Nước mắt người bán nhang

Jolie

Member
Rỗi rảnh, chỉ tán phét. Tôi chẳng giấu giếm gì, ngoài đời có sao kể vậy cho anh em nghe chơi. “Ăng-ten”, “chèo” (1): Chả sợ! Tình trạng của tôi quá xấu, xấu thêm chút nữa cũng không sao. Hai “chú tiểu” (2) nhiều chuyện lắm; giang hồ, đâm chém, đua xe… đều thuộc loại số má. Và dĩ nhiên: Đàn bà nữa

Cửa phòng giam đóng sầm sau lưng. Trước mặt – trong thứ ánh sáng lờ mờ – là hai gã đàn ông đầu trọc lóc, hoàn toàn khỏa thân.
- Nóng nực quá, ông anh.
- Ông anh cởi đồ ra đi, xem có gì nào?
Tên lùn béo mập, đầy vết xăm trổ, phe phẩy quạt nhựa nhìn túi ni lông rỗng không của tôi:
- Không có gì ăn được à?
Tên còn lại cao lớn dị thường nhưng mặt mũi ít cô hồn hơn, lui cui dọn chiếu xuống đất:
- Nhường chỗ cho đại ca.
Vừa ngả lưng chưa kịp tỉnh hồn, cửa sắt kêu loảng xoảng.
- Ra làm việc! – Tên cao lớn nhắc nhở.
Anh cảnh sát chỉ vào tôi rồi đứng sang một bên cửa. Sau này tôi mới biết, người dẫn giải không gọi tên vì sợ các phòng giam khác biết. Bí mật: Ok thôi!
Đi qua nhiều dãy phòng giam, khoảng đất trống, phòng điều tra nằm trong vườn nhãn nặng trĩu trái mọng. Tôi lại chảy nước miếng, dịch vị tiết ra làm bụng quặn đau.


8-minh-1.jpg



Vị sĩ quan cảnh sát, cầu vai vàng lấp lánh mấy ngôi sao, hỏi thăm tôi về sức khỏe, gia đình và hỏi tôi có cần gì không.
- Cán bộ cho tôi xin bàn chải đánh răng, kem và khăn tắm. Tôi chưa được thăm nuôi nên không có gì cả.
- Ở đây, anh đừng kỳ vọng được giúp đỡ. Chúng tôi không làm cho anh được điều gì. Riêng các quyền lợi của người bị tạm giam, chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật…
Thật bẽ bàng, chẳng thà đừng xin xỏ gì còn hơn.
Thế nhưng hôm sau, khi đi làm cung về, tôi thấy chỗ nằm của mình có đủ bàn chải, kem đánh răng, khăn và bịch muối rang sả ớt. Chính bịch muối sả ớt đã giúp tôi suốt mấy tháng chống chọi với cái miệng đã quen ăn mặn ở ngoài đời.
Sau một ngày làm việc với điều tra viên, tôi mệt nhoài nên ăn cơm không vô, nuốt vội mấy muỗng rồi nằm gác tay lên trán.
Tên xăm trổ đưa chân qua đụng nhẹ vào người:
- Ông anh, “suy nghĩ về nước Mỹ” hả? Nói chuyện với đàn em chút chơi?
- Anh mệt quá!
- Thôi, ông anh nghỉ cho khỏe đi, còn khối thời gian bên nhau mà… – Y cúi xuống khều tên cao to, tên này cũng đang gác tay lên trán không thèm trả lời, cây quạt nhựa bộp bộp đập muỗi.
Chán chê, tên xăm trổ ngồi dậy leo lên lỗ thông gió nhìn ra ngoài. Tôi thiếp đi có lẽ khá lâu, ánh đèn phía ngoài bò vào khe hở cửa sắt cho biết trời đã tối. Tên xăm trổ vẫn đu lỗ gió nhìn ra ngoài, lâu lâu lại đổi mắt vì lỗ gió chỉ nhìn được bằng một mắt. Bỗng y thả người rơi xuống đất, nói trống không:
- Mấy con cò đậu trên cây gòn.
Y nằm được một chút rồi ngồi dậy rút chỉ trong áo cuộn cây quạt nhựa thành hình ống cột lại. Tò mò tôi ngồi dậy.
- Chờ đấy ông anh!
Y nhảy phốc xuống hầm cầu ngay sau chỗ nằm rồi thọc cái ống nhựa tròn tự tạo xuống con thỏ, đập muỗi mấy phát rồi kê miệng vào đầu ống nhựa.
- Tên này hóa rồ rồi… – Tôi thầm nghĩ.
Tên xăm trổ rời miệng khỏi cái ống, lấy tay vỗ bộp bộp mấy cái, có vẻ chờ đợi. Lát sau, dường như có tiếng động mơ hồ nào đó, tên xăm trổ kê miệng vào ống:
- Đâu rồi? Bên… này… có… quân mới.
Lại kê tai vào cái ống.
- Không… biết… Còn mệt… Chưa nói chuyện…
Thì ra y đang “điện thoại” cho mấy phòng bên dưới. Cũng đủ chán, tôi nằm xuống gác tay lên trán, mặc kệ lũ muỗi vo ve…
oOo
Rỗi rảnh, chỉ tán phét. Tôi chẳng giấu giếm gì, ngoài đời có sao kể vậy cho anh em nghe chơi. “Ăng-ten”, “chèo” (1): Chả sợ! Tình trạng của tôi quá xấu, xấu thêm chút nữa cũng không sao. Hai “chú tiểu” (2) nhiều chuyện lắm; giang hồ, đâm chém, đua xe… đều thuộc loại số má. Và dĩ nhiên: Đàn bà nữa.
Cả hai chú cùng yêu, ghen và cãi nhau suốt vì người phụ nữ ở phòng giam bên cạnh. Chị nàng bị kết án tử hình vì giết người, cướp tài sản bằng thuốc gây mê trên những chuyến xe tốc hành. Hai “chú tiểu” chỉ nghe tiếng, không thấy hình, như cái tivi bị đứt bóng, nhưng say đắm, gõ tường tranh nhau nói chuyện suốt đêm.
Bóng nắng thu ngắn lại ở khoảng sân trời trước cửa buồng giam, sắp đến giờ phát cơm. “Chú tiểu” xăm trổ khoe:
- Tầm này em hay ngồi ở cà phê Paloma.
- Còn em giờ này nhậu, tối mới làm việc – “Chú tiểu” cao lớn tiếp.
- Chú làm ở cơ quan nào?
- Em bán nhang ở chùa Tràng Vĩnh.
Bỗng dưng chú em bật khóc hu hu.
- Cái quái gì thế? Mày còn được thăm nuôi. Tao với ông anh đây chẳng có miếng khô lận lưng. Ai khổ hơn ai hở ông trẻ?
- Em nói dóc hai anh, em tội giết người chứ không phải trộm cắp đâu…
Phong, tạm gọi thế vì bạn không thể biết được tên thật những người tù cùng ở với mình trong giai đoạn tạm giam, to con lớn xác nên việc nào cũng làm tốt, chỉ tội cái nghèo nên hết làm mướn chuyển sang phụ hồ và ngược lại. Thế mà cô gái xinh nhất xóm phải lòng Phong, bên vợ làm đám cưới luôn. Phong bỏ nghề lực điền theo vợ bán nhang.
Bán nhang thời buổi này không “đơn giản” chút nào. Trước cổng chùa là bãi chiến trường. Người mua đông, người bán còn đông hơn. Phong và anh cột chèo phải gây sự, đánh đấm suốt cả năm mới dẹp được hết các nhóm bán nhang từ nơi khác đến. Địa phương làm ngơ, chẳng ai thưa kiện. Anh em nhà này còn dọn dẹp sạch sẽ đám “cái bang”, “xách giỏ”(3)… Chúng vừa mới lảng vảng là “tả hữu hộ pháp” đã lôi vào sau chùa đập cho sặc máu mũi.
Cổng chùa bình yên.
Thế nhưng, chẳng bao lâu, sóng gió thị trường nổi lên. Hai chị em ruột xích mích vì khách bỏ bên này qua mua bên kia và ngược lại. Hai chị em cãi nhau kinh động chốn thiền môn. Phim chỉ có âm thanh không đã, hai chị em phát hình luôn: Đấm đá, cắn xé coi đã con mắt. Cô em khỏe hơn, đánh chị “nâu mắt bên trái, hổng thấy mắt bên phải”. Anh cột chèo nóng máu, nắm tóc em vợ tát cho mấy cái, gãy cả răng.
Biết lỗi, tối đó anh cột chèo kéo Phong đi nhậu tâm sự:
- Anh xin lỗi hai vợ chồng chú. Thôi, cầm mấy trăm lo thuốc thang em nó.
Phong nguôi nguôi nhưng sĩ diện để tiền lên bàn cạnh xị rượu, chưa chịu bỏ túi.
- Nhưng con vợ mày quá đáng lắm. Mày không biết dạy vợ, mày là thằng ăn bám vợ…
Phong túm cổ áo anh vợ đấm một phát vào đầu, nghe cái bụp như đập gáo dừa nạo.
- Em đánh ổng xong, bỏ về ngủ. Sáng dậy, công an tới nhà bắt em: Ổng chết!
“Chú tiểu” xăm mình hỏi:
- Án mày bao nhiêu?
- 12 niên.
- Ai thăm nuôi mày?
- Vợ em, nó thăm đều lắm. Nhưng nhìn “cái gio”(4), biết nó đuối rồi. Em vô đây, họ tràn ra bán nhang đông lắm, vợ em bán càng ngày càng yếu. Sợ kéo dài, chịu không nổi, nó “bung”…
- Mày là “chèo” phải không?
“Chú tiểu” xăm trổ lao vào Phong đấm đá, Phong ôm đầu chịu trận, không chống cự, không la hét. Tôi rút vào hồ nước xem hai chú đánh nhau. Xem chán, tôi ôm chú xăm trổ xô ra:
- Mẹ kiếp! Ông anh bênh nó à? Em bảo rồi, tâm sự cho cố vào rồi “dựa cột”. Án của nó như cái núi mà không đi trường lao động, không phải “chèo” là gì?
Lãnh cơm xong, chưa kịp ăn, cảnh sát vào xét phòng giam, lấy bàn chải đánh răng chặt ngắn, còn có một mẫu ngắn hơn điếu thuốc. Gớm thật, chú nhỏ đã báo cán bộ lúc lãnh cơm.
“Chú tiểu” xăm trổ lầu bầu:
- Bàn chải đâm đâu có chết, ra tí máu!
Hai ba ngày trôi qua trong sự im lặng khủng khiếp. Chú Phong không dám ngủ nên xọp người trông thấy.
Sáng ngày kế tiếp, cả bọn đổ nước sôi nấu mì. Gọi nước sôi nhưng chỉ hơi nóng nóng. Phải chờ thật lâu mới ăn được. Bỗng có con cào cào rớt xuống. Tôi vồ con cào cào định đùa tí chơi cho đỡ buồn. Cả hai chú ôm tôi lại.
- Đừng bắt, thế nào cũng có thăm nuôi.
- Ông anh là tù con so nên đếch biết. Cào cào bay vô là có thăm nuôi, ngựa trời bay vô là có thằng bị chuyển phòng.
- Nhảm nhí! – Bị chê là ngù ngờ, tôi cãi tới số.
… “Rầm”, cửa phòng giam mở ra.
- Anh kia, ra nhận đồ thăm nuôi.
o0o
Do đã có kết luận điều tra và chấp hành khá tốt nội quy nên tôi được giải quyết cho nhận đồ thăm nuôi. Giỏ đầu nên nặng và chất lượng. Cả ba vui như tết, chén ngay lập tức. Hai “chú tiểu” giết con vịt quay Tạ Uyên béo núc, còn tôi thèm chảy nước miếng khi cầm bịch đường cát lên. Tôi bốc từng vốc cho vào miệng… Quá đã! Ăn gần hết bịch đường, tôi mệt mệt:
- Ê, sao anh chóng mặt, buồn ngủ quá vậy… Báo cấp cứu coi.
Chú xăm trổ không chịu rời cái đùi vịt, nhồm nhoàm:
- Tù con so, ông anh say đường đấy thôi. Lên phản ngủ đi, thức dậy là hết…
Mơ mơ, màng màng tôi nghe hai “chú tiểu” tâm sự về các món ăn ngon, mồi nào “bắt”. Xà quần rồi cũng tới chuyện vợ con. Chú Phong lại thút thít.
- Mày ngu quá! Khóc cái gì? Vợ thăm nuôi đều, mày lại ở đây, thăm gần đỡ tốn kém. Như tao đây, vợ thăm một lần rồi bỏ. Gặp mặt nó nói thẳng: “Ngoài Bắc vô đây xa quá. Án anh còn dài, em “đeo” không nổi!”. Nó bỏ sổ cho tao mấy triệu rồi “té” luôn…
Chú xăm trổ quay mặt vào tường, giang hồ cũng có lúc khóc thầm.
“Chú tiểu” Phong khóc ồ như cha chết:
- Không phải! Em buồn vì chuyện khác…
Thì ra Phong từng ở chung phòng với một chú tù mới, nghi can giết bạn gái. Chú tù mới xem Phong như ân nhân vì đã cưu mang chú khi mới bị bắt, không có cái để ăn uống, sinh hoạt. Cái gì cũng tâm sự.
- Nó ghen với con bồ nên bóp cổ con nhỏ ngoài bờ rạch. Con nhỏ phun máu ướt áo thun nó đang mặc. Nó tiếc nên giấu cái áo trong cây rơm sau nhà thay vì đốt bỏ. Em đã báo cán bộ biết việc này, hy vọng được ở lại lao động, vợ con thăm nuôi gần. Đi trường, em sợ đuối, không “đeo” nổi. Hôm vừa rồi ra thăm nuôi gặp lại thằng nhóc. Tiều tụy lắm. Nó nhìn em… Tự nhiên em thấy buồn quá…
Lại thút thít.
- Mày ngu quá! Nó quen con nhỏ, con nhỏ bị giết chết, điều tra phải bắt đầu từ nó. Công an bắt là đã có chứng cứ rồi. Mày có báo hay không cũng vậy. Mà nó bị án nặng thì đã sao: Giết người đền mạng.
Cái gì đó ngọ nguậy trên mặt, tôi vuốt mạnh, con ngựa trời văng sang người chú Phong. Chưa kịp nói câu nào… “Rầm” cửa tù mở nữa.
- Anh kia. Soạn đồ… – Cán bộ chỉ Phong.
“Chú tiểu” xăm trổ khoác áo lên người rồi cười nịnh:
- Cán bộ mặc đồ cảnh sát oai phong quá, chuyển phòng hả?
- Đi trường.
Cán bộ châm thuốc rít vài hơi, ném xuống đất, bước ra ngoài nghe điện thoại. Đó là tín hiệu để chúng tôi có vài phút chia tay. Chú xăm trổ vồ điếu thuốc rít mấy hơi thật sâu rồi đưa cho Phong. Cũng thế.
Tôi cho Phong toàn bộ đồ thăm nuôi, chừa lại bàn chải đánh răng và nồi thịt kho hột vịt.
“Chú tiểu” xăm trổ không có gì đưa tiễn nên hứa hẹn “về đời anh xăm cho mày con đại” (5).
Chú Phong không chịu đại bàng, đòi xăm hai con chim đâu mỏ nhau như trên tấm thiệp đám cưới.
“Rầm”, cán bộ đá cửa ra hiệu. Đã đến lúc chia tay!…
(1): “Ăng-ten”, “chèo”: Thu thập tin và giả vờ tâm sự để báo cáo lại cán bộ.
(2): Đàn em.
(3): Ăn xin, giật dọc.
(4): Giỏ đồ thăm nuôi.
(5): Đại bàng.
Truyện ngắn của Tân Linh
Theo NLĐ
 
Back
Top