Gánh xiếc

Jolie

Member
Tôi được xung vào gánh xiếc để đi lưu diễn khắp nơi. Gọi là gánh cho oai theo ý ông chủ, chứ thật ra chỉ lèo tèo dăm mống, vừa người vừa thú, tạp nhạp đủ món, ông chủ cười hề hề nói kiểu “ văn nghệ tạp lục “ thời Tùng Lâm đó mà.


Tôi nghĩ bụng với lực lượng như vầy thì diễn sao cho đắc địa đây, nhưng ông chủ một hai nói cứ đi, đừng có lo. Ông giảng giải : người ta gánh lớn, đào kép đông, có danh có tiếng mới cần tính toán lời lỗ, còn mình cốt chạy rao hàng, lủi tuốt về mấy miệt cả năm chẳng có chương trình giải trí nào mò tới thì chắc ăn.


Vả chăng hàng họ ông chủ giao đều là những thứ lưu cữu lâu năm, dân thành thị chẳng ma nào thèm rớ tới, chê cũ chê hư, chê không hợp thời, nên ông muốn đưa về những nơi chó ăn đá gà ăn sỏi, may ra gỡ được đồng nào đỡ đồng đó, còn hơn liệng uổng.


Tôi được giao cầm đầu mớ quân thiên lôi đó vì trong đám xem ra tôi có chút tài vặt. Mấy con khỉ khọt khẹt hổng nói làm gì, còn thêm con bé ca vọng cổ ông ổng hổng đờn phách gì ráo và một mẹt để bày các món mời rao, chỉ có tôi là nổi đình nổi đám nhứt.


Đến đâu tôi sai thằng tửng gõ mấy hồi trống, chờ bà con tập trung thì đưa ba con khỉ ra chạy xe đạp vòng vòng, hay giành đá banh, trong khi tôi cầm đàn gẩy phừng phừng, miệng thổi vô cái harmonica được giữ bằng miếng sắt ngang tầm miệng.


Vậy mà bà con khen rối rít, chỉ trỏ tôi như bậc anh hùng. Tội nghiệp, cả năm cả đời có tận mắt thấy ai biểu diễn tuồng trò gì đâu, nên bây giờ coi chùa sao chẳng háo hức. Các cô thuở giờ chưa nhìn xa hơn chót mũi, nay lấp ló có bóng trai ở xa dìa sao hổng thấy nôn nao.


Phương chi tôi cũng ranh, cứ xen hết trò khỉ lại giúi con bé ca xàng xê hay xuống xề mấy câu vọng cổ là bà con xuýt xoa tệ mạng. Mấy bài hát tôi chọn thường có những câu cỡ mẹ ơi đêm trường nằm buồn thiu con tận cùng nhớ mẹ. Nhớ buổi mai mẹ thức dậy nấu cơm, gọi bọn nhóc lo tới trường cho kịp, bây giờ con một mình, nhìn vào đâu chẳng thấy mẹ yêu, sao mẹ nỡ bỏ con mà đi biệt hổng…dzề.


Con nhỏ ca có câu có kệ, lúc xuống xề nó gân cổ mà thương, hèn chi mấy má đang nhai trầu cũng khựng lo lấy cái khăn rằn lên chậm mắt. Nói chi ba cô gái mới lớn nuớc mắt chảy ròng ròng. Bạc cắc, tiền giấy gì quăng lên cho con nhỏ. Tôi từ chối, nhưng bà con cô bác nạt : tụi tui cho nó chớ bộ cho ông sao mà hất phủi ra.


Đó tình thương yêu miệt quê vốn là như vậy. Bởi khi gánh xiếc về tới thôn nào trúng mùa thì được đãi ngộ ê hề. Chú bác, cô dì, các chị đang rần rần gom lúa, cân đong cũng để mặc đó lo coi xiếc cái đã.


Thấy con khỉ lí lắc ai cũng cười ồ. Mấy ông còn nhắn nhủ : tụi diễn cho ngon rồi lát tới nhậu dzui nghen. Tôi ớn ợn ba cái trò “ lì một lam “ này mà trốn hổng nổi, mười lần như một đều cho chó ăn chè, bữa sau bị mấy cô cười rúc rich ê đời quá cỡ.


Lần về thôn ở tuốt đất Mũi, tôi còn bày thêm trò phóng dao chơi. Tôi dựng tấm ván và biểu thằng tửng làm bia thách ai dám lên nhận bó dao mà phóng. Dĩ nhiên chẳng ma nào dám làm, các bà còn khuyên hát xiệc được rồi đừng bày đặt đổ máu hổng nên.


Chả tôi làm vậy thì mới đánh động được lòng tội nghiệp của bà con mà gạ bán cái gương, cái lược, cái kẹp, cái trâm cho hết mớ hàng đọng chớ không ăn lương của chủ coi sao được.


Miệt quê, người ta chân chất, thấy đám lau nhau khiêng bợ hà rầm thì kháo nhau mua giúp kẻo tôi, cho nên chuyến đó tôi trúng mánh lớn. Hàng bán vơi hẳn đi, lại còn được bà con hú cho ăn nữa chớ.


Đúng là kỷ niệm nhớ đời. Ngày chia tay bồ đoàn kéo nhau xuống thuyền mà tôi còn được thêm một món quà nữa. Số là ghe sắp tếch ra sông thì có tiếng ơi ới gọi theo. Tôi nhón chưn thấy một cô ôm mớ khăn xin đi theo cùng chuyến. Ngỡ là khách quá giang đò, dù đã thuê bao nhưng tôi cũng không hẹp hòi ngăn cản.


Thuyền đi đã xa, tôi hỏi cô muốn đến đâu để ghe tấp vô, cô gái nói dẻo nhẹo : thì anh đi đâu em theo đó. Tôi hết hồn, dòm lồm lồm, cô nhỏ thẹn đưa mớ khăn che má. Hỏi han thêm mới biết cô lỡ tương tư tôi, cô khen hà rầm : chèn ơi, thấy anh vừa đàn vừa thổi cái kèn lí le lí lo em mê muốn chết. Rình ghe anh lui, em vọt đi theo.


Tôi la chói lỏi : mê gì mê độc vậy cưng, rồi em có thưa cha thưa má gì hôn, rủi ông bà già nóng ruột đi kiện anh tội dụ dỗ thì oan ơi ông địa. Cô gái nói ráo hoảnh : ở đó mà sợ, tía má em có lên đồn lên bót bao giờ mà biết thưa với gởi ai. Tụi bạn con nào đi theo người ta chừng một hai năm ẵm con dzìa, ông bà ngoại thấy cháu cũng tha tào hết.


Tôi xẩu mình tổ chảng, đầu tóc muốn rối bù. Thân tôi chưa xong, giờ còn đèo bòng thêm cục nợ. Tôi hỏi trỏng không : đi rồi lấy gì ăn. Cô gái nói xảng : người ta sống đặng thì mình sống đặng. Anh lo gì cho mệt xác. Vấn đề là anh có ưng tui hôn thôi.


Thuyền đã đi xa lắc xa lơ, có ưng hay không chẳng lẽ quay đầu lại. Nên âu là duyên trời đã định, có chạy cũng hổng khỏi, tôi cắn răng mà nhín cho rồi. Đêm lưu diễn, gặp mùa nước nổi, rong trôi triền miên, nằm trên ghe nghe tiếng nước vỗ óc ách mạn đò, buồn da diết, cô gái cứ nhõng nhẽo : anh ơi em lạnh, cho em nằm ké lấy hơi chút coi.


Tôi nẫu người muốn chết, cô gái nói mà lăn đại vô lòng. Chao ơi, nỗi nhớ nhà sao mà mênh mang hổng biết. Lẹo tẹo hồi nào dính chấu hổng hay, một bữa nghe cô gái ụa khan phía sau ghe, tôi điếng muốn tắc thở. Rờ bụng em thấy nhu nhú ê càng.


Tôi hối hả đưa gánh về gặp chủ. Nghĩ kiểu này chắc ổng cho nghỉ việc ngay, dè đâu ổng thấy cô ta lại khen : anh cũng khéo lựa dzợ đó chớ. Ổng còn dặn dò ờ có bầu có bạn đi cũng thấy dzui và a thần phù ổng để cô nhập vô luôn gánh cho gọn.


Kỳ đó cô sinh thằng tèo. Cục nợ nhỏ con mà trái ớt thiệt to, tôi chúm chím cười bị vợ nạt : anh hay nghĩ tào lao thiên đế. Vợ chồng mừng húm, người ta giàu có đã đời mong một thằng con khó kể chi, còn tôi chơi chơi mà cũng có vốn cầm tay.


Những lúc nghỉ diễn, tôi thường giỡn bà xã nói để lớn tôi chia bớt cây đờn cho nó còn tôi chỉ thổi kèn mà thôi, vợ hứ hó nạt : anh làm như suốt đời ôm cái gánh rong này mà lo truyền nghề cho con. Định thứ gì cao sang hổng muốn, chắc mong ôm dài cuộc sống này sao.


Mùa sông tràn bờ, thấy vợ đăm đăm buồn, tôi thỏ thẻ hỏi, em nói : bỗng dưng em nhớ tía má. Mùa này sông nước dưới mình mặn cũng lấn bờ, bà con hối hả lo gặt để lúa thấm se mình se mẩy hết. Chưa chi, nàng dụ khị tôi : hay là vợ chồng mình trở lại lưu diễn đất Mũi một phen nghe anh.


Tôi nghe mà chua xót. Nàng còn có một nơi tìm về, còn tôi nào biết tía má nơi dâu mà lặn lội về thăm. Tôi đem xót xa chia cùng vợ, nàng rơm rớm nước mắt nhưng bình tĩnh ngay được : anh sao đàn ông mà yếu đuối. Bộ tía má em anh hổng gọi là ba mẹ sao, còn đỡ hơn là hổng có gì hết.


Tôi thấm ý vợ, đem ý kiến trình bày chủ. Ổng mau mắn liền, có lẽ tạo dịp cho vợ chồng tôi gặp bên ngoại là một phần, còn ổng nghĩ đến mối hàng bán đắt khách là chính. Thây kệ, một công đôi chiện, vừa lời chủ vừa lợi tụi tôi.


Thuyền thong dong đi một mạch. Nôn trong bụng phải dzìa tới nhà trước rồi ghé đâu mới ghé. Bữa ghe tấp đầu sông rẽ vô mũi, chợt hai vai vợ rung rung, tôi kè bên hỏi : sao khóc. Nàng bỏm bẻm : em nghĩ tía má thấy thằng cu chắc hổng giận em đâu. Tôi kê đầu nàng dựa vào vai nói bù trất : ối, tía má giận thì có hao hớt đâu mà lo.


Thằng tửng đánh trống cao hứng nổi khùng điên gì hổng biết, khi không gõ thùng thùng. Bà con đang ở ruộng nhìn lên reo inh ỏi : gánh hát con Tư dzìa và bỏ ngang công việc lên chờ đón.


Ghe tấp vô, líu ríu tiếng người kêu. Mấy bạn của nàng tíu tít chạy ra khi thấy cổ lên bến. Thằng nhóc đi theo một bên lạ hoắc lạ huơ. Các cô xúm vô nắm tay nắm chưn, thằng bé đeo vạt áo mẹ trốn.


Tuy đã đoán mà các cô cũng hỏi bà xã : chớ đứa nhỏ nào đây. Vợ tôi cười trong nước mắt ròng ròng : nó là con em chớ ai. Tôi nghe lõm bõm như tiếng cá đớp rong kêu lách chách.


Bóng ông già tía rị lại với cái lôi của bà già. Vợ tôi chạy lại ôm chầm lấy bà kêu : Má thật to. Bà già lau vội cái khăn rằn, quay qua chồng nhắc : con nó chào kìa, ông. Thằng nhỏ lon ton nép sau mẹ. Vợ tôi kéo ra bắt khoanh tay thưa : chào ông bà ngoại đi con.


Tôi còn đứng ở xa xa chưa dám léo hánh tới. Loáng thoáng nghe má vợ hỏi : chớ còn thằng chồng mày đâu. Tôi chạy a lại kêu tiếng “ Má “ như vợ rồi không nói gì được nữa.


Đỗ Thành






 
Back
Top