Từ thiên địa hội đến hội tam hoàng ở việt nam

Jolie

Member
[h=1]TỪ THIÊN ĐỊA HỘI ĐẾN HỘI TAM HOÀNG Ở VIỆT NAM
[/h]» Tác giả: Nguyên Minh



“Tam điểm ám tàng cách mệnh tông-Nhập ngã Hồng môn mạc thống phong-Dưỡng thành nhuệ thế tùng cừu nhật-Thệ diệt Thanh triều nhất tảo không.”. Những lời thơ phảng phất mùi kiếm hiệp Kim Dung nghe giữa thế kỷ 21 ắt lắm người ngỡ ngàng tưởng như đang xem phim bộ Hồng Kông. Ấy vậy mà đó lại là bài Tam Điểm Cách Mạng Thi, có thực cũng như bản thân của loại bang hội này. Sự phát triển ngấm ngầm nhưng lan tỏa nhanh và rộng trên toàn thế giới theo bước chân di dân của người Hoa kiều tha hương, đặc biệt là ở phía Nam Việt Nam, do yếu tố địa lý văn hóa và cả việc thực dân Pháp có một thời cố tình dung dưỡng vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Bài viết sẽ cung cấp một số tư liệu về bang hội bí mật này và các biến tướng thời xưa đến nay, tuy không đầy đủ nhưng cũng đủ để cung cấp một cái nhìn toàn cục về nó…



LỊCH SỬ THIÊN ĐỊA HỘI TỪ CHÍNH QUỐC ĐẾN VIỆT NAM…

Thiên Địa Hội, (tiếng Hoa:天地會 tiandihui) còn gọi là Hồng Hoa Hội là một hội kín bắt nguồn từ Trung Hoa vào thời Khang Hy với mục đích phản Thanh phục Minh, khôi phục lại giang sơn của nhà Đại Minh, đánh đuổi quân Mãn Thanh ngoại tộc.
Thiên Địa hội còn được gọi là Hồng môn hay Tam Điểm Hội. Thiên Địa hội đứng đầu là Tổng đà chủ, tiếp sau gồm có mười đường, Tiền ngũ phòng có năm đường, Hậu ngũ phòng năm đường, mỗi đường hoạt động tại một tỉnh của Trung Quốc. Khi Cách Mạng Tân Hợi 10-10-1911 nổ ra dẫn đến hoàng đế Mãn Thanh thoái vị ngày 12-2-1912, sứ mệnh chính trị của Thiên Địa Hội xem như đã chấm dứt. Các bang hội sinh ra từ Thiên Địa Hội hoặc chịu ảnh hưởng của nó vẫn tồn tại với đầy đủ hệ thống hoạt động ngầm hết sức chặt chẽ, tinh vi của nó. Nhưng mục tiêu đã thay đổi, tất cả đều hướng về tiền bạc và quyền lợi vật chất cụ thể. Tóm lại, những bang hội Phản Thanh Phục Minh ngày đó, giờ đây chỉ còn đơn thuần là những băng nhóm xã hội đen có sự liên kết cao, quy mô lớn hơn bất kỳ loại hình tội phạm có tổ chức nào khác trên thế giới.

Thiên Địa hội theo chân những người Hoa phản Thanh phục Minh du nhập vào Việt Nam.

“Trong những năm Chiến tranh thế giới I (1914 - 1918), ở Nam Kỳ có từ 70 đến 80 hội kín, có hội do những người lính khố đỏ đứng đầu. Mục đích chủ yếu của hội là chống Pháp, quan lại tham ô, khôi phục Việt Nam. Tôn giáo và phương thuật (pháp sư, bùa chú, uống máu ăn thề, dùng tiếng lóng, dấu hiệu riêng để liên lạc, vv.) giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức hội viên và tuyên truyền cho dân chúng. Địa bàn hoạt động rộng tại Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Bến Tre, Châu Đốc.”
Năm 1913 (Quý Sửu), Phan Phát Sanh tự xưng Phan Xích Long, tự nhận là Đông Cung con vua Hàm Nghi và tự tôn làm Hoàng Đế cùng các thành viên Thiên địa hội làm cách mạng chống Pháp. Họ chế tạo lựu đạn, trái phá, dán truyền đơn khắp chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Tây kêu gọi dân chúng nổi dậy. Phan Xích Long bị bắt tại Phan Thiết và bị kết án tử hình, bị giam tại nhà lao Chí Hòa chờ ngày hành quyết. Vụ án Phan Xích Long làm chấn động giới anh chị giang hồ thời đó.
Đêm 2 rạng 3 tháng 2 năm 1916, một số đàn em trong "Thiên Địa hội" mặc áo đen, quần trắng, mặc áo giáp da, trang bị bùa chú, tấn công trụ sở mộ lính ở Mỏ Cày. Đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng 2 họ xông vào đánh phá Khám Lớn Sài Gòn để cứu "đại ca". Nhưng họ không chống nổi súng đạn, ngoài một số bị chết tại trận, hầu như tất cả đều bị bắt, tất cả gồm 56 người. Vài ngày sau 56 người này và Phan Xích Long đều bị xử tử và chôn chung trong một mộ ở Đất Thánh Chà (đường Hiền Vương, Chợ Lớn). Sau khi khởi nghĩa của Phan Xích Long thất bại một số thành viên trong tổ chức thành lập những bang phái giang hồ theo cung cách của Thiên Địa hội.

“ĐỨA CON ÍT HỌC” CỦA THIÊN ĐỊA HỘI: “VẠN-XE”…

Vào năm 1888, hội Van Xe phát triển, lộng hành từ Bình Đông, Phú Lâm, Minh Phụng trở ra An Bình (Chợ lớn) khiến tám ông Hộ trưởng ở các vùng nói trên cầu cưú với nhà đương cuộc Chợ Lớn – Sài Gòn. Vạn tức là hình thức “nghiệp đoàn” theo kiểu vạn lưới vạn chài, vạn cấy. Vạn này thâu nạp những người đánh xe ngựa, loại xe thông dụng nhất ở Sài Gòn – Chợ lớn lúc bấy giờ. Người trong Vạn thề sống chết có nhau, một người bị hà hiếp là cả bọn kéo tới binh vực vô điều kiện, khi thấy lính cảnh sát, họ chạy trốn rất nhanh. Chủ xe phải dùng những người của Vạn đưa vào, không được dùng người ngoài. Ngoài những người sống bằng nghề đánh xe, vạn còn kết nạp bọn bồi bếp, người làm công ở hiệu buôn, cứ đóng tiền thì được che chở không ai hiếp đáp. Nơi nào có gánh hát hội trình diễn là họ kéo tới khuấy rối, nếu chủ gánh biết phải quấy đưa cho một chút tiền thì yên. Họ kiểm soát luôn những ổ mãi dâm và tống tiền những người ra vào. Ai nói xâu họ, họ đánh. Vì chiếm độc quyền phương tiện chuyên chở, họ tự ý đập đồ, dọc đường dừng lại để xin thêm tiền, không cho thì làm nhục, chửi mắng. Đặc biệt nhứt là người trong xóm lao động, bạn hàng chợ nếu gây gỗ nhau thì phải nhờ họ phân xử, đóng tiền cho họ. Ai đến nhờ cảnh sát hoặc cò bót phân xử, họ lại đánh đập bằng củ chì, bằng roi cá đuối hoặc họ giết. Trụ sở của Vạn gọi là Tân Hưng hội quán, đóng ở ngôi miếu vùng Tân Hưng. Khi cần ăn nhậu và kiếm thêm tiền xài, họ bày ra lệ cúng miễu để đi lạc quyên bừa bãi khắp đô thành, ai không cho là họ trả thù: họ gop tiền trong giới bạn hàng, giới chủ tiệm Sài Gòn (tức là khu chợ Cũ ngày nay) , chợ Cầu Ông Lãnh, vùng Khánh Hội, những người sống trên ghe thuyền và đặc biệt là những chủ chứa gái điếm. Thực dân ra tay bắt cả bọn, được biết người cầm đầu là bếp Tốt, Sáu Còn. Hai tên này lợi dụng hình thức cúng tế ở miễu để hợp thức hoá những chức vụ: chủ hội, hương nhứt, hương nhị, hương ba, hương tư rồi bày thêm chánh hội, phó hội, tri khách, trị sự, hương hội và phó tổng lý biện . . .”

THIÊN ĐỊA HỘI Ở CÁC TỈNH MIỀN TÂY…

Về hoạt động của Thiên Địa hội ở tỉnh, chỉ riêng chợ Bạc Liêu là xảy ra náo loạn: người Hoa kiều ở tỉnh lỵ này đồng loạt bãi thị, đóng cửa tiệm để phản đối việc phạt vạ của chủ tỉnh, khi ra lệnh mỗi nhà phải giữ vệ sinh trước cửa, để phòng bệnh thời khí đang lan tràn.
Nhưng ở thôn quê và chợ nhỏ, Thiên Địa hội do người Việt cầm đầu lại phát triển ngấm ngầm tới mức thực dân không khỏi lâm vào trận hỏa mù, không phân biệt đâu là mục đích, đâu là phương tiện. Một số hương chức hội tề tham gia vào hội để được yên thân hoặc chính họ đóng vai quan trọng.
Hội viên gặp nhau nhanh chóng, dùng mật hiệu, khi tụ khi tán, hoặc ở ngoài ruộng, hoặc ở quán rượu rồi lại đi. Họ gần như không dùng giấy tờ, ngoại trừ một số sổ sách ghi tiền bạc thâu xuất, nhưng lại che giấu, giả như là đóng tiền hụi hoặc thâu xuất lúc mua bán. Thư từ qua lại nếu có thì vắn tắt và dùng lời lẽ bóng gió, con dấu của hội lại khắc những chữ khó hiểu hoặc là ám hiệu, thoạt xem qua tưởng là con dấu tiệm buôn.
Hội bị đặt ra ngoài vòng phát luật nhưng nhiều người dám theo và hương chức làng yểm trợ vì lý do: khi bị bắt trong lúc ấu đả, thanh toán bằng võ lực thì họ tự nhận là ra tay vì thù oán cá nhân, theo lối du đãng để rồi bị buộc tội nhỏ với lý do làm náo động làng xóm, đánh nhau vì nợ nần, cờ bạc.
Nhờ đó bộ tham mưu chánh trị cầm đầu bên trên ít khi bị bắt quả tang. Thực dân nhìn nhận có hội kín những chỉ trong phạm vị tương tế hoặc chỉ là nhóm du đãng hoành hành tạm thời tại địa phương. Không giấy tờ sổ sách hoặc biên bản thì khó mà tổng kết cụ thể. Hơn nữa , người trong hội nếu bị bắt, thật tình cung khai thì chỉ cung cấp được những chi tiết phiến diện cục bộ. Những tài liệu mà thực dân tịch thâu được từ các tỉnh, các làng ở miền Tây hoặc ở Chợ Lớn đều giống nhau, không đem thêm gì mới mẻ, đại khái một cây gươm, một vài bộ truyện tàu, năm bảy cái bằng cấp in theo công thức giống nhau hoặc vài tờ giấy ghi chép lời thề, mật hiệu, ghi việc xuất tiền hoặc những con dấu giống như của hiệu buôn.
Henri Dusson, tên chánh án nặng óc thực dân đã chịu khó tổng kết về tình hình trong tỉnh Long Xuyên năm 1909 để rồi báo nguy về Thiên Địa Hội.
Theo ý kiến của hắn thì Thiên Địa Hội phát triển mạnh vì nhà nước thuộc địa đã kêu án quá nhẹ những người theo phong trào Minh Tân (Duy Tân) của Trần Chánh Chiếu vào tháng 4-1909 Trần Chánh Chiếu được miễn tố cùng với bao nhiêu bạn bè khác do bản án của tòa án Mỹ Tho. Dân chúng nô nức, được trớn, tin rằng vào hội kín để chống đối nhà nước thì không bao giờ bị ở tù nhiều năm, nếu hoạt động kín đáo. So với tội trạng của Trần Chánh Chiếu, họ chỉ là người hiền lành và ít nguy hại.

KÈO XANH? KÈO ĐỎ? KÈO VÀNG? VÀ CUỘC TRANH HÙNG.
Về danh xưng, có hai nhóm quan trọng, đều mạnh ở Long xuyên:
-Nhóm Nghĩa Hưng thường dùng con dấu khắc bốn chữ Nghĩa Hưng công ty, người Việt gọi là Kèo Xanh. Kèo (theo nghĩa cột kèo) cà cái vành của mui ghe, làm sườn để lợp lá hoặc đóng ván phía trên. Người thuộc Nghĩa Hưng dùng màu xanh sơn vào cây kèo thức nhất của mui ghe.
Từ nhóm Nghĩa Hưng này tách ra một chi nhánh là Hoà Xuân gọi là Kèo Đỏ, kèo của mui ghe dùng để di chuyển hoặc mua bán luôn luôn sơn màu xanh ở vành thức nhứt (màu chánh của Nghĩa Hưng) nhưng lại có thêm cây kèo thứ nhì sơn màu đỏ. Nhóm Nghĩa Hưng gồm đa số người Hoa Kiều gốc Phước Kiến. Đôi khi họ có những chi nhánh gọi là Nhơn Hưng hoặc Đồng Hưng.
-Nhóm Nghĩa Hòa, với cây kèo sơn màu vàng (Kèo Vàng) đa số là người Triều Châu.
-Nhóm của người Hẹ (Hakkas-Khách Gia) thực lực không không đáng kể.
Về sự phát triển của hội, tài liệu trên cho biết: tỉnh Long Xuyên gồm tất cả 60 làng, chỉ 5 làng là có thể có hội kín, 42 làng kia chia làm hai loại, loại thứ nhất là 35 làng bị ảnh hưởng nặng, thứ nhì là 17 làng bị ảnh hưởng ở mức vừa phải.
Trong cấp lãnh đạo ,người Hoa kiều hoặc Hoa Kiều lai là thiểu số, người Việt chiếm đa số, thường là hương chức hội tề đương nhiên hoặc hương chức cựu, Tại làng thời Thuận, (tổng Định Mỹ) nhiều tín đồ Thiên chúa đã theo hội kín hoặc nhóm Nghĩa Hưng.
Trong làng, lúc đầu cần vài người hoạt động tích cực, sau đó cứ thuyết phục và hăm dọa để rồi những kẻ cầu an hoặc chống đối cũng lần lượt theo hội để khỏi bị hiếp đáp, vì thấy mình là thiểu số. Hương chức làng, người có uy tín, có đạo đức được chọn trước. Ai không theo thì bị phá rối liên miên: đốt nhà, đánh đập công khai hoặc lén lút, đốn cây ăn trái, phá đám mạ, đập lu hũ trong nhà. . .
Trong số 12.484 dân Triều Châu và bộ toàn cõi Nam Kỳ (trừ Sài Gòn – Chợ Lớn) , riêng tỉnh Sóc Trăng (và một phần của Bạc Liêu ngày nay) chiếm đến 5.300 người, tức là non một nửa. Thực dân phỏng đoán ở Sóc Trăng còn đến 6.000 người Triều Châu khác trốn thuế, chưa ghi vào bộ.
Từ năm 1877, nhà cầm quyền ở Sóc Trăng nhận ra sự hoạt động của Thiên Địa hội. Nhưng đến 1880, tình hình trở nên rối rắm lạ thường, các nhóm Thiên Địa hội dậy giặc chòm, họ không xúc phạm đến công sở, không đụng tới lính mã tà nhưng đánh nhau giữa các phe phái: Thiên Địa Hội thuộc Nghĩa Hưng (Kèo Xanh) đánh với Thiên Địa Hội Nghĩa Hòa (Kèo vàng). Cuộc tranh giành ảnh hưởng này xảy ra từ khi họ chưa qua Nam Kỳ, là mối thù truyền kiếp giữa các lãnh tụ lớn, các lãnh tụ nhỏ cứ tiếp tục thanh toán.
Thiên Địa Hội ở vùng Sóc Trăng lúc đầu chỉ gồm người Huê Kiều và người Minh hương . Tháng 9-1880, họ đánh nhau có chừng 50 đến 60 người cầm gậy gộc; riêng về Bạc Liêu, có 3 người bị thương nặng phải gởi đi Chợ Lớn điều trị. Ngoài bọn cầm gậy gộc, còn nhiều người đi theo yển trợ về tinh thần, hò hét. Nên nhớ là người Hoa Kiều am hiểu nhiều môn phái võ thuật, số người cầm gậy toàn là võ sĩ được tuyển chọn. Lúc họ đánh nhau, hương chức làng và lính mã tà giữ thái độ không can thiệp và không đến giải tán. Hai nhóm rút lui sau khi mỏi mệt, không tố cáo với nhà cầm quyền.

Tháng 11 cũng năm ấy, lại đánh nhau giữa hai phe Nghĩa Hưng và Nghĩa Hòa tại đường phố chợ Sóc Trăng, lần này có xung đột nhỏ với hương chức hội tề.

Ngày 2 tháng 12 năm ấy tại Bãi Xàu, chừng 100 người dậy giặc ngoài đường, rồi đến 17 tháng 12, chừng 400 người lại đánh nhau giữa đường phố tỉnh lỵ. Thống đốc Nam Kỳ chấp thuận phạt bằng tiền tám bang Hoa Kiều ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bãi Xàu, Trà nho, Bố Thảo, Lai Tâm, Rạch Gòi, Láng Dài.

Mặc dầu thỉnh thoảng có lục soát, bắt bớ, tịch thu tài liệu, tống xuất về Trung Hoa hoặc đày ra Côn Đảo, Thiên Địa hội cứ phát triển về tổ chức. Ở nơi đất rộng người thưa từ Đại Ngãi tới mũi Cà Mau, bọn “anh hùng” xuất hiện từng toán chừng ba bốn chục người để đốt nhà, cướp giựt, ăn cắp lúa bó (vừa gặt xong). Nên hiểu đây là việc làm nhứt cử lưỡng tiện của họ: vừa có tiền xài, vừa hăm dọa được những người chưa chịu theo hội. Đầu tháng 1-1882, chánh quyền ở Nam Kỳ gởi một pháo hạm cỡ nhỏ đến Đại Ngãi để thị oai, vì vậy mà bọn chúng tạm trốn tránh, tình hình trở nên khả quan.
Trong phúc trình về an ninh, viên Giám Đốc nội vụ báo động với Thống đốc Nam Kỳ rằng người Hoa kiều đang tuyển mộ, ép buộc người Việt vào Thiên Địa hội. Viên Giám đốc cũng thắc mắc không hiểu tại sao Nghĩa Hưng và Nghĩa Hòa lại chống nhau như rồi tại Sóc Trăng, họ ăn thua ở năm sáu địa điểm khác nhau. Tháng 5 cũng năm 1882, viên cai tổng Định Chí (Sóc Trăng) báo cáo rằng tất cả 18 làng trong tổng gồm người Hoa Kiều, Minh Hương và người Việt đều theo thiên Địa Hội không sót một làng nào cả. Từ Cần Thơ, chủ tỉnh Nicolai nổi tiếng là giỏi giắn và trầm tĩnh báo cáo là tất cả làng trong tỉnh, không chừa một làng, đều có Thiên Địa hội. “Ngay trong lễ gia nhập, hội viên thề nguyền sẽ khởi loạn. Đầu mối của phong trào là từ trên Chợ Lớn phát triển xuống…”
Tuy nhiên, thực dân tạm yên tâm vì chưa thấy hành động chánh trị nào rõ rệt chứng tỏ họ chống Pháp. Phía Sóc Trăng, sát mé biển hoang vu thuộc tổng Thạnh Hòa (sau là Bạc Liêu), thực dân theo dõi một cuộc tập họp qui mô của Hoa kiều đang cất chòi rải rác, canh phòng cẩn mật, số người lui tới thường trực đến 3 hoặc 400.

Đầu tháng 7-1882, mẻ lưới tung ra với viên cai tổng dẫn đường, một viên đội mật thám cùng 12 nhân viên tháp tùng, ngoài ra còn hơn 50 dân tuần đi theo yểm trợ.

Bị bao vây thình lình, mấy người Hoa kiều ấy chống cự mãnh liệt bằng gậy gộc. Nhơn viên mật thám bắt 17 người đang tẩu thoát và khi xét trong căn chòi có vẽ bí mật lại gặp trọn ổ 19 người đang nấu á phiện lậu và một số tài liệu liên quan đến hội kín.

Số người bị bắt là 76, toàn là dân Triều Châu.
Tại Sài gòn – chợ Lớn, từ lâu thực dân theo dõi, bắt những nhóm lẻ tẻ, tịch thâu tài liệu. Quan trọng nhất là việc khám xét và tịch biên hai căn nhà số 127-129 đường Lareynìere (Sài Gòn) được xem là sào huyệt quan trọng của nhóm Nghĩa Hòa, 7 người bị đề nghị trục xuất về chính quốc.
Nhóm Nghĩa Hưng ở Sài Gòn và Chợ Lớn với đầu não là người Phước Kiến hoạt động tích cực, với xu hướng chánh trị rõ rệt, trong khi nhóm Nghĩa Hòa chiếm nhiều uy thế ở Sóc Trăng, Bạc Liêu chỉ nặng về hoạt động kinh tài.
Từ hai năm trước, một nhóm Nghĩa Hưng bị phát giác (15-3-1880), 23 người bị bắt nhưng được thả ra hai tháng sau.

Người trong hội lợi dụng tật tham những của viên chức Việt và Pháp, cứ lo hối lộ, nhờ vài người có uy tín bảo lãnh là xong vì thiếu yếu tố về mặt pháp lý; họ bảo vô hội là để tương trợ làm ăn, biên lai thâu tiền chỉ là biên lai chơi hụi hoặc góp tiền cúng chùa Ông, chùa Bà. Người Phước Kiến thường tới Chợ Lớn, về nước rồi trở ra giả danh mua bán, mang theo nào là sản phẩm ; mỹ nghệ bằng đá, bằng sứ, sơn mài, tơ lụa, đến những nhà khá giả mà bán… cũng là một cách thu tiền quỹ khéo léo của Thiên Địa Hội.

TỪ THIÊN ĐỊA ĐẾN TAM HOÀNG …

Khi triều đại phong kiến Mãn Thanh sụp đổ ở chính quốc dẫn theo việc thay đổi mục tiêu chính trị của Thiên Địa Hội sang hình thái hoạt động xã hội đen thì thực ra ở Việt Nam, các bang hội này đã biến chất từ lâu.

im13312209782.jpg
Biểu tượng Hội Tam Hoàng
Hai chữ Thiên Địa dành cho bang hội nay đã không còn thích hợp, các thủ lĩnh bèn sáng tạo ra một cái tên tuy mới mà cũ, vì quá khứ đã có dùng rồi cũng là : Thiên-Địa-Nhân, đó là Hội Tam Hoàng: 三合会 .

Ngô đình Diệm khi lên cầm quyền , ý thức được thương nghiệp tại miền Nam sau thời Pháp thuộc phần lớn nằm trong quyền kiểm soát của Hoa kiều. Vì vậy giới chức cầm quyền cố tạo sức mạnh cho doanh nhân Việt bằng cách hạn chế quyền lợi của người Hoa.

Đạo luật 53 cấm ngoại kiều (nhắm vào Hoa kiều) tham gia 11 nghề liên quan đến thóc gạo, điền địa, buôn bán thịt cá, than đá, dầu lửa, thu mua sắt vụn v.v. được ban hành vào 9-1956.

Ngoài ra còn có lệnh trục xuất người Hoa nếu họ không chịu nhập Việt tịch. Tính đến năm 1961 thì trong số 1.000.000 Hoa kiều ở miền Nam chỉ còn 2.000 giữ Hoa tịch.

Điều này đã làm sức mạnh của Hội Tam Hoàng ở Nam Việt Nam giảm sút. Lúc đó có 3 trung tâm quyền lực chi phối hoạt động xã hội đen của Hội Tam Hoàng trên toàn thế giới gồm: Singapore, Cholon và Hongkong. (được sắp xếp theo thứ tự quan trọng).

Toàn bộ quyền lực chuyển về Singapore với 3 nhân vật chóp bu của Hội Tam Hoàng là Hoàng Long, Hồng Trượng và Bạch Chỉ Phiến…ngoài ra có thêm 2 nhân vật nữa mới đủ bộ ngũ thánh của Hội Tam Hoàng nhưng chỉ là hư vị.

Hoàng Long, tương đương với chủ tịch HĐQT, Hồng Trượng là trưởng ban ám sát, kỷ luật…và Bạch Chỉ Phiến là Giám đốc điều hành.

Do giảm sút quyền lực, nhóm thủ lĩnh Hội Tam Hoàng ở Chợ Lớn bèn khép dần hoạt động. Đó chính là lý do tại Chợ Lớn, Thanh Bang vốn là một bang hội ô hợp, nghèo hơn lại phát triển mạnh vào giai đoạn trước 1963 này!

Sau Hiến chương Vũng Tàu do Nguyễn Khánh ký, dẫn đến việc Mỹ có cơ hội tăng quân can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tại miền Nam.

Theo chân lính Mỹ, các loại hàng P.X(miễn thuế dành cho quân đội), hàng viện trợ các kiểu, dollars…tràn ngập thị trường. Điều này dẫn đến việc dịch chuyển trung tâm quyền lực của Hội Tam Hoàng, quyền hành rơi vào tay các thủ lĩnh Chợ Lớn.

Đã có một số bài viết cho rằng “Tín Mã Nàm-Mã Thầu Dậu” là nhân vật thứ 2: Hồng Trượng ở Việt Nam. Nói như thế thì đã đánh giá quá cao một tên du đãng nhép gốc Hoa mà đánh giá tầm vóc Hội Tam Hoàng quá thấp!

Chưa bao giờ Tín Mã Nàm có cơ hội đươc gia nhập, nói chi đến trở thành 1 trong 3 thủ lĩnh Hội Tam Hoàng!

Hoàng Long là ai, thì ngay cả hồ sơ theo dõi của Bộ Tư lệnh CSQG cũng không có. Nhưng nhân vật thứ 3, nắm giữ tất cả về kinh tế tài chính của Hội Tam Hoàng ở Việt Nam thì chính là Tr. Th.(Trần Thành), người giàu thứ 2 VN chỉ sau Lý Long Thân!

Nhưng tiếng nói của nhóm thủ lĩnh ở Chợ Lớn chỉ thực sự trở thành tuyệt đối trên toàn bộ hệ thống Hội Tam Hoàng trên thế giới, lại khởi nguồn từ việc lính Mỹ khoái hút xì ke và cần sa…

Thực vậy, từ khâu trồng trọt, thu hoạch cây thẩu ở Thượng Lào, Tam giác vàng của Lý văn Huấn-tướng QDĐ Trung Hoa, đến chế biến tại Chợ Lớn, bán sỉ và lẻ cho thị trường miền Nam, chuyển qua Bắc Mỹ…đều do Hội Tam Hoàng Chợ Lớn đảm nhiệm.

Những hoạt động khác như tống tiền, chuyển ngân bất hợp pháp, buôn lậu hàng quý hiếm, bắt đầu rơi hết vào tay Hội Tam Hoàng. Lúc đó, do nhân lực ít, mỏng… Hội Tam Hoàng thay vì tuyển thêm lại dùng hình thức khác. Họ thuê luôn Thanh Bang làm người giúp việc!

CUỘC CỜ TÀN…

Sau giải phóng, thế hệ người Hoa sinh sau đẻ muộn đa phần đã không còn giữ nhiều hoặc tuân theo một cách kiên quyết những gì cha ông họ cho là truyền thống như phương ngữ(Tiều, Quảng, Hẹ, Phước Kiến, Hải Nam), “gou” ăn uống, thủ tục cưới xin, ma chay…Chính vì vậy, những loại bang hội như Hội Tam Hoàng hình thành bằng truyền thống, tồn tại bằng phi pháp và phát triển bằng nỗi sợ của cộng đồng, đã không còn chỗ bám. Chẳng những vậy, với sự khắt khe, chặt chẽ của luật pháp dành cho các loại tội phạm có hệ thống, có tổ chức…cũng làm nguội đi cái đầu của các thế hệ thủ lĩnh mới của Hội Tam Hoàng. Sự dịch chuyển trung tâm quyền lực lại bắt đầu. Sau 75, trung tâm đó chuyển trả lại HongKong và khi mảnh đất thuộc địa này được trao trả, trung tâm của Hội Tam Hoàng chuyển luôn qua Hoa Kỳ. Thủ tục “treo đèn kết tụi” trong dịp Tết Nguyên Tiêu rồi đấu giá chiếc đèn lồng của Chùa với giá không thể tưởng tượng nổi, gần 200 triệu đồng(vàng lúc 1.750.000đ/ lượng)cho một đại gia để đại gia ấy khi buôn lậu, có được sự ủng hộ của Hội Tam Hoàng, tức là cả ngũ bang, giờ đây cũng chỉ còn là dĩ vãng. Một người bạn trẻ khi xem qua tài liệu về Hội Tam Hoàng ở Việt Nam, cứ tưởng là tiểu thuyết, khen rối rít. Đủ để hiểu, ở Việt Nam, Hội Tam Hoàng chỉ còn tồn tại trên sách báo, phim ảnh hoặc những câu chuyện kể bắt đầu bằng cụm từ: “Hồi Xửa, hồi xưa…”. Các băng nhóm Yakuza, Trúc Liên Bang, đáng sợ hơn nhiều! Và hình ảnh một nhóm Trúc Liên Bang ngồi uống rượu trong nhà hàng, gặp 2 “ôn con” từ Hải Phòng mới vào Sài gòn nhìn ngứa mát qua tận bàn cà khịa…Cả bọn giang hồ thuộc vào hàng chiếu trên của Trúc Liên Bang phải co vòi, rối rít xin lỗi dù chẳng có lỗi gì cả. Có lẽ đã quá đủ thay cho một lời kết!

Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn







 
Back
Top