Hai người đàn bà

Jolie

Member
Hai bà ngồi đối mặt nhau, lầm lì, y hệt hai võ sĩ Sumo gầm gừ lừa thế chờ bên nào sơ hở là hạ đòn độc. Đâu có ai ngờ hai bà vốn là bạn thân thiết với nhau, có thể nói là sống cùng sống, chết cùng chết một thuở lâu dài, vậy mà giờ thù nhau đến không muốn nhìn nhau nữa.


Một bà thì luôn gãi đầu, gãi tai, còn một bà thì luôn xoa tay lau mặt lau mũi. Hai bà như thi gan, xem ai chịu thua trước. Chẳng ai chịu nhường ai, nhất định thi gan cùng tuế nguyệt, nên chốc chốc lại thở dài.


Con gà tức nhau vì tiếng gáy, hai bà hận nhau vì oan khiên trói buộc tay chân. Nhớ hồi nao cùng chị chị em em, chẳng lúc nao xa cách. Thậm chí còn tự động hứa hẹn với nhau : nhất định sau này hai nhà phải trở thành thông gia đấy nhé.


Đến lúc cả hai bà đêu có mang, bụng vượt ngực, chị em còn xoa cái thai của nhau nói đùa : dạ chị tròn căng thế này nhất định là đẻ con gái, còn bà bạn thì đáp lại : bụng chị lầng lẫng thế này nhất định sẽ có cháu trai.


Đùng cái cả hai bà đều sanh con, đứa trẻ lọt lòng nào cũng đeo theo trái ớt hiểm. Đau đẻ bằng chết, tưởng xé gan xé ruột, vậy mà sanh mẹ tròn con vuông xong, được tin hai nhà đều có quí tử, thì cùng ôm nhau cười khà khà ngay được.


Một bà bảo : không gả con cho nhau được thì cứ là bạn đã sao. Chừng chúng lớn, học chung trường, chẳng sợ bị ai hiếp đáp, chúng sẽ binh vực lẫn nhau. Bà kia chừng có vẻ am tường thời cuộc nên vui thì vui mà miệng thì than : dạo này các bà mẹ sanh trai nhiều hơn sanh gái, ngữ này chắc là chiến tranh còn dài dài. Nói xong bà thở dài, bạn phải dặn chừng : chị sao lo chuyện bá vơ, đánh đấm gì thì lúc hai đứa lớn cũng phải dứt chứ.


Dứt đâu chẳng thấy, trái lại chiến cuộc lại nổ lớn hơn nhiều. Thế rồi hai thằng bé bỗng dưng đứng về hai giới tuyến đối nghịch. Cái thằng con một bà đang đi học nghe anh nghe em rủ rê, một bữa bỗng bỏ nhà đi chiến khu mất đất.


Sáng ra thấy mất dấu con, bà bạn cầm lá thư để lại chạy sang nhà bà bạn khóc hu hu kể lể. Các bà mẹ vốn dễ động lòng nên hai bà cố ủi an nhau. Thằng con của bà ở lại cứ tiếp tục học, dần dần cũng có được mảnh bằng nọ bằng kia. Lắm hôm chợt gặp nhau, bà có con biệt dạng, nhìn thằng con của bạn mình mà nước mắt đầm đìa. Hai bà lại phải ôm chầm lấy nhau mà khuyên nhủ để cùng thấy nguôi ngoai.


Thằng đi đi mất tiệt, chẳng có tin tức về. Lâu thật lâu có người đến liên lạc chỉ ừ ào chuyển lời thăm hỏi, kèm theo mảnh giấy xin món nọ, món kia. Tấm thân già còm cõi ăn đã kém, lại phải cố nhịn để tích góp, gởi quà cho con, kẻo nó đói lòng tội nghiệp. Thản hoặc, đôi khi chợt nghe lời ca “ chiều nay trên chiến khu trong rừng chiều… bên đèo tiếng suối reo, ngàn thông réo…đạn bay vèo (ĐN)”, người đàn bà có con đi xa càng thấy lòng tan nát. Tuy vậy bà ta vẫn thắc mắc sao thành đô lại cho hát những bài bên ấy làm chi, để khiến bà mủi tâm chua xót.


Còn thằng con của người đàn bà sum họp thì ngày càng lớn. Chiến cuộc tản mát khắp nơi, đêm thành phố đã bị đạn hỏa tiễn bay vào nổ sảng, kế tiếp lệnh động viên rầm rộ ban ra. Như những người trai khác, con bà phải lên đường nhập ngũ.


Ra trường, thằng này được điều về đơn vị thứ dữ, đánh giặc lu bù. Lắm khi trong thâm tâm, thằng này chợt nhớ thằng kia, lòng e dè nếu đột ngột chạm trán nhau thì tình huống sẽ ra sao nhỉ.


Dăm thì mười họa, thằng con đi lính có tạt về thăm mẹ. Dù được giấy phép hẳn hoi, hay nhân đi công tác ghé vội, hay hơn nữa lén dù đại vài bữa thì nào có khác gì, thời chinh chiến lính đâu ung dung muốn thăm nhà là thăm mà được.


Chuyện con cái về thăm mẹ là việc bình thường vì ai quên hẳn gia đình của mình được, nếu đừng một lần anh bị bà mẹ bạn đi chiến khu nhìn thấy. Bà trông bộ quân phục rằn ri trên người của bạn con mình là bà mất cảm tình liền. Trong đầu bà nghĩ đến những lời người liên lạc thỏ thẻ với bà hôm nao về lấy đồ tiếp tế : bọn rằn ri ác ôn lắm, chúng bắt được nữ cán binh ta là thay nhau hiếp, còn dùng cây nhét vào âm hộ nữa.


Bà giữ thành kiến này trong đầu, luôn tỏ ra hậm hực. Một bữa hai bà mẹ tình cờ gặp nhau, bà này trút hết căm hờn vào bà kia : con chị đi lính cho địch đã là có tội, sao lại còn dấn thân vào hàng binh ác ôn gây tai họa cho đồng bào. Người đàn bà có con đi lính vô cùng sửng sốt nên hỏi lại : bằng cớ gì mà chị phỉ báng con tôi. Có bao nhiêu bực tức dấu trong lòng, mẹ bạn phun ra tất : thì bọn chúng đi lùng xục, gặp đàn bà con trẻ đều bắn giết, hiếp dâm và quăng vào lửa hết.


Cái đầu bà mẹ người lính muốn vỡ bung ra. Bà không ngờ con bà lại bất nhân đến thế. Đến lần gặp lại con, bà u sầu đến hờ hững với đứa bé bà dứt ruột đẻ ra. Anh con chưng hửng như rơi từ tầng trới xuống. Vặn hỏi mãi, mẹ anh sỉ vả cho một trận nên thân : mày tình nguyện vào hàng ngũ lính này là mày đã quên đi tông môn nhà mình. Tao đâu dè mày dã man đến vậy, đàn bà là chị mày, em mày, sao mày lại hiếp người ta, còn đang tâm giết họ nữa.


Anh con trớ người ra, chẳng hiểu gì cả. Van xin lắm mới được mẹ thố lộ hết các điều bà biết. Anh con hiểu ra, chiến tranh được người ta dùng làm cái cớ đưa ra bất cứ thủ đoạn nào để gây cho người bên mình thật hận thù, mới đâm đầu hi sinh chém giết, mong đạt cái đích cuối cùng về phe họ. Tuy nhiên, anh chẳng biết thưa thốt với mẹ ra sao vì việc chọn binh chủng nào phải tự ai muốn mà được. Nếu có thể nói, chính số phận ràng buộc tạo nên phần m ệnh của từng người. Mẹ anh đau trong lòng vô cùng, nhìn anh không chớp mắt.


Anh chỉ bóng bẩy đưa bàn tay mình ra và thưa trình mẹ : đây là bàn tay con, mẹ trông chẳng ngón nào bằng ngón nào hết. Thân phận con cũng vậy, bị nghiền vào cỗ máy thì bánh xe răng nào cũng có phần trách nhiệm của nó, dù lớn hay nhỏ. Nhưng bảo rằng tất cả đều giống nhau thì không ổn, mẹ có biết rằng người bên ấy cũng chẳng hiền đâu. Giết một người đâu cần phải ria hàng tràng đạn suốt từ đầu tới chân mới gọi là xử chết, nếu không phải là do lòng hận thù chỉ đạo. Đây là điều chính mắt con nhìn thấy, chứ không do nghe ai nói lại, mẹ có cho rằng họ làm như vậy là nhân đạo hơn bên ta chăng. Phương chi, mẹ chỉ nghe đã tin. Chiến tranh vốn tàn bạo, tàn bạo vô lối, nếu được đổ thêm hận thù để đốt cháy bùng, minh giải cho các hành động tàn ác, con nghĩ sẽ ngút ngàn mãi mãi, khó lòng dập xóa hết.


Ít lâu sau ngày hai mẹ con nhà lính trao đổi với nhau thì anh bạn đi chiến khu tịch, nghe đâu trong một cuộc chạm súng và bị bọn biệt kích rằn ri giết. Hố chia rẽ càng sâu, dù cái chết của con người đàn bà bạn không có sự tham gia nào của anh lính cả. Mhưng hai gia đình thì nhất quyết chẳng nhìn nhau nữa.


Chợt gần đến ngày hòa bình thì lại đến phiên anh lính cũng ngỏm sau một cuộc bị bao vây và tràn lấn đồn. Hai bà mẹ đều mất con, nhưng hận thù thì không gỡ bỏ. Người ở rừng về mảng lo với chiến thắng đã quên đi những lời cam kết cũ. Ngay đến những người đã gom từng bơ gạo kháng chiến, hi sinh từng đứa con sinh ra, đều cũng không hơn gì những người có con đứng hàng ngũ bên kia.


Hai người đàn bà vẫn thui thủi chạy lo từng bữa ăn theo dáng cách của mình, cô đơn, buồn bã, hẩm hiu và đau đớn. Sáng vẫn lên, chiều vẫn xuống, nhưng hai bà cách biệt nhau như mặt trời và mặt trăng. Thản hoặc lâu rất lâu có một ngày nhật hay nguyệt thực thoáng gặp nhau thì chẳng bà nào nói với bà nào. Trái lại còn lườm nguýt nhau với cõi lòng nặng trĩu.


Bao năm rồi, hai người đàn bà vẫn chưa biết rõ nơi con mình chôn xác. Chiến trường ngày xưa giờ đã bị cỏ tranh hay lau sậy xóa mờ, đồn binh cũng loang lổ theo thời gian năm tháng. Ngày thương binh liệt sĩ, người đàn bà có con đi chiến khu nhận được vài món quà chiếu lệ và xong, còn bà mẹ có con đi lính vẫn âm thầm lo giỗ con ở một ngày lờ mờ đoán thế.


Mãi đến bữa nay hai bà mới thực sự đụng đầu. Chính người đàn bà có con đi lính dứt khoát tìm thăm bà bạn con cách mạng ngày trước. Chợt trông thấy nhau, hai bà định bỏ đi, song bà này níu chân bà kia giữ lại. Khoảng cách hai người mẹ không xa nhau mấy gang tấc mà như dựng lên cả một dãy trường sơn lừng lững chắn che. Nỗi tức tủi đè ngang trước ngực như tảng đá ngàn cân làm bứt hơi thở của hai bà mẹ mất con.


Có giọt nước mắt nào lén lút rơi ra, hay có một tiếng thở dài nào vang lên khe khẽ, chẳng ai nghe, chẳng ai thấy, song nhất định cả hai người đàn bà đều đang thấy lòng mình mủn ra như mọt. Hai bà cùng nhìn lên rồi cùng nhanh nhảu cúi xuống.


Mãi rồi hai bà bạn mới nhìn thẳng vào nhau, như thúc giục : chị nói trước đi. Nhường nhịn nhau theo nghi lễ chán, cuối cùng bà mẹ người đi lính thỏ thẻ lời trước : bữa nay tôi nhất quyết nhìn chị, mong mỏi được một lần giải tỏa tâm sự với nhau. Tôi sẵn sàng nhận lời than trách hay cả sự chửi rủa nữa, nhưng sau đó là hết. Đừng giữ với nhau thái độ như hiện giờ, chả giúp gì mà chỉ làm khổ nhau thêm, chẳng lợi ích gì hết.


Nãy giờ bà có con đi chiến khu chỉ im lặng nghe, đến khi tiếng bà bạn dứt, tai bà vẫn còn u u như bị đàn ruồi bâu chỗ vết thương lở lói. Bà quắc mắt nhìn bạn, nỗi đau bùng lên như ngọn đuốc trong đêm xử án. Bà bĩu môi như chê trách : tưởng rằng nó giết được thằng bé nhà tôi thì nó sẽ sống lâu trăm tuổi, ai dè thân phận cũng bi đát như nhau.


Bà mẹ anh lính đau tựa dao cắt vào tim. Nhưng dẫu có thanh minh ra sao chắc cũng không lấp đầy cảnh mẹ mất con của bạn. Bà chỉ mở lời ậm ừ : sao chị lại nóng tính võ đoán như vậy. Chính mắt chị có thấy thằng bé nhà tôi giết con chị chăng mà chị đổ riệt tội cho nó.


Bà mẹ kia càng cáu tợn : không chính tay nó thì cũng những thằng ăn gan không biết tanh vậy thôi. Cái thứ biệt kích rằn ri thì thằng nào cũng khát máu như nhau hết. Nếu chúng có tình người một chút thì đâu đến nỗi.


Bà mẹ anh lính lùng bùng trong đầu. Nhưng biết bạn còn hận nên qua quit cho xong. Vả chăng chiến thắng giờ không còn thuộc về bên phía con bà nên có miệng cũng như không. Bà chỉ nghẹn ngào nhìn sâu vào bạn mà nhỏ nhẹ thưa : chẳng ai thắng, ai thua trong cuộc chiến tệ hại này. Chỉ có chị và tôi là mất con, vậy thì có lợi lộc gì đâu, tại sao chị cứ ghim mãi việc ân oán trong lòng. Nỗi đau của chị cũng là nỗi đau của tôi, nỗi đau của những bà mẹ, nên tôi xin chị xí xóa cho nhau.


Chỉ nghe sau đó hai bà cùng ôm lấy nhau mà khóc. Mặt trời đỏ lựng chìm dần phía sau đồi.


Đỗ Thành





 
Back
Top