Góc phố

Jolie

Member
Như mọi ngày, sáng nào tôi cũng đạp cái xe cọc cạch qua góc phố đó để đi làm. Giờ giấc thì vẫn thế, song quang cảnh góc phố thì lại thay đổi nhau. Vào những ngày tháng 4 dương lịch, khi tôi đến phố thì trời đã sáng be sáng bét. Ngược lại khoảng tháng 10 dương lịch cho đến tận cuối năm thì trời vẫn còn tối bưng bưng. Nhưng cho dù sáng tối, nóng lạnh thế nào thì tôi vẫn gặp ông lão ngồi ở nguyên cái ghế đó. Và cho dù thời tiết thay đổi ra sao trên người ông ta vẫn khoác chiếc áo măng tô dầy cũ. Ông lão đã già rồi, khoảng 60 ngoài gì đó, tôi nghĩ thế, nhưng chẳng bao giờ tôi hỏi ông ta về tuổi tác đã có. Sự tiếp xúc của xã hội cho tôi biết rằng hỏi tuổi của một người không phải thân thuộc trong gia đình là một điều tối kỵ, không thể chấp nhận được.

Ông lão ngồi đó một mình, khi thì nhai nhóp nhép một mẩu bánh khô, khi thì đăm đăm nhìn vào một chốn nào đó. Cạnh bên là một trạm xe buýt, người chờ đợi buổi sáng rất nhiều, song chẳng ai nhìn đến ông già. Có lẽ họ sợ phải biết thêm một điều vốn họ không muốn biết, hay là ngại làm thân thì ông lão sẽ mở miệng xin xỏ gì chăng.


Lần nào trông thấy tôi đạp xe tới, ông lão cũng cất tiếng hi chào tôi trước. Rồi không đợi tôi trả lời, ông đã quay ra vui với lon bia cối, giấu trong túi giấy vàng. Trăm người già ngồi ở chốn công cộng một mình là y như đều ít nhiều nghiện rượu. Họ phải uống lén lút vì sợ cảnh sát bắt gặp sẽ lôi thôi. Ông chắc là người homeless, chẳng có con cái, người thân. Có khi tối tối mượn luôn cái ghế làm chỗ ngủ, mặc kệ tạnh gió hay lạnh ấm thế nào.


Có lần ông lão hỏi tôi:


- Sao mày không sắm một cái xe hơi đi cho nhanh. Đạp chi cái xe thổ tả ì à ì ạch, vừa lâu vừa mệt.


Tôi cười cười nói với ông:


- Bố cho con mượn tiền đi, con mua xe ngay. Cuối tuần sẽ chở bố đi chơi, ra biển xem bọn nữ cởi trần phơi nắng.


Ông lão cười khành khạch:


- Me,ï ăn còn chẳng có lấy tiền đâu cho mày mượn mua xe. Thằng quỉ, thấy lão trên răng dưới dế, rồi chọc lão đấy chăng.


Tôi vội phân trần với ông:


- Con không có ý coi thường bố đâu, bố ạ. Con nào có hơn gì bố đâu. Đời ai chẳng muốn sướng bố, khổ nỗi con cố hoài mà chẳng được.


Xem bộ ông lão thích cái lối tưng tửng của tôi, ông hẹn hò:


- Mày đi làm đi cho kịp giờ. Lúc nào rỗi ra đây tụi mình trò chuyện.


Vậy mà tôi vẫn không giữ lời hứa với ông lão được. Mãi đến hôm bất chợt thấy cảnh sát đến hỏi han ông lão, vừa đi tới, tôi đã nhận bừa là ông ở chung chỗ thuê với tôi, ra đây ngồi chờ tôi cùng đi gặp bạn. Cảnh sát có vẻ không tin, nhưng thấy ông lão chưa vi phạm gì và dẫu có đưa ông về quận thì cũng đến phải thả ông ra, chứ chỗ đâu mà chứa cho hết người không nhà.


Được thả, ông lão gật gù:


- Thằng nhỏ được, được, tao chịu mày.


Rồi ông thu vén bớt mấy cái món lỉnh kỉnh trên ghế, bảo tôi ngồi cạnh. Nhìn trước nhìn sau không thấy ai, ông lôi trong bọc ra ve rượu con tí xíu, dúi vào tay tôi:


- Uống đi cho ấm bụng rồi bọn mình đấu láo.


Tôi lại còn sợ hơn ông lão. Tôi chỉ lên bảng cấm gần đó hỏi:


- Ông không sợ sao, người ta cấm không cho nhậu nhẹt chốn đông người. Nhưng ông lão cười hỏi lại tôi:


- Mày có thấy cấm được hết không? Cấm uống mà vẫn cho làm ra, cho bán, vẫn nhận thuế đều đều. Các ông bà có nhà mua cả két về, nào có ai cấm cản đâu. Chắc họ được rượu miễn trừ tác động hẳn. Hay là rượu vào họ còn dậm dật phạm tội hơn ai. Nhưng mà thôi, mày không muốn uống, tao cũng chẳng ép.


Ông nhận ve rượu, đưa lên miệng tu một ngụm rồi cất lại vào túi.


Tôi nói với lão:


- Trước con cũng uống dữ lắm bố. Song từ ngày bỏ quê sang đây con không còn thiết nữa. Vì uống vào, rượu nhắc con nhiều điều, từ chua cay cho đến tình đời còn mất.


Chừng ông lão xúc động hỏi tôi:


- Mày đừng cho tao tò mò, chứ mày ở đâu đến đây. Người Á Đông chúng mày đứa nào cũng na ná giống nhau nên tao không nhận ra được ai là Nhật, Tàu hay Phi...


Tôi nói với ông về cái chốn đất Việt khổ sở của tôi. Mắt ông lão sáng lên, như vừa tìm lại được một món quà đánh mất. Ông nói: - Trời ơi vậy mày là người Việt à. Tao có ở đất Qui Nhơn của mày. Hai năm dài và sợ nữa. Vậy mà bây giờ về, lâu lâu còn nhớ hoài. Đất nước mày đẹp, biển hiền hòa mà sao oan khiên lắm thế. Như tao về đây mà vẫn phải đón nhận sự hững hờ của quanh mình. Họ coi tao như một thằng đánh giặc mướn nên chẳng buồn han hỏi đến tao. Cũng may còn lành lặn, chứ mấy thằng bạn tao thương tích, giờ thui thủi trong những trung tâm xã hội. Nghĩ mà buồn.


Tôi hưởng ứng với ông ta:


- Cả hai chúng ta có thời đã sát cánh bên nhau nghĩ rằng chiến đấu để giữ gìn tự do, hạnh phúc cho đàn bà, con trẻ. Thế nhưng ván bài đã xóa đi, nên bây giờ cả hai đành nuốt hận. Bố còn có một quê hương để mà đi mà ở, chứ bọn con vừa thua trận mà lại mất cả quê hương.


Ông lão rưng rưng mắt. Ông lần tìm bàn tay tôi, xoa xoa nhẹ và ủi an:


- Hết đêm rồi sẽ sáng. Thế nào cũng có ngày mày lại trở về. Tao cầu mong mày sẽ tìm lại được chính mày nơi chốn quê hương đánh mất đó.


Nghe nói mà tôi thấy nước mắt chảy tuôn. Ông lão nói thêm: - Mày đừng khóc chứ, khóc có gỡ được gì đâu.


Tôi ngồi nói chuyện với ông lão rất lâu. Nghe bao nhiêu mảnh đời nơi cái góc phố dường như vô tình này. Tôi mới nhận ra còn rất nhiều điều chưa biết tới, dù hằng ngày vẫn đi qua đi về góc phố này. Ông lão cho tôi biết về những tâm tư ông lão đã đón nhận từ cái ghế ông ngồi đó. Ông kể có lần một con bé đến gặp ông xin uống rượu. Ông hỏi nó căn cơ, nó bảo bị thằng bồ đá khi nghe nó than có bầu. Ông khuyên con nhỏ đừng vướng vào rượu, đã chẳng rửa được gì mà còn mang họa vào thân. Rồi ông bảo con nhỏ về, ít lâu sau gặp lại con nhỏ đã tìm được hạnh phúc khác, cho dù đứa con lầm lỡ sinh ra đã được lẳng lặng đem cho một thánh đường nào đó đến nay không còn biết đứa bé ở đâu, ra sao nữa.


Ông cũng kể về những tâm sự mà ông nghe được rải rác từ nhiều con người, chung quy cũng chỉ đều từ khổ đến khổ. Sau cùng thì ông kết luận:


- Xem ra chẳng nơi nào có hạnh phúc thực sự. Âm thầm mà nhận thì ai dường như cũng khổ đau như nhau, cho dù là có của đi chăng nữa.


Cuộc trò chuyện tưởng là khơi khơi, vậy mà đã để lại một dấu ấn trong tôi. Từ đó thỉnh thoảng tôi vẫn ra tìm ông lão để chuyện vãn cho có cảm tưởng như mình vẫn còn ở nơi quê nhà. Tôi được nghe lại một bãi biển mà đã có lần tôi ghé chân qua. Bây giờ thì quê hương đó vật vờ đâu nơi chân trời cuối đất.


Cho đến một hôm tôi đạp xe đi làm thì thấy cái ghế trống. Tôi như bị mất đi một mảnh hồn và thờ thẫn như người cuồng. Tôi dựa xe vào ghế, ngồi vào cái chỗ lần trò chuyện với lão ông. Tôi nghe cay đắng như vừa nuốt lầm viên độc dược. Tôi trông lên ngọn cây còn chưa tắt ánh đèn. Lời ông lão vang vang:


- Mày hãy trông lên ngọn cây kia. Mày có thấy gì đó không. Có những con chim nhỏ bé bay lòa xòa theo chiều thẳng đứng. Đó là giống hummingbird của xứ tao. Con chim đó nó nhỏ nhoi quá, giá như có muốn săn để ăn thì thịt cũng không nhét lọt kẽ răng nữa. Vậy mà vẫn có kẻ tìm giết đi làm chuyện bông đùa. Mày thấy đó con chim chỉ xin một khoanh trời tí hon mà cũng không được. Một ngày nào mày sẽ thấy xác con chim nằm lạc lõng ở rìa đường. Cái người săn con chim đã quẳng nó đi sau khi săn được nó. Vậy thì giết để làm gì, chẳng nên để cho con chim nó sống để ngày ngày còn thấy nó vờn vờn nũng nịu chẳng vui hơn sao?


Tôi lẩm bẩm:


- Thế nên bố cũng biệt dạng là vì thế. Chỉ còn góc phố này hờ hững đón người qua kẻ lại và những chuyến buýt vào ra. Từ đó tôi bỏ rơi góc phố. Mỗi lần đi làm, tôi đạp xe đánh vòng rộng. Tôi sợ khi đi qua cái ghế trống tôi lại sẽ khóc lẻ loi.


Đỗ Thành

(Tíu tít tiếng cúc cu)




 
Back
Top