Những độc chiêu… “hô biến” mùa lễ hội chùa Hương

Jolie

Member
Lễ hội chùa Hương luôn luôn là một địa chỉ hành hương hấp dẫn nhất đối với du khách thập phương. Lễ hội chùa Hương năm nay cho đến thời điểm này diễn ra bình yên với những nỗ lực đáng ghi nhận của các lực lượng chức năng, của Ban tổ chức. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những “hạt sạn” đáng tiếc…


Mắt thấy, tai nghe…
Lễ hội chùa Hương năm nay bắt đầu sớm hơn mọi năm. Từ mùng 2 tết Canh Dần (15/2/2010) đã có nhiều đoàn khách trẩy hội chùa Hương thay vì đúng ngày khai hội mùng 6 tết như mọi năm. Có điều chỉ sau khai hội chính thức một ngày, sang ngày mùng 7 hệ thống cáp treo gặp trục trặc. Mãi đến khoảng 20h ngày 10 tháng Giêng mới có thông báo hệ thống cáp treo tạm được khắc phục, đã hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, theo người đi lễ, nó chạy có vẻ chậm hơn lúc trước khi hỏng nên cho tới thời điểm này nhiều khách trẩy hội vẫn lựa chọn phương án leo bộ cho yên tâm. Sự cố nho nhỏ này, vì thế, vẫn không mấy ảnh hưởng đến lượng khách đổ về chùa Hương năm nay.
Một cán bộ của Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương nhẩm tính đến thời điểm 2 ngày sau cáp treo bị hỏng, lượng khách đi lễ chùa Hương thống kê sơ bộ đã là 27 vạn, tăng hơn gần 5 vạn so với cùng thời điểm năm ngoái. Trước rằm tháng Giêng, ngày thường cũng có 3 đến 4 vạn lượt khách trẩy hội. Ngoài Rằm, lượng khách giảm xuống chỉ còn khoảng 1 vạn lượt/ngày nhưng bù lại rất đều đặn và tăng theo chu kỳ vào những ngày cuối tuần như thứ Bảy, Chủ nhật.
Cũng theo người của Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương, năm nay có khoảng 4.000 đò đăng ký chính thức phục vụ lễ hội. Tại bến Yến, các đò xuất bến đều phải có phơi lệnh kiểm soát với ý đồ của Ban tổ chức hòng tránh tình trạng lộn xộn và “chặt chém” khách.


View attachment 6829
Thứ cây gỗ được gọi là xạ hồng “làm đen tóc đỏ da” (người đứng là "cò" bán thuốc).
Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu khai mạc lễ hội ghi nhận không ít du khách bị "chém đẹp" dù giá dịch vụ đã được niêm yết hẳn hoi. Bất chấp giá đò công khai của Ban tổ chức là 35 nghìn đồng/người/lượt, nhiều chủ đò đã "tranh thủ" những lúc đông khách để nâng giá hoặc ghép thêm người vào đò đã quá tải.
Những chiếc đò chất lượng cao trông chắc chắn hơn, có các hàng ghế nhựa xếp ngay ngắn để thưởng ngoạn cảnh đẹp được tốt hơn, vì thế du khách nào mạnh dạn lên đò cũng bị “chém” đẹp hơn với giá trên dưới 70 nghìn đồng một lượt, bất chấp quy định của Ban tổ chức là chỉ được cộng thêm 18 nghìn đồng cho mỗi giá vé đò chất lượng cao so với đò thường.
Giá đò thường, vì thế cũng nhao theo lên chừng từ 50 đến 60 nghìn mỗi khi đông khách, tùy… ngẫu hứng của chủ đò. Với những khách có nhu cầu đi riêng như một gia đình nhỏ hay đôi tình nhân để tiện bề ngắm cảnh và tâm sự thì thường bị hét giá trọn gói bao gồm cả vé thắng cảnh trên 500 nghìn đồng nếu đi đò chất lượng cao, và giảm khoảng một nửa số đó nếu đi đò thường.
Năm nay, mấy ngày cáp treo mất điện là mấy ngày hàng quán dọc đường được thể tha hồ hò hét. Khách leo bộ mệt, ngồi vào chiếu là người bán tự động mang nước ra, bất kể có uống hay không. Một quả dừa giá 30 nghìn. Một cốc nước mía "quay vòng" giá 15 ngàn…
Người ta biện hộ rằng vì phải vận chuyển đường xa, nên giá hàng mới đội lên như thế. Thôi thì cũng còn chấp nhận được, có phải ngày nào cũng đi chùa Hương đâu. Nhưng một kiểu kinh doanh tại lễ hội năm nay khiến người sử dụng cảm thấy đúng như bị móc trộm tiền, đó là dịch vụ "WC công cộng" dọc đường.
View attachment 6828
Và phản ứng của người bán thuốc khi thấy ống kính hướng đến, kèm theo lời xua đuổi. Thuốc thật, sao phải giật mình?
Trừ chỉ khoảng 2 – 3 điểm có nhà vệ sinh được xây cất hẳn hoi, đa phần các "WC công cộng" do các hộ kinh doanh "đầu tư" chỉ với vài tấm liếp hay dựng cột quấn bạt, một cái biển trên chữ dưới mũi tên rất chi là nổi bật… Khách có nhu cầu phải vượt qua một đám lầy nhầy hỗn hợp, vào trong rồi thì cứ thế… "thiên nhiên" ra sườn núi. Lúc quay ra móc túi lấy 2 nghìn đồng trả mà mặt vẫn cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng hiểu mình phải trả tiền vì cái gì!?
Lại nói cái tin hệ thống cáp treo chùa Hương gặp trục trặc vào sớm hôm mùng 7 và kéo dài trong 2 ngày tiếp theo không biết nên coi là vui hay buồn với khách thập phương, nhưng đối với các hộ kinh doanh dịch vụ dọc đường hành hương từ Thiên Trù lên Hương Tích thì quả là không mong gì hơn thế.
Ngày trước khi chưa có cáp treo, để giành được một xuất đăng cai bán hàng dọc đường, người ta phải trả từ 100 đến 200 triệu đồng một mùa lễ hội (kéo dài suốt 3 tháng) tùy vị trí. Cao nhất là tại trước sân chùa Thiên Trù, giá không dưới 150 triệu một gian hàng. Tuy nhiên, từ khi có cáp treo, chỉ còn các kiốt hai đầu Thiên Trù và trước cửa động Hương Tích là có giá, các xuất cung cấp dịch vụ dọc đường leo bộ giảm hẳn.
Khi được hỏi về việc này, một cán bộ giấu tên của Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương giải thích rằng, phía Ban tổ chức không bán chỗ, mà chỉ cho đấu thầu một lần trước mỗi mùa lễ hội theo hình thức bốc thăm. Và cái giá của Ban tổ chức đưa ra ban đầu, theo người cán bộ ấy, thì cũng "không cao lắm đâu".
Nhưng nó cứ bị đội lên là bởi, ví như hộ gia đình không có nghề nấu phở, nhưng lại bốc được phiếu bán phở thì họ "đành" nhượng lại cho hộ gia đình khác cung ứng mặt hàng này. Cung đường với vị trí "đẹp" thì chỉ có thế, còn người muốn đầu tư kinh doanh thì lại cứ ngày một nhiều lên. Vì thế tất nhiên là giá chuyển nhượng sẽ không thể như giá đã bốc thăm của Ban tổ chức. Và cũng không ai dám chắc rằng những xuất đấu thầu ấy chỉ được nhượng lại có một lần…
Việt Anh
Theo AN​
 

Attachments

  • 1..jpg
    1..jpg
    32.8 KB · Views: 0
  • 2..jpg
    2..jpg
    30.7 KB · Views: 0
Back
Top