Kỳ 1: Đột nhập hang cọp lớn nhất Đông Nam Á

Jolie

Member
Loạt phóng sự điều tra về nạn buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia, từ Lào về Việt Nam của nhóm PV
Mất nhiều tháng trời liên hệ manh mối, rốt cuộc nhóm PV – CTV đã có một chuyến đi đáng nhớ tại Tà Khẹc (Lào) khi đột nhập thành công vào trang trại nuôi hổ lớn nhất Đông Nam Á.
Đường 13, con đường xương sống miền Nam Lào vắng và êm như lụa. Tính cả đèo dốc hiểm trở, 210km từ Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) đến Tà Khẹc chỉ mất 2 giờ xe. Trong tư thế của những người đi mua hổ về nấu cao, nhóm PV – CTV báo VietNamNet rốt cuộc cũng tìm ra “hang ổ” lớn nhất của hổ: Trại Muang Thong.​

Muang Thong có thể là tên một địa danh. Nằm cách thành phố Tà Khẹc khoảng 30km, ngay trên đường 13, quả thật, nhìn bề ngoài, không ai nghĩ rằng sau cánh cổng nhỏ ti hí là cả một thế giới mênh mông chim thú.​
Trại Muang Thong rộng 200ha, được bao bọc bởi lưới thép mắt cáo cao 5m nhập từ Thái Lan. Cứ 5m chiều dài quanh trại lại có 1 cột thép đế rọ bê tông. Và mỗi 100m lại có thêm 1 chòi canh mà nghe nói, người ngồi trong chòi canh đã được lệnh bắn bất kỳ ai xâm nhập trái phép.​
Thật may, 2 trong số 5 ông chủ của trại là người Hà Tĩnh. Và chúng tôi được một người quen khá sành của giới buôn hổ giới thiệu với họ. Tất nhiên, vì thế cuộc “đột nhập” dễ dàng hơn bằng cổng chính.​
Cổng mở, vẻ ngoài tồi tàn biến mất. Những chuồng thép rộng vài chục m2 nối tiếp nhau bất tận. Và trong số những anh em đi trong đoàn, cả những người dẫn đường sành sỏi, lần đầu tiên được chiêm ngưỡng một thế giới toàn hổ, rặt hổ. Hổ lớn vài tạ, hổ bé đang sơ sinh đến vài dăm chục kí lô, có tất!


View attachment 6863
Phía sau cánh cổng im lìm là cả một thế giới của hổ, gấu, sư tử, báo hơn 700 con.
Phan Anh D, 1 trong 2 chủ trại người Việt dẫn chúng tôi đi vòng quanh chuồng ngoài cùng, nơi nhốt hai con hổ lớn.​
Anh ta nói: “Cặp này đang “chung” (thuật ngữ của dân nuôi hổ, ngụ ý đang trong quá trình phối giống). Cứ 5 – 7 phút 1 lần, hổ đực lại “chung”. Chỉ có hai con này không bán, còn lại trong trại 720 con khác, gồm cả gấu, báo và cặp… sư tử châu Phi, các ông chọn con nào tôi giải quyết con đó!”.​
Anh bạn đi cùng buột miệng: “Hổ đâu ra mà lắm thế nhỉ?”. D nói ngay: “Trong số 700 con này, khoảng 100 con đẻ tại trại. Còn lại từ Malaysia, Thái Lan, Myanma chuyển qua. Ngày nào cũng có xe chuyển hổ về đây. Cả sống cả chết”.​
D là một Việt kiều từ Thái Lan về đây làm ăn. Trại Muang Thong được D khai sinh cách đây 6 năm. Theo D, vốn ban đầu góp chung là 3 triệu USD, chủ yếu bỏ ra để học cách nuôi nhốt an toàn và làm thế nào để hổ sống khỏe.​
Ban đầu mới làm, hổ chết nhiều lắm. 1 năm đầu lỗ tơi bời. Nhưng sang năm thứ 2 thì lãi. Lãi lớn nhất là biết cách làm cho hổ sinh đẻ được trong môi trường này. Nghe nói ở Việt Nam cho hổ đẻ được ầm ĩ lắm, chứ ở đây năm nào cũng có vài chục hổ con ra đời”, D kể.​
View attachment 6860
Con hổ đực giống đang trong thời gian "chung".​
Theo ước tính của D, thì trại này riêng tiền hổ giờ cũng vào khoảng 7 – 7,5 triệu USD.​
Tính ra tiền Việt, mỗi ngày cả trại phải mua khoảng 30 triệu tiền thịt gà cho hổ ăn. Mỗi con hổ trưởng thành ăn khoảng 4-5 kg thịt gà/ngày. “Tiền đầu tư cho trại khoảng 40 triệu/ ngày. Rất lớn nhưng lãi cũng được!”.​
D cho hay: “Thị trường chủ yếu của trại là… Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi năm, người Việt sang mua hổ, làm thịt nấu cao ngay trong trại không biết bao nhiêu mà kể. Có người sang đây cả chục lần. Họ sang đây năm bảy người, chung nhau mua 1 con, thuê bác sỹ đông y chuyên nấu cao bên kia sang nấu tại chỗ”.​
Giá một kg hổ trên 1 tạ, bán ngay tại trại hiện giờ là 4.700 Bath (tiền Thái Lan, tương đương khoảng 140 USD). Loại dưới 1 tạ mua nấu cao thì không đến, chỉ khoảng 4.300 bath/kg.​
View attachment 6861
Hổ con được sinh ra trong trại nhiều không đếm hết, được nuôi trong các dãy chuồng chạy dài nối liền nhau.
Mỗi tháng, ít nhất có 10 – 12 con hổ trưởng thành được “hóa cao” tại sân sau của trại Muang Thong.​
Tại đây, có lẽ linh khí của hổ quá nhiều, nên trong bán kính gần 1km, không có con vật nào dám bén mảnh đến. Kể cả giống chó săn rất thiện chiến mà tụi tôi nuôi ở đây cũng không có con nào dám đến gần”, một công nhân chuyên làm thịt hổ nói.​
Thế giá hổ đưa về Việt Nam thì thế nào?” – tôi hỏi D.​
Các ông mua nấu ở đây thì biết giá rồi đó. Còn mua về thì tụi tôi đưa hổ về tận địa chỉ mà các ông yêu cầu. Giá hổ móc hàm (làm sạch lòng và nội tạng) là 3,3 triệu/kg, giao tận nơi (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). Nếu giao hàng ở Hà Nội, giá là 4 triệu”.​
Như con 1 tạ 6 này thì bao nhiêu cân móc hàm?” – tôi chỉ vào con hổ lớn, đang nằm thiu thiu bên bể nước trong chuồng. D tiếp: "Con 1 tạ rưỡi thì khoảng 11 kg lòng và nội tạng. Con này đẻ 3 lần rồi, chắc cũng khoảng 12 – 13 kg lòng. Móc hàm khoảng gần tạ rưỡi. Mua con này được đấy. Hổ già, xương mới tốt. Hổ 3 – 4 năm thì xương không nặng, nhưng con này thì cũng được 15 – 16 cân xương tươi đấy!”.​
View attachment 6864
Những con gấu khổng lồ cũng có mặt trong trại Muang Thong.
Thấy tôi băn khoăn về khâu vận chuyển, D dứt khoát: “Chuyện chuyển như thế nào, chuyển sống hay chết là tôi lo, các ông không phải bận tâm. Cứ về đến nơi, ông trả tôi đủ tiền là ok. Tôi nhận của các ông 20% tiền cọc, nhưng nhận ở Việt Nam. Các ông cứ chọn đi, rồi về bên kia, tôi cho người đến lấy tiền cọc. Nhận cọc xong 3 ngày là các ông có hàng”.​
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được theo “áp tải” hàng về Việt Nam, D không gật cũng không lắc: “Tôi không muốn giấu, nhưng làm nghề gì ăn nghề đó. Tôi chuyển hàng nghìn con hổ về Việt Nam rồi, các ông cứ yên tâm đi”.​
Nằm cách thành phố Tà Khẹc khoảng 30km, ngay trên đường 13, quả thật, nhìn bề ngoài, không ai nghĩ rằng sau cánh cổng nhỏ ti hí này là cả một thế giới mênh mông chim thú.
(theo vietnamnet)​
 

Attachments

  • 4..jpg
    4..jpg
    42.6 KB · Views: 0
  • 3..jpg
    3..jpg
    41.8 KB · Views: 0
  • 1..jpg
    1..jpg
    41.5 KB · Views: 0
  • 5..jpg
    5..jpg
    43.2 KB · Views: 0
  • 2..jpg
    2..jpg
    43.1 KB · Views: 0
Back
Top