Phong thuy trong cuộc sống xưa và nay

cuong3bua

Junior Member
Phong thuy trong cuộc sống xưa và nay
Trong cuộc sống của nhân loại từ cổ chí kim vẫn luôn tồn tại nhiều điều huyền bí mà cho đến ngày nay khoa học vẫn chưa giải thích nổi. Đặc biệt và các vấn đề về phong thủy và những tác động của phong thủy trong đời sống của con người từ xa xưa đến nay. Phong thuỷ theo cách hiểu phổ biến là một bộ môn khoa học phương Đông nghiên cứu về sự ảnh hưởng của môi trường, cảnh quan thiên nhiên, ảnh hưởng của các yếu tố địa lý xung quanh nhà ở đến cuộc sống của con người. Cùng với sự phát triển của xã hội, phong thuỷ đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó tiêu biểu là trong kiến trúc xây dựng và kinh doanh. Người ta có thể thông qua Phong thuỷ của nhà ở, văn phòng, cơ sở thương mại để dự đoán sự thành đạt của các tổ chức xã hội, kinh tế và nhân sinh.
Phong thủy không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng mà nó bắt nguồn từ ngay trong thực tiễn cuộc sống. Hàng ngàn năm trước, cuộc sống của con người chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên cần Thủy (nước) và Thổ (đất). Chính vì vậy, mà con người ngay từ khi ra đời đã biết chọn những vị trí cư trú có núi non che chở, bao bọc, lại gần sông ngòi, nguồn nước. Sự tranh giành quyền lực, đất đai của các bộ lạc, dân tộc dẫn đến những nhìn nhận về nơi an cư, lạc nghiệp mà nhất là phía sau gần núi dễ tạo sự an toàn thuận lợi cho việc phòng thủ. Từ đó hình thành nên khái niệm Tọa sơn hướng thủy. Gần thủy để tiện sinh nhai, gần núi để dễ được che chở, bảo vệ. Các câu phú Sơn quản nhân đinh thủy quản tài cũng xuất phát từ chính trong những nhu cầu sinh tồn đó.
Phong thủy ngày xưa
Không nói đâu xa, ngay chính lịch sử Việt Nam, khi nhìn lại, địa thế phong thủy ảnh hưởng rất lớn trong sự suy thịnh của các chế độ trong việc đóng đô lập quốc. Đất nước ta xuyên suốt quá trình lịch sử xây dựng nước, trải qua biết bao nhiêu giai đoạn thăng trầm với bao lần lập đô dời vinh, từ Phong Châu (kinh đô của các vua Hùng) đến Cổ Loa, Phiên Ngung, Hoa Lư, rồi tới Thăng Long (tức Hà Nội), Phú Xuân (tức Huế) và Sài Gòn. Kéo theo đó, vận khí riêng biệt của từng vùng đất thủ đô, vận mệnh đất nước cũng bao phen vận đổi sao dời. Khi thì vươn lên với một nền văn minh rực rỡ của trống đồng Ngọc Lũ, Ðông Sơn; khi thì tàn tạ, yếu kém phải chịu đựng 1,000 năm Bắc thuộc. Rồi dến những lúc cường thịnh đủ sức phá Tàu, bình Chiêm Thành, Chân Lạp; lại có những lúc suy yếu phải chịu sự đô hộ, sai khiến của ngoại bang....
Giờ đây, trong số những địa danh ấy, chỉ còn có Hà Nội, Huế và Sài Gòn là vẫn tiếp tục nắm giữ những vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và giao thương, mậu dịch của đất nước. Nay, ta nhìn nhận một chút về phong thủy của 3 thành phố quan trọng của cả nước để hiểu hơn về vị trí “đắc địa” và ảnh hưởng của luật phong thủy tới vận mệnh đất nước và đời sống nhân dân Việt Nam.
Hà Nội
Hà Nội được xem là thế đất quân vương, với thế núi, sông quá lớn, quá hùng vĩ, dài hàng mấy trăm dậm tiến tới, tất cả đều như muốn hướng về phủ thục, triều bái, có thể điều khiển, sai khiến được chư hầu. Tọa lạc ngay tại trung tâm của đồng bằng Bắc Việt, trên dải đất hẹp giữa con sông Hồng ở phía Đông và sông Tô Lịch ở phía Tây, những sông lớn như sông Cầu, sông Gầm, sông Lô ở phía Bắc và sông Đà ở phía Tây sau khi chảy qua nhiều nơi cuối cùng đều nhập vào sông Nhị Hà chảy về Hà Nội. Xa xa, dọc theo biên giới Việt-Hoa, những dãy núi trùng trùng, điệp điệp xuất phát từ miền Nam Trung Hoa đâm thẳng xuống dọc theo các phí Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc, tất cả đều như muốn hướng về Hà Nội. Đối với Phong thủy, dải đất này chính là chân long, là nơi kết tụ được nhiều nguyên khí của địa hình sông, núi ở chung quanh. Nhờ vậy, Hà Nội sẽ luôn luôn nắm được những vai trò quan trọng về chính trị và kinh tế đối với đất nước, chẳng những thế, trong các thời kỳ hưng vượng còn sản sinh ra những lãnh tụ tài ba, những anh hùng kiệt xuất.
Xem xét về khía cạnh Lạc Thư và Tam Nguyên – Cửu Vận, Hà Nội cực thịnh vào vận 8 và vận 9 bởi vượng khí của các dãy núi trong khu vực Đông-Triều-Cẩm-Phả trấn át cái sát khí của mạng lưới sông ngòi chằng chịt phía Đông Bắc đem đến nhiều may mắn và thuận lợi. Ví như, 2 cuộc đại thắng quân Mông Cổ của nhà Trần, đánh tan quân giặc, tướng lính đều tháo chạy về nước không còn mảnh giáp (1285 – 1287, thuộc Vận 8 Hạ Nguyên); hay sự bùng lên của khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi cùng bao anh hùng hào kiệt đập tan ách đô hộ của quân Minh và buộc chúng thừa nhận nền độc lập của nhân dân ta. Âu cũng là do vận khí của Hà Nội đang ở đoạn cực thịnh, nhờ những dãy núi dài hàng ngàn dậm ở phía Đông Bắc hướng tới, thần lực của Hà Nội vô cùng ãnh liệt nên không một thế lực hung mạnh nào có thể lay chuyển được.
Tuy nhiên, Hà Nội tuy nằm trong thế “núi, song chầu phục” nhưng vì nước sông Hồng chảy rất mạnh khi đi ngang qua Hà Nội, làm tiêu tán đi rất nhiều nguyên khí của thành phố. Ví như khúc sông này được sửa lại thành thế uốn lượn êm đềm như sông Hương hay sông Sài Gòn, thì thần lực của dãy núi hung vĩ chung quanh mới được tích tụ đầy đủ, tràn trề ở Hà Nội. Lúc ấy, đất nước ta sẽ trở nên giàu có, thịnh vượng khó có quốc gia nào sánh kịp. Mà khi ấy, thế lực của Hà Nội có khi áp đảo luôn cả Trung Hoa, chứ đừng nói tới các nước trong vùng Đông Nam Á và trên thế giới.
Huế
Trước đây thành phố “mộng mơ” còn được biết đến với cái tên Phú Xuân, địa vị ngay chính giữa nước Việt Nam, trong địa phận tỉnh Thừa Thiên (hay Bình-Trị Thiên). Tuy nằm trong 1 vùng đất nhỏ hẹp, nhưng Huế vẫn có đầy đủ núi, sông bao bọc, với vị trí chiến lược này nên Huế đã được chọn làm kinh đô của nước ta dưới thời nhà Tây Sơn (Nguyễn Huệ) cũng như nhà Nguyễn sau này.
Tuy nhiên, như Lưu-Kim-Tinh, một danh sư Phong thủy Trung Hoa viết: “nơi sở tại của can long (tức những nơi có núi, sông tới chầu phục) cần phân rõ xa gần. Can long xa ngàn dậm là đại đô thị (tức kinh đô lớn của những cường quốc); xa hai, ba trăm dậm là chân phủ; xa trăm dậm chỉ có thể là huyện thành, còn gần nữa là các trấn”. Suy xét về cái thế núi sông của xứ Huế, ta thấy dãy Trường Sơn tuy đổ về từ thượng du Bắc Việt, nhưng chỉ đi qua khu vực phía Tây của thành phố, chỉ có những nhánh núi nhỏ tách ra từ đại long mạch của Trường Sơn tiến về chầu phục Huế mà thôi. Thêm vào đó, sông Hương bắt nguồn từ các sông lớn ở phía Nam và Tây Nam hướng về Huế, có được cái thế uốn lượn hữu tình ôm lấy khu vực phía Nam và Đông của thành phố, còn ngoái đầu nhìn lại trước khi đổ ra biển nơi cửa Thuận An; nhưng cũng chỉ dài chừng 5, 6 chục cây số. Cái thế núi sông “xa trăm dậm chỉ có thể là huyện thành”, Huế chỉ là thành phố nhỏ, không thể phát sinh được nhiều vượng khí, mà dải đất bình nguyên nơi đó cũng chật hẹp, không đủ chỗ cho nguyên khí tích tụ.
Một yếu tố quan trọng khác là vấn đề dựa vào đại thủy (nước biển) mênh mông ở ba mặt Bắc, Ðông và Ðông Nam để đem lại sự sung túc, phồn thịnh cho kinh thành Huế, và qua đó cho cả dân tộc. Nhưng thật ra, muốn được hưởng đại thủy khí thì điều kiện cần thiết là bờ biển phải có hình dạng uốn cong vào (là thế nước muốn lấn vô đất liền), có như vậy khi gặp vận khí tốt thì đất nước mới mong giàu, mạnh lên được. Ðàng này vùng bờ biển Huế (và của cả miền Trung, suốt từ Nghệ An vào tới Phan Rang nói chung) lại có hình dạng uốn cong ra. Ðó là thế đất liền muốn tiến ra biển, nên đại thủy khí không thể vào được để đem lại sự phồn thịnh, có chăng chỉ là những cơ hội bị bỏ lỡ (vì nằm ngay sát đại thủy mà lại không nhận được thủy khí).
Chính vì thế, khi được chọn làm kinh đô, vận mệnh nước ta bị đe dọa, như triều đại thời chúa Nguyễn, Tây Sơn chẳng bao lâu sau chiến thắng hùng vĩ đã bị diệt vong bởi chiến tranh và loạn lạc, hay như cái thời kỳ trở thành chư hầu của ngoại bang (thời nhà Nguyễn từ 1847, vua Tự Đức đối đầu với giặc ngoại bang từ phía Bắc, những cuộc phiến loạn nội bộ rồi sự tấn công dồn dập của thực dân Pháp, Tự Đức băng hà và nước ta mất hẳn nền độc lập, chính thức trở thành nô lệ ngoại bang). Qua đó ta thấy, địa thế của Huế chỉ có thể là một thành phố trung bình, cai quản địa hạt một vài tỉnh, chứ không thể trở thành một đô hội lớn hay kinh đô của một quốc gia hùng mạnh.
Sài Gòn
Còn Sài Gòn là một thành phố nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu, chung quanh được núi non hộ vệ, che chở, lại có sông ngòi uốn khúc chảy tới, nên tiềm năng phát triển kinh tế thật vô hạn. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ phía Tây Bắc rồi chảy xuống, đi ngang qua khu vực phía Bắc của Sài Gòn rồi uốn lượn qua phía Đông của thành phố, sau đó nhập với sông Đồng Nai rồi đổ ra biển Nam, đem đến bao vượng khí, sự phồn vinh, sung túc không thành phố nào trên toàn Việt Nam hay khu vực Đông Nam Á có thể sánh bằng. Tọa lạc giữa một khoảng bình nguyên rộng lớn, xa xa nơi phía Bắc và Đông Bắc, là mạch Trường Sơn từ tận Quảng Đức, Lâm Đồng, tạo ra cái thế Huyền vũ che chở cho sau lưng Sài Gòn, nhưng cũng không tiến tới quá gần tạo thành thế đe dọa hay lấn áp thành phố này, mà chừa cho Sài Gòn một khoảng trống rộng lớn để hấp thu hết vượng khí của toàn bộ miền Nam Việt Nam. Phía trước mặt của Sài Gòn là Long-an và vùng đồng bằng sông Cửu Long, một bình nguyên rộng lớn với những con sông hàng hàng, lớp lớp chảy qua, khiến cho vượng khí vô biên, thần lực miên man, bất tận. Ðó là chưa kể thương cảng Sài Gòn còn có mũi Vũng Tàu nằm ở bên ngoài hộ vệ, nên xứng đáng là một trung tâm quyền lực quan trọng về kinh tế và chính trị.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là mặc dù nằm trong một một địa thế "rồng chầu, hổ phục" như vậy, trong suốt hơn 300 năm qua, Sài Gòn vẫn không sao tiến lên được thành một trung tâm kinh tế quan trọng, mà vẫn chỉ đóng một vai trò rất khiêm nhượng đối với đất nước Việt Nam, cũng như đối với cộng đồng thế giới. Sở dĩ như vậy là vì Sài Gòn đã nằm vào vị trí phụ thuộc đối với Phong thủy (hộ sa), nên không sao có thể vươn lên để nắm lấy những vị trí quan trọng hàng đầu được. Ví như cái khoảng thời gian 300 năm nằm dưới quyền cai trị của nước Chân Lạp (tức Cam Bốt bây giờ), hay khi thuộc dân Pháp thiết lập hệ thống hành chánh, cai trị và biến miền Nam thành thuộc địa từ năm 1868, hay sự sụp đổ nhanh chóng của thể chế chính trị của miền Nam đầu năm 1975, khi Cộng sản mở cuộc tấn công lần thứ 3 vào Sài thành.
Thay vì phải nằm ở trong khu vực giữa sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn để chiếm lấy vị trí của "chân long" (chính long mạch), Sài Gòn lại nằm ở phần đất bên ngoài tức chỉ là "hộ sa" (đất hộ vệ) của chân long. Ðối với Phong thủy, chân long mới là nơi kết tụ được nguyên khí của trời, đất để chiếm lấy thế lực lớn lao hay độc tôn về chính trị và kinh tế, đồng thời mới thu hút được những anh hùng kiệt xuất, những lãnh tụ vĩ đại.
Một điểm quan trọng khác là hình dáng uốn lượn rất nhiều lần của con sông Sài Gòn, nên đúng ra sẽ đem lại sự phồn thịnh và sung túc đến cực độ cho thành phố, khó có nơi nào có thể bì kịp. Nhưng muốn được hưởng trọn vẹn điều này, Sài Gòn (và nhất là trung tâm của thành phố) cần phải nằm tại những khu vực được dòng sông ôm lấy, tức là những vùng được dòng sông bao bọc, che chở 2, 3 mặt. Với vị trí hiện tại, Sài Gòn đã không có sông che chở, bao bọc (còn gọi là thủy hữu tình), mà còn bị khúc sông Sài Gòn ngay đó uốn cong ra chém tới. Ðối với Phong thủy, đây là một địa thế cực kỳ hung hiểm (còn được gọi là thủy bạc tình), nên sẽ khiến cho Sài Gòn không lúc nào được yên ổn. Chẳng những thế, sát khí của khúc sông này sẽ làm cho Sài Gòn luôn luôn bị suy yếu, không bao giờ có thể vươn lên thành một trung tâm kinh tế cường thịnh và tiên tiến được.
Vùng đất được coi là “chân long” đó chính là Thủ Thiêm, vì nơi đây được khúc sông Sài Gòn uốn lượn, ôm ấp lấy toàn khu vực, nguyên khí tích tụ vô cùng sung mãn, nên sẽ đem lại cho thành phố một giai đoạn hưng vượng đến cực độ. Khác với sông Hương ở Huế chỉ uốn cong một vòng rồi chảy đi, sông Sài Gòn lại uốn lượn rất nhiều vòng, tạo thành thế Cửu (9) khúc, khiến cho vượng khí tích tụ tràn trề, thần lực vô cùng sung mãn. Có thể nói nếu dải đất giữa sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn là nơi thu hút hết vượng khí của cả miền Nam, thì khu Thủ Thiêm chính là nơi hội tụ hầu hết vượng khí của dải đất này vậy. Bởi thế cho nên nếu được dời về đây, Sài Gòn sẽ nhanh chóng biến thành một trung tâm kinh tế hùng mạnh của thế giới, vượt qua những Hongkong, Singapore, Taiwan ... trong khu vực.
Hiện tại, nếu đem so sánh giữa 3 thành phố thì Huế và Sài Gòn không thể sánh được với Hà Nội, vì một đàng thì quá nhỏ, một đàng thì lại nằm ở một khu vực bất an (hộ sa). Nhưng nếu như sau này, khi được dời vào Thủ Thiêm, Sài Gòn sẽ đón nhận được vượng khí của cả miền Nam, rồi phát triển lên thật hùng mạnh thì mới đủ sức để cạnh tranh ngang ngửa với Hà Nội. Lúc đó, một đàng được thế sông nên giàu có, sung túc; một đàng được thế núi, nên khí phách quật cường không ai có thể khuất phục được. Ðất Sài Gòn nằm giữa 2 con sông quá hiền hòa, uốn lượn êm đềm, nên nếu được chọn làm thủ đô sẽ đem đến cảnh thái bình, thịnh trị cho cả nước.
Phong Thủy ngày nay
Trải qua thời gian, những học thuyết Phong thủy dần dần được hình thành. Qua chiêm nghiệm thực tế, người ta đã bắt đầu gạn bỏ những gì không hợp lý, phát huy những gì đúng đắn nhất. Khoa học phong thuỷ vì thế mà ngày càng hoàn thiện hơn trên phương diện lý luận. Bước sang thời hiện đại, với sự phát triển như vũ bão của nền khoa học kỹ thuật phương Tây, Phong thuỷ vẫn không những không mất đi vị thế mà còn thể hiện được tính ưu việt của mình trên nhiều phương diện. Và điều quan trọng là những nguyên lý của Phong thuỷ hoàn toàn không mâu thuẫn với những bộ môn khoa học hiện đại của phương Tây.
Nếu phương Đông có môn Phong thủy thì phương Tây cũng có những môn khoa học tương ứng nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu ảnh hưởng tới đời sống con người. Có thể kể đến là môn Vật lý kiến trúc nghiên cứu về sự vận động của gió trong nhà. Theo môn này thì không nên để các cửa thẳng hàng nhau sẽ kém thông thoáng, vi khuẩn yếm khí phát sinh. Còn Phong thủy phương Đông môn phái “Loan đầu” cũng có lời khuyên tương tự rằng nếu để ba cửa đối nhau dễ phát sinh tai họa.

Những tỷ lệ vàng trong kiến trúc Tây phương cũng có những nét tương đồng đối với những con số coi là đẹp trong Phong thủy Huyền không học. Phong thủy tương đồng với khoa học hiện đại Tây phương và chúng ta hãy nhìn nhận nó dưới góc độ khoa học và đừng khoác nên nó tấm áo thần bí.
Ở phương Đông việc xây dựng nơi cư trú luôn được coi như một việc hệ thống có liên quan đến vận mệnh của gia chủ. Chính vì vậy người ta thường phải nhờ đến sự trợ giúp của những người có biệt tài về điều này - đó là những thầy phong thủy, mà như Việt Nam ta thường gọi là những thầy địa lý. Những người này có thể căn cứ vào bản mệnh của gia chủ để chọn thế đất, hướng nhà... tạo một nơi ở đảm bảo cho sự an toàn, sức khoẻ và hưng thịnh của chủ nhân.
Việc đúng sai như thế nào thì chỉ có chủ nhân căn nhà mới có thể chiêm nghiệm được. Nhưng dân gian Việt Nam đã từng có câu "có kiêng làm lành", ông bà ta xưa cũng dậy “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” (có nghĩa một gần chợ, hai gần sôn , ba gần đường) để chỉ cho con cháu cách chọn nơi phù hợp để làm nhà ở và thực hiện các dự án xây dựng. Vậy thì mất gì mà ta không cẩn thận, trước mắt cũng là để giải quyết vấn đề tâm lý.
 
Back
Top