Những kẻ không nhà trên phố Bolsa

Jolie

Member
Ở Mỹ “homeless” là chuyện thường tình như chúng ta thường thấy ở các thành phố lớn. Năm nay vì khí hậu khắc nghiệt, nhiều cơ sở quân đội đã mở cửa cho những người không nhà vào trú ngụ, tuy nhiên đối với những người này, đường phố vẫn là nơi tự do và “tiện nghi” hơn. Người Việt Nam ít có cảnh không nhà, vì người mình vốn tiện tặn, căn bản, có bà con bạn bè, giúp đỡ cưu mang cho nhau, chịu ở chung với nhau trong một căn nhà nhỏ chật hẹp, rẻ tiền.

attachment.php

Ðôi bạn không nhà. (Hình: Huy Phương/Người Việt)​

Tuy vậy, người Việt không phải là không có “những kẻ không nhà”.

Vô gia cư và bệnh tâm thần

Những người qua lại trên đường Bolsa, đến góc đường Moran, phía rẽ vào tòa báo Người Việt, trước tiệm bánh mì Lee's Sandwiches, thỉnh thoảng thấy một cô gái, ăn mặc lòe loẹt, cổ đeo nhiều chuỗi vòng sặc sỡ, ca hát nhảy múa, tay ngoắt chào những người qua đường. Người ta thường gọi đó là cô gái điên, một trong những người không nhà, sống thường trực dưới những mái hiên của những đường phố Little Saigon.

Ðến gần, ngồi xuống bên vệ đường, nói chuyện tử tế với cô, chúng ta thấy cô không điên tí nào. Những người khác thường gọi cô là Liên nhưng tên thật đầy đủ của cô là Vũ Thị Thu Lan, sinh ra tại Rạch Giá, 10 năm sau ngày cha mẹ cô từ Bùi Chu di cư vào Nam. Gia đình cô làm nghề buôn bán vật dụng xây cất ở thị xã này và cô Lan có cả thẩy bảy anh chị em. Năm cô học lớp 6 thì Cộng Sản vào, cô bỏ học phụ giúp gia đình rồi vượt biên sang Mỹ. Lập gia đình năm 1981, hai vợ chồng cô cũng có một cơ sở làm ăn nhỏ, nhưng ông chồng lâm cảnh cờ bạc rượu chè, làm gia đình tan nát. Cô đem hai cô con gái ra riêng, không có được trợ cấp từ chồng, vất vả lo cho hai con... Bây giờ hai cô gái đã lớn, bỏ đi miền Ðông với bạn bè làm ăn, còn cô buồn tình ra nằm đường.

Hỏi lý do vì sao cô chọn góc đường Bolsa-Moran làm nơi trú ngụ, cô cho biết mỗi ngày cô uống mấy cữ cà phê, lại có bánh mì rẻ khỏi lo đói. Nơi đây có nhiều người qua lại, cũng không thấy ai ghét cô, nhiều người có lòng tốt lại cho tiền hay mua cơm gà, cơm chay đem đến cho cô, mặc dầu cô không hề để bảng xin tiền hay cho biết cô là homeless. Cô giới thiệu với chúng tôi anh Phạm Ðình Thuận là bạn “không nhà” của cô, anh đến Mỹ từ Phan Thiết năm 1980, nhỏ hơn cô 7 tuổi. Sang đây, anh làm phụ các công tác xây cất, thất nghiệp, uống rượu rồi ra... đường nằm với cô Lan. Cô cho biết, thân gái sống một mình, dễ xẩy ra những chuyện không hay nên cặp với Thuận cho có bạn. Anh vừa bảo vệ cho cô, vừa là bạn khuya sớm trò chuyện, với lại Mùa Ðông năm nay ở Little Saigon quá lạnh, homeless mà có bạn ngủ chung cũng ấm. Chỗ ngủ là trước tiệm Happy Rentals trên con đường “báo chí” Moran.

Thấy cô ngồi bên một chiếc ghế có hình tượng Chúa, tôi hỏi cô sao không đi nhà thờ mà để tượng Chúa “xuống đường” với cô ở đây, cô cho biết, lúc trước cô thường đi nhà thờ Our Lady LaVang trên đường Harbor, nhưng cách ăn mặc, trang sức của cô không làm vừa ý những người “bảo vệ” nhà thờ. Cô ngồi ở hàng ghế trên để nghe giảng cho rõ, có người đến bắt cô xuống ngồi ở phía sau, cô không đồng ý, đưa đến giằng co xô xát, và có người gọi cảnh sát đến can thiệp.

Ðôi bạn không nhà này thỉnh thoảng cũng bị cảnh sát đến “hỏi thăm sức khỏe”, đóng tiền phạt, làm việc cộng đồng thì khỏi vô tù, nhưng riết rồi cũng đâu vào đấy.

127765-DP_HP_NguyenTu-400.gif

Nguyễn Tú, không muốn nhắc đến gia đình.​

Quanh quẩn ở vùng này, sáng nay còn có Hoàng, người con lai Mỹ trắng đẹp trai, cao to hay Nguyễn Tú, còn trẻ chỉ khoảng ngoài 30 tuổi. Họ ngồi gần nhau ngoài bờ đường nhưng lại vung tay đá chân gây gổ, lớn tiếng với nhau vì bất đồng với nhau một chuyện gì đó, trong khi Hoàng Lai cầm một chai bia lớn bọc trong bao nhựa, còn Tú thì sặc mùi rượu tuy lúc đó mới khoảng 10 giờ sáng. Phúc, một homeless khác thì ăn mặc sạch sẽ, chững chạc, ăn nói từ tốn hơn.

Vươn lên từ cảnh không nhà và nỗi tuyệt vọng

Nguyễn Văn Tiền, 48 tuổi, quê ở Quận 8 Saigon, hiện nay là “chủ nhân” một sạp báo trước cửa tiệm Liên Hoa và Khang Lạc, hiện nay đã giã từ những ngày đói rách, lang thang ngủ ngoài đường, dưới mái hiên, bên cạnh thùng rác trong hơn 10 năm dài. Vượt biên từ cầu Rạch Ông, Saigon, Nguyễn Văn Tiền đến Mỹ năm 1981, có nghề đầu bếp, nấu được các món nhậu, đi làm tại nhà hàng Việt một thời gian. Năm 1993, Tiền đổi qua nghề đi biển đánh cá trong vùng biển Long Beach và Santa Barbara. Cuối Mùa Ðông năm đó, tàu bị mưa bão đánh chìm, Tiền và người bạn may được tàu hải quân duyên phòng cứu sống. Trắng tay, bệnh hoạn, bị gia đình vợ đuổi ra khỏi nhà, anh lưu lạc tới vùng San Bernadino, phụ làm nghề cắt cỏ. Buồn phiền chuyện gia đình, Tiền uống rượu, lái xe bị tù gần hai năm. Ra tù, anh chỉ có một con đường duy nhất là ra... nằm đường.

127765-DP_HP_NguyenVanTien-400.gif

Nguyễn Văn Tiền, giã từ đời homeless.​

Ðược Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế có phòng mạch trên đường Bolsa, nơi các anh em không nhà thường tụ tập, giúp đỡ và an ủi, Tiền dành dụm đi lấy nhật báo, tuần báo giá sỉ, đem về bày bán trước cửa tiệm thịt quay Liên Hoa. Tờ báo 25 cents nhưng có người cho 1, 2 đồng, cũng có người mua thức ăn đem đến cho. Công việc khá trôi chảy, nhưng không phải lúc nào anh cũng kiếm ra tiền, vào mùa World Cup, dân mua báo được phát báo free, ăn miễn phí, lại được coi tiếp vận các trận bóng, thì sạp báo lỗ nặng. Vì báo phải mua đứt, không trả lại, vào thời gian này, báo ế, có ngày phải ăn thâm vào tiền để dành, tuy vậy, Nguyễn Văn Tiền cũng thoát ra được cảnh ngủ đường, mỗi tháng có $300.00 để đi share phòng, có nơi về buổi tối, tắm rửa và ngủ yên giấc, có xe đạp và cell phone. Anh Tiền cũng bùi ngùi thú nhận, từ những ngày đang đói rách, anh đã bỏ 25cents vào những thùng báo tại các khu thương mãi và bê ra hàng chục tờ báo bày bán, nhưng bây giờ anh thấy điều đó là hoàn toàn sai trái và biết làm ăn thật thà, chơn chất.

Là một trong những người lớn tuổi nhất trong đám homeless Bolsa, anh Nguyễn Văn Tiền cho biết rất dễ trở thành không nhà. Hiện nay, trong vùng Bolsa có khoảng 20 người, họ chia nhau, ngủ tản mác, nhiều nhất là đoạn đường Bolsa, quanh khu Phước Lộc Thọ, vì nếu tập trung sẽ bị cảnh sát để ý. Thanh niên đến Mỹ một mình, không bà con, họ hàng, làm ăn thất bại, sinh ra cờ bạc, rượu chè, ma túy rất dễ trở thành homeless. Hoàng Mỹ Lai thì bị vợ bỏ, Nguyễn Tú thì bị gia đình ruồng rẫy, xua đuổi. Khi tôi đặt câu hỏi với Tú về lý do anh phải bỏ nhà sống lang thang, mặt Tú như đanh lại, và anh lớn tiếng: “Chuyện dài nhiều tập, bắt đầu từ tập nào đây?”

Cũng theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Văn Tiền, mỗi khi đã lâm cảnh không nhà, ra nằm đường rồi, rất khó để trở lại cuộc sống bình thường, mà cần phải có nghị lực để phấn đấu, thoát ra khỏi hoàn cảnh. Nếu có một người vợ, một mái gia đình, sự khoan dung và một bàn tay của cha mẹ, anh em đưa ra để ôm ấp, nâng đỡ, những người lỡ bước, ngã gục, chắc chắn là sẽ có chỗ nương tựa để đứng dậy, quay về.

Nguyễn Tất Nhiên, một thi sĩ nổi tiếng của chúng ta, cũng đã từng là một người không nhà ở Little Saigon, anh nằm chết trong chiếc xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân một ngôi chùa năm 1992.

Huy Phương/Người Việt​
 
Back
Top