Người Việt vừa xin thêm thuốc, vừa không uống đủ toa

Jolie

Member
Cô Thảo Nguyễn, năm nay ngoài 50 tuổi, có căn bệnh là thỉnh thoảng lại bị “ngứa quanh vùng mắt hay trên cánh tay,” cô cho biết. Mỗi lần bị như vậy, cô Thảo, một chuyên gia “sale marketing,” tự cho là mình bị “dị ứng da” nên cô đi bác sĩ chỉ với mục đích “muốn bác sĩ cho toa mua thuốc bôi lên sẽ hết.”

attachment.php

Nhiều gia đình người Việt Nam có những tủ chứa đầy các loại thuốc như thế này trong nhà. Tuy nhiên, 28.2% người Việt ở Orange County không uống thuốc đủ theo toa bác sĩ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Bác sĩ khám bệnh, kê toa, trong đó có thuốc thoa, và có cả thuốc trụ sinh để uống. “Tôi không hiểu là để làm chi,” và vì không hiểu, nên cô không uống. “Thực sự trước giờ tôi chưa bao giờ uống thuốc để trị bệnh về da. Nhưng cứ hễ đi bác sĩ thì bao giờ cũng có 3 loại, là kem bôi da, thuốc uống ban ngày, thuốc uống ban đêm.”

Với toa bác sĩ như vậy, lần nào cô Thảo cũng chỉ mua mỗi loại cream “bôi vào là hết ngứa ngay.” Bôi xong, hết ngứa, cô chẳng uống thuốc, thậm chí còn không mua thuốc uống. “Chứ mua hết theo toa chi cho phí tiền, lại không dùng,” cô nghĩ vậy. Khỏi được một lần, được một thời gian, lại bị ngứa, cô lại đi khám, bác sĩ lại kê toa, cô lại không uống thuốc theo toa, và vòng tuần hoàn lại quay thêm một vòng.

Không uống đủ thuốc theo toa

Trường hợp cô Thảo không phải là chuyện lạ trong cộng đồng Việt Nam. Hãy hỏi những người xung quanh, “Ông/bà/anh/chị có bao giờ uống thuốc đầy đủ theo toa bác sĩ không?” Bạn sẽ ngay lập tức nhận được không ít những cái lắc đầu.

Theo thống kê của tổ chức Orange County Health Needs Assessment (OCHNA), một nhóm liên minh bao gồm các cơ quan y tế của chính quyền cũng như các bệnh viện lớn trong quận Cam, người dân gốc Việt có tỷ lệ “bất tuân” toa thuốc cao nhất trong các sắc dân.

Trong cuộc nghiên cứu của OCHNA công bố năm nay, người Việt Nam ở quận Cam chiếm tỉ lệ vượt trội với 28.2% không uống hết thuốc được kê trong toa. Con số này cao hơn hẳn so với các sắc dân khác. Tỷ lệ người gốc Mỹ La tinh không uống hết thuốc theo toa là 11.1%, của người da trắng là 6.2%, của người da đen là 3.9%, và của các sắc dân Châu Á khác là 9.4%.

Cũng nằm trong phần tỷ lệ “không uống đủ thuốc” là anh Allen Nguyễn, một người làm thiết kế đồ họa, hiện sống tại Garden Grove.

“Tôi cũng có uống theo toa bác sĩ chứ. Bác sĩ kêu tôi uống mấy thứ là tôi mua uống đủ mấy thứ,” anh nói, cười cười, và tiếp: “Có điều bác sĩ kêu uống 7 ngày mà đến ngày thứ 5 tôi đã hết bệnh rồi thì thôi.”

Không chỉ uống thuốc theo thời gian bệnh, mà anh Allen còn hay bị quên “cữ.” “Bác sĩ kêu uống ngày 3 lần, nhưng nhiều khi chỉ nhớ uống có 2 lần, có khi có 1 lần.” Anh Allen nói thêm: “Với thuốc còn dư đó, kỳ sau bệnh giống vậy lấy ra uống lại, khỏi phải mua.”

Một vấn đề nữa mà nhà thiết kế đồ họa này đề cập đến còn là chuyện với những loại thuốc cần uống lâu dài, như bệnh cao máu, thì rất dễ “chán” và “bỏ ngang.”

Anh nói: “Uống thuốc cao máu là phải uống lâu dài, nhưng uống hoài thấy chán quá nên tôi không uống nữa. Không uống nữa cũng không thấy chuyện gì xảy ra hết, thì thôi.”

Thiếu kiến thức y khoa

Chuyện bệnh nhân Việt Nam không uống đủ thuốc không xa lạ gì với giới bác sĩ, dược sĩ. Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng, ở gần khu vực Little Saigon, cho biết: “Tỉ lệ đó là đúng với thực tế. Riêng với những loại thuốc tâm thần, tiểu đường, cao máu thì tỉ lệ uống đều chưa đến 50%.”

Theo Bác Sĩ Hoàng, có 3 lý do người Việt uống thuốc không đầy đủ. Thứ nhất là do “sự hạn chế về kiến thức y khoa.” Thứ hai quan niệm “uống thuốc tây bị nóng thận, nóng gan” đã ăn sâu vào tư tưởng người Việt từ bấy lâu nay.

Thứ ba, tuy “không nói một cách trực tiếp nhưng việc quảng cáo tràn lan các loại dược thảo trị được nhiều thứ bệnh cũng vô tình 'hù' người bệnh là 'uống thuốc tây' không tốt bằng uống dược thảo, trong khi dược thảo cũng có những tác dụng phụ của nó.”

Bác Sĩ Hoàng nói rằng: “Sự hạn chế về kiến thức y khoa thể hiện ở chỗ bệnh nhân chỉ uống thuốc ngay lúc bệnh, và ngưng ngay lập tức khi thấy dấu hiệu thuyên giảm.”

Dược Sĩ Trực Ðoàn, hiện làm việc trong hệ thống CVS Pharmacy, còn nghi là tỷ lệ người Việt Nam không uống đủ thuốc còn cao hơn thống kê của OCHNA. Theo Dược Sĩ Trực Ðoàn, phải có từ 80-90% người Việt là “không dùng hết thuốc.”

Nguyên nhân của việc uống thuốc không đúng và đủ, theo Dược Sĩ Trực Ðoàn là “do sự hiểu biết về y khoa kém và ý thức xã hội không cao.”

Chia sẻ về chuyện không bao giờ thực hiện rốt ráo toa thuốc của bác sĩ, ông Ngô Văn Quy, ngoài 60, cũng một cư dân của Orange County, cho biết: “Lúc trong phòng bác sĩ, bác sĩ dặn thế nào tôi cũng nghe hết, cũng tự hứa là sẽ làm theo như vậy, nhưng khi bước ra ngoài là tôi quên hết trơn.”

Trong mười toa thuốc bác sĩ cho, chỉ đi mua khoảng sáu, bảy cái và không bao giờ đủ số thuốc đó là chuyện xảy ra thường xuyên với ông Quy. Lý do ông Quy không uống thuốc đầy đủ liều lượng theo yêu cầu là vì “uống vào khỏe cái này lại mệt cái kia.”

124567-Nguoi-Viet-Uong-thuoc_1-400.jpg

Bác sĩ gia đình Nguyễn Trần Hoàng: “Với những bệnh như cao huyết áp, hay tiểu đường, cần phải hiểu là uống thuốc đều là để ổn định tình trạng huyết áp hay lượng đường trong máu. Nếu uống thuốc không đều thì huyết áp không kiểm soát được. Và như vậy, sẽ gây ra biến chứng nhiều hơn.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Không uống đủ thuốc của mình, nhưng thỉnh thoảng ông lại uống thêm thuốc của... người khác. “Khi nghe bạn bè nói: ‘đừng uống thuốc đó, nóng lắm, uống cái này hay nè,’ là tôi lại nghe theo lời bạn, uống thuốc bạn đưa cho.”

“Mỗi người Việt Nam đều tự làm bác sĩ cho mình và cả làm bác sĩ cho người khác nữa,” ông Quy nói một cách dí dỏm.

Tự định bệnh, tự cho thuốc

Không phải chỉ ông Quy là tự làm bác sĩ cho mình. Nhiều người khác cũng tin vào khả năng định bệnh của mình, hơn là khả năng của bác sĩ.

“Chỉ có mình mới hiểu rõ cơ thể mình nhất,” bà Ninh Thơ, 67 tuổi, nói. Bà Ninh Thơ, làm công việc thiết kế trình bày bìa sách, đang sống tại thành phố Cypress, không ngần ngại khi xác nhận rằng bà “không bao giờ uống thuốc theo toa bác sĩ.”

Chính vì “hiểu cơ thể mình” nên bà Thơ luôn “nghe ngóng” mỗi khi cần phải uống thuốc, “nhất là uống trụ sinh vào thì khó chịu lắm, nên khi nào đối đế lắm mới phải uống, mà uống vào thấy không ổn là ngưng hay giảm ngay.”

Ðể chứng minh cho việc bác sĩ không thể hiểu hết thể trạng bệnh nhân bằng chính người bệnh, bà Thơ kể lại kinh nghiệm lần bà cùng người nhà đưa mẹ bà vào bệnh viện.

Bà Thơ kể: “Bà cụ bị cảm và khó thở. Chị tôi và tôi đưa cụ vào nhà thương. Bác sĩ cho uống. Vừa uống vào, bà cụ như bị bốc hỏa, kêu nóng ầm trời, muốn cởi tung hết đồ ra. Bác sĩ cũng không hiểu sao. Tụi tui bàn nhau đưa bà về nhà. Rồi lấy đậu xanh nấu nước cho bà uống. Từ từ bà tỉnh lại bình thường.”

Tất nhiên, nếu có những bệnh nhân không uống đủ thuốc, thì cũng có những bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, nhất là với các loại thuốc trụ sinh.

“Phải uống thuốc cho đều đặn, đủ liều để chết con vi trùng, nếu không nó quật lại mình” là ý kiến của bà Công Huyền Tôn Nữ Hồng, cư dân thành phố Garden Grove, và cô Ivy Nguyễn, ở thành phố Irvine.

Tuy nhiên, “đó chỉ là với thuốc trụ sinh” cô Ivy chia sẻ. “Với những loại bệnh cảm thông thường, hay đau nhức gì đó thì tôi chỉ uống đến khi hết bệnh thôi, chứ không uống hết thuốc.”

Cô Ivy cũng thừa nhận là có những lúc đi bác sĩ, nhận toa thuốc, nhưng rồi “bận rộn chưa kịp đi lấy thuốc thì bệnh đã bớt nên cũng đâu có cần mua thuốc nữa làm chi.”

Nguy cơ khi không uống đủ thuốc

Việc không uống đủ thuốc, theo lời Dược Sĩ Trực, là một điều nguy hiểm. Ông cảnh cáo: “Việc không uống thuốc theo đúng hướng dẫn là quá nguy hiểm vừa cho bản thân người bệnh, vừa phí tiền xã hội, vừa truyền thêm con vi trùng lờn thuốc sang cho người khác.”

“Không uống hết thuốc như vậy là một sự phí phạm xã hội,” Dược Sĩ Trực nói. “Phải mất đến 20 năm mới chế ra một loại thuốc trụ sinh mới, nhưng chỉ 3-5 năm là thuốc đã bị 'lờn' do không uống thuốc đúng liều lượng.”

Người dược sĩ này khuyên: “Ðương nhiên không ai ép bệnh nhân phải uống thuốc. Người bệnh có quyền chịu trách nhiệm về bệnh tật của mình. Nếu đã không thích uống thuốc, để cơ thể tự chống chọi với bệnh tật, tự sinh ra kháng thể thì cũng được. Nhưng nếu đã uống thì uống cho đúng và đầy đủ.”

Về phần mình, Bác Sĩ Hoàng giải thích thêm: “Với những bệnh như cao huyết áp, hay tiểu đường, cần phải hiểu là uống thuốc đều là để ổn định tình trạng huyết áp hay lượng đường trong máu. Nếu uống thuốc không đều thì huyết áp không kiểm soát được. Và như vậy, sẽ gây ra biến chứng nhiều hơn.”

Ðể hạn chế điều nguy hiểm này, kinh nghiệm của Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng là, “Bác sĩ cần bỏ thời gian nói chuyện, giải thích với bệnh nhân thì họ sẽ uống thuốc đúng hơn.”

Bên cạnh đó, Bác Sĩ Hoàng còn nêu lên một tình trạng là “một người đi khám bệnh mà muốn xin thuốc cho cả nhà.” Hoặc đôi khi chỉ ho cảm bình thường nhưng bệnh nhân cũng xin thuốc trụ sinh “để dành cho người nhà.”

Với chuyện “lấy thuốc người này cho người kia uống,” Dược Sĩ Trực cho rằng: “Chẳng khác nào như lái xe freeway mà nhắm mắt vậy. Quá nguy hiểm. Và làm như vậy là phạm luật.”

Dược Sĩ Trực nói: “Chưa kể thể trạng mỗi người mỗi khác. Mỗi lần bác sĩ cho thuốc, bác sĩ phải biết chắc bệnh nhân hợp với loại nào, không hợp loại nào. Cho nên hãy nhớ thuốc người nào, người đó uống, và phải uống đủ.”

“Ðừng như bố tôi,” Dược Sĩ Trực nói. “Lúc bị cao máu cao mỡ nhẹ dù con cái có nói bao nhiêu vẫn không uống thuốc đủ. Bây giờ, ông phải uống một lúc 7 thứ thuốc bởi những biến chứng của những bệnh trên.”





Ngọc Lan/Người Việt​
 
Back
Top