GIANG HỒ & HUYỀN THOẠI…
» Tác giả: Thanh Trì
» Tác giả: Thanh Trì
1. GIANG HỒ & HUYỀN THOẠI…
SỰ XUẤT HIỆN CỦA CÁI GỌI LÀ TRÙM GIANG HỒ… Theo dòng lịch sử, bên cạnh những nhân tố quyết định làm thay đỗi diện mạo xã hội theo hướng tích cực,.. cũng tồn tại một loại người khác hẳn. Đó là Thế Giới Ngầm, mà nước nào, thời nào cũng có-ít hoặc nhiều, tùy theo tình hình và tùy theo diễn tiến của lịch sử. Ở miền Nam, từ thời Pháp thuộc với Tư Mắt và Paul Ngọ, nắm trong tay toàn bộ những hoạt động phi pháp, nhưng chỉ giới hạn ở quy mô nhỏ vì không đủ thế lực cạnh tranh với người Pháp thực dân và người Hoa theo hệ thống bang hội. Đến thời Bình Xuyên, như cách nghĩ của 108 hảo hán Lương Sơn Bạc. Ba Dương –một tay võ công tuyệt luân và tính tình hào hiệp trượng nghĩa đã thâu tóm những thế lực manh mún của giới giang hồ để hình thành một thế giới đạo tặc. Lê Văn Viễn tức Bảy Viễn đã thừa hưởng, cộng thêm sự hỗ trợ để lợi dụng của phòng Nhì Pháp, đã có trong tay những Kim Chung, Đại Thế Giới, Bình Khang… Và thậm chí, giang hồ thời ấy còn nắm được cả lực lượng cảnh sát trong tay để sử dụng như một công cụ hỗ trợ! Sau khi Mỹ hất cẳng Pháp, Bảy Viễn cũng bị đào thải và sống những ngày cuối đời bên mẫu quốc, Thế Giới Ngầm trở nên vô chủ và những cuộc cạnh tranh lại bắt đầu để có được một thủ lĩnh. Tứ Đại Thiên Vương: Đại (Nguyễn Văn Đại) Tỳ(Huỳnh Tỳ-Nguyễn Thuận Lai) Cái(Ngô Văn Cái-Woòng Cái) Thế(Ba Thế-Thế Aristo) bằng những cuộc thanh toán đẫm máu với băng đảng người Hoa do Mã Thầu Dậu(Tín Mã Nàm ) chỉ huy và hàng loạt băng đảng khác, đã xem như “thủ lĩnh đích thực” của giang hồ miền Nam. Trương Văn Cam-sinh năm 1947, cùng độ tuổi với Woòng Cái, xuất thân từ một vùng đất hoang sơ ở quận 4, vào tù từ lúc 15 tuổi, đã nung nấu trong lòng ước mơ trở là một Oâng Trùm của thế giới ngầm. Tất nhiên, không đơn giản chút nào khi các vị trí chóp bu của nhiều lĩnh vực và lãnh địa đã có chủ. Năm Cam, từ một tay gác sòng bạc cho anh rể Bảy Xi đã học được nhiều điều từng bước ngoi lên. Mãi đến những năm 80, Năm Cam vẫn cứ là anh chàng bán sơn ở cầu Calmette và thu nhập còn thua một tay tổ chức sòng bạc cấp thấp. Thế rồi một cơ hội bằng vàng đã đến với Năm Cam qua Sáu Dauphine… Mối quan hệ với một vài nhân vật quyền lực nhưng hời hợt về quan điểm, đã giúp cho Năm Cam triệt tiêu các đối thủ. Đến thập niên 90, Năm Cam đã gần như hoàn tất việc chinh phạt và thu tóm thế giới ngầm vào tay. Và hệt như bất kỳ truyện cổ tích ở đời nay, trục trặc của hệ thống bắt đầu xảy ra… Đầu năm 1995, bởi một con nợ bị xiết nhà, Năm Cam lọt vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Năm Cam lo đến “bạc trắng mái đầu” nhưng vẫn lọt vào bẫy của trung tá Ngọc -tức Ngọc Điếu, trưởng toán đặc nhiệm của cục C14(C45 bây giờ). Cùng Nhật Cùi(Đào Bá Ngọc) ông trùm bị đưa ra Bắc… Thế lực bao che vẫn còn đó và phát huy hết công xuất để “giải cứu cho ông Trùm”. Tháng 10 năm 1997, Năm Cam trở về sau gần 3 năm, tạm rời khỏi vị trí số 1 của thế giới ngầm. Hào quang của một ông trùm bất khả xâm phạm đã làm Năm Cam nhanh chóng trở thành Hoàng đế không ngai của toàn bộ giang hồ lưu manh trên toàn quốc. Những cuộc thanh toán nổ ra liên tục khi vị trí bị dòm ngó đã khiến Năm Cam mất đi sự cảnh giác vốn có. Vũ Hoàng Dung-tức Dung Hà, đổ bộ từ Hải Phòng vào cùng một loạt tay chân dữ dằn hơn bất kỳ tên thuộc hạ nào Năm Cam có dưới trướng đã đe doạ trực tiếp đến bầu sữa nuôi sống đế chế Năm Cam. Và như thế, đồng thời với việc Dung Hà đã tự ký tên vào bản án tử hình giành cho mình! Năm Cam quyết định xuất chiêu! Hải Bánh-một giang hồ Hà Nội vào theo đoàn quân viễn chinh của Dung Hà đã nhận ra việc có lợi nếu “vì anh Năm ” hơn là “vì chị Dung”. Hắn thông qua một vụ tranh chấp với đàn chị đã đưa hai sát thủ từ Hà Nội vào là Long Tây và Hưng Mi nhon để “bắn vào đầu Dung Hà”. Vụ án như giọt nước tràn ly… Khởi đầu là Trịnh Xuân Hoàng-tức Hoàng Lựu đạn, được mệnh danh là con hùm xám miền Đông, xộ khám… Bộ mặt của ông trùm tối cao lộ dần… Năm Cam bị bắt vào một buổi sáng đẹp trời vừa khi ở nhà một trong hàng tá nhân tình bước ra quán…cơm tấm! Năm Cam không hề đơn giản,kể từ khi Hải Bánh vừa bị bắt,bằng tiền của và những quan hệ chằng chịt với các-quan-chức “bán mình cho quỷ” một cuộc đấu trí ngược với Ban Chuyên Aùn được tập đoàn tội phạm Năm Cam tiến hành.Thực ra,từ vụ án giết hại chiến sĩ CSHS Phan Lê Sơn,tập đoàn tội phạm này đã từng thành công một phần nào trong việc chạy án.Năm Cam hoàn toàn tin tưởng với vụ án Dung Hà cũng không ngoài quy luật:nén bạc đâm toạc tờ giấy… Tất nhiên, để đối phó với ban chuyên án trong đó có cả việc chuẩn bị cho một vụ ám sát ba mục tiêu quan trọng, đã được Năm Cam vạch ra. Nhưng người tính không bằng trời tính, ông trùm bị bắt trước khi thực hiện, chỉ vài ngày. Với Năm Cam, chỉ có bản thân và gia đình được xem là Người, còn lại-tất cả đều là đối tượng, hoặc để bòn rút, bóc lột, hoặc để mua chuộc, khuynh đảo…thậm chí, đối thủ cần phải triệt tiêu hoặc hoá giải. GIANG HỒ “LƯU LINH MIỄN TỬ”… Người đầu tiên được xem là “giang hồ hảo hán” của miền Nam thời Pháp thực dân lại là con của một tên Việt gian khét tiếng: Huỳnh Tấn- tức Lãnh binh Tấn. Khi Pháp đánh thành Gia Định lần đầu năm 1859, Huỳnh Tấn chỉ là một đội chỉ huy vài trăm quân đồn điền dưới trướng anh hùng Trương Định. Do bất hòa với chủ tướng về phương pháp đánh Tây, cộng thêm một số lỗi lầm Tấn gây ra trong vùng đóng quân với dân chúng, Huỳnh Tấn bỏ về đầu Tây và vạch kế hoạch bán chủ. Anh hùng Trương Định tuẫn tiết và sau đó Huỳnh Tấn được thăng chức lãnh binh, trở thành nhân vật hết sức thế lực vùng Gò Công-thuộc huyện Tân Hòa tỉnh Gia Định. Do vậy, chữ Công được thêm vào họ tên cho oách…Tên Huỳnh Công Tấn ra đời. Tấn chết sớm nên con trai là Huỳnh công Miêng không hưởng phụ ấm là bao. Tuy vậy, khi một sĩ quan Pháp đánh đập dân phu đang đào trường đua ngựa tại Gò Công, Huỳnh công Miêng ra tay đánh ngã viên sĩ quan này. Vốn là con thứ tư của lãnh binh Tấn, Huỳnh công Mi6ng được dân chúng xưng tụng là Cậu Tư Miêng. Bài vè Cậu Tư Miêng đươc truyền khẩu khắp lục tỉnh Nam Kỳ chính là để tán dương nhân vật này. Khá giỏi võ và tính tình ương ngạnh khó bảo, Tư Miêng hay can thiệp chuyện giữa đàng theo đúng tinh thần “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Nhanh chóng tiêu tán sản nghiệp(cũng chưa tích góp được nhiều)của cha là Huỳnh Tấn, Tư Miêng bỏ đi ngao du khắp nơi, tất nhiên là trong vùng Tây làm chủ. Đi đến đâu, Tư Miêng gây ra chuyện đến đó, đặc biệt là anh ta chuyên cà khịa với lính Tây hoặc các quan chức địa phương đã ra làm việc với tân trào. Tiền xài như phá gia chi tử, cộng thêm tánh khí hảo hớn, Tư Miêng luôn thiếu tiền lận lưng. Trong thời gian cộng tác với thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, Huỳnh Tấn khá nhiều chiến hữu là Tây mũi lõ mắt xanh chính cống. Tư Miêng tìm đến những lị sở do bạn cha mình đang quản xòe tay xin ít tiền tiêu vặt. Tất nhiên không nhiều lắm, cộng thêm việc hàng tháng Tư Miêng ghé kho bạc lãnh tiền trợ cấp Bắc Đẩu Bội Tinh của cha, đủ để tạo thành huyền thoại: Tư Miêng có kim bài miễn tử và xài bao nhiêu cứ vào kho bạc mà lấy… Cuộc đời của Tư Miêng cứ lăng quăng như thế cho đến một ngày nọ, đột ngột chấm dứt. Nguyên nhân rất khôi hài: Tư Miêng đánh bài thín-cẩu với bọn giang hồ Kèo Vàng(người Hoa)ở bến Bình Đông. Sau khi thua khá nhiều, Tư Miêng vỗ bàn đứng dậy đòi tiền lại. Một cuộc “tả lùi thùi”(đả lôi đài) không công bằng xảy ra để giải-quyết-tranh-chấp. Kết quả là Cậu Tư Miêng, với huyền thoại có kim bài miễn tử đã bị sáu, bảy tên giang hồ lưu lạc tận bên Tau sang, nện một trận đến bất thành nhân dạng. Bị ném ra đường, Tư Miêng bị thêm một trận thứ 2 của bọn trạo phu (phu chèo ghe)vốn bực mình gã hảo hán không biết kiềng mặt ai, và quy thiên! Thế là chấm hết một huyền thoại, cách chấm hết gây ngỡ ngàng cho tác giả bài vè Cậu Tư Miêng… HUYỀN THOẠI THẦN CƯỚC SÁU CƯỜNG.. Nhiều truyền thuyết về xuất thân của giang hồ đứng bến đầu tiên của miền Nam này, nhưng đáng tin nhứt có lẽ là việc Sáu Cường xuất thân từ Bạc Liêu và có học võ với một ông Lục bên Miên. Thuở ấy, mọi đầu mối giao thông đều tập trung ở bến xe An Đông khu vực Lê Hồng Phong quận 10 TPHCM bây giờ. Xe còn chạy bằng than đá và lửa bắn tung tóe ra đường khi chở khách nhưng đã bắt đầu trở thành phương tiện đi lại chủ yếu thay cho tàu thuyền chậm và thiếu an toàn. Chính vì vậy, khi về bến xe An Đông trong một thời gian ngắn, Sáu Cường đã xảy ra hàng trăm vụ đụng độ trước khi thâu tóm toàn bộ bến xe này vào tay. Nên nhớ, lúc bấy giờ giang hồ và giang hồ đụng đầu nhau phải giữ được cách chơi nghĩa khí nếu không muốn bị xem thường thậm chí lên án. Từ “điệu nghệ” chính là do chữ “đạo-nghĩa” đọc trại mà thành.. Thường thì phải trải qua thủ tục đưa thư hoặc bắn tin khiêu chiến. Sau đó chọn địa điểm và phương cách giao đấu. Tất nhiên là chỉ 2 kẻ đứng đầu xử nhau công khai, mọi đàn em chỉ đứng ngoài chờ xổ số kết quả. Một ngày nọ, sau khi không còn ai thách thức ngọn liên hoàn cước nổi danh của mình, Sáu Cường nhận được một lá thơ ngắn của băng cướp Bình Xuyên. Nội dung thơ hết sưc nhã nhặn chỉ xin ít lương nuôi quân và được ký tên là Ba Dương, một trong những thủ lĩnh Bình Xuyên. Sáu Cường nhận lời hội kiến để xem mặt mũi thủ lĩnh Bình Xuyên đã nghe tiếng từ lâu. Ngồi đợi ở một quán cà phê Hải Nam ngay góc ngã 3 Vĩnh Viễn,Sáu Cường nhìn thấy một chiếc xe kéo bánh cao su đặc đậu lại. Người bước xuống thoạt nhìn làm Sáu Cường hết sức thất vọng…Đó là một thanh niên mặc bộ bà ba lụa Lèo trắng, tay phe phẩy quạt giấy. Vầy mà là Ba Dương, thủ lĩnh Bình Xuyên đây sao? Sáu Cường tự hỏi và không khỏi coi thường. Ba Dương chưa kịp mào đầu câu chuyện xin lương nuôi quân, Sáu Cường đã tuyên bố thẳng: Chịu nổi thần cước của Sáu Cường thì hẵng nói chuyện…còn không thì Bình Xuyên cứ tung hoành ở đất của mình, chừa đất cho anh em An Đông sống, chớ mà có héo lánh, mất hòa khí! Ba Dương lẳng lặng gật đầu. Bàn ghế được dẹp gọn. Sáu Cường tung cước, những ngọn cước tuyệt kỷ đã giúp Sáu Cường thành danh. Ba Dương tay vẫn còn cầm quạt lòn xuống thấp tránh. Sau mọt loạt cú đá chết người, Sáu Cường hốt nhiên tái mặt ngừng tấn công và đồng ý góp tiền bạc công sức nuôi quân Bình Xuyên. Khi Ba Dương đã lên xe đi mất, đám đàn em nhao nhao hỏi Sáu Cường về quyết định chịu lép của đại ca. Sáu Cường xua tay không trả lời. Nhưng về sau, nguyên ủy cũng đã không còn bí ẩn: Khi Sáu Cường tấn công, Ba Dương chỉ lòn xuống hạ bàn để tránh, nhưng mỗi lần tránh Ba Dương đều dùng quạt chạm nhẹ vào hạ bộ Sáu Cường. Kết quả đã rõ, để lấy mạng Sáu Cường, vị thủ lĩnh huyền thoại của Bình Xuyên có quá nhiều cơ hội nhưng ông ta vẫn không ra tay dể giữ thể diện cho giang hồ bến xe An Đông. Thảo nào Sáu Cường lại không đồng ý nuôi quân Bình Xuyên ngay tắp lự…Đến đầu thập niên 40, khi đã khá trọng tuổi, Sáu Cường vẫn ngang tàng hảo hớn như xưa và trong một dịp đánh nhau với lính Tây vào Bình Khang quậy phá, Sáu Cường chưa kịp tung cú đá thần kỳ nào đã lăn ra đất chết tốt bởi một viên đạn súng sáu bắn trúng giữa ngực! TƯ MẮT VÀ PAUL NGỌ… Nổi danh chỉ sau Phan Phát Sanh vì việc cướp Khám Lớn gây bất an cho giới cai trị thuộc địa Nam Kỳ, có lẽ phải kể tới Tư Mắt. Tên thật là Nguyễn văn Trước, Tư Mắt sinh ra và lớn lên tại Gia Định Thành vào thời Tây thắng thế tại Nam Kỳ. Không đủ can đảm để thành một nghĩa sĩ Cần Vương hoặc anh hùng kháng Pháp, Tư Mắt bắt đầu gầy dựng sự nghiệp giang hồ của mình từ khu Gò Vấp. Thoạt đầu chỉ là những vụ đánh nhau nho nhỏ giữa xóm này với xóm khác, Tư Mắt nổi danh nhờ gan dạ, võ nghệ khá, lại xử sự quân tử rộng lượng. Khi vươn bàn tay ra đến khu chợ Cũ, Tư Mắt đụng độ với các băng nhóm có từ thời nảo thời nào đang tiếp tục hùng cứ ở đây. Liệu không chống nổi với các băng khác do nhân sự còn quá ít ỏi, Tư Mắt chuyển qua địa bàn Sánh-Cái-Sị(Tân Nhai Thị) tức chợ Bến Thành mới được xây dựng từ việc lấp ao vũng Borres xong. Mọi mua bán chuyển dần từ Chợ Cũ qua chợ Mới Bến Thành, Tư Mắt theo đó cũng rủng rỉnh đồng ra đồng vào. Tiền có thì tha hồ quảng đại giao du, nhân lực băng Tư Mắt tăng lên nhanh chóng. Tư Mắt quyết định lấn vào cả 3 vùng béo bở: Chợ Cũ, Đất Hộ(ĐaKao)và Tân Định. Trùng hợp xảy ra vụ Phan Xích Long(Phan Phát Sanh)cướp ngục, thực dân Pháp ra sức khủng bố. Giang hồ hảo hán các nơi đa số có tham gia vụ này, đang bị bóp ngẹt một cách không thương tiếc cộng thêm việc xua quân lấn chiếm lãnh địa của Tư Mắt nên tất cả nhanh chóng thúc thủ. Tư Mắt nghiễm nhiên trở thành vua Sài Gòn. Vài năm sau, tên tuổi của Tư Mắt không giới hạn ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn nữa mà lan tỏa khắp Lục Tỉnh Nam Kỳ. Thói quen đi ngao du khắp cõi của ông trùm Tư Mắt cộng thêm tật thích gây hấn đã khiến tên tuổi Tư Mắt trở thành “ông ngáo ộp”dọa bọn lưu manh khắp miền Nam. Thậm chí có những kẻ chưa gặp Tư Mắt bao giờ cũng một điều anh Tư, hai điều chú Tư…để dựa hơi như người thân thích. Mỗi khi đến một địa phương nào, Tư Mắt đều vung tiền ra kết giao, thu phục. Có một lần xuống Bạc Liêu, đàn em Tư Mắt va chạm với hảo hán địa phương và nện cho “ôm đầu máu” về cáo cấp với chủ. Tư Mắt xuống đến nơi với 2 vệ sĩ người Chà, gọi thủ lĩnh địa phương ra nói chuyện. Khi nghe một lời xin lỗi, Tư Mắt lập tức móc hầu bao ra một bó giấy bộ lư(5 đồng)ra ban thưởng và chiêu đãi toàn bộ giang hồ Bạc Liêu một bữa ăn nhậu hoành tráng. Tiền ở đâu ra? Xin thưa, Tư Mắt chỉ ho một tiếng thì ông hội đồng Trạch phải nôn ra ngay hầu khỏi bị phá khuấy trong chuyện làm ăn. Mà ông Hội Đồng Trạch tức Trần Trinh Trạch là cha của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy(Cậu Ba Quy). Lấy mỡ nó rán nó, chính là cách chơi của Tư Mắt. Khi đã trở thành nhân vật huyền thoại của giang hồ toàn cõi, Tư Mắt sinh ra chủ quan. Những đàn em đến quy thuận càng lúc càng đông mà một người ít học như Tư Mắt không tài nào quản lý nổi. Xảy ra hàng loạt vụ ức hiếp và chà đạp danh dự của những người khác do bọn đàn em cấp thấp tiến hành khiến danh dự và hào quang của một Tư Mắt trượng nghĩa giang hồ có phần nào bị thương tổn. Một mối ân oán quái quỷ nào đó mà Tư Mắt không bao giờ biết đã xảy ra ngoài tầm kiểm soát của ông trùm. Thế là cuộc trả thù được tiến hành mà mục tiêu là vợ con của Tư Mắt, dĩ nhiên vì bản thân Tư mắt là bất khả xâm phạm. Vợ con thảm tử, Tư Mắt không thể tìm ra ai là thủ phạm trong mớ bòng bong quan hệ ân oán không dứt của mình. Buồn tình, đau khổ vì cô độc cuối đời…Tư Mắt tìm đến chùa Phụng Sơn(Chùa Cây Mai)để tu hành sám hối. Nghiệp chưa dứt, nhân quả báo ứng ra sao không rõ, Tư Mắt sửa đèn măng xông cho nhà chùa, đột nhiên phực cháy. Huyền thoại Tư Mắt chấm dứt vì một giây bất cẩn! Paul Ngọ, tức Sáu Ngọ là một tay tổ cờ bạc khác sinh cùng thời chỉ kém tuổi Tư Mắt không nhiều nhưng thủ đoạn thì Tư Mắt phải gọi là…Cụ! Thoạt đầu khởi nghiệp chỉ là một gã phát hỏa cho các trùm cờ bạc của người Hoa. Lúc đó tại vùng đất thuộc địa Nam Kỳ, sau loạn quyền phỉ tại Trung Quốc gây nên cuộc chiến bát-quốc-liên-quân tấn công Bắc Kinh, những thủ lĩnh xiêu tán khắp nơi mà gần nhất là Việt Nam. Có 2 thế lực tranh chấp nhau, một là Nghĩa Hưng tức Kèo Xanh của người Phước Kiến và Kèo vàng của người Triều Châu. Hai bên tranh chấp địa bàn hoạt động hội kín và xảy ra vụ biến động ở Sóc Trăng năm 1882. Thực dân Pháp bắt đầu lưu tâm và tìm cách triệt hạ. Paul Ngọ lập tức rời bỏ chủ cũ đã không còn an toàn và nhờ người giới thiệu để nhập quốc tịch Pháp, ngày xưa gọi là vào dân Tây. Khi đã được gọi là dân Tây, Paul Ngọ bắt đầu với những sòng bạc nho nhỏ gọi là “giải trí gia đình khi giỗ chạp”. Tất nhiên tiền lót đường khiến các sòng bạc của Sáu Ngọ hoạt động vô tư trước mũi chính quyền thuộc địa. Lấn thêm một bước, Sáu Ngọ thâu tóm các sòng me, tài xỉu và thuận gió lập nên hàng loạt sòng roulett theo phong cách Aâu Châu dành cho giới quý tộc, trưởng giả của Nam Kỳ. Toàn coi Nam Kỳ có 6 chiếc xe hơi, sau tăng lên gần 40 chiếc thì xe Paul Ngọ sử dụng chỉ thua đúng mỗi Thống đốc Nam Kỳ. Việc tán công mạnh mẽ vào tổ chức hội kín Kèo Xanh-Kèo Vàng đã tạo thành cơ hội ngàn năm có một cho Paul Ngọ trở thành ông trùm cờ bạc. Sau khi phong trào hội kín bị dập tắt bằng cuộc đàn áp đẫm máu, nhứt là vụ Phan Xích Long cướp ngục không thành… Nhà cầm quyền thay đổi hàng loạt các viên chức mẫn cán và sạch sẽ hơn. Viên chánh thanh tra Sài gòn vừa được đổi vè đã lập tức quan tâm đến hiện trạng cờ bạc lan tràn khắp cõi. Các tay lính kín mã tà vốn nhận bạc hàng tháng của Paul Ngọ lập tức cảnh báo và khuyến cáo Paul Ngọ đừng tiếp tục hoạt động. Không thể bó tay với cảnh ngồi không ngáp gió, Paul Ngọ bèn bóp trán suy nghĩ để đối phó với viên thanh tra khó nhai này. Một kế hoạch sau đó được tiến hành. Một vị bang trưởng hội Hoa Kiều được ấn vào tay một bó bạc Đông Dương, lập tức đến xin gặp vị chánh thanh tra. Vị bang trưởng xin phép vào ngày giỗ, mời viên chánh thanh tra đến nhà tham dự. Đểâ hòa đồng tạo thuận lợi cho công việc, ngài bèn nhận lời. Đúng ngày N giờ G, ngài chánh thanh tra đến với vài đệ tử thân tín. Buổi tiệc diễn ra hoành tráng và hữu hảo. Cuối tiệc, nhân lúc ngài chánh thanh ra đang ngà ngà say, mặt hớn hở do “thâm nhập quần chúng” thành công, viên bang trưởng thỏ thẻ: -Theo phong tục Á đông, sau tiệc chúng tôi muốn giải trí vài ván mạt chượt nhè nhẹ ăn thua vài đồng cho có không khí, chẳng rõ ngài chánh thanh tra có thể…? Dĩ nhiên đang vui, ngài gật đầu nhung không quên ngầm quan sát. Cờ bạc chút đỉnh trong không khí êm ả, cũng không đến nỗi… Ngài hài lòng ra về mà không nhận ra Paul Ngọ đang tới lui giữa các xới bạc hôm ấy như môt con thoi. Nửa tháng sau, ngài hết sức bực mình triệu tập thuộc cấp để hỏi xem vì sao không có một báo cáo gì về hoạt động cờ bạc của Paul Ngọ? Sau một lúc im lặng, một thuộc cấp dũng cảm trình bày: ngài cho phép rồi, hỏi gì nữa? Khi biết được mình đã rơi vào bẫy của Paul Ngọ, viên chánh thanh tra ngậm tăm để hàng tháng làm như vị tiền nhiệm nhận một mức “quà cáp”tương đương với cả chục mức lương do nhà nước Đại Pháp cấp cho… Paul Ngọ lợi hại là thế, nhưng kết cuộc cũng chảng khác gì các bậc tiền bối ngành tổ chức cờ bạc. Cuối đời, Paul Ngọ sống nghèo khổ và hàng ngày dắt chó đi dạo trên đường Võ thị Sáu trong bộ quân áo bạc màu tuy lành lặn hệt một lão nông tri điền đến tuổi tri thiên mạng… VỤ ĐẤU SÚNG KIỂU VIỆT NAM… Giang hồ từ sau thời Bảy Viễn không còn đơn giản. Vì nhu cầu mở rộng chiến tranh, Mỹ tăng cường từ một phái bộ quân sự vài ngàn người đóng ở Bến Bình Đông lên đến hàng chục nghìn rồi trực tiếp đổ quân theo Hiến Chương Vũng Tàu thời Nguyễn Khánh, cả miền Nam hóa thành trại lính. Bảo An Đoàn chưa tới 200.000 quân đã tăng lên già nửa triệu trong cái quân đội được đào tạo kiểu lai căng giữa Mỹ và Pháp. Các sĩ quan được đào tạo tại Pháp giờ đã là tướng tá quân đội Sài gòn, chỉ huy kiểu Mỹ nên không khỏi có phần lệch pha. Những du đãng hoặc có máu du đãng cũng vào lính và hành xử hết sức côn đồ, tùy tiện. Nguyễn viết Cần, lúc bấy giờ là một thiếu tá, nhưng cả miền Nam đều biết mặt biết tên và có phần kiêng dè. Đơn giản vì ngòai việc rất hung hăng, Cần lại là bào đệ của Nguyễn Viết Thanh-tướng tư lệnh vùng 4 chiến thuật kiêm tư lệnh quân đoàn 4, tức toàn cõi đồng bằng Sông Cửu Long. Như thường lệ, cả nhóm du đãng khoác áo lính, đúng hơn là sĩ quan, đi ăn chơi sau một chuyến hành quân nhọc mệt. Dẫn đầu là thiếu tá Nguyễn viết Cần và cả chục chiến hữu lũ lượt kéo đến vũ trường Tour d’I Voire(Tháp Ngà)ngay góc Trần Hưng Đạo-Bùi Viện. Trước đó đã có cả chục sĩ quan Bộ tư lệnh Đồng Minh, chủ yếu là sĩ quan Mỹ đang dành lấy một góc vũ trương. Chuyện không có gì đáng nói nếu như cô cave xinh đẹp nhất, mối ruột của Cần đang được một gã sĩ quan Mỹ dìu dặt theo tiếng nhạc trên sàn. Cần ngoắc quản lý lại và yêu cầu trả “đương sự về đơn vị cũ”… Tất nhiên bọn Mỹ không chấp nhận “chung sống hòa bình”. Lời qua tiếng lại biến cuộc thương lượng thành thách thức. Gã Mỹ đề nghị giải quyết theo kiểu Viễn Tây. Hai khẩu Colt 45 được mang ra trên một cái khay, nhưng súng mỗi khẩu chỉ có đúng 1 viên đạn. Cả hai được giải thích cặn kẽ về phương pháp đấu súng: Cả hai đâu lưng vào nhau đếm 10 bước quay lại và ai muốn bắn trước cứ bắn nếu đủ tự tin bắn trúng. Nếu bắn trượt, người còn lại có quyền đi lại gần để bắn cho chắc cú! Điều mà cả bọn sĩ quan Việt Nam không ngờ là gã sĩ quan Mỹ đối thủ của Nguyễn viết Cần không đơn giản: gã là vô địch bắn súng ngắn của Bộ Tư Lệnh Quân Mỹ đóng ở Việt Nam. Tóm lại, Cần chết chắc… Hiệu lệnh được phát ra, Cần bước đi được 3 bước bỗng quay phắt lại chỉa súng vào gáy gã Mỹ bóp cò! Cuộc đấu súng kiểu Mỹ chấm hết bằng kiểu hết sức Việt với sự thắng lợi của phe Nguyễn viết Cần dù không mấy vẻ vang. Cả 2 phe nhảy vào các chỗ khuất để biến cuộc đấu súng tay đôi thành cuộc chiến dành gái. Cho đến khi quân cảnh của cả Mỹ lẫn Việt đến nhặt toàn bộ về đồn, cuộc đấu súng mới chấm dứt với kết quả:gã sĩ quan Mỹ vô địch tác xạ chết toi! Do yếu tố chính trị và sợ tổn thương tình hữu nghị đồng minh, vụ án được xử lý êm bằng một sự vụ lệnh tống Nguyễn viết Cần ra vùng 1 kèm theo một giấy báo tử do công vụ cho gã sĩ quan Mỹ. HUYỀN THOẠI VỀ “TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG”… Đã có quá nhiều giấy mực dành cho 4 nhân vật du đãng cộm-cán miền Nam này. Tất cả, đến từ 3 nguồn. Một là do hồ sơ cảnh sát. Hai là câu chuyện truyền khẩu của cánh giang hồ em út, thậm chí có kẻ chưa từng biết tới địa bàn xuất thân của Tứ Đại thiên vương, chớ đừng nói chi đến biết mặt. Và hài hước nhất, có lẽ là hình ảnh Đại Cathay được khắc họa qua tiểu thuyết Điệu Ru Nước Mắt của nhà văn Duyên Anh-Vũ Mộng Long. Một ngày đẹp trời, Duyên Anh đi “Ô”, tức là vào động hút thuốc phiện làm một cặp cho phỉ chí bình sanh, bất ngờ hạnh ngộ Đại cathay. Sau khi trò chuyện, Đại tỏ vẻ mến mộ “kẻ có chữ nghĩa” và cho phép Duyên Anh viết về mình. Tiểu thuyết ra đời, một đàn em tí tởn mang đến cho Đại xem. Xem xong Đại bật dậy ra lệnh: Gặp thằng cha nhà văn này ở đâu, cắt gân nó cho anh! Cái chết của Trần Đại bởi bị điện giật chết cháy như một con heo làm Đại bị “tổn thương nghiêm trọng” và Duyên Anh lập tức lui về sống như một điệp viên trốn truy nã cho đến tận khi Đại cathay chết năm 1967… Có lẽ đó là vụ án văn tự đầu tiên của giới giang hồ mà sau này xảy ra không ít! Ngay cả cái chết của Đại cathay cũng không ít truyền thuyết. Có 2 câu chuyện đáng tin mà chính người viết đã từng tiếp xúc trực tiếp với “người trong cuộc”. Ba Gà, người cùng Đại cathay vượt ngục từ trại Cửu Sừng-Phú Quốc, được chọn chỉ vì là người nhái Hải quân, bơi lội giỏi kể r82ng Đại cathay bị trúng đạn của quân giải phóng khi lên bờ và khi nhảy xuống biển để trốn chạy bị chết đuối trước mắt Ba Gà. Nhưng đáng tin hơn là câu chuyện về Đại được kể do thiếu úy biệt kích, sau này được tuyển về Biệt đội hình cảnh lưu động thuộc bộ tư lệnh CSQG, tên là Thanh. Anh ta được lệnh nhảy toán vào vùng biển Hà Tiên-Kiên Giang để phục kích Đại. Tất cả thành viên đều ăn mặc theo kiểu quân giải phóng và sử dụng vũ khí cũng không phải của Mỹ. Sau khi hạ sát Đại cathay, Thanh đã chôn gã trùm dưới chân núi và được thưởng 20.000 đồng nhận từ tay Sáu Lèo, tức tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ai ra lệnh và vì sao, thậm chí đến nay cũng còn là ẩn số! Đại Cathay họ tên là gì, sống chết ra sao? Vẫn cứ là huyền thoại và tốn nhiều công sức của những kẻ rỗi hơi, nhưng những anh em khác của Đại như nhị ca Nguyễn thuận Lai-Huỳnh Tỳ, tam ca Nguyễn Kế Thế-Ba Thế, em út Ngô văn Cái-Woòng Cái? Họ đã quá già, kẻ chết, kẻ tu hành, kẻ rạc rài nghiện ngập. Nhưng đoạn kết của huyền thoại giang hồ thường là…không ra gì. Giang hồ mền Nam có câu: “Giang hồ cho lắm-Chết mang theo…cục máu bầm”. Vậy đấy! Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn ![]() ![]() ![]() ![]() |