Mùa Xuân viết gửi mẹ cha

Jolie

Member
Cha không mang đào đi bán. Cha mang hoa đến để tặng cho những người thân mà cha yêu thương, những người bạn mà cha gắn bó… Lặng thầm trong sớm xuân sang, cha mang mùa xuân chia đến từng nhà…


1 Năm nào cũng vậy, khi những cánh chim báo tin vui xuân đã về trên mỗi vòm cây đang thắp lên những chồi nụ xanh mơn của yêu thương trước ngõ, con lại thấy cha bận rộn trong vườn – giữa những sắc hoa đào đang ửng hồng, bùng lên ấm áp…

Và rồi cùng chiếc xe đạp đã cũ mềm với những âm thanh lọc cọc, leng keng nhuốm trên đó vết dấu của thời gian, mưa nắng và cả những giọt mồ hôi thầm lặng của cha – con thấy cha chất lên đó những cành hoa đào đẹp nhất trong vườn rồi hì hụi chở đi. Mẹ con vẫn hay bảo cha là "người chở mùa vào phố". Những nụ hoa đào mơ màng, thiêm thiếp ngủ trên niềm hân hoan rạng rỡ của cha…

Cha không mang đào đi bán. Cha mang hoa đến để tặng cho những người thân mà cha yêu thương, những người bạn mà cha gắn bó… Lặng thầm trong sớm xuân sang, cha mang mùa xuân chia đến từng nhà… Mưa mùa mỏng mảnh đọng trên vai áo cha, cùng những giọt mồ hôi lấp lánh của niềm vui ngọt ngào dệt khúc ca, hát tặng cha – người chở mùa xuân vào phố!


Mua-Xuan-viet-gui-me-cha_Tin180.com_001.jpg



2 Ngày nhỏ, con còn nhớ sáng mùng Một Tết nào mẹ cũng trở dậy trước cả nhà, chuẩn bị chở muối đi bán… Con biết bán muối là công việc quen thuộc thường ngày của mẹ ở góc chợ nhỏ ven sông, nhưng con không hiểu sao mọi người bảo ngày Tết là dịp để nghỉ ngơi, tạm gác lại công việc sau một năm làm việc vất vả – mà mẹ thì vãn thầm lặng với chiếc xe đạp lọc cọc của mình đi bán muối?

"Ai mua muối đây! Ai muối nào…"

Tiếng mẹ rao vang lên, lạc lõng trong không gian trầm lặng của một buổi đầu năm… Nhưng phải công nhận rằng vào những ngày nay, mẹ bán được nhiều hàng hơn ngày thường rất nhiều. Phải chăng vì thế mà ngày Tết, mẹ vẫn "tranh thủ", không nghỉ bán? Con cứ giấu thắc mắc ấy trong lòng như một bí mật riêng cho mình mà không chịu nói ra…

Rồi con học lến cấp Hai, được học và phân tích về vẻ đẹp của những câu ca dao, tục ngữ… Đề bài kiểm tra hôm ấy là phân tích hai câu ca dao:

"Tay bưng chén muối, đĩa gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quen nhau!"
Lần đầu tiên con thực sự đào sâu suy nghĩ về ý nghĩa của hạt muối nhỏ bé, mới hiểu được niềm vui trong công việc lặng thầm của mẹ đầu năm; hiểu tại sao trong mâm cơm cúng ngày Tết (rồi cả những ngày Rằm, mùng Một trong mỗi tháng) không thể nào thiếu được một đĩa muối trắng giản dị và nguyên sơ, dù đã có bao nhiều thứ nước chấm nổi tiếng và thơm ngon khác…
Sự mặn mòi của hạt muối trong tiềm thức của người dân Việt là biểu trưng cho sự mặn mà, đằm thắm trong tình cảm giữa người với người (bởi có mặn – mặn như muối, có cay – cay như gừng mới khiến cho con người ta nhớ – nhớ sâu sắc không quen). Phải thế chăng mà có câu tục ngữ: "Đầu năm mua muối, cuối năm vua vôi"?
Những bát muối đầy đặn, mặn mà của mẹ đầu năm hàm chứa bao hạt ước mong, hạt nguyện cầu cho một năm mới đầy may mắn, tình cảm gia đình luôn gắn bó, đằm sâu…
"Muối nào! Ai muối đi!…"
Tiếng mẹ vẫn rao, ấm nồng trong sớm đầu xuân.
Con nhìn theo dáng mẹ gầy khuất dần trên ngõ, nghe lòng ngập đầy bâng khuâng…


Lương Đình Khoa
(theo tintuconline.vietnamnet)
 
Back
Top