Tâm trạng khi yêu - Bản tình ca câm lặng...

tvb

Banned
Staff member
"Tâm trạng khi yêu" (In the mood for love) mang câu chuyện tình yêu đậm chất Á Đông: sâu, lặng và kín, lấy bối cảnh ở Hồng Kông vào năm 1962. Một câu chuyện tình đẹp không kém phần lôi cuốn mà không tốn một nụ hôn hay những lời đường mật nào...
In_the_Mood_for_Love_movie.jpg

Tình yêu là một đề tài muôn thủa được điện ảnh khai thác với lợi thế diễn đạt đầy sức thuyết phục bằng hình ảnh. Khác hẳn với những phim tình cảm của trường phái điện ảnh Mỹ, đạo diễn Vương Gia Vệ hướng người xem vào Tâm trạng khi yêu, một câu chuyện tình đẹp không kém phần lôi cuốn mà không tốn một nụ hôn hay những lời đường mật. Điện ảnh vẫn là điện ảnh, một món ăn ngon không đòi hỏi nguyên liệu chế biến phải đắt tiền mà tất cả nằm ở bàn tay tinh xảo của người đạo diễn, công thức chế biến độc đáo và nhãn quan nghệ thuật riêng biệt.


Phim nhựa màu
Hãng sản xuất: Block 2 Picture/ JetTone Films/ Paradis Films (Hồng Kông)
Thời lượng: 97 phút – Năm sản xuất: 2000
Đạo diễn: Vương Gia Vệ
Diễn viên chính: Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc,
Thể loại: Romance, Melodrama, Romantic drama
Giải thưởng: Giải Cannes 2000 cho Nam diễn viên xuất sắc nhất Lương Triều Vỹ
Giải Cannes 2000 cho phim có kỹ thuật xuất sắc nhất
Giải Ceasar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất

Câu chuyện tình yêu đậm chất Á Đông: sâu, lặng và kín, lấy bối cảnh ở Hồng Kông vào năm 1962. Phim tập trung vào hai đôi vợ chồng cùng dọn đến ở một khu dân cư đông đúc trong cùng một ngày.

Su Lizhen (Trương Mạn Ngọc) làm thư kí cho một công ty xuất khẩu trong khi chồng cô thường xuyên đi công tác xa nhà. Chow (Lương Triều Vỹ) là biên tập của một tờ báo, người mà vợ thường xuyên không có nhà. Hai người bắt đầu quen nhau như hai người bạn cô đơn. Đột nhiên, mọi việc xoay chuyển khi hai người phát hiện vợ của Chow với chồng của Lizhen ngoại tình với nhau. Vì túi xách của Lizhen giống hệt túi xách của vợ Chow, cà vạt của Chow giống hệt cà vạt của chồng Lizhen, hai người đó thường xuyên vắng nhà cùng một lúc. Tức giận và hổ thẹn, họ không dám hé lộ những gì vừa khám phá ra với người bạn đời của mình. Vừa tưởng tượng cảnh đôi tình nhân ngoại tình như thế nào và diễn tập cách truy vấn họ, Chow và Lizhen dần dà đem lòng yêu nhau. Câu chuyện tình của họ chỉ dừng lại ở những đôi bàn tay nắm chặt, những giọt nước mắt nhẹ nhàng lăn trên gò má, làn khói thuốc nhẹ bay. Sự thật, sự can đảm của người đàn ông chưa đủ mạnh để vượt qua ranh giới, rào cản của xã hội. Cuộc tình đứt đoạn khiến cả hai người lâm vào đau khổ. Người đàn bà vẫn chờ đợi mong mỏi. Người đàn ông mong muốn quên đi nhưng không thoát khỏi sự đeo bám. Kết thúc phim, anh chỉ dám thổ lộ chuyện tình của mình vào một khe đá. Chỉ có gió, cỏ dại mới hiểu nổi anh đã yêu người đàn bà đấy đến mức nào.
in_the_mood_for_love_0015-711382.jpg


Câu chuyện tình do đạo diễn Vương sản xuất, biên kịch và đạo diễn rất gợi cảm, lãng mạn theo trường phái phương Đông. Đây là một phim có cốt truyện loãng, do vậy phần quay phim rất được Vương Gia Vệ chú trọng để truyền tải đến người xem hình ảnh cô đọng, giàu cảm xúc nhất. Mở đầu phim, hai nhân vật chính tình cờ gặp nhau khi cùng thuê hai căn hộ sát nhau trong một khu chung cư đông đúc. Sự trùng hợp thứ hai xảy ra khi họ cùng chuyển đến ở trong cùng một ngày và một số đồ đạc của hai người bị nhầm lẫn trong khi chuyển đồ. Trong khu chung cư đó, những người hàng xóm thường tập trung trong căn phòng nhỏ, chơi mạt chược, làm hâm nóng bầu không khí. Những cảnh đầu phim, khi hai nhân vật chính bước vào không gian ngột ngạt và ồn ào, khán giả dễ dàng nhận thấy giữa hai người không có sự tiếp xúc thân mật bằng ánh mắt, họ chỉ chào nhau rất xã giao và lịch thiệp. Tâm trạng cô đơn của hai nhân vật chính được cốt truyện giải thích bằng việc chồng của Lizhen và vợ của Chow thường xuyên vắng nhà. Hình ảnh vợ, chồng của Chow và Lizhen không được quay trực diện, mà khán giả chỉ có thể nhìn thấy mái tóc, góc quay sau lưng, qua bức tường chắn, đồ đạc hoặc qua giọng nói hiện hữu. Dụng ý của đạo diễn rất rõ ràng, muốn hướng người xem tập trung chủ yếu vào hai nhân vật chính.
2526883249_b232b2e92d.jpg


Không gian trong phim rất chật, hẹp và sâu. Góc quay của camera thường xuyên bao trùm một hành lang qua lại của khu chung cư, một hành lang chật đến mức hai người qua lại phải tránh nhau. Trong không gian chật hẹp như vậy, thế giới nội tâm của hai người được mô tả tỉ mỉ mà không cần lời thoại hay tự sự của bản thân. Người đàn bà cảm thấy cô đơn vì chồng thường xuyên vắng nhà, không có ai để tâm sự. Người đàn ông làm việc miệt mài để quên đi mình bị phụ tình. Sự cô đơn của hai người bị thắt chặt, dồn nén khi họ chịu bó mình trong khoảng không chật chội và ngột ngạt.


Nhạc phim được sử dụng rất nhuyễn, đan bện cùng khuôn hình đẹp như tranh. Tiếng đàn violin du dương nổi lên khi người đàn bà đi mua đồ ăn, lồng trong những cảnh quay rất chậm và được kéo dài. Trang phục của Lizhen trong phim mang nét truyền thống, đẹp, nền nã và thường xuyên thay đổi. Máy quay ghi lại chuyển động uyển chuyển của cô, từng bước đi chậm rãi, cảnh cô chờ đợi, bước lên và bước xuống từng bậc thang. Trong khi đó Chow đang ngồi ăn chậm rãi, đầy vẻ ưu tư. Hai người vô tình gặp nhau, tránh nhau lên xuống trong ngõ hẹp. Giai điệu nhạc phim buồn, réo rắt, muốn thắt lại ruột gan người đàn bà cô đơn và người đàn ông bị phụ tình.
in_the_mood_for_love_maggie_cheung_10_9da6443b961d41adb9787a40057d9cdf.jpg


Vương Gia Vệ là người ghi chép rất tỉ mỉ. Anh ghi lại từng cơn mưa hắt xuống mặt đường, hắt vào những chiếc đèn chiếu sáng bên đường, hắt lên chiếc áo vét của Chow, người đang hút thuốc trong hẻm chờ cơn mưa tạnh. Tâm trạng cô đơn của hai người được tô vẽ, nắn nót, đẩy dần lên cao. Người đàn ông buồn bã chỉ hút thuốc, trầm ngâm còn người phụ nữ đi mua đồ ăn trong tâm trạng cô đơn, phiêu diêu trong đoạn nhạc buồn da diết.


Sự thật về cuộc tình vụng trộm của vợ Chow và chồng Lizhen được tiết lộ trong quán cà phê khi hai người cùng trò chuyện. Ống kính camera in rõ khuôn mặt hai người đối diện, ánh mắt e ngại nhìn nhau, chuyển động của những đôi tay. Máy quay đột nhiên chuyển động nhanh, nắm bắt hết phản ứng, sự thay đổi trên khuôn mặt hai người khi bị hỏi, trả lời và sự phát hiện ra vợ của người này và chồng của người kia ngoại tình với nhau. Làn khói thuốc phả ra từ miệng Chow nhạt nhòa, nhẹ bay được anh gửi vào đó tâm sự riêng: sự giẫn dữ, sự đau khổ, nỗi cô đơn. Họ đi về bên nhau và thắc mắc chuyện đó bắt đầu khi nào. Thực tế, hai người đã đem lòng yêu nhau. Tình yêu nảy nở trong nỗi cô đơn, là liệu pháp chữa trị hiện thực đắng cay. Những cảnh hẹ hò đi chơi của hai người diễn ra liên tiếp trong khoảng thời gian ngắn trên phim. Khuôn hình phim rất sáng tạo, liên tục thay đổi do sự dịch chuyển máy quay rất hợp lí. Chuyển động của đôi tình nhân đang hẹn hò trên màn ảnh đôi lúc chỉ là chuyển động của hai chiếc bóng in trên bờ tường. Sự tinh tế, nhẹ nhàng, e ấp trong tình yêu phong cách Á đông được diễn tả rất cẩn trọng. Lần đầu tiên anh mạnh dạn cầm tay chị, chị lặng lẽ rút tay ngay khỏi đôi bàn tay người đàn ông. Lần kế tiếp, chủ động hơn, chị chủ động đưa tay ra chờ đợi vòng tay rắn chắc của người đàn ông nhưng anh lại vất phải sự e ngại, sợ sệt. Tình yêu trong phim được trình bầy thầm lặng, ý nhị, sâu sắc, dạt dào, không bị phô diễn thái quá. Từng chuyển động li ti trong cảm xúc của những đôi bàn tay muốn ở bên nhau đã nói lên tất cả những điều cần nói.
A0000114.jpg


Cảnh quay hai người ngồi ăn tối trong một nhà hàng được xử lí một cách khéo léo. Đôi tình nhân hẹn hò nhau trong một quán ăn. Cử chỉ, động tác của từng người được theo dõi chăm chú, không bị bỏ sót. Đôi tay cầm dao cắt thiệt, chuyển động của cơ miệng, ánh mắt hất lên liếc nhìn nhau rất chớp nhoáng và mau lẹ. Trước đám đông, họ chỉ dám nhìn nhau với ánh mắt sắc, nhanh, đầy sợ sệt và e ngại. Máy quay đã đảm nhận tốt vai trò của mình, tạo cho người xem cản giác chân thực về những cú liếc mắt nhìn nhau của hai người khi đang ăn tối.


Cảm xúc giận hờn, yêu thương luôn tồn tại song song trong tình cảm của các đôi tình nhân. Khi hai người cùng ra về trên một chiếc xe hơi, người đàn bà tỏ ra giận dỗi do người đàn ông không gọi điện thoại. Chuyển động của đôi tay anh vươn tới ôm lấy đôi tay chị nhưng đôi tay chị nhanh chóng thoát khỏi sức rướn mau lẹ đó. Sự dỗi hờn của hai trái tim truyền thụ trọn vẹn vào cảm xúc của hai đôi tay biết yêu. Chuyển động của nhân vật được trau chuốt, nắm bắt một cách cao độ khiến ta có cảm giác đang hứng từng giọt cảm xúc mát lạnh của tình yêu.
2527704232_c363785ebe.jpg


Việc sử dụng ánh sáng phù hợp rất được chú trọng. Ánh sáng khá mạnh nhưng dịu, rọi thẳng vào khuôn mặt của người đàn bà đang nghểnh cao, ngả đầu trên bức tường của khách sạn. Trong khi đó, gương mặt của người đàn ông chỉ nhận được ánh sáng mờ nhạt hơn. Họ không hề hôn nhau, không hề ôm ấp, chỉ nhìn nhau, suy nghĩ như muốn quên đi họ là ai, họ đang làm gì. Sự im lặng bao trùm không gian và thời gian. Đôi tình nhân cần một khoảng lặng để nhìn thấy chính mình, để trốn chạy khỏi thế giới hiện tại. Họ cảm thấy tình yêu hiện hữu ở mỗi khuôn mặt, những giây phút nhìn nhau ăn tối, những khoảnh khắc ngắm nhìn nhau trong tĩnh lặng.


Nhân vật nam chính luôn rơi vào thế giới của hồi tưởng, suy xét, ngẫm nghĩ. Khi trời đổ mưa, chiếc vest anh mặc đã ướt sũng. Chow dựa lưng vào tường trên con phố vắng vẻ. Vẻ mặt suy tư, nghiền ngẫm cùng với điếu thuốc cháy dở luôn tìm thấy trên khuôn mặt anh. Nét diễn của Lương Triều Vỹ trong vai Chow dày và ấm. Anh tái hiện được vẻ ưu tư, suy nghĩ, trăn trở của nhân vật, sự e ngại, rụt rè của người đàn ông yếu đuối khi không dám thổ lộ tình cảm của mình và sự thiếu can đảm tiến tới khi người đàn bà đã cho anh quá nhiều cơ hội để duy trì tình yêu giữa họ. Đối lập với lối diễn xuất đó, nét diễn của Trương Mạn Ngọc mảnh nhưng sâu và mạnh. Chị thể hiện được nỗi cô đơn của người đàn bà, khát khao tình cảm chia sẻ và cảm thông, sự hạ thấp mình để người đàn ông mà chị yêu có cơ hội tiến tới. Họ đã yêu nhau do cô đơn, lạc lõng nhưng ngay cả trong tình yêu, họ vẫn cô đơn vì quá e ngại những định kiến xã hội và sự dày vò bản thân.
durb.jpg


Quyết định thể hiện phim bằng những hình ảnh đẹp trong những góc hẹp, sâu là một quyết định rất hợp lí. Nhân vật trở thành tiêu điểm của khuôn hình, trung tâm ưa thích của chuyển động. Những cảnh quay ở những góc bó hẹp và khó như gầm giường, gầm bàn… không đánh mất bất cứ khoảnh khắc đẹp của đôi tình nhân. Họ bên nhau trong căn phòng trọ chật hẹp, cùng uống nước, cùng đọc bài báo của Chow. Từng đôi chân, từng đôi giầy chuyển động trong căn phòng bị máy quay đeo bám quyết liệt. Khuôn hình giàu cảm xúc biến những lời thoại trong phim trở thành thứ yếu. Tình yêu của họ rất đơn giản mà lạ lẫm. Điều mà họ cần chỉ là những giây phút. Chính vì vậy mà khuôn hình phim chỉ tập trung vào những cảnh họ ở bên nhau trong căn phòng nhỏ, cùng ăn mỳ, cùng trò chuyện. Chị nói chuyện nhỏ nhẹ, còn anh trầm ngâm hút thuốc. Có những lúc, chị nằm ngủ trên giường, còn anh đọc báo trên ghế. Họ đối mặt nhau và chỉ ước mong nhỏ nhoi vậy thôi, một khoảng không gian tĩnh lặng và riêng tư cho hai con người rất đỗi cô đơn với tâm trạng đang yêu.


Sự ngăn cách về không gian, thời gian, tình cảm được Vương Gia Vệ thể hiện bằng cảm quan hình ảnh chỉ là bức tường dầy ngăn cách hai căn phòng liền kề. Ở hai nửa bức tường, một người đang hút thuốc, suy nghĩ, dựa lưng vào tường, một người vẩn vơ đùa nghịch với nỗi cô đơn. Trong nội tâm của người đàn ông, luôn có sự e ngại lời đồn đại, dèm phe, sự thiếu cam đảm do sự ngang trái trong cuộc tình của họ. Tâm trạng đang yêu của nhân vật chính không phải là tâm trạng dạt dào, phấp phới của mối tình đầu. Đó là tâm trạng đang yêu của hai kẻ bị phụ tình, phải lòng nhau trong khi tìm kiếm sự chia sẻ nỗi cô đơn trong thế giới riêng tư. Tâm trạng đó là tâm trạng buồn, vừa được yêu xem lẫn sự phản bội, hòa cùng sự rằng buộc của hôn nhân. Sức căng của cảm xúc không được thể hiện mãnh liệt mà trái lại rất mềm mại và trữ tình.
Cuộc hò hẹn cuối cùng ở khách sạn được khai thác với cảm xúc chia tay mạnh mẽ nhất. Họ sợ sệt, gấp gáp, e ngại không dám nhìn thẳng nhau. Người đàn bà bước đi một mình trong hành lang sâu, vắng vẻ. Khuôn hình lắm lúc dừng lại khá lâu như chuyển động đứt quãng và sự gián đoạn trong tâm trạng đang yêu của hai con người.
in_the_mood_for_love_0012.jpg


Quyết định chia tay đưa ra do sự ngang trái và không muốn lăn theo vết xe đổ, trả thù cuộc tình vụng trộm kia. Khi hai người ngồi trên xe, tình cảm biểu đạt bằng hơi ấm của đôi bàn tay, sự đan quyện của chúng. Đôi bàn tay người đàn bà như muốn thắt chặt đôi bàn tay của người đàn ông khi chị ngả đầu lên vai anh. Người đàn bà ngả đầu lên vai người đàn ông như tìm kiếm nơi che trở, một chỗ dựa về tinh thần. Những giọt lệ của nỗi cô đơn, của cảm xúc thầm kín nhẹ lăn trên gò má chị. Chị vẫn cần có anh, vẫn mong mỏi một tình yêu, kháo khao sự chia sẻ. Những điều nói ra trở nên quan trọng hơn hẳn những điều cần phải nói. Anh quyết định không bỏ đi cùng chị mà để chị lại với nỗi cô đơn và kí ức sâu đậm của một chuyện tình.


Dấu ấn đậm nét của phim để lại trong lòng khán giả phải nói tới đoạn diễn đặc sắc nhất của Trương Mạn Ngọc khi diễn tả tâm trạng người đàn bà khi đã chia tay với người đàn ông. Những ngón tay thon dài lướt nhẹ trên lan can cầu thang, trên chiếc chiếu, tiếp đó mân mê chiếc hộp đựng thuốc lá. Tinh thần mệt mỏi, sự thẫn thờ được khắc họa rõ nét. Chị dựa lưng vào tường, rồi ngồi trên chiếc ghế tựa, thả lòng mình hút thuốc. Làn khói thuốc trắng đục,mờ ảo chứa những tâm sự trăn trở, suy nghĩ như người đàn ông đã từng hút thuốc trước mặt chị. Chị như đê mê, chìm trong cơn say, chìm trong nỗi buồn vô tận như muốn quên đi tất cả. Quyết định gọi điện thoại cho người đàn ông đó với một tâm trạng não nề, nhưng khi người đàn ông nhấc máy, cảm xúc bất chợt trào dâng, chị đánh rơi điện thoại và chỉ muốn khóc. Nước mắt không còn rơi trên gò má nữa mà chảy ngược vào trong tâm khảm, như muốn trôi đi những khát khao tình cảm chị ấp ủ và kì vọng.
in_the_mood_for_love_33.jpg


Sự đau khổ của người đàn bà là sự ám ảnh dai dẳng đối với người đang ông. Chow tìm cách thoát khỏi sự đeo bám của chuyện tình đứt đoạn nhưng hoàn toàn không thể. Bí mật của người đàn ông quá yếu đuối lần tìm theo cách xử trí của một câu chuyện cổ tích. Khi một người đàn ông biết quá nhiều bí mật, ông phải đào một cái hố để tâm sự hết những bí mật của mình. Anh học tập theo phương hướng của câu chuyện cổ đó, để tâm sự về một cuộc tình đang dang dở trong một khe đá ở đền Angkovát. Phim đã cố gắng ghi lại những khoảnh khắc đẹp, cổ kính của khu dền Angkovát, nơi người đàn ông chọn để thổ lộ bí mật của cuộc đời mình. Câu chuyện tình dở dang của người đàn ông thiếu can đảm được kể với gió và cỏ dại. Gương mặt người đàn ông thổ lệ vào khe đá được máy quay tập trung cận. Những cơ mặt chuyển động nhẹ nhàng, vừa phải như đang nói rất nhỏ, chỉ đủ mình anh nghe thấy. Tiếng đàn cello nổi lên buồn như ai oán, hoàn quyện cùng kết thúc buồn của một chuyện tình đứt đoạn. Hình ảnh cỏ dại mọc đầy khe đá rất súc tích, cô đọng, mang tính ẩn dụ cho một chuyện tình đẹp đã úa mầu thời gian. Người đàn ông ra về trong bóng đêm của khu đền Angkovát trong những góc rất hẹp, tối, sâu thăm thẳm. Kí ức về một chuyện tình dần mờ nhạt và tàn phai. Anh vẫn cố nhớ về nó, nhớ về tâm trạng đang yêu của một người đàn bà. Quá khứ là một vật anh có thể nhìn thấy nhưng không thể đụng chạm. Tất cả đều nhạt nhòa,nhuốm mầu thời gian.
eros.jpg
Đạo diễn Vương Gia Vệ​

Tâm trạng khi yêu là một bộ phim hay nhưng cái hay đó làm bạn phải bối rối khi kể lại những gì bạn đã thưởng thức, những gì bạn yêu thích. Sự kết hợp nhuần nhuyễn đến mức tinh tế giữa việc quay phim và sử dụng nhạc phim đẩy sự thích thú lên mức êm dịu. Kết thúc của bộ phim là pha xử lí đẹp mắt, đầy bất ngờ của đạo diễn, đọng lại trong lòng người xem một ấn tượng khó phai của một chuyện tình không dám kể. Rõ ràng, Vương Gia Vệ đã chọn hướng chiếm lĩnh trái tim khán giả rất đúng đắn: tấn công bằng thị giác kết hợp với sự mê hoặc về thính giác.


Zonie Q​
 
Back
Top