Sinh viên Berkeley: chuyện cũ, mới

Jolie

Member
Bùi Văn Phú


Thế hệ sinh viên Việt Nam đầu tiên ở U.C. Berkeley. Hình chụp sau buổi họp khoáng đại thành lập hội vào tháng 01.1979



Những sinh viên tốt nghiệp Đaị học Berkeley năm 1983

Tối thứ Bẩy 20.10.2007 vừa qua tại nhà hàng Thành Được đã có buổi hội ngộ của những cựu sinh viên tốt nghiệp Đaị học Berkeley từ năm 1980 đến 1985. Số người tham dự khoảng 160, gồm cựu sinh viên, gia đình và thân hữu.


Những ngày trước đó trong chương trình Truyền hình Dân Sinh của cơ quan IRCC do anh Phạm Phú Nam – con rể U.C. Berkeley – thực hiện và đã có buổi phỏng vấn một số cựu sinh viên gồm Quản Trọng Thắng, Nguyễn Chiến, Thiên Kim, Hồ Tường Thụy, Phạm Văn Hùng và tác giả bài viết này về những kỉ niệm thời sinh viên. Các bạn nêu tên ở trên đã đứng ra tổ chức buổi hội ngộ, còn tôi chỉ đóng góp những hình ảnh sinh hoạt xưa của sinh viên Việt trong những năm đầu tiên ở đại học danh tiếng này.
Ở Việt Nam ngày nay có ca sĩ Mỹ Tâm, sinh ra vào năm chúng tôi tốt nghiệp đại học, nổi tiếng với những lời hát: “Đời sinh viên với cây đàn ghi ta / Đời sinh viên chúng ta cung hoà ca / có anh bạn xa nhà có cô bạn nhớ cha / thương mến tình đồng hương …” Ca từ đó là tâm trạng của chúng tôi vào thời điểm hơn phần tư thế kỉ trước.
Như nhiều người đến Hoa Kỳ trong thời gian đầu sau tháng 4.1975, không mấy ai không có nỗi buồn xa quê hương, không mấy ai không cảm thấy xa lạ trên vùng đất mới. Trong tình cảnh đó, những sinh viên Việt Nam đã đến với nhau và thành lập ra hội sinh viên Việt Nam vào tháng 1.1979, gọi tắt là VSA (Vietnamese Students Association)

001_sedang_vsa_1970_h04_boatpeoplerally_h2ok.jpg


Biểu tình kêu gọi thế giới cứu giúp thuyền nhân. Sproul Plaza 1979

Gần ba mươi năm sau gặp lại, tối hôm đó có Dư Minh Trọng là chủ tịch đầu tiên của hội, niên khoá 1979-1980; có Đỗ Anh Thư, chủ tịch niên khoá 1983-1984, là lúc tôi ra trường. Tôi cũng gặp lại hai cựu chủ tịch Nguyễn Khánh và Bùi Huy Thiện Trí.
Vì là người cùng các bạn tiên phong vận động thành lập hội và ở lại trường khá lâu, tất cả 6 năm, lại hay thích tổ chức cũng như tham gia sinh hoạt, đặc biệt là làm báo và chụp ảnh, nên các bạn cũ tặng cho tôi danh hiệu không chính thức là “historian” của hội. Tôi cũng phải nhận là mình rất thích chụp hình thời ấy, cũng như bây giờ. Ngày đó, nhiều khi thiếu tiền rửa hình, tráng phim dương bản, phải chạy lên phòng Financial Aid mượn khẩn cấp 100 đô-la để lấy hình. Nhờ vậy bây giờ tôi còn giữ nhiều hình ảnh thời ở Berkeley, cả phim 8 li.
Trong buổi phỏng vấn với Truyền hình Dân Sinh, anh Phạm Văn Hùng, tốt nghiệp năm 1981, có nói: “học mà không chơi là chôn vùi tuổi trẻ, chơi mà không học là phá vỡ tương lai”. Nhiều người trong đám sinh viên chúng tôi thời đó đã làm cả hai, vừa học và vừa chơi, nhiều khi chơi nhiều hơn học.
sedang_vsa_1970_h02_kichxahoi_hungngonguyenviethung_ok.jpg


Diễn kịch là tài năng của sinh viên

Tôi nhớ hôm ra mắt ban chấp hành đầu tiên của hội vào đầu năm 1979 tại phòng số 10 Evans Hall, ban nhạc BMBG – một cái tên mà tôi vẫn chưa rõ, chỉ nghe nói là Bí Mật Bên Giường mà không biết có đúng không? – của gia đình Hùng góp vui, chơi toàn nhạc Beatles: “I want to hold your hand.” Một bác đến dự nêu câu hỏi rằng sinh viên Việt ở đây sao không hát được bài nhạc tiếng Việt nào sao? Thực tình mà nói ban chấp hành lúc đó tổ chức vội vàng ra mắt và muốn dịp này tìm kiếm nhiều sinh viên mới để mời gọi các bạn góp phần cho sinh hoạt hội.
Từ đó chúng tôi có môi trường gặp nhau, tạo ra nhiều cơ hội vui chơi, đàn hát, cùng hò hét, cười đùa bên nhau trong những ngày sống bên cạnh giảng đường. Sinh viên Việt ở Berkeley học giỏi mà còn có rất nhiều tài với những ca sĩ, diễn viên kịch, nhà soạn kịch, thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, vũ công mà không ai học qua ngành nghệ thuật nào.
001_sedang_vsa_1970_h02_kichtranbinhtrong_h2_ok.jpg


Kịch “Thà làm quỉ nước Nam”: Hàng đi! Tướng quân hãy hàng đi, 1981



Đêm trước khi đội Đại Cồ Việt Berkeley ra quân thi đấu tại đại hội thể thao văn nghệ sinh viên liên trường miền Bắc California, 1983



Tuyển thủ sinh viên Berkeley đạt nhiều cúp trong đó có huy chương vàng vũ cầu

Những giọng ca nam sinh viên như Thăng Nguyễn, Hùng Ngô, Hùng Phạm vui tươi với: “Ngựa phi ngựa phi đường xa / tiến lên đường nắng chói, chói lóa / trên đồng luá ta hát vang trời xanh …” hay “Ô mê ly”, “Ghen”; lãng mạn như giọng Hùng Hawaii: “Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời / dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây / dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy / có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi cũng yêu em…” và “Em như một nụ hồng”; hay trầm hùng như giọng Đặng Hoài Điệp, hoà trong tiếng dương cầm của Trần Đình Bá: “Nàng có ba người anh đi quân đội lâu rồi / Nàng có đôi người em có em chưa biết nói / Tóc nàng hãy còn xanh tóc nàng hãy còn xanh / Những đồi sim những đồi sim, đồi tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt …”
Berkeley đã có những giọng ca nữ ngọt ngào: Bảo Khanh, Bảo Kim, Diệu Thuý, Mộng Trinh, Thuý Dung, Nguyễn Thị Huệ, Túy Vân (Li), Thiên Nga (Ti), Đoan Tâm với dân ca: “Yêu nhau cửi áo cho nhau / về nhà dối rằng cha dối mẹ / qua cầu gió bay…” với tình ca: “Phố núi cao phố núi đầy sương / phố núi cây xanh trời thấp thật buồn / anh khách lạ đi lên đi xuống…” với ngục ca: “Bao giờ tôi gặp lại anh / sẽ kể nghe chuyện khoai sắn / chuyện thương tâm vì là chuyện cùm chuyện bắn…” Hay giọng của Mai, Thuý, Trinh, Khánh, Hoà, Thăng qua những câu hò ba miền đối đáp tỏ tình của những thanh niên thiếu nữ miền quê.
Chúng tôi cũng đã bao lần cất tiếng đồng ca: “Anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát / quay cuồng trời rộng / bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam…”“Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người / làm người muôn đời phải chọn làm người dân Nam…”


Những đêm không ngủ cùng nhau hát ca

Đời sinh viên căng thẳng nhất là những kì thi. Nhưng đối với thành viên ban chấp hành và các sinh viên chung sức tổ chức sinh hoạt, ngoài việc học còn thêm cái căng thẳng của những lần tổ chức văn nghệ “Đêm Việt Nam”. Bù lại, những màn văn nghệ với kịch vui, đón tết với Sớ Táo quân, những trang báo Nối Vòng Tay đã đem đến cho chúng tôi những trận cười giòn, những kỉ niệm, đưa chúng tôi nhớ về cội nguồn và tạm quên đi những căng thẳng của việc đèn sách.
Tinh thần hăng say, ban chấp hành bầy việc và đã có nhiều sinh viên mua việc, như anh Phạm Văn Hùng là một trường hợp điển hình mà sinh viên thời đó không thể nào quên. Sinh viên Hùng Phạm – như chúng tôi thường gọi anh thời bấy giờ để phân biệt với Hùng Râu (Ngô), Hùng Hawaii, Hùng Thi Sĩ (Đinh), Hùng (Sún), Hùng Tiều Phu – tối hôm hội ngộ không còn diễu, tếu nhiều như xưa, nay anh là mục sư đi rao giảng phúc âm của Chúa đến cho tín đồ.


Bản tin của hội và những số báo Nối Vòng Tay



Sớ Táo quân đem lại không khí vui Tết cho những sinh viên xa nhà

Chúng tôi nay đã ổn định cuộc sống, thành tựu “American dream” như nhiều người dân bản xứ trung lưu hay hơn nữa vì có bạn đã giầu đủ để nghỉ hưu vào tuổi mới trên dưới 50. Nhiều người thành công trong ngành nghề, có chức vị.
Về họp mặt có hơn 50 cựu sinh viên như vợ chồng bác sĩ Trịnh Ngọc Huy – Mai, bác sĩ nhãn khoa Đào Kiều Liên; các nha sĩ Trần Ngọc Châu, Nguyễn Song Xuân, Nguyễn Thị Thu Tâm; kỹ sư chiếm đa số như vợ chồng Nguyễn Chiến – Trần Thị Ngôn, Bùi Thị Hiền, Bùi Thị Hoà, Lê Văn Nhân, Lê Đình Đệ, vợ chồng Tùng Nguyễn – Diễm, Nguyễn Trung Phong, Nguyễn Trọng Vũ, vợ chồng Võ Thắng – Thiên Kim, vợ chồng Bùi Văn Đảm – Đỗ Anh Thư; Thăng Nguyễn, Bảo Nguyễn, Nguyễn Như Quang Minh (du mục); có nhà văn Andrew Lâm tức Lâm Quang Dũng, nhà báo Nguyễn Khoa Thái Anh; có ba giọng hát nữ sinh viên là Hà Thuý Dung, Phan Mộng Trinh và Phạm Hiền Diệu Thúy. Thúy nay trông vẫn như Á hậu áo dài Hội Tết Bắc California của phần tư thế kỉ trước, trong khi nhiều bạn tóc đã ngả mầu muối tiêu hay vơi đi nhiều.
Khi giới thiệu tập thể sinh viên theo từng năm tốt nghiệp từ 1980 đến 1985, không có ai tốt nghiệp năm 1982, trong khi đó năm 1983 đông nhất. Con số như trùng hợp với số sinh viên tốt nghiệp có mặt trong liên hoan ra trường do hội tổ chức vào cuối tháng 5.1983 tại Haas Club House.
Năm đó là cái mốc thời gian của những học sinh Việt Nam đến Mỹ năm 1975, sau bốn năm trung học, lên đại học năm 1979 và tốt nghiệp năm 1983. Đúng là thế hệ sinh viên Việt Nam đầu tiên tại những đại học Hoa Kỳ.
Những sinh viên Việt đầu tiên ở Đại học Berkeley ngày xưa nói tiếng Việt nhiều hơn tiếng Anh, bây giờ thì ngược lại. Nhìn vào thế hệ sinh viên đàn em qua những chương trình văn nghệ Việt Nam vẫn được tổ chức mỗi năm thì tiếng Anh là chính và tiếng Việt chỉ còn phớt phơ, không còn những giọng hát sinh viên ngọt ngào như ngày trước.


Vui chơi đàn hát cùng cười đùa bên cạnh giảng đường

Nhìn lại bạn bè thuở xưa, trong số các bạn sinh viên tôi biết, nhiều gia đình có đến ba anh chị em, hay nhiều hơn, đã theo học Berkeley, như ba chị em Bùi Thị Hiền, Bùi Thị Hoà, Bùi Huy Thiện Trí; anh em Nguyễn Khánh, Nguyễn Khang, Nguyễn Khoa; ba chị em Nguyễn Thị Thu Tâm, Nguyễn Thị Kim Oanh, Nguyễn Tấn; ba anh em Hương Phạm, Hoà Phạm, Hùng Phạm và đặc biệt năm anh em Trần Sĩ Chương, Trần Sĩ Dương, Trần Hồng Liên, Trần Hồng Phúc và Trần Hồng Diệp là con của ông bà Trần Sĩ Huân, trước ở thành phố El Cerrito, miền Bắc California. Không biết ngày nay có gia đình nào đạt được thành quả tốt như vậy không?
Bây giờ chúng tôi liên lạc với nhau bằng e-mail, nói chuyện qua những “group” trên mạng thông tin toàn cầu. Nhìn danh sách điạ chỉ, có những tên Mỹ: Julie, Paul, Sophie, Daniel, Rosanna, Diane, Eric, Christina, Dave, Linda, Derrick, Thomas, Frank mà khó nhận ra bạn cũ nếu không tự giới thiệu lại tên Việt.
Sáu năm sinh hoạt tại trường, tôi vẫn còn nhớ tên nhiều người: Anh, Dũng, Anh, Hùng, Hào, Hùng, Tuấn, Tú, An, Bình, Hiền, Hoà, Trí, Tâm, Tài, Đức, Nhân, Hiếu, Nghĩa, Trực, Ngôn, Dung, Phúc, Lộc, Xuân, Thu, Phượng, Mai, Cúc, Lan, Tùng, Huệ, Yến, Loan, Bích, Ngọc
Những cái tên thân thương mà vài năm trước đây trong một lần trở lại sân trường đại học nói chuyện với sinh viên thế hệ sau, tôi đã chọn đề tài: “What’s in the name?” để trình bày ý nghĩa của tên Việt vì nó đã phản ánh con người, đất nước nơi chúng tôi được sinh ra và lớn lên.
Bây giờ chúng tôi vẫn gọi nhau bằng những tên đó, những người của thế hệ còn hiểu biết về văn hoá cội nguồn, những con người Việt Nam “đã tách bước rời khỏi quê hương, nhưng không ai có thể tách rời quê hương ra khỏi họ”.
Xin mượn lời đó để hoạ thêm rằng: “Chúng tôi có thể đã cất bước rời khỏi Berkeley, nhưng không ai có thể tách rời Berkeley ra khỏi chúng tôi được.”
[ảnh trong bài của tác giả]
© 2007 Buivanphu
___
Nguồn: Việt Tribune 02.11.2007




<!--@vbbanners:0@-->
 
Back
Top