Ảnh: Corbis
Người nghiện rượu, nhậu xong mà gặp tam tai (xuất huyết tiêu hóa trên, hạ đường huyết, viêm phổi do hít sặc) thì bệnh tình rất nặng có thể đe dọa tính mạng. Đây là tình huống mà khoa cấp cứu gặp mỗi năm vài trường hợp, đa số đều rất nặng, điều trị rất tốn kém.Một buổi tối trung tuần tháng sáu, ông T.V.L. - 63 tuổi, nhà ở Hóc Môn, TP.HCM - rủ bạn bè đi nhậu rượu đế. Ông là một người nghiện rượu nhiều năm, được bạn bè khen là "cao thủ”. Buổi tối nhậu xong chưa đã, đến khuya đi nhậu tiếp, sáng sớm hôm sau được bạn bè chở về nhà trong tình trạng say xỉn.
Vợ ông thấy chồng mình nhậu về, theo kinh nghiệm đã gặp hoài liền cho ông nằm ngủ rồi mua sẵn cháo để cạnh gường, khi ông tỉnh thấy đói sẽ ăn. Đến 12 giờ trưa thấy ông vẫn ngủ li bì, gọi hỏi không tỉnh dậy. Sau đó, đột nhiên ông ói ra máu, do đang nằm ngửa cổ nên ông hít sặc máu vào phổi. Vợ ông thấy thế liền nghiêng đầu ông sang một bên để tránh hít sặc máu. Ông ói máu tiếp với lượng rất nhiều.
Biết chồng mình lâm bệnh nặng, vợ ông liền nhờ hàng xóm đưa ông đi cấp cứu bằng taxi. Ông L. vào cấp cứu lúc 13g30 trong tình trạng lơ mơ, thở khó, mạch nhanh, huyết áp tụt, máu từ miệng trào ra. Các bác sĩ cấp cứu đặt nội khí quản cấp cứu, hút ra rất nhiều dịch màu hồng trong phổi. Dịch này xuất hiện là do ông hít sặc máu, sau đó ông được đặt ống rửa dạ dày, rất nhiều máu từ dạ dày - tá tràng chảy ra theo ống.
Thử đường máu tại giường cho thấy ông bị hạ đường trong máu, nguyên nhân hạ đường máu là do chỉ uống rượu mà không ăn hay ăn ít. Do tình trạng hạ đường trong máu kéo dài dẫn đến ông bị lơ mơ, ngủ li bì. Ông được truyền đường, bù nước điện giải tích cực, một lúc sau ông mới tỉnh dậy. Các bác sĩ vẫn tiếp tục cấp cứu tích cực nhằm ngăn tình trạng đang chảy máu đường tiêu hóa cho ông, sau đó ông được chuyển khoa hồi sức nội điều trị tiếp.
Ông được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng nghi do loét dạ dày - tá tràng, hạ đường huyết, viêm phổi do hít sặc, nghiện rượu.
Theo BS Trần Mạnh Hà