T
T$
Guest
- 13 tháng 2 2015
Nga sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt mới từ EU nếu thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Ukraine không được thực thi trọn vẹn, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo.
Bà nói các lãnh đạo EU đã yêu cầu giới hữu trách chuẩn bị các lệnh trừng phạt mới trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn bị vi phạm.
Lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Đức, Pháp đã đi đến một thỏa thuận vào ngày 12/2, sau đàm phán tại Belarus.
Lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/2, nhưng cả hai phía vẫn tỏ ra nghi ngờ về khả năng thỏa thuận này được tuân thủ.
Quân nổi dậy thân Nga đã ký vào thỏa thuận, vốn bao gồm việc rút lui vũ khí và trao đổi tù binh, nhưng các vấn đề trọng yếu vẫn chưa được giải quyết.
Giao tranh giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy tiếp tục diễn ra vào ngày 12/2, trong lúc một chỉ huy thân Nga nói các binh sỹ của ông sẽ không ngừng chiến đấu.
Hàng nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài gần một năm qua.
Trong một diễn biến khác, trong thông cáo hôm 12/2, Ngân hàng Thế giới cho biết đã sẵn sàng cung cấp gói viện trợ tài chính trị giá 2 tỷ đôla cho Ukraine trong năm nay. Đây là một phần trong gói viện trợ từ quốc tế nhằm giúp Ukraine cải cách kinh tế.
Một trong các điểm còn gây tranh cãi là Debaltseve, thị trấn trọng yếu đang nằm trong vòng vây của quân nổi dậy.
Các cuộc đối thoại về quyền tự trị của vùng Donetsk và Luhansk cũng sẽ được tiến hành.
Thỏa thuận mới nhất bao gồm các điều khoản:
- Lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào lúc 00:01 giờ địa phương ngày 15/2
- Rút lui vũ khí hạng nặng, bắt đầu từ ngày 16/2 và hoàn tất trong hai tuần sau đó.
- Trả tự do cho tất cả các tù binh, ân xá cho tất cả những ai tham gia xung đột
- Rút lui toàn bộ quân đội và khí tài nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Giải giáp tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp.
- Chính quyền Ukraine phải dỡ bỏ các giới hạn hiện nay để cho phép người dân trong khu vực do quân nổi dậy kiểm soát quay về cuộc sống thường ngày.
- Sửa đổi hiến pháp để cho Đông Ukraine quyền tự trị vào cuối năm 2015
- Ukraine được phép kiểm soát vùng biên giới với Nga nếu các điều kiện cần thiết được đáp ứng trước cuối năm 2015.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói thỏa thuận này mang lại "một tia hy vọng", trong lúc Tổng thống Pháp Francois Hollande nói "những diễn biến trong vài giờ tới sẽ mang tính quyết định".
Nhà Trắng hoan nghênh thỏa thuận mới, gọi đây "có thể là một bước tiến đáng kể", nhưng cũng bày tỏ quan ngại trước giao tranh hiện nay ở miền đông.
"Tất cả các bên cần kiềm chế trước khi lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực vào Chủ Nhật. Quân đội Nga và phe nổi dậy cần ngưng các đợt tấn công nhằm vào Debatlseve và các thị trấn khác của Ukraine," Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói trong một thông cáo.
Thủ tướng Đức cảnh báo: "Chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng có hành động xa hơn nếu các thỏa thuận mới không được thực thi".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng tuyên bố khối này sẽ "không ngần ngại tiến hành các biện pháp cần thiết" nếu thỏa thuận đổ vỡ.
Phía ly khai cũng chào đón thỏa thuận mới một cách thận trọng, tuy nhiên, thủ lĩnh phe ly khai ở vùng Donetsk, ông Alexander Zakharchenko, nói Kiev sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu thỏa thuận này đổ vỡ và cảnh báo khi đó sẽ "không có thêm cuộc họp hay thỏa thuận mới nào".
Ông Poroshenko, người cáo buộc phía Nga có những yêu cầu "không thể chấp nhận được" - cho biết quân nổi dậy đã mở đợt tiến công mới sau khi thỏa thuận tại Minsk được công bố.
Các đợt giao tranh mới nhất nổ ra giữa lúc quân đội Ukraine cho biết 50 xe tăng Nga cùng với xe bọc thép và xe phóng tên lửa đã tiến vào lãnh thổ Ukraine ngày 12/2.
Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga chi viện vũ khí và quân chính quy cho phe nổi dậy. Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Hơn 5.400 người đã thiệt mạng từ khi xung đột nổ ra.
Số lượng thương vong đã tăng vọt trong những ngày gần đây, với 263 thường dân thiệt mạng tại các vùng đông dân cư từ ngày 31/1 đến 5/2.
Theo BBC Vietnamese