Nghề... ''đấm người'' ở xứ Thanh

Jolie

Member
Đêm. Bãi biển Sầm Sơn lồng lộng gió biển. Xen giữa tiếng gió, tiếng sóng và tiếng hát karaoke trong các nhà hàng là tiếng rao ''quất đê... !'' vòng vọng. Sau tiếng rao một lúc, du khách mới thấy một vài đứa trẻ đen sẹm nắng biển cầm chiếu đi qua. Mời mọc từng người mà chỉ nhận được cái lắc đầu, chúng lại bước về phía toán du khách khác với những bước đi xiêu vẹo dưới ánh trăng vằng vặc biển đêm Sầm Sơn...

Ở xứ Thanh, nghề ''đấm người'' - nghề tẩm quất không chỉ có ở những đứa trẻ lem luốc Sầm Sơn mà còn là ''nghề kiếm cơm'' của những người mù ở một góc phố Hàng Than (TP. Thanh Hoá)...

''Kiến bò, cò mổ, nhổ bão!''

''Quất... đ..ê... !''. Tiếng rao của thằng bé 10 tuổi tên Hoàng làm nghề tẩm quất dạo cứ dội đến tai chúng tôi lúc xa lúc gần giữa mịt mùng biển đêm Sầm Sơn. Hình như lúc này còn quá sớm để du khách tìm đến dịch vụ chăm sóc sức khoẻ di động này. Tiếng rao của thằng bé cứ mỏng dần, mỏng dần rồi chìm lắng trong tiếng sóng biển ồn ào. Đêm đen kịt và buông hờ hững trên bãi biển. Dạo một vòng ở bãi C vẫn không có khách, Hoàng trải chiếc chiếu đơn mang theo ngồi nhìn ra đại dương thăm thẳm, có lẽ nó đang chờ đến giờ ''hoàng đạo'' sắp đến. Đó là thời điểm sau 10h tối, khi khách du lịch bắt đầu cảm thấy mệt mỏi sau cả ngày quần nhau với sóng và gió Sầm Sơn, với khí hậu nóng nực xứ Thanh. Có những đêm, hội ''đấm người'' của Hoàng thay nhau làm mà vẫn không hết việc.

Cứ mỗi dịp hè về, những đứa trẻ nghèo ven biển Sầm Sơn với những mái tóc vàng hoe, nước da cháy nắng lại ôm theo manh chiếu lượn lờ khắp bãi biển tìm khách. Cậu bé Lê Huy Hùng (xã Quảng Cư) làm nghề ''đấm người'' đã 2 năm nay. Mỗi dịp nghỉ hè, khi mà du khách đến Sầm Sơn bắt đầu tấp nập thì Hùng và các bạn trong xóm lại cắp chiếu lang thang trên khắp các bãi biển ''làm hè''. Tất cả những bài tẩm quất ''truyền'' vào người khách, Hùng đều học được từ những tháng ngày ''làm ăn xa'' trên Hà Nội cách đây hai mùa hè. Hùng nhớ lại..., khi đó em rời quê lang thang bán kẹo cao su ở khu vực Ga Hà Nội. Sau mỗi tối về khu vực Cửa Nam tìm chỗ ngủ, em học mót dần dần được ngón nghề của dân ''đấm người'' nổi tiếng ở đây đem về quê kiếm tiền. Theo Hùng, nghề tẩm quất dễ kiếm tiền, vả lại nhà em có tới 7 người, đều sống dựa vào chài lưới nên rất vất vả, cứ nghỉ hè là em lại gác sách vở sang một bên và ra biển... ''đấm" khách.

Trong đội quân ''cầm chiếu'' ở các bãi biển Sầm Sơn, Hoàn "đen" nổi tiếng hơn cả. Hoàn mới 15 tuổi, cao xấp xỉ 1,1m nhưng đã có 'thâm niên' đến 6 năm trong nghề tẩm quất. Bạn nghề kể, nhà Hoàn vốn nghèo, bố không làm ra tiền lại hay cờ bạc, rượu chè bê tha rồi về đánh chửi vợ con. Cách đây 3 năm, bố Hoàn bỏ mấy mẹ con bơ vơ trong nghèo khó rồi đi lấy vợ hai ở một nơi khác. Một mẹ và 3 con lặng lẽ nương tựa vào nhau lầm lụi sống trong căn nhà tồi tàn ven biển Quảng Cư. Mẹ Hoàn ngày ngày đi kéo lưới thuê nhưng không đủ tiền ăn, tiền học cho mấy đứa con. Hoàn nghỉ học từ lớp 5 để phơi người ra bãi biển làm đủ nghề kiếm sống. Hoàn từng nhặt phế liệu, bán bánh đa, kéo lưới và hiện nay là tẩm quất. Ở bãi biển Sầm Sơn những thân phận như Hoàn ''đen'', Lê Huy Hùng không ít vì các em hầu hết đều là con nhà nghèo làm thêm trong dịp hè.

Với đội ngũ ''đấm người'' trên bãi biển Sầm Sơn, những ''chiêu'' dễ và quen thuộc để ''tiếp khách'' là ''kiến bò, cò mổ, nhổ bão''. Những bài khó và hấp dẫn hơn là ''cào cào đá móc, cóc nhảy song phi, ngựa phi nước đại, vác cày qua núi...''. ''Lành nghề'' như Hùng, Hoàn ''đen'', Thoan ''gầy''... trung bình mỗi ngày cũng kiếm được trên dưới 50.000 đồng. Mỗi lần ''tiểu quất'' như cạo gió, bão đầu khách chỉ trả có 3-5 nghìn đồng. Mỗi lần ''đại quất'' với thời gian 30-40 phút, ''thợ quất'' thu 10- 15 nghìn. Thoạt nhìn ai cũng tưởng nghề ''đấm người" ở đây đơn giản như... trải chiếu. Nhưng theo lời ''tay quất'' Hoàn ''đen'', trải chiếu ra, mời được khách nằm xuống chiếu là... cả một vấn đề! Hoàn ''đen'' bảo, trước tiên phải biết nịnh khách và khuyến mãi bằng vài đường cơ bản cho khách... ''mê'' đã. Hùng cười nhăn nhở: ''Cũng mệt, gặp ông nào gầy thì... đau tay vì xương, gặp ông nào béo tốt, to bụng thì cũng... toát mồ hôi!". Cậu bé cho biết thêm, mỗi đêm phải phục vụ nhiều khách nên dân tẩm quất như nó cũng học được các ngón nghề của ''đàn anh Cửa Nam'' là biết điều hoà sức lực khi ''ra đòn''. Nhiều khi khách tưởng ''thợ quất'' đang ''làm việc hết mình'' với những tiếng vỗ bôm bốp vào da thịt, tiếng kêu răng rắc ở các khớp xương nhưng thực ra đó chỉ là một chút mẹo nhỏ. Hùng cười: ''Phải làm như thế chứ! Nếu không đánh xong cho 2 khách là mình đã phải nhờ người khác... tẩm quất cho rồi!''.

Khoảng sáng giữa đêm đen!

Phố Hàng Than (TP.Thanh Hóa) có một ngôi nhà cứ 7h tối lại nhộn nhịp người ra vào. Đó là CLB Tẩm quất của Hội người mù TP.Thanh Hoá mà các thành viên ở đây thường gọi với cái tên ''CLB tình thương''. Khi thành phố bắt đầu lên đèn, tiếng đấm, tiếng ''chặt'' vào da thịt vang lên bồm bộp khắp căn phòng 20m2. Xen giữa những hồi đánh là tiếng đọc thơ, tiếng hát của những ''thợ quất'' mù. Tiếng đọc thơ vang lên trong đêm, những người mù làm nghề ''đấm người'' đang muốn giãi bày điều gì?

Vừa đánh cho khách, từng ''thợ quất'' bắt đầu kể về mình, về số phận bất hạnh phải gắn bó cả đời với đêm đen dằng dặc. Họ rụt rè nói về mình rồi lại trầm ngâm theo nhịp ''kiến bò, cò mổ, nhổ bão'' lên thân thể khách. Họ làm việc với sự đam mê, nhiệt tình hiếm thấy để lấp láp nỗi buồn mù loà trong sâu thẳm. Đó là khoảng sáng hiếm hoi giữa đêm đen mà không phải ai cũng thấy ở những ''thợ quất'' mù xứ Thanh này.

Trước đây, nơi CLB tẩm quất đang hoạt động bây giờ là những mái nhà tranh tồi tàn, rách nát của Hội người mù TP. Thanh Hoá. Nhờ sự năng động của BCH Hội mà đặc biệt là Chủ tịch hội Phạm Văn Quyết, từ công việc ''truyền thống'' của người mù là làm tăm tre, cách đây 2 năm, CLB tẩm quất đã ra đời. Anh Quyết kể... Nếu chỉ làm tăm tre, que kem không thì hội viên sẽ chết đói. Chúng tôi đã mời các cán bộ bên Sở Y tế về dạy nghề tẩm quất cho anh em. Nghe nói khu vực Cửa Nam (Hà Nội) nổi tiếng về nghề tẩm quất, anh Quyết cùng mấy anh em trong hội đã lặn lội ra đó học tập kinh nghiệm đúng ba đêm. Kết hợp với một vài hội viên đã từng đi đánh lang thang khắp nơi quay về gia nhập hội, thế là CLB tẩm quất ra đời vào ngày 24/2/1995. Tất cả các anh chị em đều xem hội như mái nhà chung của mình. Và cũng tại đây, biết bao nhiêu câu chuyện cảm động đã ra đời...

''.... số con bất hạnh mẹ ơi
Muốn nhìn chẳng thấy mặt trời ở đâu
Đêm khuya thắp đó đèn dầu
Một con với mẹ nỗi đau khổ lòng
Đỏ đèn mẹ hỏi thấy không ?
Mẹ ơi nhìn mãi con không thấy gì!...''

Đây là bài thơ xúc động như một tự cảm của một hội viên Hội người mù TP.Thanh Hoá đã trở thành ''bài thơ cửa miệng'' của anh em trong CLB tẩm quất mỗi lúc vui buồn. Người ''đấm'' tôi hôm đó là anh Nguyễn Quốc Tiến, một trong những ''thợ lành nghề của CLB. Anh Tiến bị mù bẩm sinh nhưng may mắn học được nghề tẩm quất sau nhiều năm phiêu bạt tứ phương. 17 năm đánh lang thang, hành nghề tẩm quất dạo từ Nam ra Bắc anh đã học được nhiều kinh nghiệm cho riêng mình. Khi CLB tẩm quất được thành lập, Hội người mù đã mời anh về tham gia và dạy thêm cho mọi người. Vừa dùng hai tay chặt, chém, xoa, bóp, vặn... vào lưng tôi, anh Tiến vừa nói: ''Gần nửa cuộc đời lang thang ngoài xã hội, nay được về với CLB là điều hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Tôi chẳng có gia đình, đây chính là gia đình yên ấm nhất của chúng tôi!''.

Cùng cảnh mù loà lang thang như anh Tiến là ông Nguyễn Văn Tý năm nay đã sắp bước sang tuổi ''thất thập''. Ông cũng là người không có gia đình, họ hàng thân thích. Mọi người kể lại rằng ông bị đẻ rơi ở nhà thờ, bị mù bẩm sinh. Ông Tý lớn lên trong sự cưu mang của người dân quanh nhà thờ thị xã Thanh Hóa. Khi ông đã nhông nhống, người ta mang ông về nuôi. Lớn lên ông lại đi, lại lang thang khắp nơi chỉ với chiếc gậy và chiếc bị cói. Hàng chục năm trời phiêu bạt ông đã học được nghề tẩm quất dạo kiếm cơm để rồi cuối đời lại lần hồi về Thanh Hoá. Trong một lần đi đánh tẩm quất dạo vào ban đêm, ông Tý bị xe máy húc gãy chân. Biết tin, Hội người mù thành phố đã mời ông vào CLB tẩm quất, không phải đi đâu mà mỗi tháng ông cũng kiếm được 500-600 nghìn

''Khoảng sáng'' đẹp nhất trong đêm đen của những người mù TP. Thanh Hoá là có những người hiểu nhau, yêu nhau và trở thành vợ chồng. Đó là vợ chồng anh Nam chị Hải ở xã Đông Hương (Đông Sơn). Anh Nam là thương binh hỏng mắt, chị Hải là người mù bẩm sinh. Anh chị cùng làm tăm tre với nhau, thương nhau và quyết định vượt qua trăm nghìn gian lao của cuộc sống để trọn đời bên nhau. Đó còn là trường hợp của chị Đào Thị Thành (phường Phú Sơn) và anh Lê Ngọc Thể (xã Đông Hương). Anh Thể đi TNXP bị hỏng mắt nơi chiến trường, chị Thành bị mù bẩm sinh. Cả hai người cùng lỡ bước. Khi vào hội cả hai anh chị đều đã sấp xỉ 50, thương nhau nên tự nguyện gắn bó trọn đời bên nhau nhưng lấy nhau chưa lâu, anh Thể đột ngột bị cảm rồi mất, để lại mình chị Thành bơ vơ.

Cảm động nhất là chuyện của anh Lê Thanh Giai (xã Đông Cương), một thành viên CLB tẩm quất. Trước đây anh là công an tăng cường vào Tây Nguyên, chẳng biết do đi rừng rú nhiều hay bệnh gì mà mắt anh cứ mờ dần. Anh xin nghỉ chế độ mất sức và về quê với vợ con. Từ hôm mắt bị mù hẳn, anh Giai chán chường vớ bất cứ cái gì có thể để ném vợ xua con khiến gia đình lao đao đến nỗi ai cũng tưởng anh và chị sẽ chia tay nhau. Hiểu nỗi đau của chồng, chị Nguyễn Thị Tiếp vợ anh đã hết lòng động viên và đi tìm hội người mù cho chồng sinh hoạt nhưng khi đó chưa có. Cứ thế, anh chán chường bao nhiêu thì chị sẻ chia bấy nhiêu. Năm 1994, khi nghe TV nói về chuyện kết nạp hội viên người mù, chị Tiếp đã lọc cọc đến hội xin cho chồng gia nhập. Khi mới vào hội, anh Giai trong tổ làm tăm tre. Suốt 3 năm trời quãng đường từ Đông Cương đến phố Hàng Than (TP.Thanh Hoá) chị cần mẫn đưa đi đón về người chồng mù của mình. Năm 1996, anh chuyển sang học nghề tẩm quất và trở thành một trong những ''thợ quất'' cứng nhất của CLB. Hiện nay anh Lê Thanh Giai đang học thêm nghề mát- xa ở Trường Y học Tuệ Tĩnh (Hà Đông) để về truyền lại cho anh em trong CLB.

Những số phận mù loà, những cảnh đời khác nhau, những câu chuyện cảm động, chân tình ở CLB tẩm quất tôi không thể kể hết qua một bài báo. Chỉ biết, trong ngôi nhà nhỏ cuối phố Hàng Than ấy hằng đêm vẫn vang lên những ''âm thanh tẩm quất'' rộn ràng xen lẫn tiếng đọc thơ ngắt quãng, trăn trở. Tôi biết, đó là một khoảng sáng. Khoảng sáng nhỏ nhoi giữa đêm đen...!





Thế Lê Vinh​
 
Back
Top