Người làm vườn kiên định - The constant gardener

tvb

Banned
Staff member
Sự chênh lệch giữa các nước thuộc thế giới thứ 1 và thế giới thứ 3 là chủ đề chính của Người làm vườn kiên định (The constant gardener), bộ phim phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của John Le Carre.
poster1____.jpg


Từ Châu Phi yêu dấu

Trong cảnh đầu của bộ phim Người làm vườn kiên định (The constant gardener) của đạo diễn Fernando Meirelles, với góc quay từ trên vai người phục vụ hắt xuống, người xem được dõi theo chân người phục vụ đi từ căn bếp tất bật, mù mịt hơi ra giữa phòng tiệc trang trọng của Cao ủy Anh tại Nairobi. Âm nhạc được chuyển từ nhịp trống cuồng nhiệt sang điệu nhạc cổ điển du dương. Không cần thay đổi trường quay, chỉ với một động tác đung đưa nhanh của chiếc cánh cửa, các hoạt động đã nhẹ nhàng chuyển từ châu Phi sang châu Âu.

Sự chênh lệch giữa các nước thuộc thế giới thứ 1 và thế giới thứ 3 là chủ đề chính của Người làm vườn kiên định (The constant gardener), bộ phim phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của John Le Carre. Phim đề cập đến sự thông đồng giữa chính phủ Anh và 1 công ty dược phẩm đa quốc gia để bóc lột người dân Châu Phi, những người đã vô tình trở thành vật thí nghiệm dùng thử một loại thuốc chống bệnh lao có tên Dypraxa. Quy mô tham nhũng trên phạm vi toàn cầu cho chúng ta thấy sự bất bình đẳng giữa phương Tây và Châu Phi ngay từ đầu phim và càng trở nên rõ nét hơn ở cuối phim. Ẩn sau những cảnh phim này là một câu chuyện hình sự phức tạp do 2 thế giới con người tạo nên.


gardener.jpg


Meirelles và La Carre không có vẻ giống một bộ đôi trời sinh. Meirelles là một đạo diễn mới nổi của Brazil với bộ phim Thành phố của Chúa trời ( City of God)- một bức chân dung phức tạp, tinh xảo về thế giới tội phạm ở Rio de Janeiro. Còn Le Carre sinh tại Dorset, là một cựu trinh thám được học hành bài bản. Các tiểu thuyết về thời kỳ chiến tranh lạnh của Le Carre nổi tiếng với lối miêu tả tỉ mỉ đầy chất Anh về những tác động xã hội. Meirelles không hề giấu giếm sự thờ ơ của mình đối với các tiểu thuyết trinh thám của Le Carre, cũng như việc ông không thích thể loại hình sự nói chung. Meirelles không ngần ngại bỏ đi những sắc thái khác nhau trông hệ thống giai cấp ở Anh mà ông vẫn nói với người ngoài rằng chúng giống như “mật mã bí mật”. Tuy nhiên, Le Carre cho rằng phim chỉ là sự phóng tác từ tiểu thuyết và như thế là ông đã thực sự hạnh phúc rồi. Điều này có thể càng trở nên ngạc nhiên hơn, khi nhà biên kịch Geoffrey Caine, với cách viết phóng khoáng, đã có những điều chỉnh, cắt bớt đáng kể cốt truyện: những chi tiết được coi là quan trọng trong tiểu thuyết như các nhân viên cảnh sát điều tra và nhóm nhà khoa học đứng sau loại thuốc Dypraxa đều được dễ dàng cắt khỏi phim. Đó là sự tự do trong cách thể hiện mà Le Carre đặc biệt đánh giá cao và ông tán thành bởi đó là phim của phim, chứ không phải phim của tiểu thuyết. Cấu trúc không liền mạch của tiểu thuyết vẫn được giữ nguyên thông qua các lớp cảnh hồi tưởng được dàn dựng trau chuốt, rất phù hợp với cách nhìn đứt đoạn của Meirelles. Đối với Le Carre, điều quan trọng là bộ phim vẫn giữ được “cảm xúc” – phần cốt yếu của tiểu thuyết.


constant_gardener_7.jpg


Cảm xúc đó được thể hiện qua nhân vật Justin Quayle, một nhà ngoại giao có tính cách ôn hòa, không có gì nổi bật, người có hành động bị coi là chống đối khi tổ chức lễ cưới bất ngờ với nhà hoạt động trẻ trung, xinh đẹp Tessa. Khi phát hiện Tessa bị giết hại tại miền Bắc xa xôi ở Kenya, Justin đã thôi việc ở Bộ ngoại giao để đi tìm sự thật về cái chết của vợ. Và đây cũng trở thành cuộc hành trình riêng của Justin, Tessa và Justin có thỏa thuận chung là không được nói chuyện về công việc của cô, nhưng sau khi Tessa chết, Justin phát hiện ra rằng Tessa đã tham gia vào một chiến dịch chống Dypraxa và đến lúc này thì anh đã hoàn toàn hiểu cô và chính bản thân anh. Theo Le Carre, Justin bắt đầu nhận ra rằng anh đã cưới được một nửa của mình. Bởi vậy, đây cũng là một câu chuyện tình yêu, được kể lại qua sự hồi tưởng, người xem thấy tình yêu Justin dành cho vợ được hồi sinh và còn sâu đậm hơn.


2005_constant_gardener_012.jpg


Dù ở 2 thế giới đối lập nhau, nhưng Meirelles và Le Carre đều có chung một ý thức trách nhiệm lớn lao đối với sự bất công trong xã hội. Nếu so với thể loại hình sự mẫu mực thì cả tiểu thuyết và phim đều có rất ít cảnh hành động và âm thanh thì ít hồi hộp, mạnh mẽ và phần nhiều là sâu lắng. Không giống Jack Ryans thuộc cùng thể loại phim, Justin không dùng vũ lực để đấu tranh. Giống như ở Thành phố của Chúa Trời, Meirelles không đề cao bạo lực. Chỉ có một cảnh nguy hiểm, đe dọa thực sự. Đó là sau khi Justin đến gặp Brigit, một người bạn của Tessa cùng tham gia chiến dịch chống Dypraxa, anh đã bị tấn công tại khách sạn Đức. Ống kính máy quay theo sát Justin từ phía sau, một kỹ thuật quay gợi cho khán giả nhớ đến các phim kinh dị, và trong suốt cuộc tấn công này người xem thấy được quan điểm của Justin, không cho phép nhìn trực diện vào những kẻ tấn công mình. Còn những trường đoạn khác của phim chỉ thể hiện sự lo lắng, hồi hộp theo bản năng. Khi Justin đến nhận diện thi thể đã bị cháy đen của Tessa trong nhà xác, người xem được tiến gần đến clipboard cứ như thể họ là Justin: ở cảnh này và nhiều cảnh phim đầy xúc động khác, chúng ta thấy như thể chính Rafph Fiennes đang cầm chiếc máy camera để quay.


2005_constant_gardener_011.jpg


Ở một số trường đoạn, bộ phim bị chỉ trích khi mô tả người da đen phải chịu đựng những ánh mắt của những nhân vật chính người da trắng. Thực sự là phim không có nhân vật người Châu Phi nào, ngay cả Arnold Bluhm, bác sĩ người da đen sinh ra tại Bỉ từng bị đồn là người tình của Tessa, cũng chỉ là nhân vật thứ yếu. Chủ ý này là để phục vụ cho cốt truyện chứ không phải là thêm tuyến nhân vật cho đầy đủ. Tuy nhiên, Meirelles lại thực sự thành công khi đưa ra câu hỏi về bản sắc dân tộc- một vấn đề đã được đặt ra trong tiểu thuyết. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của yếu tố châu Phi trong tác phẩm. Meirelles xem Kenya như một yếu tố quan trọng thứ 3 và ông muốn truyền tải đến khán giả một hình ảnh sinh động đầy sức sống về Kenya mà người xem không thể tìm thấy trong tiểu thuyết. Meirelles cố gắng không miêu tả một châu Phi chung chung. Đó không phải là lục địa đen hoang dã của Joseph Conrad, cũng không phải là những đồng bằng phủ bóng hoàng hôn của Xa mãi Châu Phi (Out of Africa). Meirelles sốt sắng đến Kenya để quay những thước phim chân thực. Ông từ bỏ dự định quay phim ở Nam Phi theo như kế hoạch ban đầu. Theo yêu cầu của Meirelles, các nhà sản xuất phải đi xin giấy phép để được làm phim ở Kenya, nơi mà cuốn tiểu thuyết bị cấm lưu hành do những lời chỉ trích, lên án về sự tham nhũng ở Kenya.


2005_constant_gardener_010.jpg


Meirelles bị quyến rũ bởi sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Vùng đất đỏ tự nhiên của hồ Turkana, nơi Tessa chết, có màu giống với màu mái nhà ổ chuột của Kibera. Ở những cảnh phim làm rung động lòng người khi Tessa và Arnold đến thăm những người bệnh ở Kibera, người xem không chỉ thấy những khu nhà ở tạm và đường ray xe lửa cắt ngang khu nhà ổ chuột mà còn được ngắm nhìn lớp sóng màu sặc sỡ được tạo nên bởi hàng trăm con người và động vật, cho thấy một sự sống ở nơi đây.


the-constant-gardener-ralph-fiennes-by-jaap-buitendijk.jpg


Sức sống trong những cảnh miêu tả về châu Phi không phải là sở trường của Le Carre bởi ông thường tập trung miêu tả con người chứ không phải cảnh vật. Chính điều này đã tạo đất cho Meirelles có thể tự tin khẳng định cái nhìn thẩm mỹ của riêng mình. Việc quay cho phim Người làm vườn kiên định (The constant gardener) đôi khi còn sợ là đi quá xa so với cốt truyện của Le Carre. Các hành động được quay thường có tính hồi hộp hơn so với tiểu thuyết: cuộc hành trình tẻ nhạt trên xe lửa từ London đến Berlin của Justin được quay như thể đây là một cảnh rượt đuổi. Ở Người làm vườn kiên định (The constant gardener), Meirelles vẫn tiếp tục duy trì sự cộng tác lâu bền với nhà quay phim Cesar Charlone, tuy lần này ít phô trương hơn so với lần trước trong phim Thành phố Chúa trời nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Một cái tên nữa cũng cần được khen ngợi đó là nhà biên tập Claire Simpson, lần đầu tiên cộng tác với Meirelles nhưng đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với đạo diễn Oliver Stone và Ridley Scott trong thập niên 80. Những đoạn phim có tiết tấu nhanh được ngắt quãng bởi những khoảnh khắc trầm lắng : rời bỏ khoảng khắc tươi cười, hạnh phúc của đôi tình nhân Justin và Tessa, chuyển nhanh sang sự yên lặng lạnh lẽo của nhà xác nơi đặt thi thể của Tessa. Việc tập trung vào phương pháp gợi hình cũng đồng nghĩa với việc để hình ảnh luôn xuất hiện sau lời thoại và âm nhạc thì nhanh hơn một nhịp: khán giả nghe thấy Justin thì thầm: “Ghita, cảm ơn em đã đến” trong khi vẫn thấy cô đang trên hành trình đến gặp anh.


2005_constant_gardener_008.jpg


Hình ảnh được sắp xếp dày đặc một cách giống nhau – một trong những cảnh nghệ thuật nhất được quay khi Justin ở tỏng khu vườn bỏ không của Tessa ở London: màn hình tràn ngập những tán lá xanh tươi tốt, còn đầu của Justin chỉ như một chấm nhỏ ở góc. Thêm vào đó, phim để người xem chỉ dõi mắt nhìn qua một ô kính của cánh cửa sổ hay qua một hàng rào dây thép gai. Tất cả đều rất phù hợp vứoi những ẩn dụ về hình ảnh mà qua đó Justin bắt đầu hiểu ra rằng bức tranh đầy đủ về một âm mưu sẽ không bao giờ được mở ra hoàn toàn.

Ở phim Thành phố Chúa trời, Meirelles vẽ ra 3 hướng kể chuyện với 3 mật mã màu khác nhau. Việc xếp từng lớp màu như vậy cũng đóng vai trò quan trọng trong phim Người làm vườn kiên định. Châu Phi tràn ngập nhiều màu sắc sặc sỡ. Kibera thì toàn ánh vàng cam, bờ hồ Turnaka nơi Tessa chết ngập một màu hồng. Ngược lại, khung cảnh bên trong Cao ủy Anh lại toàn một màu xanh giá lạnh, ánh lên những dải sáng huỳnh quang. Justin và Tessa cũng được phối những màu riêng. Màu dành cho Justin gồm toàn những màu xanh mát mẻ, còn với Tessa thì là những màu đỏ ấm áp. Từ đây người xem dễ dàng có sự so sánh về màu sắc. Tessa với nước da trắng là hiện thân của tinh thần Châu Phi. Ở cuối phim, mối liên hệ sâu đậm giữa Justin và Tessa và cảnh rời ra nước Anh của Justin được thể hiện rõ nét của chiếc áo phông màu hồng mà Justin mặc.


2005_constant_gardener_002.jpg


Những cảm xúc đối lập nhau giữa Châu Phi và nước Anh luôn song hành trong suốt bộ phim, nhưng cuối cùng thì cách nhìn nhận của Meirelles dã chiến thắng. Quay trở lại Cao ủy Anh, giữa những khung cảnh quen thuộc, với buổi tiệc đông vui, nhồn nhịp nhưng sao ta vẫn thấy lạc lõng. Không cần theo dõi câu chuyện diễn ra như thế nào thì sự trung thành với phương Tây cũng bị lay chuyển và châu Phi đã trở thành một phần trong chính chúng ta.


Trương Lê Quân
Theo Sight and Sound
 
Back
Top