Ngồi trước biển và ăn pizza

Jolie

Member
Cay đắng, chua xót trong một giọng văn tinh tế, hài hước. Cũng như một loạt nhiều truyện ngắn của Chu Thuỳ Anh, không thể và không nên xác định cái không gian trong câu chuyện là ở đâu, nhân vật là người nước nào.

img75.jpg

Minh hoạc của họa sĩ Đỗ Dũng


Ngay cả cách mở đầu câu chuyện này cũng vậy, không hẳn là biển, mà nó lại có tên gọi là Ao – hẳn rồi, tác giả nghĩ đến cái tên ao làng của người Việt – mà lại là biển, nếu chưa đến Ao, coi như chưa biết biển, lại nhất là vùng biển đến kỳ lạ khi ai cũng thuê một đôi ủng caosu.

Ngồi trước biển lại chỉ uống nước lọc, ăn pizza là thứ rất nhanh ỉu, nhanh nguội… Nó hệt như câu chuyện tình buồn không thể cứu vãn của nhân vật chính. Không có chỗ, không có món cho chị. Không thể kỳ vọng vào tình yêu cũng như biển cả.

Chu Thuỳ Anh viết như không, viết như thể quá dễ dàng về những chuyện không hề nhỏ, không hề dễ dãi, không hề dễ quên…

Y Trang

Cũng không hẳn có thể gọi là biển. Nước không trong và không xanh. Cát không trắng và không mịn. Không có tôm và cua và cá. Vùng biển này có tên là Ao. Thế nhưng Ao lại là một vùng du lịch rất nổi tiếng. Ai chưa đến Ao coi như chưa biết đến biển. Cho dù bạn từng đi hết biển Đen, biển Đỏ, biển Tím, biển Vàng đi chăng nữa, nhưng chưa đến Ao coi như bạn vẫn chưa đến biển. Cho nên vùng này khách du lịch tìm đến quanh năm, nhà hàng và khách sạn san sát, từ rẻ nhất đến đắt nhất. Ai cũng sẽ thấy một chỗ cho mình, một chỗ vừa vặn để ngồi đấy, ngắm biển: biển nước đục lờ nhờ và cát đen đầy những hà và sỏi vụn.

Nhưng vì là một khu du lịch nổi tiếng, nên các dịch vụ ở đây rất đầy đủ. Bên cạnh dịch vụ cho thuê áo tắm, phao bơi, vùng biển này còn cho thuê ủng. dng caosu đế dày năm phân, vừa bảo vệ gót sen lại vừa thời trang làm điệu. Ai xuống biển cũng thuê một đôi ủng, tự nhiên như người ta thuê ghế gỗ kê trên bãi cát vậy.

Thế nhưng chị lại không thuê. Tôi thấy chị ngồi một mình trên bãi. Chị không xinh không xấu, không già không trẻ, không béo không gầy. Chị sẽ bị lẫn trong hàng trăm người trên bãi cát nếu không để chân trần xuống biển, trong khi xung quanh ai cũng đi một đôi ủng, làm bằng caosu và đế thì dày năm phân.

Người đàn bà ấy ngồi ở một cái bàn nhỏ, gọi một suất pizza và một cốc nước lọc, ăn uống chậm rãi và từ từ. Cứ như thể thời gian của chị là bất tận, và cả ngày đẹp trời như hôm nay chị sẽ chỉ dành để ăn hết chiếc pizza, uống hết cốc nước lọc của chị thôi.

Người đàn bà ấy làm tôi tò mò. Chị xuống biển không mang ủng. Chị đến biển không ăn tôm cua ghẹ mực sò, không uống nước dừa. Chị ăn pizza và uống nước lọc.

Hoặc có thể chị là dân ở đây. Chị đã có cả một đời để ăn hải sản uống nước dừa rồi, nên một ngày đẹp trời thế này chị sẽ cần đổi món.

Dù thế nào thì tôi cũng tò mò.

Tôi lại gần chị. Xin ngồi cùng.

Chị nhìn tôi, kỹ càng, khẽ hỏi xem chúng tôi đã gặp nhau ở đâu chưa nhỉ. Kể cũng ngại khi phải nói rằng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chị. Nhưng các bàn xung quanh đã chật hết rồi, nếu chị không phiền thì cho tôi ngồi chung với.

Thế rồi chị gật.

Chị vẫn ăn pizza của chị, uống nước lọc của chị. Pizza trước gió biển thì nguội rất nhanh. Pizza trước hơi ẩm của biển thì ỉu rất nhanh. Suất pizza của chị hẳn trở nên rất chán.

Tôi gọi một quả dừa cho tôi. Tôi là khách du lịch, nhìn đã thấy là khách du lịch: đi ủng caosu đế dày năm phân và uống nước dừa.

Ngồi mãi không nói chuyện cũng thấy ngài ngại. Tôi bắt chuyện trước:

- Chị là người vùng này ạ?

Chị quay sang, không đáp mà hỏi lại:

- Tôi giống dân vùng này lắm sao?

- Thực ra thì trông chị không giống dân vùng biển, nhưng vì cũng chẳng có dáng vẻ du lịch, nên tôi thật không biết xếp chị vào vùng nào.

Chị cười:

- Bởi vì tôi không phải dân vùng biển, nhưng cũng chẳng đến đây để du lịch, nên đúng là không biết xếp vào vùng nào.

Chị đến đây cùng với chồng. Chồng chị có cuộc họp ở đây. Còn chị chỉ đi cùng. Có ba loại người có thể đi một quãng thật xa từ thành phố ra biển: những người đang yêu nhau, những người sắp hết yêu nhau nhưng muốn gia hạn thêm hợp đồng tình yêu ấy, và tất cả những người không dính dáng gì đến tình yêu. Chị thuộc trường hợp thứ hai.

Hợp đồng tình yêu có thể được viết trên nhiều loại giấy, viết trên giấy ăn dùng một lần rồi bỏ thì trôi đi dễ dàng, chị lại trót viết trên giấy gói quà, loại có hoa ép và lá khô của Nhật, nên bỏ đi cảm thấy rất phí. Anh chị đã vượt qua cả khoảng cách và thời gian, để yêu nhau, và đến với nhau.

Khi khoảng cách đã phải đếm bằng những múi giờ, ấy là khi người ta ở rất xa nhau. Xa rất xa. Có những khi chỉ ước được chạm tay, ngồi bên cửa sổ khi mùa đông đã trắng xoá bên ngoài, đưa ngón tay út ra và ước gì chỉ cần chạm được vào móng của ngón tay út của người mình yêu, đến khi chạm vào kính cửa lạnh và buốt, mới thấy quặn thắt đến thế nào.

Thế mà vẫn yêu nhau, vẫn chờ đợi nhau, dắt tay nhau qua những múi giờ và những tháng và những năm. Đến khi ở cạnh nhau được rồi, những tưởng sẽ hạnh phúc thế nào, khi không chỉ có thể chạm vào móng tay út, mà có thể cầm tay nhau, có thể sưởi ấm cho nhau khi mùa đông lại trắng xoá tràn về. Những tưởng là như thế, mà tình yêu bỗng dưng lại hoá nước, bốc hơi dần. Chị bảo như thế thấy xót lòng quá.

Anh bận rộn với những công việc của anh, mải miết với sự nghiệp của anh, bị cuốn đi với những sếp mới và sếp cũ. Mong ước về một cuộc sống yên bình, sự nghiệp vừa đủ, tiền bạc vừa đủ, để còn dành thời gian cho nhau, giờ trở thành một mong ước cũ. Mong ước chưa kịp thực hiện đã mốc xanh và bị bỏ đi. Anh bảo quyền lực nào và tiền bạc nào rồi cũng để giữ cho gia đình hạnh phúc thôi. Nhưng chị thì đã thấy cái hạnh phúc đấy xa dần, khi một bữa cơm sớm cũng khó lòng thực hiện.

Và có người đàn bà nào hạnh phúc được khi tin nhắn đầu tiên người đàn ông của mình gửi lúc máy bay vừa chạm đất sau một chuyến công tác, lại để báo cho một người đàn bà khác rằng anh đã trở về bình yên. Người đầu tiên anh nghĩ đến đã không còn là chị nữa. Cuộc sống khác đi, mục đích của con người ta cũng khác đi, chỉ có chị là không khác, vẫn chỉ mơ về những điều bình thường nhất. Những điều bình thường hoá ra lại thành khó thực hiện, khi lòng mơ của người ta đã khác đi rồi.

Anh bị cuốn đi với mơ ước và mục đích mới của anh, chị ở lại với mơ ước cũ của chị. Khi hai con người đã như hai bánh răng chệch bánh, không còn quay cùng một nhịp nữa, tình cảm lúc ấy giống như nước một ngày mùa hè, tự bốc hơi mà đi.

***
Người đàn bà kể rồi dừng lại, hít một hơi dài. Chị không xinh không xấu, không trẻ không già. Không cần phải xinh và phải trẻ để được yêu. Cũng không cần phải xấu phải già để bị phụ. Một người đàn bà bình thường nhất đã được yêu và được phụ như thế.

Nhưng dù sao thì cũng thấy xót lòng quá. Giá kể chưa từng vượt qua những khó khăn để đến với nhau, chắc người ta sẽ dễ buông xuôi hơn.

Người ta nói đến biển là một liệu pháp tốt. Đã có hẳn một công ty tổ chức tour du lịch biển để hàn gắn những cặp có nguy cơ chia lìa. Thế nên chị đồng ý cùng anh đến đây. Anh sẽ họp cả ngày, và buổi tối là dành cho chị. Có thể chỉ như thế cũng đủ, vì đây không chỉ là biển, đây là Ao, là một nơi kỳ diệu, có hàng trăm những truyền thuyết và cổ tích về nơi đây. Dù sao thì cũng đáng để chờ đợi.

Nhưng phép màu không phải sỏi để vung vãi khắp nơi. Chị đợi mãi vẫn không thấy điều kỳ diệu đến với mình. Anh vẫn bận rộn, vẫn có công việc và bóng hình người phụ nữ khác. Không một buổi tối nào dành riêng cho chị. Hàng tối chị về khách sạn, nằm trước. Giường khách sạn rộng thênh thang. Khuya thật khuya anh sẽ về, sẽ khẽ hỏi sao chị chưa ngủ à? Chị tự hỏi sao phải đi ngần ấy quãng đường để ở một mình trong phòng khách sạn chờ chồng?

Vì người ta vẫn thích chờ đợi vào những phép màu, hơn là tự cựa mình để tìm chỗ đau rồi băng bó, nên chị vẫn bị đau.

Ngày hôm nay rất đẹp, nắng rất vừa, không gắt và không ỉu. Biển Ao vẫn đục như mọi hôm và cát vẫn sạn đầy hà như mọi hôm, nhưng khách đổ ra bãi cát nhiều gấp bốn lần những ngày bình thường, trước mặt mỗi người là một đĩa hải sản và một quả dừa. Những ngày trời xấu người ta dành để buồn, những ngày trời đẹp nên tận dụng để vui. Và vì những ngày trời đẹp thường ít ỏi trong năm, nên khi trời đẹp nên vui gấp bốn, năm lần bình thường.

Tôi bảo chị thế, hôm nay là một ngày trời đẹp, nên tận dụng để vui bù tất cả những ngày trời xấu trong năm.

Chị bảo chị vẫn vui. Ngồi vừa vặn trong cái chỗ thực là của mình là vui nhất. Giữa muôn ngàn khách sạn và nhà hàng, từ đắt cho đến rẻ, có đủ chỗ cho tất cả mọi người; giữa muôn vạn món ăn hải sản sống tái chín, đủ khẩu vị cho tất cả mọi người, chị vẫn không tìm thấy chỗ của mình. Chị bảo, vì cái chị đến đây để tìm đã không tìm thấy nữa. Nghĩa là chị không có chỗ ở đây. Không có chỗ dành cho chị, không có món dành cho chị. Chị sẽ về, đi cùng anh hay không thì cũng thế. Khi người ta đã không thể dành trọn cho nhau một buổi tối, thì còn cứu vãn được gì?

Tôi nghe kể có một nhà hiền triết đã nói: Có hai thứ không thể kỳ vọng ở trên đời: thứ nhất là tình yêu, thứ hai là biển cả. Tiếc là chị đã không biết ông ấy sớm, ông chết hẳn rất rất lâu rồi. Chị bảo thôi biết cũng chẳng để làm gì. Đã đến đây rồi, hy vọng rồi và cũng thất vọng rồi. Không tìm lại được cái mình tìm kiếm, không có được một chỗ và một món của mình, thì phải tự sửa soạn thôi.

Chị bảo chiều chị sẽ về. Dù sao cũng là một ngày nắng đẹp, một ngày cần phải vui gấp bốn năm lần những ngày bình thường. Ngồi ở chỗ của mình, chọn những thứ đúng thực dành cho mình, sẽ cảm thấy vui nhất.

Nên chị ngồi trước biển, và ăn pizza.
Chu Thuỳ Anh
Theo Laodong
 
Back
Top