Nghề săn cây cảnh… hay tàn phá rừng xanh?

Jolie

Member
Chưa bao giờ phong trào chơi cây cảnh ở Quảng Nam lại rầm rộ, phổ biến như thời gian gần đây. Ngày trước, người chơi cây cảnh chỉ thích các loại cây bon-sai hoặc những cây cảnh loại cỡ nhỏ…, nhưng nay thì họ quay sang cây cảnh to và cảnh đại thụ.
Loại này có giá cao, từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/cây. Để có được những cây cảnh đại thụ thì phải vào rừng sâu săn lùng mới có…​
Từ cây cảnh nhỏ … đến cổ thụ
Vài năm trở lại đây, tình trạng người dân các xã miền núi tỉnh Quảng Nam đổ xô đi săn cây cảnh đại thụ ngày càng tăng. Nhiều chủ vườn có đến hàng chục cây cảnh, trong đó phần lớn là đại thụ sanh, si, đa đỏ, lộc vừng, sung, vạn tế, sơn tế….​
Trong vai người đi tìm mua cây cảnh chúng tôi đi dọc bìa rừng xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh đã chứng kiến nhiều người bày bán cây cảnh cho khách hai bên đường. Cây cảnh được bày bán ở đây có đủ loại, kích cỡ để khách có thể lựa chọn thoải mái với giá cả phải chăng. Với khoảng 3 triệu đồng là có cây cảnh vừa ý và đẹp, nhưng có những cây giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng.​
Những người bán cây cảnh dọc đường hầu như chỉ bán những cây nhỏ, còn cây cảnh đại thụ được dân buôn trồng và chăm sóc ở trong vườn nhà. Chúng tôi dừng xe tại một quán cà-phê Bông Miêu ở thôn 10, xã Tam Lãnh, chủ vườn tên Ba là dân buôn cây cảnh sành điệu, loại gì cũng có, nhất là si, sanh, lộc vừng, sơn tế và hàng chục gốc cây cổ thụ mới được mua về. Tôi dạm hỏi mua gốc lộc vừng chủ vườn đòi giá 10 triệu đồng. Khi tôi đặt vấn đề muốn mua với số lượng nhiều, anh ta nói ngay: “Số lượng bao nhiêu không thành vấn đề, loại nào cũng có, nhưng phải đặt cọc trước làm tin….”.​
Rừng “chảy” về thành phố
Khi giá cây cảnh đại thụ vùn vụt tăng hàng ngày, có rất nhiều người đổ xô vào rừng đào bới, lùng sục tìm cây. Dân săn cây cảnh thường tìm đến những cánh rừng nằm sát các ngọn núi cao và những nơi khó vào, vì có nhiều loại cây cảnh quý hiếm và thế đẹp.​


Cả chục cây cảnh được dân chơi chuyên nghiệp mua về trồng,
chăm sóc ngay trước cổng nhà mình.

Anh B. chuyên săn cây cảnh ở thôn 10, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cho biết, thường mỗi chuyến săn cây cảnh kéo dài gần một tuần, thợ săn ăn ngủ trong rừng cho đến lúc tập hợp đủ cây mới đưa ra đường và chuyển về nhà trồng. Anh đã từng bán những cây có giá lên gần 100 triệu đồng. Việc săn cây cảnh diễn ra thường xuyên nên dọc bờ suối Thác trắng, địa phận Tam Lãnh, Phú Ninh dày đặc những hố sâu lồi lõm, nham nhở, đó là dấu vết của dân lùng cây cảnh để lại.
Chúng tôi ngược về TP Tam Kỳ, ở các cung đường trong nội thành có rất nhiều vườn trồng đến hàng chục cây cảnh đại thụ. “Chúng hầu hết được mang về từ rừng sâu và mua lại của những tay thợ săn cây cảnh chuyên nghiệp”, một người dân chơi cây ảnh nói. Tại đây có những vườn cây cảnh đại thụ với diện tích hàng ngàn mét vuông nhưng đã lèn chật ních cây. Có những cây thân lớn đến mấy người ôm, có cây dấu chặt còn mới đang ứa nhựa vừa được đưa về. Có cây lớn đến mức muốn chăm sóc hay tưới nước, chủ vườn phải bắc thang leo lên. “Hiện nay, những loại cây như sanh, si, sung, đa đỏ…. dân chơi rất ưu chuộng. Vườn tui có cây được trả đến hơn 100 triệu đồng mà chưa muốn bán, chờ giá lên”, ông Ngô Đ, một người dân chơi cây cảnh nhiều thâm niên ở Tam Kỳ cho biết.​
Trao đổi việc nay với ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, ông Minh lo lắng: “Hiện các rừng núi của xã Tam Lãnh rất nhiều cây cảnh, sợ người dân trong xã và các nơi khác về khai thác, nên chúng tôi đưa việc bảo vệ những cây cảnh cổ thụ lên hàng đầu, nhưng gần đây có một số người lén lút vào rừng săn cây cảnh về bán, chúng tôi cũng nhiều lần nhắc nhở, cảnh cáo, bố trí người vào tận rừng sâu kiểm tra, thu hồi các loại dụng cụ đào bới, đồng thời xử phạt hành chính. Tuy nhiên, sau một thời gian tình trạng này vẫn tái diễn, khó kiểm soát…”.​
Tình trạng người dân săn cây cảnh, đặc biệt là cây cảnh đại thụ ở một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam ngày càng tăng. Săn cây cảnh cũng là một kiểu phá rừng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và trả lại màu xanh cho những cánh rừng​
Trương Hồng Phong
Theo Nguoicaotuoi​
 

Attachments

  • 1..jpg
    1..jpg
    56.5 KB · Views: 0
Back
Top