Phim Việt: "Không công bằng."

T

T$

Guest
(ThuVienBao.com) - Nhưng mua sao được thực phẩm ngon nếu chỉ có 2.000 đồng. Đây cũng chính là vấn đề của điện ảnh Việt Nam!Là một trong những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt Nam với nhiều bộ phim truyện nhựa và truyền hình nổi tiếng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã chia sẻ thẳng thắn về những câu chuyện, những vấn đề hiện nay của phim truyền hình Việt Nam.

2000 đồng ăn sao được ngon?

Phim Hàn Quốc luôn đi theo một lối mòn mà khán giả ai cũng có thể đoán trước được diễn biến rồi kết thúc, nhưng nó vẫn hút người xem. Vậy phim Việt thì sao?

- Phim Việt Nam không phải không làm được như họ. Tôi nghĩ chắc chắn sẽ làm được. Nhưng có một vấn đề rất quan* trọng.* Khung giá chung để sản xuất phim truyền hình của ta hiện là hơn 200 triệu đồng và nhà sản xuất chỉ được cầm trong tay 100 triệu đồng để lo tất tật mọi khoản. Thế thì đừng hy vọng gì. Vì theo thông giá các nước, một bộ phim Hàn Quốc ít nhất là có 100.000 đô, một bộ phim Mỹ là hơn 1 triệu đô. Với giá 5.000 đô đó của Việt Nam, đem so sánh với 100.000 đô là không công bằng.

Nếu khi nào chúng ta có 100.000 đô đó, một kịch bản được viết kỹ, một đạo diễn được làm kỹ, mọi chuyện được làm kỹ thì đó không phải chuyện không làm được. Nhưng bắt tôi cầm 2.000 đồng ra chợ mua một bữa ăn ngon, tôi không làm được.


Vậy là vấn đề chính là tiền. Tôi nghĩ, theo anh nói, đó còn là sự cào bằng khủng khiếp khi phim nào cũng đổ đầu một số tiền như nhau?- Nó bắt đầu từ sự không công bằng. Thực tế là những nhà làm phim rất hay thì họ lại được hưởng* lợi giống một nhà làm phim tồi. Nhuận bút của một anh đạo diễn giỏi với một anh đạo diễn tồi giống nhau. Khi người ta cào bằng như thế rồi thì lập tức những người đạo diễn giỏi họ cũng nản lòng. Có lẽ không đâu bao cấp và cào bằng bằng điện ảnh VN hiện nay. Đổ đồng một loạt phim giá thành như nhau, anh làm thế nào kệ anh.

Cứ cho là tiền không đủ và cơ chế cào bằng khiến nhiều đạo diễn giỏi nản lòng nhưng còn vấn đề kịch bản và diễn xuất diễn viên?

- Thế tại sao kịch bản thiếu và yếu. Nếu giá thành của nó là 100 triệu đồng/tập kịch bản xem. Chắc chắn sẽ không thiếu. Nhưng chỉ 8 triệu đồng/tập kịch bản, ai dám viết. Những người tốt không viết, những người thu nhập cao không thèm viết. Chỉ có những kẻ lao động ăn tiền thì làm thôi. Khi kịch bản nuôi sống người ta được thì lập tức những người viết giỏi nhất sẽ nhảy vào viết.

Tại sao diễn viên diễn không tốt. Vì mỗi tập được vài triệu bạc, đóng cho qua. Khi họ được trả cao, họ sẽ tập trung vào nó.* Khi diễn viên diễn tốt rồi, đạo diễn làm kỹ rồi thì một cảnh quay sẽ được chu đáo hơn, nhào nhuyễn hơn, đầu tư hơn thì nó sẽ tốt hơn. Tất cả là một công nghệ. Và công nghệ này một người tốt thôi thì không làm được.

Nhưng người ta lại thích những cái đang bị chê?

Phim truyền hình Việt Nam, đặc biệt là các bộ phim được chiếu trên các khung giờ vàng bị chê không ít. Theo anh, đâu là lý do chính?

- Mình phải nhìn khách quan một chút, giữa khen và chê. Tại sao bị chê mà người ta vẫn làm. Rõ ràng là có một lượng rất lớn khán giả đang thích những cái mà chúng ta chê.


Có thể là do có quá ít phim để cho khán giả xem. Họ dường như không có sự lựa chọn nào khác?- Không phải như thế. Nhiều phim họ xem rất đông. Khán giả VN vẫn đang có quyền lựa chọn. Điện ảnh, đặc biệt là truyền hình, là một loại hàng hóa. Mà khi là hàng hóa thì nó phục vụ cho một mục đích nhất định. Tại sao tư nhân (phim giờ vàng chủ yếu là phim tư nhân) họ vẫn làm phim, mặc dù nhiều người chê. Cái mà chúng ta đang lên án chính là nhu cầu của ngày hôm nay.

Nghĩa* là khán giả lại đang thích chính cái đang bị chê ấy?

-Không phải. Chúng ta phải xác định xem là ai đang chê? Vì trong xã hội có nhiều tầng lớp và mỗi sản phẩm hàng hóa phục vụ những tầng lớp khác nhau. Ví dụ các bà các chị, những người trực tiếp mua hàng hóa và quảng cáo cần đến họ. Họ muốn một câu chuyện đơn giản, vui vui, trong khi chúng ta lại muốn sâu sắc, phức tạp.

Nếu* giờ vàng chiếu những phim mà báo chí khen thì đảm bảo sẽ không có nhiều người xem. Chuyện khen chê nên đánh giá theo rating (lượng người xem) bộ phim đó nhiều hay ít. Nếu nó nhiều là nó đã đáp ứng một phần nào đó nhu cầu khán giả rồi.

Hãy bớt văn hóa chợ búa đi!

Trong khi chưa thể ngay lập tức yêu cầu đầu tư thật dồi dào cho điện ảnh, có cách nào để chất lượng phim bớt tồi đi không, thưa anh?

-Có một cách. Nhưng cách này thuộc tầm nhà nước, chứ không phải cá nhân. Nghĩa là nhà nước phải đầu tư vào những điểm mạnh. Những điểm mạnh đó sẽ kéo những điểm yếu lên.

Nghĩa là không cào bằng nữa?

- Đúng thế.* Cào bằng thì tất cả cùng chìm, cả anh giỏi cũng như anh dốt. Thực ra, Hàn Quốc, Mỹ…rất coi trọng truyền hình vì đó là phương tiện giáo dục cực tốt.* Nhưng phim Việt không có bàn tay nhà nước, không có định hướng.


Nhà nước định hướng, theo anh là định hướng về mặt nào?- Định hướng nâng cao chất lượng, định hướng nâng cao đạo đức. Ví dụ trong phim Hàn Quốc, họ yêu rất từ tốn, trẻ con rất ngoan ngoãn. Còn trong phim Việt, trẻ em 15 – 16 tuổi ăn nói cực hỗn hào. Sự ăn nói hỗn hào đó xem nhiều thành quen, các em tưởng rằng như thế là bình thường,* sẽ nói và làm như thế.

Có một thực tế là chúng ta đang truyền văn hóa đường phố, văn hóa chợ búa vào những tâm hồn trong trắng. Đây là điều mà tôi nghĩ là vấn đề lớn nhất chúng ta nên đặt ra ngày hôm nay chứ không phải chất lượng phim. Bởi chất lượng phim rồi sẽ có.

Nhưng phim thì phải phản ánh thực tế. Mà đó cũng là một thưc tế đang tồn tại?

- Phim phải phản ánh thực tế nhưng phải hướng dẫn nó. Ở Mỹ, Hàn Quốc, cuộc sống của họ cũng không tốt đẹp hơn chúng ta nhưng họ cố gắng đưa vào phim* chủ nghĩa nhân văn, đưa vào tình con người, đưa vào những quan hệ đẹp.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh hiện đã hoàn thành kịch bản chi tiết cho một bộ phim truyền hình dựa trên tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Bộ phim dự kiến sẽ kéo dài 60 tập và bắt đầu khởi quay từ đầu tháng 8 tới. Chưa chia sẻ nhiều về bộ phim nhưng anh cũng cho biết: “Phim sẽ phải hư cấu nhiều vì Nguyễn Du miêu tả các nhân vật chỉ ở những nét phác họa tính cách. Vì thế, rất khó để dựng về cả cuộc đời của những nhân vật trong Truyện Kiều. Tuy nhiên, nếu không làm thì sẽ khó có ai làm và chúng tôi sẽ chịu mọi nhận xét khen chê của dư luận”.


Theo Lao Động



2sao.net
 
Back
Top