Hàng trăm người xin làm con nuôi một... tảng đá?

Jolie

Member
Theo quan niệm dân gian, những đứa trẻ sinh vào giờ “xấu” thường rất khó nuôi, là “con của trời” chỉ sống ở nhân gian một thời gian ngắn. Để tránh cho con khỏi bị “ông trời” đón về sớm, bố mẹ chúng thường đưa con lên gửi ở đền chùa nhờ thần phật bảo vệ. Tuy nhiên ở xã Thanh Lộc, người dân lại đưa con đến gửi “Ông Đá”.
images674803_H2_copy.jpg
Tảng đá có hàng trăm “con nuôi”
Gửi con cho đá
Hòn đá kỳ lạ nằm ở dưới chân núi Sạc Sơn thuộc xã Thanh Lộc, từ trước đến nay luôn được dân làng kính cẩn gọi với cái tên “Ông Đá”, “thần” đá hoặc gọi tắt là “ông”, “ngài”.
Những cao niên trong làng cũng không biết “Ông Đá” bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng từ thuở lập làng đã thấy “ngài” nằm dưới chân núi. Hiện tảng đá chỉ nổi một phần nhỏ trên mặt đất, chiều dài khoảng 1,6m, chiều rộng khoảng gần 1m, chiều cao từ mặt đất lên cũng khoảng gần 1m, nhìn thoáng qua có hình dáng hơi giống con rùa nằm sấp, mặt trên phủ một lớp rêu mỏng xanh.
Vị trí “ông” nằm được người dân góp tiền xây dựng tường xi măng bao quanh kiên cố với khuôn viên rộng khoảng 800m2, trồng nhiều cây xanh.
Một bậc cao niên cho biết, xưa kia làng Thanh Bình còn có tên là làng Kiệt Thạch (tức là không còn một viên đá nào nữa).
Truyền thuyết kể rằng một thời nhà vua đã huy động dân lấy hết đá để làm đường nên khắp làng chẳng còn lấy một viên đá nào dù là nhỏ nhất. Nhưng không hiểu vì sao một thời gian sau lại phát hiện thấy một hòn đá rất to bị “bỏ sót” nằm ngay dưới chân núi. Nghĩ rằng tảng đá “thần” ẩn chứa sức mạnh linh thiêng nên từ đó người dân thường đến hương khói thờ cúng. Tục gửi con cho “ông” xin được làm con nuôi cũng dần hình thành.
Không chỉ dân làng, người ở nơi khác nghe tiếng cũng tìm về “gửi” con. Nhà nào có điều kiện thì soạn lễ vật gồm một con gà, một đĩa xôi, một tờ sớ gọi là giấy bán khoán, trong đó ghi rõ tên tuổi của đứa trẻ và tên họ của bố mẹ, sau đó thắp hương khấn, hàng tháng cứ đến ngày rằm, mùng một, bố mẹ đứa trẻ phải lên làm lễ.
Nếu gia đình nghèo chỉ cần thắp hương khấn vái, quan trọng là lòng thành còn lễ vật tùy tâm và phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Sau khi làm lễ, đứa bé được coi như đã trở thành con của “thần” đá.
Có đứa trẻ trong làng sinh non nên rất yếu, ngày đêm khóc thét lạc cả giọng khiến những người trong gia đình vô cùng lo lắng, hàng xóm cũng “khiếp vía”. Cứ dăm bữa nửa tháng, bố mẹ đứa bé lại phải đưa con đến bệnh viện, gia đình đã nghèo nay lại càng khó khăn hơn vì phải dồn tiền chữa bệnh cho con.
Sau khi nghe lời các cụ già đưa đến gửi cho “Ông Đá”, đứa bé từ đó rất khỏe mạnh, bớt khóc, chịu ăn chịu chơi, đến nay rất bụ bẫm đáng yêu. Ông Luyện cho biết nhiều con cháu của ông cũng khỏe mạnh, ngoan ngoãn nhờ được đưa đến xin làm con nuôi “thần” đá.
Báu vật của làng
Người dân tin rằng những đứa trẻ sau khi “gửi” sẽ được “thần” đá bảo vệ, không bị ma quỷ quấy nhiễu, nếu chẳng may gặp tai nạn bất ngờ cũng sẽ được “thần” cứu giúp tai qua nạn khỏi. Thông thường đến năm “đứa con của đá” 18 tuổi, gia đình sẽ soạn một lễ vật đến xin con về, riêng nhà nào có con quá yếu hoặc sợ con sinh vào giờ quá xấu sẽ để con đến tận ngoài 20 tuổi.
Dân làng cho biết việc xin con về khi nào cũng được, chỉ cần gia đình thấy thuận lợi cho bản thân đứa trẻ và gia đình mình.
Những đứa trẻ con nuôi “Ông Đá” nhất định phải tránh sát sinh, đặc biệt kiêng ăn thịt chó, như thế mới tạo phúc cho bản thân, tránh được tai họa. Gia đình đứa trẻ nào không kiêng cữ được theo đúng quy định sẽ khiến con gặp nhiều điều xui xẻo, thậm chí còn đau ốm quặt quẹo hơn lúc chưa gửi. Người dân không giải thích được điều này nhưng đều nhất nhất tuân theo, xưa nay chưa ai dám làm trái phong tục.
 
Back
Top