Lão nông “lời một thú chơi” và niềm đam mê thành tiền tỉ

Jolie

Member
Từ một nông dân, ngày ngày chạy khắp hang cùng ngõ xóm hoạn lợn kiếm sống, ông Phạm Văn Vĩnh, xã Hải Phương, Hải Hậu, Nam Định đã trở thành một “đại gia” với vườn cây cảnh trị giá cả trăm tỉ đồng. Tất cả cũng bắt đầu từ niềm đam mê “gàn dở” cách đây hơn 30 năm…

1735200925-1-ImageHandler.ashx-ImageID-127736.jpeg

Ông Vĩnh bên cái cây bạc tỉ của mình.


Tôi tìm đến nhà ông Vĩnh “Cám Con Cò” vào một buổi chiều. Đấy là biệt hiệu để hỏi thăm đến nhà ông mà người bạn bên Hưng Yên mê cây cảnh đã chỉ cho tôi. Hoá ra, tiếng của ông đã lan ra khắp nơi đến nỗi một kẻ chơi cây cảnh “cò con” như người bạn tôi cũng biết. Khi tôi đến thì ông đang dẫn mấy người khách đi xem cây nên tôi được vợ ông chỉ thẳng ra vườn. Khu vườn mênh mông với cả ngàn gốc cây, xanh bạt ngàn một vùng. Len lỏi mãi trong vườn, tôi mới tìm được ông đang cùng mấy người khách say mê ngắm một gốc cây sanh cổ thụ, cả thân xù xì đã lên mốc trắng xoá. Dưới con mắt một kẻ “ngoại đạo” như tôi thì cái cây đó trông cũng đẹp nhưng không khiến tôi ấn tượng. Tôi chỉ thực sự choáng váng khi hỏi về giá trị của cây, ông chủ vườn buông một câu nhẹ như không: “khoảng bốn tỉ”. Hỏi thêm vài cây nữa, ông bảo nó có giá một tỉ hoặc hai tỉ, y như định giá mớ rau, con cá ngoài chợ.

Lão nông hoạn lợn thành tỉ phú

Khi biết tôi là kẻ ngoại đạo, một người khách đứng xem cây đã giảng giải: “Cây đã lên mốc là cây quý rất có giá trị phải tính bằng tiền tỉ. Trong vườn này có khoảng hơn 100 gốc cây như thế”. Nhìn vườn cây của mình ông Vĩnh nói, khi bắt đầu sưu tầm cây, ông chỉ nghĩ mê thì chơi thôi chứ không ngờ có lúc nó lại có giá trị lớn như thế.

Cách đây hơn 30 năm, ở Hải Hậu chưa có ai nghĩ đến chuyện trồng cây cảnh kinh doanh. Cũng có rất ít người chơi cây, chỉ có mấy cụ rảnh rỗi nên chăm vài cây để tuổi già thảnh thơi vui thú điền viên. Lúc đó, ông đang làm ở hợp tác xã Hải Phương, nhưng lương cán bộ hợp tác xã không đủ ăn nên sẵn có kỹ thuật tẩy giun và hoạn lợn, ngày ngày ông đạp xe đi khắp các xã hành nghề kiếm tiền nuôi con. Khi đi vào các nhà, thấy nhà nào có nhiều cây, ông lân la hỏi xin rồi đem về trồng. Lúc đó, có nhiều cây lăn lóc ngoài bờ rào, ông Vĩnh thấy đẹp liền xin mang về. Cũng có nhiều cây ông đổi bằng công hoạn lợn nên có ngày, ông đi suốt mà chẳng mang được đồng nào về đưa vợ, chỉ tha hết cây lớn cây bé trồng đầy vườn. Mảnh vườn 500m2 của gia đình, ông chặt hết cây ăn quả để trồng cây cảnh. Không có chỗ, ông còn gửi sang cả vườn nhà bố mẹ vợ.

Càng ngày, cái thú mê cây càng ăn sâu vào máu. Đến khi cây bắt đầu có giá trị một chút, nhiều người đã kinh doanh thì ông giấu vợ đi vay tiền ngân hàng để mua. Đến khi ngân hàng tới nhà đòi lãi, vợ ông mới biết. Bà chỉ còn biết than trời vì cái thú chơi “gàn dở” của chồng. Năm 1991, không kiếm được chỗ nào để đặt cây nữa, ông đã vay mượn, dồn hết gia sản mua mảnh đất gần 5.000m2 để trồng cây. Với miếng đất ruộng đó, vợ chồng ông và đàn con san lấp cải tạo thành mảnh vườn. Ông dựng lên một ngôi nhà cấp bốn rồi mở đại lý cám Con Cò, vì thế mà ông mới có biệt hiệu Vĩnh “Cám Con Cò”. Phần còn lại ông để trồng cây.

Nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ. Cả ông Vĩnh, cả vợ ông và nhiều người dân Hải Phương ít ai có thể ngờ, mấy chục năm sau, những cây sanh vứt ngoài bờ tre bờ giậu năm xưa lại mang về tiền tỉ. Ông đã từng bán cho bà Lê Hương Vân, ở Nam Định một cây sanh trị giá 200 cây vàng. Mảnh vườn với hàng trăm gốc cây quý, ông mới bán đi một phần rất nhỏ và thu về 17 tỉ đồng. Bỗng chốc, từ một nông dân, ông biến thành tỉ phú. Ông bảo cái vườn của ông như một “ngân hàng xanh”, khi cần thì bán đi một, hai cây là có tiền. Nhưng bất đắc dĩ lắm ông mới bán vì với ông, cây không chỉ mang lại giá trị vật chất mà nó còn mang lại cho ông những giá trị tinh thần.

Về với cát bụi, còn lời một thú chơi

Mặc dù đã trở thành “đại gia” với gia tài cả trăm tỉ, nhưng ông Vĩnh vẫn giữ nguyên cái gốc nông dân chân đất của mình. Ông bảo sống ở đời, con người ta dù quan lớn hay thứ dân, dù giàu có hay nghèo hèn thì cuối cùng cũng về với đất, chỉ lãi một cái thú chơi nhưng quan trọng là chơi cái gì cho thanh tao, cao quý. Và ông nghĩ mình lãi mỗi cái thú chơi cây chứ nằm xuống thì tiền tỉ cũng trở thành hư không. Có lẽ vì cái triết lý ấy mà ông nâng niu từng cây, chăm sóc từng cành, gắn bó với chúng như những người bạn tri âm tri kỷ.

Mỗi lần đi đâu trở về, việc đầu tiên của ông là phải ra vườn ngắm cây rồi mới có thể làm những việc khác. Có những hôm về nhà muộn, lên giường ngủ rồi mà ông vẫn cứ trằn trọc không ngủ được. Ông trở dậy, cầm đèn ra vườn, dạo quanh vườn cây một vòng rồi mới quay về yên giấc. Vợ ông, mặc dù đã quá biết cái đam mê của chồng nhưng nhiều khi bà vẫn không hiểu có ma lực gì mà có khi ông đứng lặng trước cái cây hàng giờ, rồi mỗi lần cần tỉa lá bớt cành thì ông đứng ngắm cả buổi cầm kéo đưa lên hạ xuống nhiều lần mới dám cắt. Nhiều người chơi cây, vì muốn cho cây có thế như mình mong muốn nên dùng dây thép để gò để uốn nhưng ông thì hoàn toàn không. Ông bảo mỗi cái cây đều có hồn riêng nên không thể bắt nó theo ý của mình được nên ông để chúng phát triển tự nhiên, chờ từng cái rễ, từng cái mầm hoàn thiện rồi mới tác động vào. Với ông, cái cây không phải có thế rồng, thế phượng mới đẹp mới quý. Cây chỉ đẹp khi nó mang hồn của chính nó, hồn tự nhiên.

Câu chuyện về cây của ông cứ miên man không dứt ra được dù trời đã gần tối. Khi giật mình nhìn ra, ông mới gượng cười bảo nói về cây là ông như nhập đồng. Ông cho tôi xem ảnh những cái cây mà ông đã chụp lại trước khi bán cho người khác. Thỉnh thoảng ông vẫn mang ra ngắm cho đỡ nhớ và lâu lâu ông tìm đến nhà người chủ mới để thăm lại như đi thăm những người bạn thân thiết.




Việt Báo
 
Back
Top