Những mảnh đời than

Jolie

Member
Các ông chủ, cai bãi hốt bạc nhờ các vỉa than. Phía đằng sau sự phất lên nhờ vắt kiệt tài nguyên ấy là thân phận của những người làm thuê mà họ quen gọi là phu than cay đắng cơ cực không kể xiết.




Các phu than trước cửa hầm khai thác của Cty Phú Thành Long – Ảnh: Nam Cường



Chủ công ty, cai bãi hốt bạc nhờ vỉa than khổng lồ An Điềm trên đỉnh Khe Tre (xã Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam), nhưng đội quân làm thuê mà cai bãi hay gọi là lính đang sống cảnh lầm than thực sự theo nghĩa đen.

Nữ phu than

Vừa vượt qua con dốc dựng đứng trong cái nắng trưa hầm hập trên đỉnh Khe Tre, chúng tôi đụng ngay hai cô gái đang đi lấy nước, về nấu cơm cho đội quân phu than.

Hai cô gái là Phạm Thị Nết và Phạm Thị Long, quê tận xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) hiện đang làm phu than cho Cty Phú Thành Long. Lán trại của đội quân phu than người Thanh Hóa nằm dọc bên đường, dưới chân con dốc. Cái gọi là lán phu than chỉ là những túp lều dựng tạm, che bằng mấy tấm bạt, đơn sơ và trơ trọi.

Tôi theo chân Phạm Thị Nết (1984) vào trong lán, cái nóng hầm hập khiến tôi cảm tưởng nhưng ở trong lò nung. Kỳ lạ thay, Nết vẫn thoăn thoắt nấu cơm, cười nói như chẳng có gì.

Nết tâm sự: “Ở quê chẳng biết làm gì, mấy người cùng xóm rủ vào tận đây làm than, em mới vào được 3 tháng. Chưa nhận được đồng nào từ chủ cả”.

Nết là người dân tộc Mường, trắng trẻo khỏe mạnh với cái tuổi thanh niên nên làm quần quật cả ngày, trưa về phụ giúp chị Phạm Thị Long (40 tuổi) xách nước nấu cơm. Nắng cũng như mưa, Nết lên xuống mỏ than và lán trại như cái máy.

“Cả làng em giờ bỏ vào đây làm than hết anh à. Tính riêng xã Mỹ Tân cũng đã có trên dưới trăm người ở mỏ than An Điềm này rồi. Không vào đây thì ở nhà lấy gì mà ăn”.

Nết là chị đầu, học hết lớp 2 thì nghỉ ở nhà, sau cô còn có 4 em nhỏ đang tuổi học nên 4 sào ruộng chưa đủ ăn cho cả nhà chứ đừng nói gì đến học phí.

Chị Long – người đàn bà cũng quê ở Ngọc Lặc, được phu than thuê lên An Điềm nấu ăn, kể: “Cực lắm anh ơi, đừng tưởng tui nấu ăn mà khỏe hơn làm than. Trên này quanh năm không nắng cháy thì mưa rào, không có sức khỏe sống vài tháng là ngã bệnh chết tươi”.

Đã chính ngọ, bãi than của Cty Phú Thành Long vẫn ầm ào tiếng máy nổ khoan đá, múc than rào rạt. Nguyên một quả đồi đã bị san bằng nham nhở để lấy than.

Trong số 7 chiếc hầm thì hầm thứ 4 dài nhất, dễ gần 50m, hun hút lạnh người. Càng sâu vào trong càng vắng lặng, chỉ nghe tiếng nước nhỏ róc rách và cả tiếng… kèn kẹt của cọc chống lò.

Mò mẫm tiến đến phía ánh đèn leo lét cuối đường hầm, tôi lạnh người nghĩ đến những tai nạn sập lò khủng khiếp. Dưới ánh đèn, hai cậu trai trẻ cùng một người đàn bà hì hục xúc than. Họ mải mê như không hề biết sự hiện diện của tôi, cho đến khi đèn flash loé lên, chị Đinh Thị H. mới che mặt: “Chúng tôi cực khổ trăm bề rồi, có gì mà chụp nữa chú ơi”.

Chị H một hai xin được giấu tên thật, dừng tay kể: “Ai muốn chui rúc làm cái nghề cực khổ thế này, chỉ bởi mấy đứa con ở nhà đói cơm thôi”.

Chị H. cũng là người Mỹ Tân (Ngọc Lặc), có thâm niên làm than ở Khe Tre đã 2 năm nay, và chị cũng là phu than nữ duy nhất đã từng là lính của 5 đơn vị khai thác than. “Nghề này là của đàn ông chứ như mấy chị em tui làm phu than ở Phú Thành Long đây, cũng hết nước rồi” – chị H. than thở.

Cực khổ trăm bề

Tiếng rè rè của máy khoan đá khiến câu chuyện của tôi với thanh niên Phạm Ngọc Q. ngắt quãng. Thêm nữa, cứ chốc chốc xe than đầy, cậu lại phải còng lưng ì ạch đẩy ra khỏi hầm. Chị H. bảo Q. đã 17 tuổi nhưng người quắt như cậu bé 12.






Giữa trưa nắng, cậu bé Q vẫn oằn lưng đẩy than – Ảnh: Nam Cường​



Bãi than của Cty Phú Thành Long ầm ào máy nổ, bụi mù mịt lẫn trong nắng, nhưng lính than vẫn miệt mài với guồng quay xúc than trong hầm, chất lên xe đẩy đổ ra bãi.

Anh Nguyễn Đ. vừa điều chỉnh máy phát điện, vừa làm cọc chống hầm, nói: “Từ Tết đến giờ chưa có tiền lương, nghe chủ nói là than bán chưa được. Thôi thì đành nghe vậy chứ sao”.

Anh Đ. cho hay, lính than ở đây làm theo sản phẩm, dù cật lực cả ngày từ sáng đến tối thì cũng không thể làm hơn được 1 khối than. Tính ra, cả tháng, trừ mưa gió, mỗi người không quá 2 triệu.

Cách bãi than không xa là lán trại của cai. Tôi đến, cai này vẫn nằm trên võng đung đưa, miệng phì phèo thuốc dõi mắt kiểm tra tiến độ công việc. Bên cạnh là chai rượu uống dở và dĩa lòng lợn bốc khói.

Cai hất hàm: Đâu đấy ? Ai cho vào đây ? Chừng như biết tôi là nhà báo, cai lầm bầm: Có đ. gì mà chụp lắm thế, làm than chứ có phải đào vàng đâu.

Một phu than cho hay cai này rất khó tính, theo dõi sát từ sáng tới tối, chẳng ai qua mặt nghỉ ngơi được phút nào.

Tôi trở lại bãi than của Cty Độc Lập, gặp cai Hứa Kim Lộc. Theo cai Lộc, chủ khai thác than có làm hợp đồng lao động, bảo hiểm tai nạn cho phu than. “Bảo hiểm là để đề phòng rủi ro, còn hợp đồng lao động cho vui thế thôi, làm thời vụ, ai thích thì lên làm, không thì thôi” – cai Lộc nói.

Trên đường rút ra khỏi mấy bãi than, chúng tôi bắt gặp hai cặp vợ chồng già làm than lọ mọ nghỉ trưa. Cả 4 người cùng lấm lem bùn than, thấy chúng tôi thì xin như tế sao: Bọn tui làm lọ mọ kiếm đồng cho con ăn học, đừng nêu tên, chụp ảnh làm chi. Xin chú đấy. Mắt tôi chợt cay sè …

Nam Cường
Theo TP​
 
Back
Top