bặt sớm hôm
Chùm trứng gà, quả vàng thơm
Giờ không ai trẩy cô đơn một mình
Cây sấu già ân tình bóng rủ
Giờ xa ngoại ủ rũ buồn rầu
Nhà đơn sơ, ngói bạc nâu
Sẻ không làm tổ đi đâu hết rồi?

Có bao giờ, ngoại ơi sống lại?
Để cháu về ôn mãi tuổi thơ! Chẳng bao giờ, tôi cứ hỏi rồi lại tự trả lời!
...
Mai mồng 8 tháng 3 rồi, cháu chúc bà mạnh khoẻ, Dù bà đang ở đâu, cháu cũng tin bà sẽ nghe được câu này:
“Bà ngoại ơi, cháu nhớ bà nhiều lắm!”
Dương Như Ý
 
Back
Top