Lồng đèn

Jolie

Member
Bố tôi là người phết lồng đèn có tiếng nhất thôn, nên việc làm không ngớt. Bố cần mọi người trong gia đình giúp một tay để hàng giao không chậm trễ. Thậm chí anh chị em tôi tuy còn đi học vẫn phải góp công vào những lúc nghỉ hay cuối tuần. Bố lăng xăng phân việc cho từng người, riêng khâu chọn nan, vót để làm khung thì nhất định bố dành tự làm.


Không phải bố tôi muốn dấu nghề mà ông cho rằng phải thật cẩn thận thì mới giữ được nghề lâu bền và tiếng tăm không bị mai một. Đúng vậy, khắp thôn khi có việc, dù lớn hay nhỏ, dù công hay tư, gia đình và bố đều góp phần vào niềm vui hay nỗi buồn của mọi người.


Đình đám, hội hè, quan hôn tang tế, cả thôn đều lung linh huyền hoặc màu lồng đèn đỏ chói, như một thông lệ. Có người thắc mắc đem đặt vấn đề với bố tôi tại sao hỉ sự cũng dùng màu đỏ mà tang gia ông cũng dùng màu đỏ nữa. Bố tôi nhẩn nha cắt nghĩa : màu sắc tự nó không mang một ý nghĩa nào riêng biệt, chẳng qua tại tâm trạng hay con mắt người đời điểm vào mà ban cho nó một giá trị vui hay buồn thôi. Màu đỏ nếu thấp thoáng ở đám cưới thì vui, còn gặp nhà đang buồn thì nó vẫn buồn.


Việc làm lồng đèn này theo bố tôi kể lại là một nghề gia truyền. Kể từ đời ông cố, ông nội rồi đến bố tôi, thế hệ này truyền sang thế hệ kia, mẫu mực và cách thức như nhau, nên nghề vẫn được giữ vững, dù thời cuộc đổi thay hay vật đổi sao dời.


Bố vừa làm vừa giảng giải : chọn tre phải chọn loại cật như thế nào, vót nan phải đẩy dao ra sao, ngâm nước thời gian bao lâu để nan nở, lưỡi dao mài thế nao để giữ nét sắc bền. Giảng thì giảng, nhưng xem ra người nắm được yếu quyết không mấy. Với người thuê ngoài thì bố còn xuề xòa, với anh chị em tôi bố thở dài than ngắn vì lo nghề bị triệt tiêu dần và phí hoài công lao từ nhiều đời lưu lại.


Tôi là trai lớn nhất nên thấy tôi có vẻ ít chuyên tâm, ông cau mặt không vui. Ông lầm bầm ; ngữ này chắc rồi bỏ hết nghiệp xưa. Ông không tiếc vì mối lợi thu vào mà chỉ tiếc công vun bồi cả đời đến khi thành nếp thì lại không có người chịu níu lại.


Của đáng tội, nghề của bố âm thầm mà danh vang rất xa. Làng bên hoặc ở tận đẩu đâu, nghe tiếng đều cử người đến nài xin bố kéo giàn trò lên giúp đỡ. Bố tất tả nhận ngay, thuê thêm bạn thợ, rồi kéo nhau đi cả tuần lâu lắc. Bố về kể lại khách đãi ra trò, bạn thợ thỏa thuê no say, lại còn nhận tiền thưởng. Lễ tuy chỉ là phường hội của một am hay đình, nhưng bố vận dụng làm đèn treo khắp chỗ, nên đêm tối lồng lộng như hoa đăng rất đẹp. Khách dự hội tấm tắc khen hay.


Phương chi là việc ở thôn nhà, bố kí cóp dốc lòng làm cho tất cả mọi nơi đều có một lồng đèn treo trước cửa. Đêm phát sáng lung linh như con đường trong tranh, bố bắc thang gọi tôi leo lên mái ngồi ngắm vui mừng. Lúc đó, bố đem tâm sự ra uốn nắn tôi : con xem thôn ta mở hội, đâu dễ gì thôn ai làm được thế này. Rồi bố não nuột buông lửng một câu : vậy mà con chẳng cố học nghề của bố. Tôi nghe muốn vỡ tim, vừa ân hận, vừa giao động, vùi vào người bố mà khóc tủi. Bố động lòng nên cũng ôm chầm lấy tôi, xoa nhẹ lên bờ vai.


Năm thôn cử hành lễ hội mừng độc lập lần đầu, bố ki cóp làm lồng đèn gần cả tuần, hối hả cho kịp và tẩn mẩn cho đẹp. Mỗi nhà đều có treo trước cửa, thậm chí trẻ con cũng có một cái con con cầm nơi tay. Cho nên lúc khoa trương khí thế rất uy nghi và hoành tráng. Cả thôn lấp lánh màu hạnh phúc tuyệt đẹp.


Thôn tôi ở gần thành phố nên trở thành tề rất sớm. Bố tóm gọn của cải bỏ thôn để tránh cảnh chém giết máu me. Vậy mà bố không chịu để lại mấy cái lồng đèn khi di chuyển gia đình. Mẹ tôi càu nhàu tính lẩm cẩm của bố, nhưng ông vẫn lẳng lặng làm theo ý mình. Về thành phố, mỗi tuần bố đều thắp lồng đèn sau khi phết lại giấy bọc ngoài và tắt ngóm đèn điện. Bố bảo tiết kiệm tiền và đồng thời để duy trì màu sắc bồng lai nơi trần giới.


Mà quả vậy, bố trân trọng thắp hai bên cửa hai lồng đèn, lại treo lơ thơ ở gác lửng một cái khác và gọi cả nhà ra xem. Mặt ai cũng hồng hào khỏe mạnh, bố xoa tay tấm tắc rất vui. Hôm ấy, thế nào bố cũng nhờ mẹ mua ít kẹo lạc và nấu ấm chè tươi để cùng uống với nhau thưởng thức.


Sau Điện Biên, đất nước chia đôi, bố bỏ vào Nam vì thấy không thích hợp cuộc sống khắt khe. Mẹ chần chừ không muốn bỏ mồ mả tổ tiên và căn nhà vừa mua, nhưng bố nói mãi mẹ cũng theo. Lỉnh kỉnh vác xuống tàu, ngoài tay nải quần áo còn cả mấy cái lồng đèn, chia cho mỗi người cầm tay. Ai cũng lạ lẫm, nhưng bố tỉnh bơ không chú ý.


Trải bao năm tháng, dù đi đâu ở đâu, bố cũng không bỏ rơi mấy cái lồng đèn. Thậm chí về sau, lồng đèn ngoại nhập vào làm bằng nhựa, bằng thau hay bằng những vật liệu kim khí, trông rất sang, đẹp, lại rẻ tiền nữa thì bố vẫn lui cui giữ ý thích của mình. Trung thu nào bố cũng treo lồng đèn bố làm để đua tranh cùng chị Hằng vằng vặc. Sau lễ lại đem bọc cất vào kho.


Ngày miền Nam bị xâm chiếm, bố thở dài sườn sượt, nhuốm thậm buồn. Tự dưng, bố dấu biệt lồng đèn trong nhà kho, không bao giờ sử dụng nữa. Anh chị em tôi lớn dần, thi thoảng có chia xẻ tâm sự với bố, người trầm ngâm nhiều hơn. Có gạ lắm, bố chỉ nói : vui gì mà thắp lồng đèn. Rồi loáng thoáng bố nói thêm : tại sao người ta không làm được một cuộc di cư như hồi 54 nhỉ.


Bố mẹ rì rầm bàn bạc với nhau những gì thật kín tiếng, bỗng một hôm bố đùn hai anh em trai tôi vượt biên. Chúng tôi nhất định không nghe, bố phải nói cặn kẽ : đời bố già rồi có ở lại cũng chẳng hề gì, nhưng các con phải đi để tìm cơ hội mai sau. Tôi đánh tháo bằng cách nại ra lý sao bố không lo luôn cho mấy em gái cùng đi. Bố nạt sẵng : mày không thấy hải tặc hãm hại đàn bà con gái trên biển và quốc tế làm ngơ không lên tiếng khinh chê sao mà còn muốn đưa các em vào chỗ đó. Tôi rươm rướm nước mắt mà đi.


Những ngày lênh đênh trên biển, vật lộn với sóng cao gió cả, khát bỏng cổ, mửa tận mật xanh, tôi mừng các em tôi không đi và càng thương yêu bố. Sang xứ người may mắn được vớt và cưu mang, hai anh em trai tận lực ra công học và đi làm tự sống.


Năm tháng biền biệt không tin tức nhà, lòng chúng tôi lồng lộn như điên. Ai mách tin gì nghe may ra bắt được sinh hoạt bên nhà là anh em đều thử làm theo. Các bức thư gửi vòng vo qua Pháp, Gia Nã Đại, âm u theo mây trời về cố quốc, chúng tôi lao xao chẳng hiểu liệu có đến tay bố mẹ và các em.


Bao lần thất vọng vì tin đi thì có mà tin lại vẫn xa, lòng mong mỏi tan dần thành tuyệt vọng. Bỗng đâu lại nhận được tin bố, mấy dòng chữ ngắn ngủi cũng làm hai anh em chan hòa nước mắt. Cả đêm ôm lời bố khóc rưng rức một mình : bố và gia đình vẫn khỏe, cầu mong hai con cố học đến chốn đến nơi…


Từ nửa chữ tiếng người không thông, dần dà lời bố làm cái cầu đưa tôi qua bao la sông núi, hai anh em ra trường đều kiếm được việc làm. Những đồng tiền chắt bóp đều để riêng chờ một ngày tìm đường gửi về đỡ bố mẹ.


Hôm gửi được thùng hàng đầu tiên, hai anh em chộn rộn chẳng biết chọn món gì gửi trước, gửi sau. Đóng gói kì cụi mà nước mắt đoanh tròng, tay run lẩy bẩy, dù sau đó thư bố sang đều cản ngăn vì thủ tục cho phép nhận lĩnh quà nhiêu khê, vất vả và còn bị bớt xén hay gạ mua bớt nữa.


Về sau, vì muốn sống còn, bên nhà cởi mở cho phép nhận tiền, ai cũng chuyển sang cách này để tránh những mè nheo không đáng và trò xin xỏ ngang nhiên. Hết em đến tôi đều nhín để bố mẹ có món tiêu xài và các em cũng vui lây.


Càng ngày nỗi nhớ càng dầy, tôi bàn với em lo việc bảo lãnh bố mẹ. Tôi vốn vô tâm nên nghĩ bố mẹ sang được vẫn hơn, nhưng em trai tôi làm tôi chết điếng : anh đành tâm để các em ở lại bơ vơ sao ?


Vậy rồi cũng chẳng còn con đường nào khác, như người đi buôn nhỏ phải vừa bán vừa kếch góp vốn dần dần. Bố mẹ tôi cũng phải đắn đo mãi mới chịu ra đi vì có thế thì các em mới lọt theo. Ngày anh em lóc cóc ra phi trường đón bố mẹ, hai anh em vội vã đi thật sớm, chờ đến sốt ruột. Đi dọc đi dài, ghé chỗ này chỗ nọ, ngồi uống mấy bận cà phê mà chuyến bay vẫn còn lảng vảng nơi đâu, ôi thời gian ngóng đợi sao dài dằng dặc đến thế.


Tới khi đèn quầy vé báo hiệu chuyến bay vừa đến, hai anh em nhào đến cửa ra đứng chờ. Gặp nhau, tôi chỉ kịp kêu lên một tiếng và đổ xầm vào bố, thằng em cũng sướt mướt với mẹ. Gia đình líu ríu bên nhau, tôi ủy thằng em đi lấy hành lý, còn tôi sững ra khi thấy bố đưa cho tôi cái lồng đèn. Mẹ như biết ý nên nói khẽ : mẹ đã xin bố để lại, nhưng bố không chịu. Bố bảo sang bên này khó tìm ra tre cật, bố lại già khó phết đèn đẹp như xưa, và cái câu làm tôi cảm thấy tim bị bóp xoắn của mẹ khiến tôi càng đờ đẫn cả người : bố cũng nói bố muốn đem theo một chút quê hương.


Tối đó, chúng tôi gọi ngay về để các em biết bố mẹ đã đến nơi. Lại cùng nhau thổn thức khóc qua đường dây. Cũng tối đó, bố trịnh trọng thắp ngay đèn lồng đem treo ra cửa. Màu sáng lung linh chói rọi trên đất người, làm hàng xóm thấy lạ chỉ trỏ nhau xem, có vẻ dáo dác. Bố chỉ thắp duy nhất một đêm rồi thôi.


Lần lượt, bố mẹ lại làm đơn bảo lãnh nốt các em. Hai anh con trai đứng co-side và nhờ các em vẫn còn độc thân nên thời gian chóng vánh. Bây giờ gia đình lại sum họp vui vầy,các em gái cũng học hành suông sẻ và có công ăn việc làm rất tốt. Bố mẹ lớn tuổi, chúng tôi chung nhau lo lắng để ông bà không phải bận bịu tay chân.


Mẹ luôn giục anh em chúng tôi lập gia thất để bà sớm có cháu nội, cháu ngoại chăm lo bồng ẵm cho vui. Cuộc sống thực vô vàn hạnh phúc, dăm lần tôi mời bố mẹ về thăm quê, nhưng hai ông bà không nhận. Mẹ thì lửng lơ một chút, còn bố dứt dạt nói ra : mình còn ai đâu mà về, họ nào tốt với mình thì đâu có gì phải quyến luyến.


Một lần, bố lôi đèn lồng ra phết lại lớp giấy mới bên ngoài, xong bố lại lẳng lặng xếp vào kho. Ai cũng ngẩn ngơ chẳng hiểu chuyện gì. Rồi bố họp gia đình hẹn cuối tuần tổ chức một tiệc vui, phân công đứa lo món này, đứa trách nhiệm món kia. Tôi hỏi bố, ông bảo : chẳng lẽ lâu lâu chúng ta không có được một bữa họp mặt sao ?


Bàn tiệc tổ chức ở sân sau, bọn gái bày biện thức ăn, quả tươi, nước giải khát, bánh ngọt, kẹo, hoa nữa. Bố diện rất đẹp, mẹ cũng thế, hai người trịnh trọng dìu nhau ra dự, như cặp vợ chồng mới cưới. Anh em tôi vỗ tay mừng. Bố kéo ghế mời mẹ ngồi và dặn mọi người cũng vào chỗ. Chẳng ai hiểu chuyện gì với chuyện gì vì vẻ thiêng liêng bố cố ý làm ra.


Tiếp theo, bố dặn mọi người chờ. Bố vào kho xách cái lồng đèn ra. Bố đưa cho tôi bảo thắp lên và treo lên nhánh cây xà thấp gần đó. Mẹ bỗng rung đôi vai, mọi người đều cố nén hồi hộp. Bố xoa tay đứng lên lại gần bên mẹ. Trong khi ai cũng ngơ ngẩn nhìn thì bố nói : mừng bà hôm nay kỷ niệm 50 năm ngày cưới của chúng ta.


Nước mắt mẹ tràn ra rạng rỡ, bọn tôi cũng sụt sịt theo. Bố vẫn tỉnh bơ : vui mà sao mọi người khóc, ta phải vui lên chứ. Và ba rót rượu đưa từng người. Mẹ từ chối vì không uống được, bố ép mời mẹ nhắp môi còn bố sẽ uống phụ. Mọi người vỡ òa sự vui mừng.


Ánh sáng lồng đèn chập chờn màu rực rỡ quanh bàn tiệc. Tôi liếc thấy má mẹ hồng lên niềm hạnh phúc dâng cao. Tôi lững thững lại gần mẹ : con mừng mẹ. Mẹ tôi gật đầu. Chúng tôi cùng hộ tống mẹ lại chỗ ba, tất cả đều cất tiếng một lượt : chúng con chúc ba sống lâu. Bố lần lượt ôm vỗ vai từng đứa con. Nhân dịp tôi ghé vào tai ba thỏ thẻ : sao ba kín tiếng thế.


Tôi nhìn lên lồng đèn, lòng tràn ngập nỗi vui…


Đỗ Thành





 
Back
Top