Mùa Lễ Tạ Ơn 2010

Y tá đến nhà chích cho Vincent Thái Nguyễn
để kích thích tủy bào sinh sản – ảnh: Vi Lang/Viễn Đông
LITTLE SAIGON - Vào những dịp Lễ Thanksgiving, nhiều người Việt Nam thường kêu gọi hãy làm một việc gì đó trả ơn cho đất nước và người dân Hoa Kỳ đã dang rộng vòng tay cưu mang chúng ta. Một bạn trẻ Việt Nam sanh tại Mỹ, anh Vincent Thái Nguyễn, 23 tuổi, sinh viên ngành Kế toán thuộc đại học Cal State Fullerton, có lẽ chưa từng nghe lời kêu gọi đó, nhưng từ trong trái tim yêu thương đồng loại, đã quyết định ghi danh hiến tủy, và thật hy hữu, Vincent Thái đã có cơ hội trao tặng món quà sự sống cho một người vào đúng dịp Lễ Tạ Ơn năm nay.
Câu chuyện bắt đầu cách nay bốn năm, lúc đó Vincent Thái Nguyễn, ngụ tại thành phố Los Alamitos, đang học năm thứ hai tại Cal State Fullerton. Vào một buổi picnic do Hội Sinh Viên Việt Nam tổ chức tại bãi biển Corona Del Mar, có một nhóm cổ động ghi danh hiến tủy đến. Nhóm này cho biết hiện có một em người Việt Nam đang cần được thay tủy, nếu không, em gái này sẽ chết trong vài tháng nữa. Từ trong trái tim, có điều gì thôi thúc Vincent, anh không ngần ngại ghi tên tình nguyện hiến tủy, để có cơ hội cứu sống một mạng người, bất kể người đó là ai.
Bốn năm trôi qua, ngoài thì giờ dành cho việc học, Vincent Thái còn nhận đi chụp hình đám cưới để có chút tiền tiêu xài, và là một trong những phóng viên của nhật báo Viễn Đông. Do công việc học hành và nghề nghiệp, lại chẳng ai nhắc nhở gì, vì thế Vincent quên khuấy đi chuyện hiến tủy.
Bỗng nhiên, cách nay 3 tháng, Vincent nhận được một tấm thiệp viết bằng tiếng Việt của một hội hiến tủy ở Quận Cam cho biết, tủy bào của Vincent đã hợp với tủy bào của một bệnh nhân đang mỏi mòn chờ đợi để được cứu mạng.
Theo lời thân mẫu Vincent cho biết, đọc thư, Vincent thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó, căn cứ theo thư báo tin, Vincent được giới thiệu qua chương trình hiến tủy toàn quốc (National Marrow Donor Program – NMDP) để kiểm tra sức khỏe toàn diện và xét nghiệm máu hai lần trong hơn một tháng. Kết quả, tủy bào phù hợp 100% với bệnh nhân.

Vincent Thái Nguyễn đang lim dim trong khi
máy lọc máu lấy tủy làm việc tại khoa ung thư,
bệnh viện St. Joseph – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông
* Chặng đường ngắn ngủi của tủy bào
Chương trình hiến tủy NMDP hợp tác cùng khoa ung thư thuộc bệnh viện Saint Joseph để thực hiện việc lấy tủy bào và chuyển giao cho người bệnh đang chờ. Bà Peggy Macauley, điều phối viên chương trình hiến tủy của NMDP tại bệnh viện St. Joseph, nói với Viễn Đông: “Để thực hiện được một trường hợp hiến tủy cứu mạng, có rất nhiều giai đoạn, nhiều tổ chức cùng làm việc với nhau. Chúng tôi chịu trách nhiệm chăm sóc người hiến tủy, lấy tủy bào, rồi chuyển đến bệnh nhân. Tủy bào sống được tối đa 72 tiếng đồng hồ, nên chúng tôi phải sắp xếp lịch trình sao cho cả người hiến tặng và người nhận đều sẵn sàng cùng lúc”. Người nhận có thể ở Hoa Kỳ, cũng có thể ở một nơi xa xôi nào đó trên trái đất.

Hàng triệu tủy bào vừa mới được lấy xong
ảnh: Vi Lang/Viễn Đông
Bà Tina Tillman, y tá bệnh viện St. Joseph, làm việc trong chương trình tế bào, cho biết, có hai cách lấy tủy, một là qua cuộc giải phẫu rút tủy từ xương, hai là lọc lấy tủy bào từ máu, như trong trường hợp của Vincent, tùy theo hoàn cảnh, tình trạng của bệnh nhân. Có nhiều loại bệnh cần đến tủy bào; một trong những bệnh phổ biến là ung thư máu (leukemia).
Do yêu cầu của chương trình hiến tủy và bệnh viện, trong bài viết này, chúng tôi không thể đề rõ ngày giờ buổi hiến tủy của Vincent cũng như không được biết danh tánh của người nhận tủy theo luật định.
Thời gian bệnh viện St. Joseph chuẩn bị những bước cần thiết để Vincent vào hiến tủy là một tuần. Ngày đầu tiên, bệnh viện chuyển thuốc cấp tốc đến nhà để giữ sẵn trong tủ lạnh.
Ngày thứ nhì, trước buổi thực hiện tiến trình hiến tủy, Vincent viết trong nhật ký: “Vẫn là một ngày bình thường. Tôi đã quyết định sẽ tiến tới luôn với việc này, cho nên tôi sẽ tự vượt qua nỗi sợ hãi hay sự lo lắng. Tôi đã sẵn sàng... Chỉ hy vọng rốt cuộc rồi tủy bào của tôi sẽ giúp được người ta...”.
Sáng ngày thứ ba, Vincent vào bệnh viện để chích mũi thuốc đầu tiên làm tăng số lượng tủy bào. Vincent viết trong nhật ký: “Như mong đợi, không thấy có triệu chứng gì trở ngại, và mũi chích không làm tôi đau như tôi tưởng”. Đến tối thì Vincent cho biết hơi nhức đầu.
Ngày thứ tư, thứ năm, và thứ sáu của tuần lễ chuẩn bị, y tá đến nhà chích thuốc cho Vincent vào cùng giờ buổi sáng mỗi ngày. Vincent ghi nhận có cảm thấy nhức đầu vào buổi tối, phản ứng phụ của thuốc chích làm tăng tủy bào. Bà Macauley cho biết, những phản ứng phụ ngắn hạn, thông thường khi chích thuốc là người hiến tủy có thể cảm thấy mỏi mệt, đau nhức, buồn nôn.
Người y tá đến nhà chích thuốc giải thích cho gia đình biết, đến ngày lấy tế bào tủy, Vincent sẽ vào bệnh viện để các chuyên viên lấy một số lượng máu cho chạy qua một máy lọc, lọc lấy tủy bào, số máu lọc xong lại chuyền trở lại trong người Vincent ngay. Dù được nghe giải thích như thế, thân mẫu Vincent nói: “Cháu tỉnh bơ à, giá như tôi, chắc cũng ngán lắm”.
Buổi sáng ngày hiến tủy, vào lúc 7 giờ 30, chúng tôi có mặt tại bệnh viện St. Joseph để quan sát diễn tiến sự việc. Trong lúc ngồi chờ ở phòng khách, chúng tôi hỏi thân mẫu của Vincent: “Cháu Vincent sắp sửa làm một việc nghĩa, là mẹ của Vincent, chị nghĩ sao?”. Bà trả lời: “Tôi thấy cháu rất bình thản, mấy ngày nay, cháu vẫn làm những việc thường ngày cháu làm, hút bụi, lau nhà, dọn dẹp, nên mình thấy cũng an tâm. Vả lại, việc cháu làm hôm nay là việc nên làm, còn gì quý hơn bằng cứu được mạng sống của người khác bằng chính hy sinh một chút gì trong thân thể của mình, nhất là việc này lại trùng hợp trong mùa lễ Tạ Ơn, nên đó là một việc rất ý nghĩa; hơn nữa lại thực hiện ngay trong bệnh viện mang tên Thánh Giuse (Saint Joseph), dưỡng phụ Chúa Giêsu thì tôi an tâm lắm”.
Một người y tá ra dẫn Vincent vào trong. Thân mẫu Vincent dặn con: “Cầu nguyện nghe con”. Một lúc sau anh trở ra, với một bên tay trái có gài sẵn một cây kim được dán kín lại. Chúng tôi hỏi Vincent: “Có đau không?”.
Vincent cười: “Dạ, hơi đau một chút, tại cây kim dài quá!”. Và anh nói 40 phút sau, anh sẽ trở lại tiếp tục.
Gia đình Vincent và chúng tôi cùng đi ăn sáng trong bệnh viện. Vincent vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Chúng tôi hỏi anh:
“Lúc ghi danh hiến tủy cách nay 4 năm, Vincent có nghĩ tới ngày này không?” Vincent nói: “Cháu không nghĩ gì, chỉ biết rằng mình ghi là ghi thôi! Không ngờ hôm nay có người hợp với mình”.
“Sau khi nhận được giấy báo hiến tủy, cháu có nghĩ sẽ đổi ý không?”
“Không, bây giờ có muốn cũng không được, vì có người đang mong chờ được sống, mà tại sao phải đổi ý?”
“Còn bây giờ Vincent đang nghĩ gì?”
“Cháu muốn cho mau mau xong để về nhà thôi”.
Câu chuyện đến đó thì nhân viên bệnh viện ra mời một mình Vincent vào để chính thức lấy tế bào tủy qua đường lọc máu.

Các y tá hát bài ca cám ơn người hiến tủy mừng
Vincent Thái Nguyễn – ảnh: Vi Lang/Viễn Đông
Gia đình Vincent và chúng tôi ngồi đợi khoảng một tiếng. Một nữ y tá ra mời thân mẫu Vincent vào. Một lúc sau bà trở ra cho biết, vì chích thuốc kích thích tăng trưởng tủy bào nhiều, nên máu đông đặc và do đó việc rút máu ra rất chậm, đến 6 giờ tối mới xong. Vincent được cho uống thuốc an thần và đã lim dim ngủ.
* Có tủy phù hợp còn khó hơn trúng số
Bà Macauley nói với chúng tôi, người Việt Nam vẫn còn một số người lo ngại việc hiến tủy, sợ rằng lấy tủy ra sẽ làm cho người yếu đi. Bà kể, cách nay vài năm, có một cô sinh viên gốc Việt cũng được gọi đi hiến tủy, nhưng gia đình không đồng ý, ngăn cản mãi; rốt cuộc, cô đến bệnh viện St. Joseph một mình, không người thân đi cùng, để làm nghĩa cử này. Vì vậy, trường hợp của Vincent có cả bố mẹ đi theo để ủng hộ tinh thần “thật là quý”, theo nhận xét của bà.
Nữ y tá Tillman cho biết, xác suất có được tủy phù hợp 100% giữa hai người xa lạ còn khó hơn là trúng số, vì thành phần cấu tạo di truyền trong mỗi người. Tại bệnh viện St. Joseph, một trong những nơi lấy tủy lớn nhất Hoa Kỳ, có khoảng 100 trường hợp cho tủy mỗi năm. Trung bình từ lúc ghi danh hiến tủy đến khi có người cần đến là 8 năm, nhưng cũng có người vừa mới ghi tên đã được kêu, có người chờ hàng chục năm vẫn chưa thấy ai gọi đến.
Theo tài liệu của tổ chức NMDP, có hai cách lấy tủy bào. Phương thức thứ nhất gọi là hiến tặng huyết bào gốc ngoại vi (Peripheral Blood Stem Cell, hay PBSC) bằng cách lọc máu như trường hợp của Vincent, không phải qua phẫu thuật. Cách thứ nhì là hiến tủy, bằng cách phẫu thuật ở vùng xương chậu để lấy dịch tủy. Hai cách này đều tương đối an toàn, và số tủy lấy ra chỉ tối đa 5% lượng tủy trong cơ thể, các tế bào sẽ tự thay thế trong vòng 4-6 tuần lễ sau khi hiến tủy.
Bà Macauley cho hay, thống kê cho thấy người Á châu ít ghi danh hiến tủy hơn người da trắng nhiều, cho nên khi có bệnh nhân người Á châu, xác suất tìm được tủy phù hợp với họ cũng hiếm hoi hơn.
* Cho đi và nhận lại
6 giờ tối, sau khi xong việc lọc máu lấy tủy bào, bố mẹ Vincent đến đón con về. Các y tá cùng bà Peggy Macauley đứng quanh giường, hát tặng Vincent bài hát về hiến tủy nhan đề “You’re the Best!” (Bạn là người tuyệt nhất!) do bà sáng tác lời, dựa trên giai điệu “Be Our Guest” trong phim “Beauty and the Beast”. Bài hát này vừa được giải thưởng sáng tạo tại hội nghị NMDP thường niên giữa tháng 10 năm nay. Vincent còn được tặng một tấm mền và bằng khen.
Ngày thứ Tư trước Lễ Tạ Ơn, 24-11, Tổng thống Barack Obama, theo truyền thống hàng năm, phóng sinh một cặp gà tây. Trong bài phát biểu, ông nói: “Điều này đương nhiên chính là ý nghĩa đích thực của Lễ Tạ Ơn. Dịp lễ này đòi chúng ta tỏ lòng cảm tạ về những gì chúng ta có được, và quảng đại đối với những ai sở hữu ít hơn. Đây là dịp sum vầy với những người mà chúng ta yêu mến, và là cơ hội bày tỏ lòng nhân từ và sự quan tâm đối với những người mà chúng ta chưa bao giờ gặp mặt. Đây là một truyền thống làm cho chúng ta đoàn kết lại thành một cộng đồng, ngay từ khi chúng ta chưa trở thành một quốc gia , khi mà vùng đất nơi chúng ta đang đứng chỉ là miền đất hoang vu. Vào thời ấy, nội chuyện được sống còn đã là một phúc lành lớn nhất cho tất cả mọi người rồi. Về sau, Tổng Thống Lincoln tuyên bố lập ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên trên toàn quốc, ngay giữa lúc xảy ra cuộc Nội Chiến. Giữa lúc cực điểm của cuộc Đại Suy Thoái, các cơ sở kinh doanh địa phương đã đóng góp những khoản hiến tặng và từ thiện, mở cửa nhà mình đón tiếp những kẻ không có một nơi nào cả để mừng Lễ Tạ Ơn. Trong thời chiến tranh, quân đội chúng ta đã ra sức vượt khó khăn, để đem đến cho mọi người chúng ta, nam cũng như nữ, trên các mặt trận một bữa tiệc gà tây và một cảm giác ấm cúng gia đình. Vì vậy tại Hoa Kỳ, chúng ta đến với nhau khi gặp thời buổi khốn khó. Chúng ta không bỏ cuộc. Chúng ta không than phiền. Và chúng ta không quay lưng lại làm ngơ với nhau. Thay vì vậy, chúng ta đi tìm nhau, góp một bàn tay, và trao tặng những gì chúng ta có thể cho được. Trong tiến trình ấy, chúng ta tiết lộ cho cả thế giới thấy rằng chúng ta một mực yêu mến đất nước này. Chúng ta là những con người như vậy. Đó chính là mẫu người mà Lễ Tạ Ơn nhắc nhở cho chúng ta biết trở thành. Vì thế tôi hy vọng tất cả mọi người bỏ thì giờ ra trong dịp lễ này, để tặng lại và phục vụ cộng đồng của mình bằng một cách thức nào đó”.
Trên đường từ bệnh viện St. Joseph về tòa soạn, chúng tôi nhớ câu của ông bà mình ngày xưa thường khuyên dạy:
“Dù xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người”.
Quả thật, một người trẻ Việt Nam đã làm được một việc đại nghĩa, xuất phát từ con tim yêu thương đồng loại, để tạ ơn cuộc sống bằng cách trao lại một tia hy vọng được sống cho một người mà anh chưa hề gặp mặt.
Để tìm hiểu thêm và ghi danh hiến tủy, quý độc giả có thể liên lạc:
Hội hiến tủy Á châu A3M (Asians for Miracle Marrow Matches)
Điện thoại: 888-236-4673
Email: [email protected]


Thanh Phong/Viễn Đông