Tỉnh Xvétlốp (phía Đông LB Nga) nằm trên sườn dãy núi Uran, vắt ngang ranh giới giữa châu Âu và châu Á. Có lẽ đặc điểm này là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền và dân địa phương có thái độ thân thiện với người lao động nhập cư châu Á.
Chợ người Việt ở Nga.
Tại đây đã hình thành các cộng đồng người Tuốcmênixtan, Tátgikaxtan, Cưrơgưxtan, Việt Nam và Trung Quốc... Sự phân công lao động giữa các nhóm người nhập cư đã hình thành một cách tự phát. Người Trung Á có vóc dáng to khỏe, thiếu vốn và kinh nghiệm buôn bán thì chủ yếu làm bảo vệ, cửu vạn và bán hàng thuê. Người Việt, người Hoa cùng kinh doanh hàng vải và làm dịch vụ.
Người Việt trung thành với… chợ
Tại tỉnh Xvétlốp có khoảng 7000 người Việt, tập trung ở thủ phủ Êcatêrinbua. Khó nói con số chính xác vì thường xuyên biến động. Thời gian gần đây việc làm ăn ở LB Nga khó khăn hơn trước, nhất là sau khi chợ Vòm ở Mátxcơva đóng cửa.
Tại một số nơi các nhóm thanh niên địa phương mang tư tưởng bài ngoại cứ nhằm vào người châu Á mà quậy phá nên Êcatêrinbua trở thành đất lành cho cộng đồng người Việt. Mấy năm gần đây từ khắp nơi trong liên bang người Việt đổ về thủ phủ Uran. Tại Êcatêrinbua chúng tôi gặp khá nhiều “đồng hương Mátxcơva” vừa từ bỏ vùng “đất thánh”, trước đây họ đã từng kinh doanh ở các trung tâm thương mại của người Việt tại thủ đô như Xaliút 3, Sông Hồng, Tôgi, chợ Vòm…
Phong cảnh vùng Uran đẹp tuyệt vời với các dãy núi nhấp nhô uốn lượn. Uran là dãy núi già, nghe nói già nhất thế giới, nên các đỉnh của nó thoai thoải chứ không nhọn hoắt, rừng già rậm rì bao bọc tạo nên phong cảnh vừa hoành tráng vừa nên thơ. Xung quanh Êcatêrinbua có nhiều đầm rộng, nước xanh lạ lùng…
Nhưng những người Việt, như con ong mật, ít khi có dịp thưởng ngoạn vẻ đẹp của rừng núi Uran. Họ cần mẫn từ ngày này sang tháng khác bám vào các khu chợ, tích cóp từng đồng rúp để trang trải cuộc sống, dành dụm cho mai sau và giúp đỡ những người thân đang ở quê nhà. Nhiều người còn chưa một lần đặt chân tới cột mốc phân định ranh giới Á-Âu, một địa danh nổi tiếng khắp toàn cầu mặc dù nó chỉ cách khu chợ của người Việt hơn 20 cây số.
Chị Trần Thị Hằng, quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, có một quầy bán quần bò khang trang rộng hơn 20 m2 ở Trung tâm thương mại Tagan, thuộc phần Công ty Pacific của người Việt. Bỏ mặc chàng trai Cưrgưxtan giúp việc giao dịch với khách, chị tiếp chuyện chúng tôi: “Em có 11 năm chuyên kinh doanh đồ bò. Trước em làm ở “Mát” (Mátxcơva) nhưng sau có người mách “Êca” (Êcatêrinbua) yên bình lắm thế là em về đây. Làm được nên ham, quanh năm chỉ nghỉ đúng ngày mồng một tết Tây. Em chuyên bán buôn vì “Êca” là trung tâm của vùng Uran mà, các nơi đổ xô đến mua để về bán lại”.
Chị Hằng thuộc “nhóm trên” ở Êcatêrinbua. Anh Hoàng Văn Tuệ, quê Quảng Bình, không nằm trong số đó. Anh kinh doanh ở khu chợ ngoài trời đối diện với Tagan. Anh cùng một người bạn mua chung một “công” (côngtenơ) để bán quần áo thể thao. Anh Tuệ tâm sự: “Tháng nay “đuội” (ế ẩm) chung ở cả nước Nga, còn tại đây thì vẫn nhúc nhắc. Giao mùa mà. Chỉ cần 4-5 tháng “tít” (bán chạy) là kéo được cả năm”. Anh thật thà liệt kê các khoản chi của gia đình cho phóng viên chúng tôi nghe. Mỗi tháng trang trải cho cuộc sống và việc kinh doanh hết 2.200 USD bao gồm tiền thuế và các phụ phí để nuôi “công”, tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại. Con số gây “giật mình” với những người thân ở Việt Nam nhưng lại gây “cười nụ” với những ai từng kinh doanh ở Mátxcơva vì nó rất khiêm nhường. Anh Tuệ nói rằng anh cũng như những người Việt khác ở tỉnh Xvétlốp chỉ “lo làm lo ăn”, không phải băn khoăn về vấn đề an ninh. Anh thổ lộ: “Nghe nạn đầu trọc ở các nơi tôi ái ngại cho bà con lắm. Riêng ở “Êca” không bao giờ có chuyện đó”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Thành Độ, Chủ tịch Hội đồng hương Việt Nam tại Xvétlốp đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Pacific, cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư vào một khu chợ mới có mái che, có các quầy bán hàng khang trang, nền chợ và đường đi đều được đổ bê tông sạch sẽ. Công ty đảm bảo sự kinh doanh bền vững, an toàn cho cộng đồng. Chúng tôi xác định trước mắt mô hình kinh doanh chợ vẫn đáp ứng tình hình thị trường ở Xvétlốp và phù hợp với trình độ và tiềm lực của người Việt”.
Trần Quang Vinh
(Tamnhin.net