T
T$
Guest
Ông Obama kêu gọi người Mỹ cùng nhau 'đẩy lùi căn bệnh' phân biệt chủng tộc
Tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn đang là ‘một căn bệnh’ trong xã hội, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu sau vụ xả súng tại một nhà thờ ở bang Nam Carolina khiến chín người Mỹ da mầu thiệt mạng.
Cảnh sát đang xem vụ thảm sát tại nhà thờ ở thành phố Charleston hôm thứ Tư là một tội ác từ sự kỳ thị.
Trước đó, Dylann Roof, 21 tuổi, đã phải hầu toà với chín tội danh liên quan đến sát nhân.
Bị cáo không bộc lộ cảm xúc khi con gái của một nạn nhân nói “tôi tha thứ cho ông”.
Phát biểu tại San Francisco, ông Obama nói: “Động cơ gây án của kẻ tấn công nhắc nhở chúng ta về căn bệnh mà chúng ta phải cùng nhau đẩy lùi”.
“Chúng ta đã đạt được những tiến triển lớn, nhưng vẫn cần phải cảnh giác vì nó vẫn còn tồn tại ở một số nơi”.
“Khi căn bệnh này đầu độc tư duy của giới trẻ, nó sẽ phản bội lại những giá trị và phá nát nền dân chủ của chúng ta”.
Tuy nhiên ông cũng ca ngợi gia đình các nạn nhân vì đã bày tỏ sự tha thứ.
Nhiều người đã đến đặt hoa tưởng niệm phía trước nhà thờ nơi xảy ra vụ thảm sát
[h=2]Lễ cầu nguyện[/h]Ông Obama cũng kêu gọi nối lại các cuộc thảo luận về thắt chặt kiểm soát súng, và thúc giục Quốc hội tôn trọng ý kiến công chúng.
“Chỉ bày tỏ sự cảm thông thôi không đủ, chúng ta cần phải hành động”, ông nói.
Một dự luật được đề xuất trước đó nhằm cấm các loại vũ khí tấn công đã không được thông qua ở Thượng viện.
Tại một sân vận động ở Charleston, hàng nghìn người đã tụ tập vào tối thứ Sáu để dự lễ tưởng niệm các nạn nhân.
Họ đã nắm tay và cùng hát bài We Shall Overcome (Chúng ta sẽ vượt qua).
Trước lễ cầu nguyện, Thị trưởng Joseph Riley nói: “Một người đầy lòng thù hận đã tìm đến cộng đồng này, với ý tưởng điên rồ rằng ông ta sẽ có thể chia rẽ chúng ta, nhưng ông ta chỉ làm cho chúng ta đoàn kết và yêu thương nhau hơn”.
Nhiều đoàn người cũng đã mang hoa đến đặt phía trước nhà thờ.
Gia đồng bị cáo Roof trước đó đã đưa ra tuyên bố thông qua luật sư:
“Chúng tôi không đủ lời để diễn ta cơn sốc, sự đau đớn và nỗi kinh hoàng về những gì xảy ra tối qua.”
“Chúng tôi vô cùng xúc động khi gia đình các nạn nhân đáp lại những mất mát khủng khiếp bằng sự từ bi của Chúa”.
Tại phiên tòa chiều thứ Sáu, ông Roof đã xác nhân tên tuổi, địa chỉ và thừa nhận mình thất nghiệp.
Hàng nghìn người đã đến dự lễ tưởng niệm các nạn nhân tại một sân vận động ở Charleston
Thân nhân của bên bị hại sau đó được thẩm phán mời lên phát biểu.
Một phụ nữ tự nhận là con gái của bà Ethel Lance, một trong những người thiệt mạng trong vụ xả súng, nói: "Ông đã lấy đi một điều vô cùng quý giá đối với tôi. Tôi sẽ không bao giờ có thể nói chuyện với mẹ một lần nữa".
"Tôi cũng sẽ không bao giờ có thể ôm mẹ một lần nữa, nhưng tôi tha thứ cho ông. Và mong Chúa thứ tội cho linh hồn của ông".
Ông Anthony Thompson, thân nhân của bà Myra Thompson, kêu gọi ông Roof hối cải và hướng về Thượng Đế.
Bà Felecia Sanders, một trong những người sống sót trong vụ tấn công nhờ giả chết, cũng phát biểu trước tòa. Con trai bà, Tywanza, bị thương nghiêm trọng.
"Ông đã giết hại những người tốt bụng nhất mà tôi từng biết ... Và cuộc sống của tôi sẽ không bao giờ có thể trở lại như xưa", bà nói với ông Roof qua video.
Trong khi đó, một trong những người bạn của bị cáo, ông Christon Scriven, nói với BBC rằng ông Roof từng muốn tấn công vào một trường đại học.
Ông Scriven nói ông Roof muốn "xả súng vào Đại học Charleston, vốn cách nhà thờ [nơi xảy ra vụ tấn công] khoảng ba dặm".
Tuy nhiên ông Scriven, vốn là một người da màu, không tin rằng ông Roof có thể thực hiện điều này.
"Thật khó để xem đó là nghiêm túc" ông Scriven nói. "Liệu có bao nhiêu bạn bè trong cuộc đời của bạn đã giết một ai đó?".
Cáo trạng tại tòa đã đưa ra một số chi tiết mới về vụ tấn công.
Ông Roof đã tiến vào nhà thờ vào lúc 8 giờ tối thứ Tư và đã ngồi cùng những người dự lễ gần một tiếng trước khi thực hiện vụ tấn công.
Tất cả các nạn nhân bị trúng nhiều phát đạn.
Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley nói bang này "chắc chắn" sẽ muốn hung thủ phải lãnh án tử hình.
Theo BBC Vietnamese