GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH CHUYÊN NGHIỆP--tuyensinhtuyendung.vn

sonsongda

Junior Member
GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH CHUYÊN NGHIỆP--tuyensinhtuyendung.vn

Chỉ cách nay khoảng mười năm, chẳng mấy ai có khái niệm thuê người giúp việc gia đình, hay chấp nhận làm nghề này. Thế nhưng, cuộc sống ngày càng hiện đại, người ta càng ngày càng bận rộn nên nhu cầu cần người giúp việc gia đình ngày càng tăng. Có cầu thì có cung, và nhu cầu kiếm tiền bằng nghề giúp việc gia đình cũng trở thành một điều bình thường. Nhưng có mấy ai thuê được người giúp việc gia đình chuyên nghiệp (tức là được đào tạo bài bản) và cũng có mấy người (ở Việt Nam) dám bỏ tiền ra để học nghề này. Chưa nói đến liệu đã có mấy nơi mở trung tâm đào tạo nghề giúp việc gia đình?..

Nghề tự phát

Có lẽ ngay trong những văn bản nhà nước cũng chưa có mục nào quy định cụ thể về nghề giúp việc gia đình. Và bản thân cái nghề này từ khi xuất hiện cũng chỉ mang tính tự phát. Phần lớn người giúp việc đều là phụ nữ và đến từ nông thôn, hành nghề bằng... thói quen và kinh nghiệm bản thân. Họ cứ "cảm thấy" làm được nghề này là... làm. Lên các trung tâm giới thiệu việc làm đăng ký và chờ đợi, hoặc một bộ phận là các gia đình ở thành phố có nhu cầu thì về các vùng quê tìm người.

Ngân -17 tuổi - quê Vĩnh Phúc, nghỉ hè ở nhà không có việc gì làm, quyết định lên thành phố... chơi và đăng ký đại vào một trung tâm giới thiệu việc làm với nghề giúp việc gia đình. Sau hai ngày thì được gia đình bà Công Thị Hậu (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) thuê, nhưng làm được hơn một tuần thì Ngân bị đuổi vì lý do không biết nấu nướng, giặt quần áo thì bẩn, thêm cái tội... ở bẩn và không biết chăm em. Nhà chủ tử tế cho ít tiền công nhưng trung tâm giới thiệu Ngân làm việc thì bị “phê bình” vì giới thiệu người không "chuẩn", vì lý do này nên khi Ngân quay lại trung tâm thì người ta cũng chẳng buồn giới thiệu Ngân làm việc gì nữa. Thế là hết chuyến đi chơi ở thành phố, Ngân lại khăn gói về quê vì có ở lại thì cũng không có việc làm và cũng chẳng có tiền mà trụ lại.

Bà Hạnh, 55 tuổi, quê Thanh Hóa lên ở nhà chủ được hai hôm thì bị ông chủ đuổi vì cái tội... đánh con họ. Tình cờ ông chủ nhà phát hiện ra bà đang đánh đứa con mới hơn hai tuổi của họ, hỏi tại sao thì bà bảo nó hư, trẻ con ở quê đứa nào chả bị đánh thế. Đánh cho nó quen đi! - Bà bảo vậy. Mặc dù bà khóc sướt mướt muốn ở lại trông cháu cho ông bà chủ nhưng họ nhất quyết gửi trả lại bà cho trung tâm giới thiệu việc làm.

Chị Nguyễn Thị Mai, nhà ở Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Sau hai lần thuê "ôsin" phải cho nghỉ ngay từ tuần đầu, đến lần thứ ba, thuê được một cô "ôsin" 18 tuổi, được gần hai tháng thì phát hiện ra cô "ôsin" này rất thích ăn ngon và "tham nhũng" tiền đi chợ. Vốn là người dễ tính, chị Mai thường để khá nhiều tiền đi chợ ở nhà và dặn "ôsin" tự quyết định việc ăn uống của cả nhà, cứ hết tiền chị lại để vào ngăn kéo và cô "ôsin" chủ động lấy ra đi chợ. Quả thực, cả nhà từ khi có ôsin ngày nào cũng được ăn uống ngon lành, nhưng chỉ mới hơn một tháng trời chị đã tốn tới ba bốn triệu chi cho việc ăn uống hàng ngày. Nếu chỉ có thế thì đã không nên chuyện, nhưng chỉ vài lần chị để ý đến thực đơn và số tiền đi chợ hàng ngày của "ôsin" thì thấy số tiền "vênh" khá lớn. Vậy là đành phải đuổi việc cô "ôsin" háu ăn này. Đến giờ chị vẫn chưa tìm được một người giúp việc gia đình nào ưng ý.

Nhìn nhận khách quan thì hầu hết lao động giúp việc gia đình là những lao động phổ thông, họ thiếu những thông tin và sự bảo trợ cần thiết khi làm nghề này. Các trung tâm giới thiệu người đa phần chỉ đơn giản là tìm người và giới thiệu chứ ít kiêm thêm việc đào tạo, người lao động nếu bị gia chủ trả thì ngay lập tức được đưa tới nhà khác. Vì họ không có khả năng làm tốt nên dù đến nhà khác vẫn rất dễ bị tiếp tục cho thôi việc...

Phải coi đây là một nghề chính thức

Ở các nước phát triển, nghề giúp việc gia đình (OSIN) được coi là một nghề chính thức và được đào tạo bài bản. Thu nhập của họ từ nghề này cũng rất cao, thậm chí cao hơn nhiều so với một số người làm văn phòng. Tuy nhiên, ở nước ta, đến nay nghề giúp việc gia đình mặc dù nhu cầu xã hội là rất lớn nhưng người ta vẫn chưa coi đây là một nghề thực sự và chưa ý thức được việc phải học và đào tạo cũng như tìm người giúp việc gia đình có "chuyên môn" thực sự.

Hầu hết những người giúp việc gia đình đều xuất thân ở nông thôn, trình độ văn hóa thấp hoặc không có, điều kiện tiếp xúc với những vật dụng hiện đại trong gia đình không có nên hoàn toàn bỡ ngỡ khi sử dụng. Chủ yếu người giúp việc được thuê để chăm sóc người già, trẻ nhỏ và làm việc gia đình nhưng hầu hết họ đều không có kỹ năng trong những công việc này. Hại nhất vẫn là việc gia chủ để "ôsin" chăm sóc con cái mình. Do không có kiến thức chăm sóc trẻ con, chỉ làm theo thói quen ở quê, thêm vào đó là trình độ văn hóa hạn chế nên việc được giao "toàn quyền" đối với đứa trẻ của gia chủ trong ngày là việc làm hết sức khó khăn đối với người giúp việc. Nếu gặp phải những người giúp việc không biết cách chăm sóc trẻ sẽ gây tác hại rất lớn cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều kiện thực tế là vậy, thêm vào việc quá khó khăn trong việc tìm người giúp việc nên nhiều gia đình vẫn phải chấp nhận thuê những người giúp việc không chuyện nghiệp như vậy. Và tất nhiên, thu nhập của những lao động này cũng hạn chế theo trình độ của họ.

Để đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo việc làm và thu nhập ổn định, người giúp việc cần phải được học nghề, qua một khoá tập huấn về những công việc cụ thể, được cung cấp những kiến thức, cách thức sử dụng các vật dụng hiện đại, cách chăm sóc người già, trẻ nhỏ, cách giao tiếp... Đã đến lúc chúng ta cần coi giúp việc gia đình là một nghề.
Đào tạo nghề cho người giúp việc gia đình đang là thị trường bỏ ngỏ, chính vì chúng ta chưa coi đây là một nghề chính thức nên người giúp việc muốn học cũng chẳng biết tìm đâu. Người lao động bỏ quê lên thành phố cũng vì gánh nặng mưu sinh, tìm được việc đã khó, trụ được với công việc còn khó hơn rất nhiều,... Nên chăng chúng ta phải có thái độ nghiêm túc với nghề này, để từ đây người giúp việc được hưởng những quyền lợi cũng như các chế độ lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động bình đẳng như những nghề nghiệp khác. Đã đến lúc chúng ta cần có thái độ ứng xử đúng với nghề giúp việc gia đình.

Có thể xem trực tiếp, đầy đủ tại: ĐÂY
 
Back
Top