Nghề cho mướn nhà tiệc ở Cần Thơ

Jolie

Member
Lâm Hoài Thạch/Người Việt

CẦN THƠ (NV) - Thị trấn Thới Lai cách thành phố Cần Thơ khoảng 30 km đường đi về Ô Môn, và cách Ô Môn 8 km.

Vào khoảng 10 năm trước, trong khu vực Thới Lai chưa được đông dân cư mấy, chỉ có ông Trần Thông là người đầu tiên ra nghề cho mướn nhà tiệc. Lý do ở đây cần mướn nhà tiệc tại vì ở quận, tỉnh và thành phố những đám tiệc được đặt đãi trong nhà hàng, còn ở vùng quê những đám tiệc chỉ tổ chức tại nhà mà thôi.


176935-VN-131110-NhaTiec-1_400.gif
Nhân công ráp nhà tiệc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Thời trước, những đám tiệc được chủ nhà dựng bằng lều trại và kết hoa bằng những cây lá như cây đủng đỉnh, lá dừa, cây chuối. Nhưng sau này để tiện lợi theo nhu cầu cho việc tổ chức một đám tiệc, người ta cần thuê mướn cho gọn nên mới có phong trào cho mướn nhà tiệc và bàn ghế, ly, chén, dĩa, lẩu. Nói chung, những gì cần thiết để trưng dụng cho một tiệc cưới hoặc những tiệc sinh nhật, hội hè đình đám, thì người ta đều mướn nhà tiệc và những vật dụng cần thiết.

Ông Trần Thông sống trong nghề này được 5 năm thì để cơ nghiệp lại cho con trai là Trần Khánh Toàn quản lý công việc cho thuê mướn nhà tiệc.

Nhà tiệc bề ngang 4 mét và bề dài là 9 mét, có thể chứa được đến 10 cái bàn và mỗi bàn chứa được 10 ghế để đãi khách. Cũng có những nhà tiệc lớn hơn, bề ngang 5 mét, bề dài 12 mét. Những nhà tiệc này cần có khoảng đất rộng như những vùng trong kinh rạch có diện tích đất rộng rãi. Còn tại khu sát mặt lộ giới thì không có đất rộng nên chỉ ráp những nhà tiệc nhỏ thôi.

176935-VN-131110-NhaTiec-2_400.gif
Thu dọn nhà tiệc sau đám cưới. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo anh Toàn cho biết, 10 năm về trước, bộ bàn ghế cho 10 người ngồi giá thuê mướn chỉ có 5,000 đồng Việt Nam, một nhà tiệc cho mướn với giá 150,000 đồng. Cho đến ngày hôm nay, nhà tiệc cho mướn với giá 300,000 đồng, bàn ghế thì lên được 20,000 đồng một bộ.

Còn về chén dĩa ngày xưa họ chỉ đi mượn của bà con chòm xóm, nhưng bất tiện là nhiều lúc khi xong tiệc thì sẽ có những ly, chén bể hoặc sứt mẻ, mất mát. Thành ra, việc trao trả cũng thấy khó lòng đối với những bà con sống trong vùng quê. Cũng vì lý do đó, sau này anh Toàn cho mướn luôn chén, dĩa, ly, lẩu, khay, mâm quả, để đáp ứng theo nhu cầu cần thiết cho những tiệc tùng.

Nếu tính chung trọn gói về bàn, ghế, ly, chén, dĩa, lầu, cho mướn một bộ như vậy là 60,000 đồng. Tính hết một buổi tiệc cưới tiền nhà tiệc và mọi thứ, tiền nướng tổng cộng khoảng 2 triệu đồng cho một buổi tiệc đủ cho 200 thực khách đến dự.

176935-VN-131110-NhaTiec-3_400.gif
Chuyển dàn âm thanh từ trên xe xuống. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Anh Toàn cho biết: “Trải qua quá trình lâu dài trong nghề này, bây giờ chúng tôi cũng đã có đầy đủ những vật liệu trong phương diện cho mướn nhà tiệc cho những đám tiệc ở thôn quê. Lúc mới ra nghề thì đi đường sông, hoặc nếu gần nơi lộ giới, thì đi bằng xe đẩy rất là cực nhọc vì đường xe chạy cũng chưa được hoàn hảo. Có lúc chúng tôi phải chở đồ bằng xe đẩy và đẩy bộ gần hai cây số mới đến nơi để ráp nhà tiệc.”

“Sau này, trong khu chợ búa, nhà cửa được xây dựng cập lộ giới cũng nhiều nên nghề cho mướn nhà tiệc có dịp đi bằng đường xe. Bây giờ nghề này đi đường sông và đường bộ cũng bằng nhau. Ở Việt Nam, những tiệc cưới được quy tụ vào những ngày mồng 9, 19 và 29 Âm Lịch trong tháng vì đó là những ngày tốt theo truyền thống về việc cưới gả. Những ngày khác hầu như không có làm đám cưới mà người ta thường tổ chức tiệc sinh nhật, đám giỗ, tân gia, kể cả có những tiệc hấp hôn nữa,” anh cho biết thêm.

Sau này dân vùng quê cũng có những thú vui không thua gì dân thành thị là cứ một tiệc tùng gì họ cũng có mướn thêm dàn âm thanh và ca nhạc.

Theo anh Toàn cho biết, vốn ông bỏ ra để mua dàn âm thanh để ca nhạc tạm thời khoảng 60 triệu đồng. Số tiền này đối với tiền mua sắm dàn nhạc thì cũng không được cao cấp lắm, nhưng vì mới ra nghề này nên anh cũng không muốn bỏ ra số tiền lớn để đầu tư, tại vì anh lo sợ không biết có làm được hay không.

176935-VN-131110-NhaTiec-4_400.gif
Khách dự tiệc nhảy đầm dưới mái nhà tiệc, có cả quạt máy ở trên. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Nhưng sau hai năm anh thực hiện cho mướn thêm dàn ca nhạc thì số thu nhập cũng có kết quả khả quan, vì thế, dàn nhạc của anh bây giờ vốn bỏ ra cũng hơn 100 triệu. Và anh cho biết thêm là những nhạc cụ cho dàn âm thanh đều là hàng của Trung Quốc vì không đủ sức mua hàng của Nhật hoặc Mỹ.

Thời gian cho mướn dàn nhạc cho một tiệc cưới như sau: 6 giờ chiều ngày nhóm họ thì dàn âm thanh phải có mặt để mở nhạc cho không khí của ngày cưới được “xôm tụ” và sau đó người ta có những bàn tiệc trong đêm nhóm họ. Họ ăn nhậu, ca nhạc và nhảy đầm cho đến 12 giờ khuya, có những đám cũng yêu cầu dàn nhạc ở lại thêm vài giờ nữa vì không khí còn vui vẻ, và chủ nhân sẽ trả thêm tiền cho dàn nhạc.

Hôm sau, đến ngày đãi tiệc cưới thì dàn nhạc cũng phải có mặt lúc 6 giờ sáng để mở nhạc cho không khí được vui vẻ. Và khoảng 9 giờ sáng thì họ bắt đầu đãi ăn. Vì đám cưới ở thôn quê người ta đãi khách rất sớm, thậm chí có nhiều đám mới có 8 giờ sáng thì họ đãi khách đến dự tiệc cưới. Và lúc đó dàn nhạc cũng phải có ca sĩ hoặc những người đến dự tiệc cưới lên hát.

Họ đãi tiệc đến khoảng 12 giờ trưa thì khách cũng ra về gần hết, chỉ còn lại chừng hai bàn nhậu mà thôi. Và họ yêu cầu dàn nhạc ở lại để chung vui với gia đình và đánh nhạc tiếp tục cho họ hát. Nhưng phần nhiều những người ở lại sau cùng đều đã say, nhưng vẫn còn thích ca hát và nhảy.

Có những nhà chơi đến đúng giờ theo hợp đồng thì họ ngưng để cho dàn nhạc ra về, những cũng có nhiều đám yêu cầu dàn nhạc ở lại để chơi thêm nữa thì họ sẽ trả thêm tiền thù lao cho những giờ làm thêm của dàn nhạc.

176935-VN-131110-NhaTiec-5_400.gif
Chủ nhân Trần Khánh Toàn và ba nhân công. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Về giá cả để thuê một dàn nhạc, anh Toàn cho biết: “Cách đây ahi năm, một đám tiệc mướn dàn nhạc chỉ có 1.5 triệu. Bây giờ giá mướn dàn nhạc từ 1.8 triệu cho đến 2 triệu. Nguyên nhân giá cả chênh lệch là tùy theo lòng hảo tâm hoặc tài chánh của chủ nhà. Người khá giả thì giá cả không thành vấn đề, còn những nhà không được dư dả mấy thì họ sẽ trả giá rất thấp. Tiền trả cho nhạc công (one man band) đánh nhạc thì trong hai buổi đánh là 500,000 đồng, một buổi là 300,000 đồng. Ca sĩ miệt vườn thì mỗi chương trình từ 100,000 đồng đến 200,000 đồng, tùy theo hạng của ca sĩ.”

Ðể cho công việc được trôi chảy trong nghề cho mướn nhà tiệc, anh Toàn cho biết là anh phải cần đến ba người nhân công theo phụ giúp với anh nữa là bốn. Vì công việc đi ráp những nhà tiệc, chở bàn ghế, chén dĩa, dàn nhạc, rất nhiều công sức, khi xong một đám tiệc họ còn phải tháo gỡ toàn bộ và đưa lên xe để mang về kho chứa.

Trung bình mỗi nhân công phụ giúp ông được từ 2 triệu trở lên trong tháng, tùy theo đắt hay ế. Ðồ vật mang về kho chứa còn phải giặt rửa cho sạch rồi mới cho vào kho. Có những lúc trời mưa, vùng đồng quê rất nhiều sình lầy lội nên những bàn ghế bị dính đất bùn rất nhiều, nên việc tìm nhà kho để chứa đồ phải gần bờ sông để mang xuống sông rửa, chớ nếu rửa trên nhà ở thì rất là bất tiện và sẽ bị hao tốn rất nhiều nước. Sau khi kiểm tra, có khi bị mất mát vài món thì phải khấu trừ tiền thất thoát đồ vật với chủ nhà.

Công việc làm ăn nào cũng có trở ngại, vì ở Việt Nam muốn tạo ra đồng tiền rất là khó khăn.

Nói về những trở ngại trong công việc làm này, ông Ba Giang, nhân viên ráp nhà tiệc, cho biết: “Trở ngại nhiều nhất là thời tiết và cái sân bãi để đến ráp nhà tiệc. Về thời tiết thì trời nắng quá cũng cực khổ, và mưa quá, tuy trời mát, nhưng công việc làm bị cản trở. Vì trời mưa, chúng tôi không thể leo lên cao để ráp nối nhà tiệc và công việc cũng không được trôi chảy như trời nắng.”

Ông nói thêm: “Sân bãi để ráp nếu nhỏ quá thì cũng làm trở ngại vì vùng nông thôn nhà nào cũng có trồng cây xung quanh nhà, nếu chật quá thì xin chủ nhà chặt bớt vài nhánh cây để thông cho mái nhà tiệc. Nhưng cũng có nhiều chủ nhà vì tiếc cây của họ, nên việc muốn chặt bớt một nhánh cây rất là khó khăn.”

Cái vui nhất của những đám tiệc tại vùng quê là sẽ được bà con chòm xóm đến giúp đỡ phụ giúp cho công việc được trôi chảy và không cần mời mọc thì người ta cũng đến để chung vui với gia đình tổ chức, theo lối “tình làng, nghĩa xóm.” Ðến khi buổi tiệc gần tàn họ cũng còn ở lại để nhậu và ca hát suốt đêm.

Có khi những người trong gia đình hoặc khách đến nhậu quá trớn, thì cũng làm phiền phức người cho mướn dàn nhạc. Người nhạc sĩ đánh nhạc bực mình vì họ không còn hát đúng bài bản gì cả. Phần nhiều trong những giờ cuối những người lên hát và nhảy loại nhạc Remix (nhạc đánh điệu mạnh và hát liên khúc hết bài này đến bài khác). Có nhiều khi họ quá say, gây thêm chuyện lên giành hát và đôi khi cũng có cãi vã và đánh nhau.

Anh Toàn cho biết làm nghề này thấy cũng vui, nhưng phải chịu khó và cũng rất cực nhọc vì ở thôn quê, tuy dân tình chất phác, nhưng cũng có những người vì quá say cũng làm cho cuộc vui mất hứng thú.

Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn







 
Back
Top