Phim Hàn thoái trào, phim Ấn Độ lăm le chiếm ngôi

KuteJac

Newcaster


Ngày càng có nhiều phim Ấn Độ được trình chiếu trên các kênh truyền hình của Việt Nam, dù cho phim nào cũng kéo dài tới mấy trăm tập, thậm chí gần 2.000 tập như "Cô dâu 8 tuổi".



Cuộc hoán đối giữa phim Hàn và Ấn Độ



Phim Hàn Quốc từng "làm mưa làm gió" tại rất nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Có thời kỳ, khán giả Việt mở kênh truyền hình nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp gương mặt những diễn viên của xứ sở kim chi. Thậm chí, khung giờ vàng của phần lớn các đài truyền hình đều dành để chiếu phim Hàn Quốc.



Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, tỷ lệ phim Hàn giảm xuống rõ rệt, thay vào đó là các phim Việt Nam, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Phillipines và Ấn Độ. Trong đó, các phim truyền hình của đất nước đông dân trên thế giới chưa hẳn áp đảo về số lượng nhưng lại hút được lượng người xem lớn.



phim-han-thoai-trao-phim-an-do-lam-le-chiem-ngoi-2814e6.jpg



Phim Hàn Quốc không còn duy trì được cơn sốt tại Việt Nam như trước đây.



Phim Tình yêu và định mệnh chiếm sóng giờ vàng (20h) từ thứ 2 tới thứ 6 của kênh VTV9 suốt từ đầu năm 2014. Cùng giờ đó, Cô dâu 8 tuổi cũng chiếm sóng của kênh Today TV từ đầu tháng 11/2014. Phim Vợ tôi là cảnh sát bắt đầu lên sóng từ tháng 1/2015. Phim Mối tình kỳ lạ tới với khán giả HTV3 từ ngày 20/5.



Phim Ranbir và Rano được phát sóng trên VTV2 vào cuối năm 2014 cũng thu hút được sự chú ý của nhiều khán giả xem truyền hình. Khi phim kết thúc, một làn sóng phản đối dữ dội khi cho rằng, Đài truyền hình Việt Nam chỉ chiếu 59 trên tổng số 60 tập của phim. Phía nhà đài phải lên tiếng giải thích phim Ranbir và Rano có 2 cách kết thúc khác nhau. Thứ nhất là cái kết mở như bản VTV đã phát sóng, thứ 2 là cách kết thúc được làm riêng cho một kênh truyền hình khác.



Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, một đơn vị chuyên sản xuất và nhập khẩu phim truyền hình có thị phần khá lớn tại Việt Nam từng tiết lộ: “Suốt 3 năm nay, phim Ấn Độ liên tục tăng rating (đơn vị đánh giá sự quan tâm của khán giả đối với phim) và hiện giờ cao hơn hẳn phim Hàn Quốc, lợi nhuận từ dòng phim này tăng trưởng đều và rất khả quan”.



phim-han-thoai-trao-phim-an-do-lam-le-chiem-ngoi-f89352.jpg



Phim Cô dâu 8 tuổi đã chiếu được hơn 200 tập trên kênh Today TV nhưng vẫn thu hút được lượng lớn người xem.



Lý do phim Hàn bị thất sủng



Có nhiều lý do để giải thích làn sóng phim Hàn không còn được mạnh mẽ như trước kia, trong đó, quan trọng nhất là do mô-típ phim đã trở nên quá nhàm chán. Các bộ phim chủ yếu đều xoay quanh tình yêu đầy trắc trở, những tình tay ba đầy éo le, hay là những câu chuyện cổ tích giữa Lọ lem và Hoàng tử. Xu hướng xuyên không (nhân vật chính vì một lý do nào đó bị quay ngược về quá khứ) cũng được các nhà làm phim Hàn khai thác đi khai thác lại.



Thêm một lý do nữa là khi các phim truyền hình Hàn gây sốt, ngay lập tức trên mạng đã tràn ngập các bản chiếu với phụ đề rõ ràng. Chính vì thế, khi các đài truyền hình khai thác lại, khán giả không còn mặn mà. Điều này khiến cho các đài không gặp thuận lợi trong việc khai thác quảng cáo.



phim-han-thoai-trao-phim-an-do-lam-le-chiem-ngoi-92e6f8.jpg



Phim Vì sao đưa anh tới gây sốt tại Hàn Quốc vào năm 2013 – 2014 và được khán giả Việt đón xem trên mạng nhưng tới tháng 3/2015, một kênh truyền hình tại Việt Nam mới chiếu phim này.



Trong khi đó, tiền bản quyền cho các bộ phim Hàn không phải là thấp. Với các bộ phim gây sốt, trung bình các đơn vị nhập phim phải trả số tiền từ 3.000 cho đến 4.000 USD/tập.



Lý do khán giả Việt mê phim Ấn Độ



Khi dần trở nên nhàm chán với gia vị của phim Hàn Quốc, khán giả Việt lại cảm thấy thích thú với các bộ phim Ấn Độ. Họ mê mệt bởi dàn diễn viên xinh như mộng, trang phục đẹp, những nét văn hóa mới lạ. Đặc biệt, những xung đột trong phim cũng rất gần gũi. Đó là mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, sự chênh lệch giữa cuộc sống của người giàu và người nghèo, những hủ tục đẩy người phụ nữ vào đau khổ, sự hy sinh và khát khao vươn lên trong cuộc sống của họ.



Không những thế, phim Ấn Độ thỉnh thoảng lại "khuyến mãi" cho người xem những màn nhảy múa đẹp mắt, vui nhộn.



phim-han-thoai-trao-phim-an-do-lam-le-chiem-ngoi-341be1.jpg



Những bộ phim của Ấn Độ luôn có dàn diễn viên xinh đẹp, gợi cảm và quyến rũ.



Về phía nhà sản xuất, họ cũng có rất nhiều hoạt động mà phía Hàn Quốc không nhanh nhạy bằng. Khi Cô dâu 8 tuổi lên cơn sốt tại Việt Nam, nữ diễn viên chính Avika Gor nhận lời mời sang giao lưu với khán giả.



Trái ngược với phong cách ngôi sao, khó gần, khó tiếp cận và xuất hiện trong chớp nhoáng của các diễn viên Hàn Quốc, Avika Gor xuất hiện với vẻ ngoài thân thiện. Với nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi, "cô dâu 8 tuổi" thoải mái giao lưu cùng truyền thông và người hâm mộ.



Tuy nhiên, bên cạnh đó, các bộ phim Ấn Độ cũng có những hạn chế khiến khán giả Việt nản lòng. Trong đó, cái lớn nhất là thời lượng phim kéo dài. Các bộ phim thường có tới tới trăm tập, thậm chí là gần 2.000 tập như Cô dâu 8 tuổi. Các tình tiết trong phim vì thế diễn biến chậm, thiếu cao trào, khiến nhiều người rơi vào tình cảnh "vừa xem vừa bực".



Theo Zing









 
Back
Top