Nạn nhân sóng thần tiến thoái lưỡng nan

T

T$

Guest
(ThuVienBao.com) - ( 10:48 AM | 27/03/2011 ) Sống giữa những đống đổ nát khổng lồ do thảm họa kép gây nên hôm 11/3, hàng nghìn người dân thành phố Otsuchi trăn trở với câu hỏi: Rời thành phố hay ở lại?

Nan-nhan-song-than-tien-thoai-luong-nan_Tin180.com_001.jpg

Một tàu bị sóng thần ném lên mái nhà ở thành phố Otsuchi. Ảnh: CNN.

Khi một nữ phóng viên của CNN tới thành phố Otsuchi thuộc tỉnh Iwate, Nhật Bản hôm 25/3, cô thấy nhiều người đi giữa những đống đổ nát. Một số người nói huyên thuyên khi bước. Dường như họ đang cố gắng phân tích tình hình hiện tại và mường tượng những gì sẽ chờ đón họ trong tương lai bất ổn phía trước.

Mỗi người dân Otsuchi theo đuổi một suy nghĩ, song thế khó xử của họ đều giống nhau: Ở lại để xây dựng thành phố từ đống hoang tàn, hay bắt đầu cuộc sống mới ở một thành phố khác?

Ayano Okuba, một cô gái 20 tuổi, không hề tỏ ra do dự khi trả lời: “Dù rất thích Otsuchi, song tôi không thể trở lại”.

Trận sóng thần hôm 11/3 san phẳng ngôi nhà mà Okuba sống khi còn bé và giết chết bà ngoại của cô. Giờ mọi kỷ niệm thời thơ ấu của cô đều đã biến mất.

Akita Sasaki, một người dân sống rất lâu ở Otsuchi, cũng không ngập ngừng khi trả lời. Nhưng ý định của anh hoàn toàn khác. “Tôi sẽ không bỏ nơi đây. Nhiều bạn của tôi không muốn ở lại Otsuchi, nhưng tôi không đi đâu hết”, anh nói.

Sasaki mất cha, mẹ, ngôi nhà, công việc và gần như toàn bộ thành phố mà anh rất yêu quý. Nhưng Otsuchi vẫn là quê hương của anh.

Theo kết quả điều tra dân số mới nhất, 15.590 người sống tại thành phố tính tới tháng 10/2009. Cảnh sát tỉnh Iwate thông báo 504 người chết, 1.048 người mất tích, gần 6.000 người mất nhà vì động đất và sóng thần. Những con số thương vong và mất tích có thể không chính xác, bởi sóng thần cuốn trôi nhiều gia đình tại Otsuchi nên chẳng có ai trong những gia đình xấu số đó tới đồn cảnh sát để báo cáo về người chết và mất tích.

Cái chết của những quan chức lãnh đạo thành phố cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân gặp khó khăn trong việc ra quyết định. Vào ngày thảm họa kép xảy ra, tòa thị chính thành phố Otsuchi nhanh chóng biến thành trung tâm chỉ huy trong nỗ lực đối phó thảm họa chỉ vài phút sau khi động đất xảy ra. Thế rồi cảnh báo sóng thần được ban bố. Thị trưởng Kohki Kato, 69 tuổi, yêu cầu các quan chức trong chính quyền thành phố sơ tán lên tầng hai vì ông nghĩ sóng thần không tràn lên đó.

Nhưng sóng thần nuốt chửng gần như toàn bộ tòa nhà, trừ nóc – nơi một số công nhân thành phố chạy lên. Hơn một nửa số nhà lãnh đạo của thành phố chết hoặc mất tích. Trong số những người chết có thị trưởng Kato.

Nan-nhan-song-than-tien-thoai-luong-nan_Tin180.com_002.jpg

Sóng thần nuốt chửng gần như toàn bộ tòa thị chính thành phố Otsuchi. Ảnh: CNN.

Sau trận sóng thần, một vụ nổ khí ga xảy ra và ngọn lửa lan ra khắp thành phố, đốt những đống đổ nát và biến chúng thành những đống khung thép đen sì.

Sự tàn khốc của thiên nhiên hằn sâu trên khuôn mặt của những quan chức sống sót. Họ làm việc suốt ngày đêm ở trung tâm sơ tán nạn nhân thảm họa, cố gắng cáng đáng cả phần việc của những đồng nghiệp đã chết. Thỉnh thoảng họ khóc khi hướng dẫn người dân điền thông tin vào giấy thông báo người chết hoặc mất tích.

Bên cạnh bàn đăng ký thông tin người chết và mất tích, người ta nhìn thấy một đống ảnh bị ám khói hoặc dính bùn đất. Xa hơn một chút, những người già lần giở những cuốn album ảnh mà họ tìm được trong đống đổ nát của ngôi nhà, cố gắng hồi tưởng những kỷ niệm trong cuộc sống riêng tư trước thảm họa.

Giới quan chức và công chức thành phố đang vạch ra những việc cần làm để khôi phục cuộc sống trong thành phố. Phó thị trưởng trở thành người lãnh đạo cao nhất. Do các nhà lãnh đạo sống sót phải làm quá nhiều việc nên khi ông Shozo Azuma, một trợ lý cao cấp của Thủ tướng Naoto Kan, tới Otsuchi để thị sát tình hình, chỉ có một phụ nữ đón tiếp và dẫn đường cho ông. Người phụ nữ đưa ông tới trung tâm sơ tán và nói rằng thành phố của bà cần thêm thực phẩm, khí đốt, điện và các nhu yếu phẩm.

“Tôi tin rằng những người dân đang đấu tranh với tình thế đáng thương này sẽ khôi phục được cuộc sống”, ông Azuma vừa nói và cầm tay người phụ nữ.

Nan-nhan-song-than-tien-thoai-luong-nan_Tin180.com_003.jpg

Người dân Otsuchi nấu ăn bên ngoài ngôi nhà bị sóng thần phá hủy. Ảnh: AFP.

Nhiều người dân Otsuchi nhận định nói luôn dễ hơn làm. Xu hướng chung của giới trẻ tại đây là tới các thành phố lớn hơn để tìm kiếm cơ hội. Vì thế, giống như các thành phố duyên hải ở phía bắc Nhật Bản, dân số Otsuchi ngày càng già và giảm về số lượng. Sức mạnh kinh tế của Nhật Bản vẫn nằm trong các thành phố lớn, chứ không tới những đô thị nhỏ ven biển như Otsuchi.

Sasaki nói việc thiếu vắng thanh niên có thể khiến mạng sống của những người già sống sót bị đe dọa. Anh cho rằng người trẻ cần ở lại để giúp thành phố. Nhưng ngay cả khi Sasaki quyết định ở lại vì tình yêu quê hương, anh vẫn biết rằng dọn dẹp những đống đổ nát khổng lồ trong thành phố sẽ là một thách thức cực lớn.

(theo vnexpress)
 
Back
Top